11:08 ICT Thứ ba, 19/03/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 489

Máy chủ tìm kiếm : 31

Khách viếng thăm : 458


Hôm nayHôm nay : 58212

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1922658

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 33259079

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển

Quang cao giua trang
top

Kỷ niệm 70 năm CM Tháng Tám và QK 2/9: Về nơi diễn ra Quốc dân Đại hội Tân Trà

Tác giả: Vũ Quang Đá - Thứ sáu - 21/08/2015 09:21
Đình Tân Trào – nơi diễn ra Đại hội đại biểu Quốc dân. Ảnh Quang Đán – TTXVN

Đình Tân Trào – nơi diễn ra Đại hội đại biểu Quốc dân. Ảnh Quang Đán – TTXVN

Trong những ngày Tháng Tám lịch sử, ngược dòng sông Phó Đáy, chúng tôi đã tìm về xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang)- “Thủ đô kháng chiến”, nơi diễn ra Đại hội đại biểu Quốc dân (nay gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào). Đây là Đại hội mang tầm vóc lịch sử của một Quốc hội, một cơ quan quyền lực nhà nước lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 70 năm trôi qua, nhưng những kỷ niệm về Đại hội đại biểu Quốc dân vẫn in đậm trong lòng người dân nơi đây.

Dấu ấn lịch sử

Dẫn chúng tôi đi thăm quan đình Tân Trào – nơi diễn ra Quốc dân Đại hội Tân Trào, chị Lành Thị Kiên, Trưởng phòng Hướng dẫn, tuyên truyền Khu du lịch, lịch sử, văn hóa và sinh thái Quốc gia Tân Trào cho biết: Quốc dân Đại hội Tân Trào diễn ra trong bối cảnh cao trào kháng Nhật cứu quốc, tạo tiền đề mạnh mẽ cho cuộc Tổng khởi nghĩa giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do. Căn cứ vào tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị phải gấp rút triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân để thành lập Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam. Chiều ngày 16/8/1945, tại đình Tân Trào, Quốc dân Đại hội Tân Trào chính thức khai mạc. Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc và một số kiều bào ta ở nước ngoài (Thái Lan và Lào). Đại hội được tiến hành khi lệnh Tổng khởi nghĩa vừa phát đi, vì vậy phải họp khẩn trương, “chớp nhoáng” để các đại biểu kịp về cùng các chiến sĩ ở địa phương lãnh đạo khởi nghĩa.

 
 
Bà Nông Thị Mơ, người phục vụ cơm, nước cho các đại biểu về dự Đại hội đại biểu Quốc dân. Ảnh Quang Đán – TTXVN
 

Cũng tại Đại hội đã quyết định thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, đồng chí Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch. Đồng thời, Đại hội cũng quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa, Quốc ca là bài “Tiến quân ca”. Ngày 17/8/1945, Đại hội bế mạc trong không khí tổng khởi nghĩa sôi sục. Thay mặt Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Ủy ban dân tộc giải phóng, để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, không lùi bước”.
 


: Làng văn hóa thôn Tân Lập, xã Tân Trào. Ảnh Quang Đán – TTXVN
 

Cũng theo chị Kiên, Quốc dân Đại hội Tân Trào là một sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử cách mạng Việt Nam, phát động khởi nghĩa giành chính quyền một cách nhanh nhất, khẩn trương nhất, để cả đất nước Việt Nam đứng lên tự làm chủ vận mệnh mình và đất nước mình.
 


Đội văn nghệ xã Tân Trào
 

Đến thăm bà Nông Thị Mơ, thôn Tân Lập - một trong những người được phục vụ cơm, nước cho cán bộ trong những ngày diễn ra Đại hội tại Tân Trào, mặc dù năm nay đã 91 tuổi, mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng bà vẫn nhớ như in không khí của những ngày lịch sử năm ấy. Bà Mơ chia sẻ: Khi diễn ra Đại hội, đình Tân Trào được vây kín bằng vải nên tôi không biết trong đình đang diễn ra cuộc họp gì, tôi chỉ biết mình được cử đi phục vụ cơm, nước cho cán bộ về họp. Chỉ sau khi Đại hội kết thúc, tôi mới được biết đấy chính là Đại hội để bầu ra Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam. Cũng vào thời điểm ấy, hầu hết các gia đình trong thôn Tân Lập đều có cán bộ về ở nhờ, gia đình tôi cũng có hai cán bộ về ở, nhưng để đảm bảo bí mật cho cán bộ và Đại hội chúng tôi không ai dám hỏi tên, tuổi cũng như chuyện công việc của cán bộ…
 

 
Trung tâm xã Tân Trào. Ảnh Quang Đán – TTXVN

Rời nhà bà Mơ chúng tôi đến thăm ngôi nhà sàn ông Hoàng Trung Dân -  người đã nhường nhà cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến tháng 8/1945. Giờ đây, ông Dân không còn nữa nhưng các thế hệ con cháu ông vẫn luôn nhớ hình ảnh và những việc làm của Đại tướng và những cán bộ khi về họp.  Bà Nông Thị Thu, 80 tuổi, dân tộc Tày – con dâu trưởng của ông Dân cho biết: Thời điểm diễn ra Đại hội tôi chưa về làm dâu, nhưng sau này được nghe các cụ kể lại, mỗi lần các cán bộ đến gia đình tôi họp chuẩn bị cho Đại hội là mọi người trong gia đình sẽ sơ tán lên lán ở trên núi, từ sáng đến tối, khi cán bộ họp bàn xong thì về. Bên cạnh đó, mọi người trong gia đình tôi cũng như người dân trong thôn đều thực hiện ba không, không biết, không nghe, không nói, để đảm bảo an toàn, bí mật cho các cán bộ về dự Đại hội…

Xã đầu tiên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng Tân Trào lịch sử, nơi diễn ra Đại hội đại biểu Quốc dân, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tân Trào đã tập trung phát huy “nội ngoại lực” xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Tân Trào đã đạt 19/19 tiêu chí và là xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang  được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới (tháng 12 năm 2014).

 

 
Kè sông Phó Đáy, xã Tân Trào. Ảnh Quang Đán – TTXVN

Chia sẻ về những bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới của xã, ông Trần Đức Hạnh, Chủ tịch UBND xã Tân Trào cho biết: Xác định Tân Trào là xã có truyền thống lịch sử và lại là 1 trong 3 xã đại diện cho 3 miền trong cả nước được Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang bảo trợ về huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Do vậy, Đảng bộ và các dân tộc trong xã xác định phải thực hiện làm sao cho xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng và để hoàn thành được các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới đề ra, xã tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân về mục tiêu của Chương trình, bởi khi người dân hiểu và hưởng ứng thì thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua. Ngoài ra, khi triển khai thực hiện Chương trình cần phải sắp xếp thời gian phù hợp, tránh những thời điểm người dân bận rộn với mùa vụ; sàng lọc các tiếu chí, tiêu chí dễ, không cần sự đầu tư của Nhà nước thực hiện trước, tiêu chí khó thực hiện sau. Đồng thời, phải thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy tinh thần chủ thể của người dân, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra; tạo sự đồng bộ và thống nhất từ các cấp chính quyền đến người dân...
 

Anh Phùng Văn Minh, thôn Mỏ Ché, xã Tân Trào một trong những hộ gia đình vừa vươn lên thoát nghèo chia sẻ: Trước đây, cả gia đình tôi phải sống sống trong ngôi nhà gỗ cũ kỹ từ đời ông bà để lại. Trải qua thời gian, ngôi nhà đã bị hư hỏng, mục nát, gia đình lúc nào cũng sống cảnh lo sợ mỗi khi có mưa bão, bởi nhà có thể bị sập bất cứ lúc nào. Đến tháng 4/2013, gia đình tôi được Dự án hỗ trợ xóa nhà tạm của xã hỗ trợ 32 triệu đồng, cùng số tiền tiết kiệm và vay mượn của anh em, bạn bè, gia đình đã xây dựng được ngôi nhà kiên cố. Từ khi có nhà mới, gia đình tôi yên tâm lao động, sản xuất nên đã vươn lên thoát nghèo.
 

Cùng chung niềm vui như gia đình anh Minh là gia đình anh Trần Văn Vần, dân tộc Tày, thôn Tân Lập, xã Tân Trào, gia đình anh vừa xây dựng xong ngôi nhà sàn 3 gian, 2 trái, với tổng vốn đầu tư 400 triệu đồng, trong đó Nhà nước, các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng. Ngoài gia đình anh Vần, 10 gia đình dân tộc Tày khác trong thôn Tân Lập cũng được hỗ trợ để bảo tồn nhà sàn bằng bê tông cốt thép, giả gỗ; với tổng số vốn hỗ trợ 1,7 tỷ đồng, qua đó, giúp các hộ dân vừa để ở kết hợp phát triển du lịch. Cách bảo tồn này vừa giữ được bản sắc văn hóa và giải quyết tình trạng phá rừng lấy gỗ làm nhà.
 

 
Ba ảnh trên: Những con đường bê tông mới ở xã Tân Trào. Ảnh Quang Đán – TTXVN
 

Thời gian tới, để duy trì và phát huy những kết quả đạt được để xứng đất với vùng đất giàu truyền thống cách, quê hương cách mạng Tân Trào lịch sử, xã Tân Trào sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái; thực hiện tốt quy ước, hương ước thôn bản. Đồng thời, tập trung tuyên truyền vận động người dân thay đổi tư duy sản xuất, phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đa dạng hóa các ngành nghề sản xuất -  kinh doanh - dịch vụ. Xã tiếp tục huy động sự đóng góp, đầu tư từ các doanh nghiệp và người dân để xây dựng hạ tầng du lịch, khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch để tạo việc làm, thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững... Phấn đấu đến năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 5%; 100% hệ thống đường giao thông nông thôn, 50% đường giao thông nội đồng được bê tông hoá; hàng năm có trên 90% hộ gia đình đạt hộ gia đình văn hoá; trên 70% chi bộ được đánh giá phân loại hoàn thành tốt nhiệm vụ; giữ vững đạt chuẩn nông thôn mới qua các năm làm cơ sở đề nghị công nhận đạt chuẩn 5 năm về nông thôn mới…./.
 

Tác giả: Vũ Quang Đá

Nguồn tin: vanhien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất