05:09 ICT Thứ bảy, 14/09/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 680

Máy chủ tìm kiếm : 33

Khách viếng thăm : 647


Hôm nayHôm nay : 40398

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1879603

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 57298644

Trang nhất » Tin Tức » Xã hội học

Quang cao giua trang
top

Giáo dục hiện nay và yêu cầu đổi mới

Tác giả: Ths Lưu Minh Hiền - Thứ bảy - 25/04/2015 00:37
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong những năm qua việc đổi mới giáo dục tuy đã được tiến hành, nhưng thiếu đồng bộ, còn chắp vá và chưa tương xứng với yêu cầu. Không phải không có những lúc tồn tại bất cập lớn giữa yêu cầu phải đổi mới với năng lực tiến hành đổi mới của ngành Giáo dục & Đào tạo.

Bên cạnh đó, nhiều chính sách, cơ chế, giải pháp về giáo dục đã từng có hiệu quả, thì nay đã không còn phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước, rất cần được điều chỉnh, bổ sung. Mặt khác, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đặc biệt là yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao, cũng đòi hỏi giáo dục phải đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân, nhanh chóng góp phần tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Nếu không đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thì tình trạng vừa thiếu vừa yếu về nhân lực sẽ là yếu tố cản trở sự phát triển của đất nước…Đó là những vấn đề thực tiễn đặt ra và cũng chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định: “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế” và “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân”.
 

Đổi mới ngay từ nhận thức…

Trong giáo dục, vấn đề đổi mới thì đã nhiều, không phải là mới nữa. Song, đổi mới căn bản, toàn diện thì lần này được xác định rõ ràng và quan trọng nhất trong chủ trương của Đảng.  Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trước hết là đổi mới những vấn đề lớn, những vấn đề cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lí của Nhà nước đến vai trò và hoạt động của các cơ sở giáo dục, đào tạo cũng như  việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học… Đây là một công việc trọng đại, to lớn, cần thống nhất nhận thức và hành động; phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, huy động các nguồn lực với sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban ngành và các tổ chức xã hội (trong đó ngành Giáo dục và Đào tạo giữ vai trò nòng cốt) để thực hiện. Nếu nói là một cuộc cách mạng về giáo dục cũng không có gì là quá.

Về mục tiêu giáo dục toàn diện, trước đây thường được hiểu đơn giản là: Học sinh phải học đầy đủ tất cả các môn học thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, rồi thì cả về nghệ thuật, thể dục thể thao…; chú trọng dạy chữ hơn dạy người, chú trọng truyền bá kiến thức hơn đào tạo, bồi dưỡng năng lực của người học, ít yêu cầu người học vận dụng kiến thức vào thực tế. Điều đó dẫn đến tình trạng người học bị quá tải, nhưng lại vẫn không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, không đạt được mục tiêu giáo dục.

Giáo dục toàn diện theo tinh thần đổi mới hiện nay là: Phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học; chú trọng cả dạy chữ, dạy người và dạy nghề. Giáo dục và Đào tạo phải làm sao để tạo ra được những con người có phẩm chất, năng lực cần thiết để phục vụ đất nước, xây dựng xã hội; có đủ hiểu biết và kỹ năng cơ bản để sống tốt và làm việc hiệu quả…

Quá trình thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo, chỉ được coi là thành công khi khắc phục được những yếu kém, những hạn chế, những bất cập của giáo dục tồn tại trong nhiều năm qua và đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự  phát triển và hội nghập của đất nước. Nghĩa là phải khắc phục được tình trạng: Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp; Chương trình giáo dục còn coi nhẹ thực hành; phương pháp giáo dục, kiểm tra, thi và đánh giá kết quả lạc hậu, thiếu thực chất; thiếu sự gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, với sản xuất kinh doanh; hệ thống giáo dục còn thiếu tính liên thông giữa các trình độ đào tạo và các phương thức giáo dục, chưa phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế; sự yếu kém trong quản lý giáo dục; sự bất cập cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; sự thiếu hiệu quả trong đầu tư cho giáo dục… Sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay trước hết là do công tác đào tạo chậm đổi mới. Cụ thể là do thiếu quy hoạch hệ thống đào tạo nghề nên việc tăng /giảm ngành nghề đào tạo còn nặng tính tự phát; cơ cấu đào tạo nghề mất cân đối, không bắt kịp nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; người được đào tạo xong khi đi vào cuộc sống vẫn thiếu kỹ năng, yếu về trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó, chương trình học của ta còn “ôm đồm” và  hầu như chưa tạo cho người học có được sự lựa chọn cho sở trường và khả năng riêng có của mình; chẳng hạn bậc đại học của ta, tất cả các môn đều có tính bắt buộc, sinh viên không có quyền tự chọn; trong khi có những cái cần lại chưa đủ, thậm chí chưa có, cái không cần đôi khi lại tồn tại mãi…

Một trong những “căn bệnh” tồn tại lâu nay là tư duy giáo dục chạy theo thành tích, hư danh, theo số lượng mà không quan tâm đúng mức đến chất lượng. Chính tư duy có “tính phong trào“ này đã dẫn đến tâm lý sính đại học, coi thường cao đẳng, dạy nghề, sính bằng cấp. Việc đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ có những lúc tràn lan, “hữu danh” mà “vô thực”, chất lượng và tính chuyên sâu chưa được đảm bảo. Trong đánh giá, đâu cũng thấy xuất sắc, tiên tiến, trong khi chất lượng và hiệu quả thực thì không đạt yêu cầu, nhất là khi đưa vào thực tiễn công việc. Ngay cả về công tác quản lý nhà nước cũng có những mặt chưa phù hợp. Tổ chức bộ máy chủ yếu theo nguyên tắc quản lý ngành dọc; còn phân tán, thiếu sự liên kết và phối hợp chặt chẽ với nhau trên cơ sở thống nhất theo một định hướng chung về phát triển nhân lực cho một kế hoạch dài hạn. Hầu như chưa có sự phối hợp bài bản trong việc quản lý giữa ngành và lãnh thổ, cũng như giữa các vùng lãnh thổ về đào tạo, phát triển nhân lực. Phương pháp quản lý nhìn chung lạc hậu, hiệu lực thấp và kém hiệu quả. Các cơ quan chủ quản (bộ, cơ quan ngang bộ) thực hiện quản lý đối với các cơ sở đào tạo nhân lực trực thuộc vẫn còn nặng về mệnh lệnh hành chính, xơ cứng, bao biện và chưa hết tính bao cấp (giao chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh cứng, cấp kinh phí trực tiếp cho cơ sở đào tạo, định mức chi phí đào tạo chậm sửa đổi...). Chưa sử dụng rộng rãi và hiệu quả các công cụ của thị trường lao động trong phát triển nhân lực, sử dụng công nghệ thông tin còn hạn chế. Còn có sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử đối với các cơ sở đào tạo nhân lực thuộc các thành phần kinh tế khác nhau… Những tồn tại đó đã và đang cản trở sự phát triển của giáo dục đào tạo, khiến cho giáo dục và đào tạo không những dậm chân tại chỗ mà có những mặt còn tụt hậu.

 đến giải pháp thực hiện

Từ thực trạng đó mà có ý kiến cho rằng, hệ thống Giáo dục và Đào tạo của nước ta hiện tại còn chứa nhiều yếu tố không bình thường, không chuẩn, khác lạ, thể hiện ở những yếu kém chủ yếu như: Chưa lành mạnh (còn nhiều tiêu cực), chưa tiên tiến (về tư duy, về chương trình đào tạo), chưa hiện đại (về hạ tầng cơ sở). Vì thế, giải pháp chiến lược đối với công cuộc cải cách giáo dục của nước ta phải là làm sao thiết lập cho được các yếu tố mang tính thực chất là lành mạnh, tiên tiến và hiện đại. Muốn vậy, cùng với nhiều giải pháp phải thực hiện, vấn đề hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và đổi mới bộ máy quản lý hệ thống giáo dục quốc dân ở nước ta cần được coi là vấn đề bức thiết và căn bản nhất để thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo; nhanh chóng thực hiện một cuộc đổi mới căn bản về đào tạo và bồi dưỡng giáo viên ở tất cả các cấp bậc học, từ việc xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển đội ngũ giáo viên, đổi mới phương thức đào tạo giáo viên, xây dựng hệ thống chuẩn đầu ra, đổi mới nội dung chương trình đào tạo và phương pháp dạy học ở các trường sư phạm. Bên cạnh đó, cần có một hệ thống chính sách thỏa đáng để tạo được động lực cho đội ngũ nhà giáo trong việc thực hiện công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Đây là những vấn đề căn bản, gốc rễ nhất, nếu không được đổi mới thì mọi sự đổi mới khác sẽ khó lòng tạo được sự đổi mới căn bản và toàn diện để chấn hưng nền giáo dục của đất nước.

Tác giả: Ths Lưu Minh Hiền

Nguồn tin: vusta.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất