1. Tình trạng thất nghiệp của sinh viên ra trườngTheo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Thanh niên, 70% SV Việt Nam cho biết lo lắng hàng đầu hiện nay là việc làm. Điều tra của Bộ GD-ĐT, cả nước có tới 63% SV tốt nghiệp ĐH-CĐ ra trường không có việc làm, 37% SV có việc làm nhưng đa số làm trái nghề hoặc phải qua đào tạo lại.
Gần đây, một cuộc khảo sát được Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích Chính sách thuộc trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) thực hiện, với quy mô gần 3.000 cựu SV thuộc 5 khóa khác nhau (ra trường từ năm 2006 đến 2010) của 3 trường ĐH lớn: ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM và ĐH Huế, đã cho thấy những con số
“giật mình”. Có đến 26,2% cử nhân cho biết chưa tìm được việc làm, cho dù khái niệm việc làm ở đây được hiểu rất rộng
“là bất cứ công việc gì tạo ra thu nhập, không nhất thiết phải đúng với trình độ, chuyên ngành đào tạo”. Trong số này, 46,5% cho biết đã từng xin việc nhưng không thành công, 42,9% lựa chọn một giải pháp an toàn là… tiếp tục học lên hoặc học thêm một chuyên ngành khác.
Những số liệu trên cho thấy sự khó khăn trong vấn đề tìm kiếm việc làm của SV mới ra trường. Với tấm bằng CĐ, ĐH trên tay nhiều SV không thể tìm được những việc làm ổn định. Nhiều SV ở các vùng quê chấp nhận tìm kiếm một công việc tạm thời để làm lấy tiền trụ lại thành phố xin việc ổn định sau. Các công việc mà họ làm đa phần là không cần đến bằng cấp như: Chạy bàn tại các quán cafe, quán ăn hay làm nhân viên trực điện thoại, đi gia sư… Chỉ là những công việc đơn giản nên lương không đủ ăn song để xin được một chỗ làm như vậy cũng không hề dễ.
Bạn Nam khoa xã hội học ĐH Công đoàn Hà Nội buồn bã chia sẻ:
“Ngành của mình xin việc rất khó nên mình xác định phải tìm việc làm tạm thời để tiếp tục học lên sau đó tìm kiếm công việc ổn định. Đến nay mình đã nộp tổng cộng 5 hồ sơ vào các cơ quan, công ty tuyển dụng việc làm. Họ bảo phải chờ đợi nên không biết tình hình thế nào”Tình trạng trên không chỉ xảy ra với các SV có bằng loại khá, trung bình khá mà thậm chí cả những SV ra trường với tấm bằng loại giỏi vẫn loay hoay không biết
“đi đâu về đâu” trong khi ở các cơ quan tuyển dụng lúc nào cũng chồng đống những xấp hồ sơ xin việc. Nên có không ít bạn SV sau khi học xong CĐ, ĐH do không xin được việc đã chọn giải pháp là học lên cao, hay học văn bằng hai để lại được bố mẹ nuôi như tâm sự của bạn Thu Hương, Học viện Báo chí và Tuyên truyền:
“Mình chán cảnh ngồi chờ xin việc ở các trung tâm để rồi lại về không nên mình đã xin bố mẹ cho học lên cao học. Hy vọng với tấm bằng thạc sĩ thì ra trường sẽ suôn sẻ hơn”.Nhiều SV ra trường không xin được việc làm đã chọn giải pháp học lên cao học hoặc dành thời gian và tiền bạc đi học thêm các kỹ năng như tiếng Anh, tin học, nghiệp vụ thư ký, nghiệp vụ sư phạm, nghiệp vụ báo chí… để có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm trong tương lai. Cũng có nhiều SV ra trường đã tìm được việc làm sau một vài tháng đầu vật lộn nhưng hầu hết trong số họ không mấy ai được làm công việc theo đúng chuyên ngành mình đã học. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tỷ lệ có việc làm đúng chuyên ngành của SV khối tự nhiên là khoảng 60%, còn các trường thuộc khối xã hội thấp hơn nhiều. Một nghiên cứu gần đây cho thấy cứ 100 SV khối xã hội mới tốt nghiệp chỉ có khoảng 10 người tìm được công việc đúng chuyên môn. Số còn lại làm những công việc khác để lo cho cuộc sống và chờ cơ hội. Để xin được những công việc khác này, SV phải học thêm nhiều kiến thức có thể khác rất xa chuyên môn đã học. Như vậy việc làm cho SV sau khi ra trường thực sự là vấn đề xã hội nan giải.
2. Vì sao sinh viên thất nghiệp?Có rất nhiều nguyên nhân dân đến tình trạng thất nghiệp của SV ra trường, dưới đây là một số những nguyên nhân chính:
Chất lượng giáo dục, đào tạo: Chất lượng đào tạo CĐ, ĐH của chúng ta còn nhiều hạn chế trong đó hạn chế nhất là nội dung học chưa đi sâu vào thực tế, cơ bản nặng về lý thuyết, ít về thực hành. Vẫn theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích Chính sách: có đến 91% cựu SV cho rằng, chương trình quá nặng về lý thuyết, 89% than thở nhà trường thiếu đào tạo kỹ năng làm việc. Theo đó, tính phù hợp của chương trình với thị trường lao động chỉ đạt một con số rất khiêm tốn là 12%. Cũng theo kết quả nghiên cứu này, chỉ có 24% SV cho rằng kiến thức được học phù hợp với công việc, 76% cho rằng không phù hợp với công việc thực tế. Dường như các môn học trong chương trình đào tạo đã không còn phù hợp với đòi hỏi thực tế của thị trường, nội dung nặng lý thuyết, thiếu thực hành, thiếu trang bị kỹ năng làm việc nên nhiều SV ra trường không xin được việc làm hoặc có việc làm nhưng không đảm nhiệm được vị trí công tác, phải đào tạo lại.
Thiếu khả năng thực: Nhiều SV thi vào một trường ĐH hay CĐ nào đó không phải vì ham mê, yêu thích hay có năng khiếu mà chỉ vì thi đại lấy một trường để đi học. Cũng có nhiều SV có năng khiếu về chuyên ngành mình theo học nhưng trong suốt mấy năm học ĐH đã không chịu khó học hành, rèn luyện kĩ năng, học hỏi kinh nghiệm nên khi ra trường không tránh khỏi việc lúng túng khi tiếp cận với công việc. Trong khi xã hội ngày càng đòi hỏi người thực sự có khả năng làm việc hiệu quả, có chất lượng thì tất yếu những người không có khả năng sẽ bị xã hội tự đào thải. PGS.TS Nguyễn Hồi Loan - Trường ĐH KHXH&NV cho rằng
“có một độ “vênh” nhất định giữa đào tạo ĐH và yêu cầu của thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội. Độ vênh đó thể hiện cả trong kiến thức và các kĩ năng cứng và mềm của SV. Trên thực tế, SV mới tốt nghiệp thường phải được đào tạo lại tại nơi tuyển dụng từ 6 tháng đến 1 năm. Các nội dung đào tạo lại không chỉ là chuyên môn nghiệp vụ mà cả thái độ làm việc, đạo đức nghề nghiệp, kỉ luật lao động cho đến các kĩ năng cơ bản trong việc ứng phó và giải quyết các vấn đề thực tiễn của lao động sản xuất kinh doanh”. Như vậy, thiếu khả năng thực là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp của SV mới ra trường.
Định hướng không rõ ràng: Định hướng nghề nghiệp không rõ ràng của sinh viên có ảnh hưởng lớn đến việc tiếp thu kiến thức trong quá trình học cũng cơ hội kiếm được việc làm của SV ra trường. Nhiều nhà quản lý nhân sự ở các công ty nước ngoài có chung nhận định
: “Lao động trẻ thiếu và yếu về ngoại ngữ cũng như sự tự tin trong giao tiếp. Quan trọng hơn là họ chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Đại đa số có tư tưởng xin việc vì quyền lợi bản thân chứ chưa nghĩ nhiều về công việc, chưa thật sự tâm huyết và sống chết vì nó…”.Theo nghiên cứu của TS.Trịnh Văn Tùng và Phạm Huy Cường, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội: có đến 70% SV năm cuối của ĐHQG Hà Nội vẫn chưa thấy được mối liên hệ hay tính phù hợp giữa ngành học và các nghề, chưa có một định hướng cụ thể nào cho nghề nghiệp của họ sau khi tốt nghiệp; 62,6% không biết gì về các nghề gắn với ngành học; 25,2% biết… sơ sơ. Số SV biết rất rõ các ngành nghề gắn với ngành học chiếm một tỷ lệ khiêm tốn là 12,2%. Cũng vì không biết mình học ra sẽ làm gì nên 69,7% SV cho biết họ chỉ kỳ vọng nghề nghiệp tương lai “phần nào phù hợp” với ngành học.
Trong môi trường làm việc mà xu thế cạnh tranh đang ngày càng phát triển, nếu không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, làm sao SV có thể bảo đảm yếu tố gắn bó với công việc ở các cơ quan tuyển dụng. Một điều chắc chắn rằng, cơ quan tuyển dụng sẽ không tuyển nếu không nhìn thấy ở ứng viên niềm say mê và tâm huyết nghề nghiệp mà họ đã chọn.
Thiếu kỹ năng cơ bản: Theo đánh giá của nhiều các nhà tuyển dụng thì đa số SV mới tốt nghiệp thiếu những kỹ năng thực hành cơ bản như: Kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xin việc, kỹ năng ngoại ngữ, vi tính v.v…Bà Nguyễn Thị Thu Giao, Giám đốc nhân sự Công ty Interfloor Việt Nam nhận xét:
“Kỹ năng của SV mới ra trường là chưa hình thành nếu không muốn nói là không có. Trên 80% SV mới ra trường có kiến thức nhưng quá yếu kỹ năng xử lý những tình huống và điều đó làm “mất điểm” ngay từ đầu tiếp xúc với các nhà tuyển dụng”[1].Một số nghiên cứu đã chỉ ra sự yếu kém của SV tốt nghiệp về chuyên môn nghiệp vụ đặc biệt là các kỹ năng thực hành:
“Trên 50% SV tốt nghiệp phải đào tạo lại. Khảo sát 234 nhà tuyển dụng và 3.364 SV (năm cuối và đã tốt nghiệp) từ 20 trường ĐH do Trường ĐH Sư phạm TPHCM thực hiện cho thấy, cả SV tốt nghiệp và doanh nghiệp đều có chung đánh giá là trên 50% số SV tốt nghiệp phải được đào tạo lại với lý do chủ yếu là chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu tuyển dụng. Trong đó, 36,3% số doanh nghiệp đã trả lời SV phải được đào tạo lại các kỹ năng, 28,3% phải đào tạo lại chuyên môn và 33,6% phải đào tạo lại cả kỹ năng và chuyên môn”[2].Việc thiếu hụt những kỹ năng cơ bản dẫn đến những khó khăn cho SV trong việc chiếm được lòng của nhà tuyển dụng và là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp của SV mới ra trường.
Đào tạo chưa gắn với nhu cầu xã hội: Hiện nay, có nhiều ngành nghề trong các trường CĐ, ĐH được tuyển sinh và đào tạo ồ ạt, chỉ tiêu đào tạo vượt quá chỉ tiêu tuyển dụng. Dẫn đến hiện trạng nguồn cung nhân lực vượt quá cầu nhân lực. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tình trạng thất nghiệp của SV mới ra trường. Cũng vì thế nhiều SV cầm tấm bằng
“đỏ” mà vẫn bị loại trong các đợt xét tuyển ngạch công chức là điều dễ hiểu. Để giải quyết hiện trạng này nên chăng cần có sự liên kết giữa các cơ sở đào tạo với các nhà tuyển dụng, các tổ chức xã hội để tìm hiểu nhu cầu nguồn nhân lực cũng như tạo mối quan hệ giữa nhà trường với nhà tuyển dụng, SV với các cơ quan tuyển dụng. Có như vậy tình trạng thất nghiệp của SV ra trường mới có thể được giải quyết.
3. Đôi lời kết luậnVấn đề thất nghiệp của SV có thể coi là một trong những vấn đề nan giải cần giải quyết. Để đối phó với tình trạng này cần có sự tham gia của từ nhiều phía:
Thứ nhất, trong quá trình học SV cũng cần tích cực học tập rèn luyện tiếp thu kiến thức chuyên môn nghiệp vụ của mình, tham gia các lớp đào tạo kỹ năng, các hoạt động xã hội, để nâng cao các kỹ năng cơ bản như: giao tiếp tự tin, làm việc theo nhóm, kỹ năng tìm việc, học thêm các kỹ năng về vi tính, ngoại ngữ phục vụ cho công việc sau này. Bên cạnh đó, SV cần có định hướng nghề nghiệp rõ ràng để phấn đấu học tập, rèn luyện phát huy những khả năng của mình về lĩnh vực nghề nghiệp, mở rộng các mối quan hệ với các cơ quan tuyển dụng, tạo thế mạnh khi tìm kiếm việc làm.
Thứ hai, nhà trường cần rà soát cập nhật xây dựng lại nội dung chương trình đào tạo cho sát với thực tiễn nhu cầu xã hội, giảm lý thuyết, tăng thực hành nghề nghiệp. Gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động. Tạo điều kiện cho SV có nhiều cơ hội để giao lưu, làm việc với các công ty, doanh nghiệp để họ có dịp tiếp xúc với các nhà tuyển dụng học hỏi kinh nghiệm, kiến thức nghề nghiệp, xác định mục tiêu phấn đấu rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, đoàn thanh niên các trường ĐH, CĐ cần tăng cường các hình thức cung cấp thông tin về lao động - việc làm, hướng nghiệp cho SV để họ nâng cao nhận thức và có định hướng trong học tập, rèn luyện.
Thứ ba, về phía xã hội thiết nghĩ Đảng và Nhà nước cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách về giáo dục, đào tạo, chính sách lao động - việc làm; tăng cường tổ chức thực hiện các nghiên cứu về lao động - việc làm của SV tốt nghiệp, đánh giá về nhu cầu lao động, việc làm để xây dựng cơ cấu đào tạo cho các ngành nghề hợp lý. Nhà tuyển dụng là cầu nối giữa SV với cơ sở sử dụng lao động cần kết hợp chặt chẽ với các công ty trong quá trình tuyển dụng, là nơi cung cấp thông tin tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng thêm các kiến thức, kỹ năng giúp SV trong quá trình tìm việc. Tư vấn hỗ trợ giới thiệu việc làm cho SV đang học và SV đã tốt nghiệp có nhu cầu tìm việc.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tadri.org là vi phạm bản quyền