05:10 ICT Thứ bảy, 14/09/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 714

Máy chủ tìm kiếm : 36

Khách viếng thăm : 678


Hôm nayHôm nay : 40500

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1879705

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 57298746

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển

Quang cao giua trang
top

Đình, nghè Mai Động

Tác giả: Đông Tỉnh - Thứ hai - 07/09/2015 11:05
Sân nghè Mai Động. Ảnh ©2015 NCCong

Sân nghè Mai Động. Ảnh ©2015 NCCong

Đình và nghè của làng Mai Động thờ Nguyễn Tam Trinh, một tướng của Hai Bà Trưng. Địa chỉ: ngõ 254 Minh Khai, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Toạ độ: 20°59’32"N 105°51’32"E, cách Hồ Gươm hơn 5km về hướng nam. Điểm dừng xe bus gần nhất: phố Minh Khai (bus 19, 24, 36, 38, 52, cạnh ngõ Gốc Đề) hoặc phố Tam Trinh (26, 30, 38, 42).

Lược sử
 
Mai Động là một làng cổ ở phía nam thành Thăng Long trước kia. Năm 1915, làng bị xếp vào huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông. Từ 1954 nhập vào quận VII, thành phố Hà Nội, sau đó chuyển sang huyện Thanh Trì, rồi đổi về quận Hai Bà Trưng, ngày nay thuộc quận Hoàng Mai. Làng nổi tiếng với hội vật và nghề làm đậu Mơ.
 
Đình và nghè của làng thờ Đô úy Nguyễn Tam Trinh. Ngài sinh ra và trưởng thành tại một lò vật của huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Sau đó ngài đi thăm thú khắp nơi và dừng chân tại hương Cổ Mai (vùng Mai Động bây giờ), mở trường bên bờ sông Kim Ngưu, dạy cả văn lẫn võ, người theo học rất đông.
 
Mùa xuân năm 40, hưởng ứng lời kêu gọi của Hai Bà Trưng, ngài đưa tráng đinh đến Hát Môn tham gia khởi nghĩa. Hai Bà phong ngài chức Đô úy, chỉ huy một đạo quân tiến đánh trị sở Luy Lâu, làm giặc Hán phải bỏ chạy. Năm 43, Mã Viện dẫn quân xâm lược, tướng Tam Trinh được Hai Bà cử về trấn giữ vùng đất phía nam Long Biên. Khi nghe tin Hai Bà tuẫn tiết trên sông Hát, ngài tiếp tục chiến đấu và hy sinh vào đêm 10 tháng Hai năm Quý Mão (43) tại xứ Gò Đống, nay gọi Cầu Voi.
 
Các lò vật tôn vinh ngài là tổ nghề. Sau này, vua Lê Đại Hành (941—1005) gia phong ngài là Nam Sơn Tam Trinh Đại vương. Đến thế kỷ 17 làng Mai Động dựng đình thờ ngài làm thành hoàng. Năm 1980, Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng đình và nghè Mai Động là Di tích lịch sử kiến trúc quốc gia, lại cấp một phần kinh phí tôn tạo. Năm 1990, con đường lớn nằm dọc sông Kim Ngưu đã được UBND TP Hà Nội đặt tên là phố Tam Trinh.
 
Kiến trúc
 
Tương truyền nghè Mai Động là nơi Tam Trinh từng ngự, phía trước có giếng Ngọc để ngài cùng quân sĩ tắm mát. Nghè được dựng lại vào năm Duy Tân thứ 10 (1916) với tiền tế 5 gian và hậu cung 2 gian, quay hướng tây-bắc, bố cục hình “chữ Tam”. Ngày nay khuôn viên không còn rộng thoáng như xưa. Lần tôn tạo mới đây có dựng lên một tấm bình phong bằng đá.
 
Cạnh nghè là chùa Mai Động, tên chữ Thiện Khánh Tự, mới được trùng tu khang trang với qui mô khá bề thế. Trong chùa hiện lưu được tấm bia niên hiệu Vĩnh Trị thứ 5 (1680) cho biết lịch sử vùng đất Mai Động và quá trình trùng tu lại chùa Thiện Khánh cũng gắn với công tích của quận chúa Trịnh Thị Ngọc Sanh. Trong chùa còn có pho tượng của bà và của người em là Trịnh Thị Ngọc Nhị, ngoài ra cũng đã xây thêm Điện Mẫu.
 
Đình Mai Động tọa lạc cách chùa làng chừng 200m, quay về hướng đông-nam và xây lớn hơn nghè. Nghi môn gồm 4 trụ biểu nhìn ra một gốc đa to và hồ nhỏ hình chữ nhật, ngoài cổng có tượng đôi voi chầu, mới thay cho sư tử đá. Toà tiền tế rộng 5 gian, cửa bức bàn, thềm cao 5 bậc, đầu hàng hiên có tượng hai vị Hộ pháp đối diện nhau. Tiếp theo là thiêu hương 6 gian nối với hậu cung. Hai bên sân có nhà tả, hữu mạc 3 gian, cũng cửa bức bàn. Tương truyền nền đình là nơi luyện võ của các học trò Tam Trinh. Do quá trình đô thị hoá, đình nay bị vây sát bởi nhiều nhà dân.
 
Tham quan
 
Trong đình hiện có bộ kiệu long ngai còn khá nguyên vẹn và đẹp đẽ, mang niên đại khoảng thế kỷ 18. Đặc biệt có 5 tấm bia đá chép về làng cổ Mai Động và tên những người có công đóng góp xây dựng, tôn tạo ngôi đình. Tấm bia Triệu Mai Đình dựng năm Chính Hoà thứ 20 (1699) cho biết khá đầy đủ lịch sử lâu đời của vùng đất này, theo đó vào thời Lê trung hưng, ngôi đình được quận chúa Trịnh Thị Ngọc Sanh, hiệu Diệu Kính, quê ốc Biện Thượng, xã Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, xứ Thanh Hoá cho xây dựng. Ngoài ra còn giữ được 28 đạo sắc phong từ đời Vĩnh Tộ (1622) cho đến các đời vua của nhà Nguyễn.
 
Có một đôi câu đối ở đình ghi:
 
“Đức bác thánh văn truyền Việt địa
Uy dương thần vũ chấn Nam thiên”
Tạm dịch:
“Văn thánh đức cao truyền đất Việt
Võ thần oai mạnh động trời Nam”
 
Hội vật Mai Động
 
Hội làng Mai Động được tổ chức hàng năm tại sân đình vào ngày 4, 5, 6 tháng Giêng âm lịch, cạnh đó có mở sới vật với khoảng một trăm đô từ các nơi về dự. Trước kia, sau lễ rước kiệu và tế cáo yết thành hoàng thì các cuộc đấu bắt đầu diễn ra trên gò Đống Vật. Từ khi làng đô thị hóa, phần lớn người xem không thể vào sân mà phải đứng ngoài ngõ nghe tường thuật qua loa phóng thanh.
 
Di tích lân cận
 
Chùa Hoàng Mai (Nga My Tự): ngõ 129 Trương Định, phường Hoàng Văn Thụ.
Chùa Hưng Ký (Võ Hưng Thiền Am): ngõ Chùa Hưng Ký, phường Minh Khai.
Đền Lừ (Lư Giang Từ): đầu đường Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ.
Đình Hoàng Mai: ngõ 129 Trương Định, phường Hoàng Văn Thụ.

Tác giả: Đông Tỉnh

Nguồn tin: vanhien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: địa chỉ, hà nội

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất