Nghệ nhân Pờ Lóng Tơ (Ảnh minh hoạ nguồn internet)
Tổ tiên Hà Nhì ta ở đó…
Sử thi P’huỳ Ca Na Ca dài hàng đêm kể của người Hà Nhì được mở đầu như thế. Với chất giọng trầm ấm, khỏe khoắn, nghệ nhân Pờ Lóng Tơ là người duy nhất trong cộng đồng dân tộc Hà Nhì ở Việt Nam còn lưu giữ được gần như nguyên vẹn sử thi này.
Ở đầu nguồn Nà Ma
Tổ tiên Hà Nhì ta từng sống
Tận đầu nguồn Nà Ma
Sinh năm 1950 tại bản Mù Cả, xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, nghệ nhân Pờ Lóng Tơ có nước da ngăm đen của một cụ già miền sơn cước cùng vóc người quắc thước nhưng rắn chắc của một chiến binh thời trai trẻ đã cho ông có được một sức khỏe và một nghị lực phi thường. Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà nhỏ đơn sơ nép mình bên sườn đồi cuối bản. Ông trầm ngâm kể lại cái “huyền tích” diệu kỳ của việc lưu giữ sử thi
P’huỳ Ca Na Ca, điều mà không ít người cho ông là gàn dở, và gọi ông bằng cái tên “Tư Khùng”.
Vốn xuất thân trong một gia đình thổ ty thời chế độ cũ. Đời ông, đời cha của nghệ nhân Pờ Lóng Tơ đều làm thống lý vùng này. Ngày ấy, Mường Tè vẫn còn heo hút. Quanh bản còn thấy vết chân hổ nhiều hơn dấu chân người. Từ nhỏ, ông đã được tiếp cận với nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng – những sinh hoạt mà theo mô tả của ông thì chỉ có những gia đình giàu có, quyền quí mới có thể tổ chức được, trong đó có những đêm hát kể
P’huỳ Ca Na Ca.
Nghệ nhân Pờ Lóng Tơ cho biết:
P’huỳ Ca Na Ca có nghĩa là “Cuộc tranh đấu giữa người Hà Nhì với người Hán”. Nội dung của nó phản ánh về một thời lịch sử bi hùng của người Hà Nhì khi còn quần cư “7000 hộ” nơi vùng đất tổ Na Chô Chô Ứ, ở thượng nguồn suối Nà Ma, bên dòng sông Ha Sa trù phú. Nhưng cũng chính vì sự trù phú ấy mà người Hán luôn tìm cách chiếm đoạt. Chúng đã dùng mọi thủ đoạn nham hiểm và tàn bạo để chiếm đất của người Hà Nhì, đẩy người Hà Nhì di cư về phương Nam. Một trong những nơi đến cuối cùng ấy là Việt Nam.
P’huỳ Ca Na Ca được hát bên mâm rượu ngày Tết, do một hay nhiều người thay nhau thực hiện. Trên mâm nhất thiết phải có một con gà và hai chén rượu để dâng cúng Tổ tiên cùng các vị thần linh được nhắc đến trong nhiều trường đoạn. Người hát vừa uống rượu vừa hát. Nét mặt lúc vui, lúc buồn, khi thong thả, lúc vội vàng theo từng nội dung cốt truyện. Người hát phải có sức nhớ chi tiết, lại phải biết hát và phải có sức khỏe để hát. Điều này đã được nghệ nhân Pờ Lóng Tơ “trau dồi” từ khi còn nhỏ và sau đó lại được “hun đúc” thêm khi trở thành một “anh bộ đội Cụ Hồ” trong các chiến dịch ở chiến trường miền Nam.
Điều mà nghệ nhân Pờ Lóng Tơ mãn nguyện nhất trong cuộc đời của mình là đã lưu giữ một vốn văn hóa cổ, quí báu của cha ông. Theo ông, sử thi
P’huỳ Ca Na Ca là một pho sử được lưu giữ bằng thơ ca có tác dụng kết nối hiện tại với quá khứ, để cho con cháu Hà Nhì hôm nay hiểu biết sâu sắc về lịch sử dân tộc mình. Nhưng ông cũng cho biết, điều ông mong muốn nhất hiện nay là làm sao có thể bảo lưu được sử thi
P’huỳ Ca Na Ca trong cộng đồng người Hà Nhì. Mặc dù trong nhiều năm qua, ông đã nỗ lực hết mình trong việc cộng tác với các nhà sưu tầm, nghiên cứu và các cơ quan chức năng trong việc ghi âm, phiên âm, dịch nghĩa, phát hành các ấn phẩm… Nhưng với ông như thế là chưa đủ. Điều ông mong mỏi là làm sao để có được truyền nhân, tiếp tục lưu giữ
P’huỳ Ca Na Ca sau khi ông nhắm mắt xuôi tay.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tadri.org là vi phạm bản quyền