15:27 ICT Thứ hai, 16/09/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 423

Máy chủ tìm kiếm : 5

Khách viếng thăm : 418


Hôm nayHôm nay : 87874

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2224113

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 57643154

Trang nhất » Tin Tức » Tác phẩm

Quang cao giua trang
top

40 năm bài hát “Đất nước trọn niềm vui”

Tác giả: Phương Thúy - Thứ hai - 27/04/2015 02:11
40 năm bài hát “Đất nước trọn niềm vui”

40 năm bài hát “Đất nước trọn niềm vui”

Khi đất nước hòa bình, những ca khúc xưa vẫn vang lên như thúc giục lòng người nhớ về một thời hào hùng của dân tộc.

Được sáng tác ngay trong đêm 26/4 và phát trên sóng đài Tiếng nói Việt Nam ở Thủ đô Hà Nội vào ngày 1/5, bài hát “Đất nước trọn niềm vui” của cố nhạc sĩ Hoàng Hà được xem là một trong những ca khúc về ngày toàn thắng phổ biến và thành công nhất trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Có thể nói, ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” đã đồng hành cùng bao thế hệ người Việt Nam, mà với những người đã sống trong thời kì đất nước còn chia cắt lại càng có ý nghĩa vô cùng đặc biệt.

Ca sĩ Ma Bích Việt là một trong những người rất thành công với những bài hát về đề tài chiến tranh cách mạng. Thời trẻ, bà thuộc quân số của Đoàn ca nhạc Tổng Cục chính trị, được vào chiến trường miền Nam biểu diễn phục vụ chiến sĩ. Bà kể, trước khí thế tiến công như vũ bão của quân và dân ta, ở miền Nam những tháng đầu năm 1975, các nhạc sĩ dường như đã có dự báo với nhiều nhạc phẩm liên tiếp ra đời. Một trong những ca khúc được sáng tác trong không khí ấy là bài hát “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà, trước ngày giải phóng 30/4/1975.

Bà cho biết: “Cũng như các nhạc sĩ dự báo trước được tình hình, nhạc sĩ Hoàng Hà sáng tác bài hát này trước giải phóng, thậm chí có những bài trước 1 năm. Họ sáng tác xong là đưa lên Đài duyệt và thu ngay. Các cán bộ chính trị ngày đó rất thông minh, đi sâu đi sát thực tế. Trong thời điểm đó tôi và mọi người tập chương trình bí mật, các đội đi thì không được biết đi tới địa điểm nào. Nhưng chỉ nhờ vào những bài hát và sự phán đoán thì biết mình sẽ tới đâu”.

Hồi ấy, bài hát “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà được đoàn ca nhạc của ca sĩ Bích Việt thể hiện dưới hình thức hợp xướng. Hòa với không khí chiến thắng, hình thức hợp xướng không những tạo nguồn hứng khởi tiếp thêm sức mạnh cho nghệ sĩ trên sân khấu mà còn truyền lửa đến đồng bào, chiến sĩ, đến cả những người ở bên kia chiến tuyến.

 

“Lúc đấy đã có tin giải phóng Huế, Đà Nẵng và đang tiến vào Sài Gòn. Thế là chúng tôi được gọi về để tập hợp các đoàn văn công quân đội  thành đội tuyển lớn đi vào tiếp quản thành phố. Tôi may mắn được hát trong chương trình đó. Bài hát ấy như một cánh chim rộn rã, bay khắp các vùng. Người nào khi đã nghe bài hát đấy cũng suốt ngày lẩm nhẩm, ca ngợi. Những bài hát như “Đất nước trọn niềm vui” phải được hát bằng dàn hợp xướng, bè bối điêu luyện với dàn nhạc lớn như giao hưởng bây giờ”, ca sĩ Bích Việt kể lại.

Còn với những người được phân công ra công tác ở quần đảo Trường Sa ngay sau ngày giải phóng miền Nam như Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Cục phó Cục tác chiến, Bộ Tổng tham mưu thì trong điều kiện thiếu thốn đủ mọi bề ngoài biển, chiếc radio đã trở thành vật quý giá nối đất liền với đảo xa. Bài hát “Đất nước trọn niềm vui” ông đươc nghe trong ngày giải phóng dường như lại cùng ông ra nơi đảo xa, trong những chương trình ca nhạc cách mạng của Đài Tiếng nói Việt Nam.

“Đêm tối anh em cùng nhau nghe bài hát “Đất nước trọn niềm vui”, lấy niềm hứng khởi để cố gắng khắc phục thiếu nước ngọt, thiếu thực phẩm, quyết tâm giữ vững từng đảo một. Tôi đi tất cả các đảo, Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca... cho đến Trường Sa lớn. Anh em vô cùng gian khổ nhưng nhờ những bài hát như thế, hàng đêm động viên mình “đất nước đã trọn niềm vui”, mới biết ngoài khơi cũng là  đất nước, là Tổ quốc mình cương quyết giữ gìn”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh chia sẻ.

Sinh thời, khi nói về bài hát “Đất nước trọn niềm vui”, nhạc sĩ Hoàng Hà từng cho rằng: Chính các chiến công thần kỳ của quân và dân ta năm ấy đã làm cho mỗi người đều cảm thấy mình như lớn lên, tìm được những cảm xúc mạnh mẽ chưa từng thấy. Còn nhà thơ Vũ Quần Phương, đồng nghiệp với nhạc sĩ Hoàng Hà khi còn làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam thì nhớ lại: Bên cạnh những tác phẩm “theo bước chân giải phóng” thì cũng có những nhạc sĩ chịu khó “đầu tư phần tâm hồn”, gửi gắm những chất chứa của mình trong 20 năm đất nước bị chia cắt vào mỗi nhạc phẩm. Các nhạc sĩ Hoàng Hà, Phạm Tuyên, Phan Nhân, Hồ Bắc là những người như thế. Họ đã để đời những bài hát đi cùng năm tháng.

Nhà thơ Vũ Quần Phương cho biết: “Bài hát của anh Hoàng Hà hồi đó được phát rất nhiều và tạo nên không khí phấn chấn của người Hà Nội, người miền Bắc đối với miền Nam. Phải nói rằng khi mới giải phóng Phước Long, Buôn Ma Thuật thì mới bắt đầu phát động lên, nhưng khi giải phóng Huế, Đà Nẵng rồi thì nó thành một cao trào. Trong cao trào sáng tác văn học nghệ thuật thì âm nhạc đi ra sớm nhất và có ảnh hưởng tập hợp, lưu sự chú ý của công chúng”.

Trong kháng chiến, chúng ta lấy tiếng hát át tiếng bom. Bây giờ, khi đất nước hòa bình, những ca khúc xưa vẫn vang lên như thúc giục lòng người nhớ về một thời hào hùng của dân tộc. Thế hệ trẻ ngày nay luôn coi đó là những “giai điệu tự hào”, cũng có thể được làm mới dưới sự kết hợp với cách thể hiện khác nhưng vẫn lắng đọng khí thế, tinh thần của cha anh một thời đã sống và hi sinh vì “non sông thống nhất”./.

Tác giả: Phương Thúy

Nguồn tin: VOV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất