10:53 ICT Thứ tư, 09/10/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 692

Máy chủ tìm kiếm : 5

Khách viếng thăm : 687


Hôm nayHôm nay : 76046

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1505196

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 61263930

Trang nhất » Tin Tức » Tri thức

Quang cao giua trang
top

Về khái niệm thiểu số và bản sắc của nhóm dân tộc thiểu số

Tác giả: Tiểu Linh Bảo - Thứ hai - 17/11/2014 08:39
*Ảnh minh hoạ (nguồn internet)

*Ảnh minh hoạ (nguồn internet)

Chính ý thức về dân tộc không phải chỉ là mầm mống của những sự phân biệt, chia rẽ giữa các dân tộc mà còn là cội nguồn cơ bản và tiến bộ để các dân tộc đoàn kết và gắn bó với nhau. Những ý thức về thiểu số không nhất thiết chỉ dẫn đến sự bó hẹp sự quan tâm tới những quyền lợi hẹp hòi của chính dân tộc mình. Một người chỉ có thể có lòng yêu thương chân chính với dân tộc mình khi họ biết tôn trọng lòng yêu thương chân chính của những người thuộc dân tộc khác với dân tộc ấy.

Nhóm người thiểu số

   Thiểu số là một trong những vấn đề phức tạp được đặt ra từ rất lâu trong đời sống xã hội. Khái niệm nhóm người thiểu số được dùng để chỉ các nhóm người có những sự khác biệt về một phương diện nào đó với cộng đồng người chung trong xã hội. Họ có thể khác biệt với nhóm người đa số về phương diện ngôn ngữ và văn hoá. Khác biệt về nhận thức và tôn giáo, về hoàn cảnh kinh tế, điều kiện sống và thu nhập v.v...và đi kèm theo đó là sự khác biệt về phương thức ứng xử của cộng đồng đối với chính họ.

Nói đến nhóm người thiểu số cũng có nghĩa là đã khẳng định về sự tồn tại trên một khía cạnh khác của nhóm những người đa số được thừa nhận và thường được ứng xử khác biệt hơn. Do vậy, trong thực tế lịch sử, nhóm người được coi là thiểu số bao giờ cũng phải chịu những quy chế về pháp lý hay đạo đức riêng biệt, không được tham gia đầy đủ vào những hoạt động của đời sống công cộng. Họ bị đối xử như là những “người riêng biệt” và trong trường hợp đó, để tồn tại được bên những người đa số, họ cũng buộc phải tự coi mình là những “người riêng biệt”.

Trên thực tế, người thiểu số là những người làm cho người ta dễ nhận thấy sự khác biệt so với cộng đồng, nghĩa là họ mang những nét mà có thể khi nhìn vào cũng như giao tiếp với họ, người ta có thể nhận thấy ngay sự phân biệt so với những thành viên khác trong cộng đồng.

Nhà xã hội học Mỹ Louis Wirth năm 1945 đã đưa ra một định nghĩa khá thông dụng về nhóm người thiểu số như sau: “Có thể gọi là thiểu số mọi nhóm người, do một số nét đặc thù về ngoại hình hay văn hoá, bị đối xử khác biệt và không bằng những thành viên khác của xã hội mà họ sinh sống và do đó tự coi mình là đối tượng của một sự phân biệt tập thể”[1]

Trong các cộng đồng làng xã ngày xưa, nhóm những người ngụ cư, tức là những người từ các cộng đồng khác đến sinh sống trong làng cũng có thể được nhận diện như những người thiểu số. Họ bị phân biệt đối xử và trên thực tế đã không dễ được chấp nhận để hội nhập vào cộng đồng chung. Người ta cũng nói nhiều tới những nhóm thiểu số khác trong xã hội, chẳng hạn như nhóm những người bị tàn tật, nhóm bị nhiễm các căn bệnh hiểm nghèo bị cộng đồng xa lánh v.v...

Ngày nay, tình hình cũng không khác đi bao nhiêu. Ở nhiều nước trên thế giới, khái niệm thiểu số cũng hoàn toàn có thể được áp dụng để nhận định về trường hợp của những người nhập cư từ những nước khác đến khi họ bị đối xử một cách phân biệt. Những người này là thiểu số vì họ đã có những quan niệm, thái độ, hành vi, giá trị, phong tục tập quán, lối sống xa lạ khiến họ về cơ bản khác hẳn với những người bản địa, và tất nhiên là vì vậy mà bị coi là thấp kém hơn so với những người thuộc nền văn hoá của đa số.

Thiếu số dưới góc độ dân tộc học

Dưới góc độ nhân chủng học, khái niệm thiếu số được dùng khá thông dụng. Nó thường được sử dụng để chỉ những dân tộc ít người so với cộng đồng dân tộc chiếm đa số. Trong nhiều trường hợp chỉ cần nói về một người là thiểu số tức là chúng ta đã có thể hiểu như họ là đã thuộc về những dân tộc ít người rồi, mặc dù trong xã hội còn có nhiều nhóm thiểu số khác được phân biệt không phải trên những tiêu chí về dân tộc.

Bởi vậy về mặt khoa học, chúng ta cần phải dùng một khái niệm thật đầy đủ để chỉ nhóm người thuộc các dân tộc ít người để phân biệt họ với những nhóm thiểu số khác trong xã hội. Đó là khái niệm về người dân tộc thiểu số.

Thực tế lịch sử đã cho thấy, vấn đề các dân tộc thiểu số và nhóm những người thuộc các dân tộc thiểu số là một trong những vấn đề cơ bản nhất của việc nghiên cứu về những nhóm người thiểu số nói  chung. Các nhà nhân chủng học nổi tiếng Charles Wagley và Marvin Harris  đã cho rằng đối với các nhóm người thiểu số trong xã hội thì nhóm thiểu số về dân tộc là một trong những nhóm quan trọng nhất. 

Do vậy, theo các ông, cần phải quy chiếu định nghĩa của Luis Wirth về nhóm nguời thiểu số vào bình diện dân tộc học khi nghiên cứu về các nhóm dân tộc ít người.

Theo hai ông, sự phân biệt giữa  các nhóm dân tộc thiểu số không thể chỉ được dựa trên những vấn đề về chủng tộc, sự khác biệt về màu da, sống mũi hay ánh mắt mà là dựa trên sự khác biệt về văn hoá. Người ta có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa những người gốc Phi, những người gốc Á với những người gôc Âu ở màu da để gọi họ là nhóm da đen, nhóm da vàng hoặc da trắng. Nhưng trong nhiều trường hợp điều này không hề dễ dàng chút nào. Một người Đức không phải lúc nào cũng bị nhận diện khi người đó bước dạo trên đường phố Paris. Thậm chí, ngay dưới triều đại Quốc xã, mặc dù luôn miêu tả hình ảnh tham lam, xấu xí và ngờ nghệch của những người Do Thái để gây lòng căm ghét họ, nhưng không phải lúc nào những kẻ phát xít cũng có thể phân biệt được một cách chính xác đâu là người Do Thái được họ gán cho là “bẩn thỉu” với người Đức “cao quý”. Việc buộc những người Do Thái phải gắn ngôi sao màu vàng trên lưng để phân biệt họ với đa số người Đức đã nói lên điều này.

Bởi vậy, theo Charles Wagley và Marvin Harris nếu chỉ nhấn mạnh tới những khía cạnh khác biệt về chủng tộc, màu da và sống mũi người ta sẽ chẳng bao giờ xoá bỏ được nạn phân biệt chủng tộc. Người da đen sẽ mãi là nhóm thiểu số bị phân biệt tại nước Mỹ. Và ngay cả những người da trắng cũng như vậy, trong trường hợp họ xuất hiện tại các vùng hẻo lánh ở Zimbabuez hay Madagasca. Nếu đối với nhiều người Mỹ, hình ảnh những người Hồi giáo A rập thường gắn liền với những giáo lý tôn giáo cực đoan, tâm lý bài phương Tây, chủ nghĩa khủng bố tàn bạo... thì ngược lại, đối với nhiều người dân các nước A rập, hình ảnh người Mỹ da trắng lại chỉ là biểu trưng cho quỷ dữ  với bộ mặt tham lam vô bờ bến, bị ám ảnh bởi lợi nhuận, sự tan vỡ gia đình và những mối quan hệ tình dục bừa bãi...

Theo Charles Warley va Marvin Harris, các dân tộc chỉ có thể gặp nhau ở những mục tiêu chung về văn hoá và phát triển. Trong trường hợp này, chính văn hoá và các giá trị văn hoá chung, đa dạng và phong phú của các dân tộc sẽ là nền tảng cho sự liên kết, gắn bó và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc.

Chỉ có tôn trọng bản sắc văn hoá của nhau trên những chuẩn mực của sự phát triển tiến bộ về kinh tế, chính trị, xã hội, các dân tộc mới có thể tìm thấy tiếng nói chung, xoá bỏ sự ngăn cách và phân biệt giữa các dân tộc thiểu số với các dân tộc đa số. [2]

Nhóm dân tộc thiểu số, bản sắc văn hóa và phát triển  

Từ những vấn đề nêu trên, chúng ta có thể thấy, vấn đề thiểu số và các dân tộc thiểu số đã là sản phẩm khách quan của những sự vận động xã hội và lịch sử. Nó đặt ra cho nhân loại rất nhiều vấn đề phức tạp cần được giải quyết trên con đường hướng tới sự phát triển tiến bộ.

Trong những năm gần đây, chính sự phát triển của xã hội đã khiến cho vấn đề dân tộc và việc xử lý những mối quan hệ giữa các dân tộc ngày càng trở nên quan trọng. Vấn đề dân tộc cũng đang trở nên rất phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Những xung đột về dân tộc đã diễn ra ở rất nhiều nơi trên thế giới, trong phạm vi các quốc gia và khu vực, tạo ra những sự biến động và xáo trộn về chính trị và xã hội. Ngay cả những quốc gia lớn đã có những sự ổn định xã hội lâu dài cũng không trách khỏi việc phải giải quyết những vấn đề phức tạp về dân tộc. Chẳng hạn nước Anh phải đối mặt với những vấn đề dân tộc có liên quan đến Bắc Ai Len hay Tây Ban Nha với phong trào giải phóng dân tộc xứ Base.

Tuy nhiên, thực tế lịch sử cũng cho thấy, chính ý thức về dân tộc không phải chỉ là mầm mống của những sự phân biệt, chia rẽ giữa các dân tộc mà còn là cội nguồn cơ bản và tiến bộ để các dân tộc đoàn kết và gắn bó với nhau. Những ý thức về thiểu số không nhất thiết chỉ dẫn đến sự bó hẹp sự quan tâm tới những quyền lợi hẹp hòi của chính dân tộc mình. Một người chỉ có thể có lòng yêu thương chân chính với dân tộc mình khi họ biết tôn trọng lòng yêu thương chân chính của những người thuộc dân tộc khác với dân tộc ấy.

Theo giáo sư Albert Memmi thì “những người bị áp bức, dù là người dân thuộc địa, người Do Thái, người nghèo hay phụ nữ tất cả đều giống nhau. Nỗi đau khổ giống nhau thường dẫn tới những phản ứng giống nhau”[3]. Trong thời điểm lịch sử phức tạp hiện nay, khi chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang có xu hướng phát triển thì sự tương đồng về nhận thức đối với sự phát triển tiến bộ chung của nhân loại đang trở thành niềm hy vọng để đến một ngày nào đó mọi thành viên của các dân tộc trên thế giới có thể trở lại đoàn kết, gắn bó với nhau dưới một mái nhà chung.

 
 
 
 
 
 
 
 
 


[1] Trích lại từ Deirdre Meintel . Thiểu số là gì . Tạp chí người đưa tin UNESCO Số 6 /1994. trang 10
[2] xem Deidre Meintel . Tap chí đã dẫn. trang 10-12
[3] Tạp chí người đưa tin UNESCO đã dẫn, trang 13

Tác giả: Tiểu Linh Bảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất