10:15 ICT Thứ ba, 19/03/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 516

Máy chủ tìm kiếm : 129

Khách viếng thăm : 387


Hôm nayHôm nay : 53809

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1918255

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 33254676

Trang nhất » Tin Tức » Xã hội học

Quang cao giua trang
top

Tìm động lực phát triển từ nguồn nhân lực khoa học và công nghệ

Tác giả: Lê văn Chương - Thứ hai - 23/03/2015 10:32
*Ảnh minh hoạ (nguồn internet)

*Ảnh minh hoạ (nguồn internet)

Kết quả phân tích của Ngân hàng Thế giới ở 38 quốc gia và khu vực cho thấy, tiến bộ công nghệ đóng góp 50% vào tăng trưởng kinh tế ở các nước phát triển, hơn 30% ở các nước đang phát triển… Ở nước ta, trong thời kỳ 1998-2002, tỉ trọng đóng góp của yếu tố KH&CN vào tăng trưởng GDP đã chiếm hơn 23%, Điều đó cho thấy vai trò của nguồn nhân lực khoa học công nghệ ngày càng lớn đối với sự phát triển chung


Trong chiến lược phát triển nhân lực KH&CN, việc xây dựng chính sách cần tập trung vào 03 nội dung: Đào tạo; Sử dụng, đãi ngộ và Hợp tác quốc tế
1. Chính sách về đào tạo
Theo thống kê, đến cuối năm 2010, cả nước có hơn 1.500 tổ chức KH&CN, trong đó có 1.001 tổ chức KH&CN ở Trung ương, chiếm tỷ lệ 66,1% và 512 tổ chức KH&CN tại địa phương, chiếm 33,9%. Trong đó, lĩnh vực Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ có 810 tổ chức, chiếm 53,5%; tiếp theo là Khoa học Nông nghiệp có 327 tổ chức, chiếm tỷ lệ 21,6%. Số người làm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có hơn 60 nghìn người, phân bổ theo 5 lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn; Khoa học Tự nhiên; Khoa học Nông nghiệp; Khoa học Y-Dược và Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ.
Tổ chức KH&CN ở nước ta từ 1996 đến nay tăng gần 3 lần, (từ 519 đã lên đến 1.513 đơn vị). Nhân lực KH&CN cũng tăng từ 22.300 lên tới hơn 60.500 người. Đổi mới chính sách nhân lực KH&CN cần trọng tâm, trọng điểm, không thể dàn trải như hiện nay, trong khi nguồn kinh phí thực hiện chính sách đào tạo, đào tạo lại cán bộ vẫn mang tính "mưa cho khắp”, chưa tạo động lực để năng lực khoa học thực sự bật lên.
Công tác đào tạo nguồn nhân lực KH&CN của nước ta, tuy đã có và đã đạt được những thành tích ban đầu, đáp ứng những yêu cầu cấp bách của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nhưng còn nhỏ bé về quy mô và chất lượng chưa cao. Trước nhu cầu mới của xã hội hiện nay thì công tác đào tạo nguồn nhân lực KH&CN của nước ta còn nhiều điều phải làm.
Hiện tại, năng lực KH&CN của Việt Nam còn yếu, thiếu cán bộ đầu ngành, đặc biệt là thiếu cán bộ trẻ kế cận có trình độ cao. Đầu tư cho KH&CN của xã hội còn thiếu cả về lượng và chất. Hệ thống giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao, đặc biệt là các ngành mũi nhọn và các ngành khoa học mới. Phần lớn cán bộ KHCN đều tự tìm nguồn kinh phí để thực hiện tự đào tạo. Các nguồn kinh phí để thực hiện chính sách đào tạo và đào tạo lại cán bộ còn mang tính chất “mưa cho khắp”, chưa mang tính cạnh tranh cao nên không tác động nhiều đến việc tạo động lực nghiên cứu cho cán bộ KH&CN.
 Thiếu sự liên kết hữu cơ giữa công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo với thực tế sản xuất kinh doanh. Thị trường công nghệ chưa phát triển, các cơ chế chính sách về lĩnh vực này còn bỏ ngỏ hoặc chưa thống nhất, thiếu chặt chẽ. Với cơ sở hạ tầng và trình độ KH&CN ở nước ta hiện nay chúng ta cần kết hợp đào tạo mới và đào tạo lại đội ngũ cán bộ có trình độ cao theo hướng trẻ hóa. Các đơn vị cần xây dựng kế hoạch đào tạo hàng năm và nhiều năm nhằm bổ sung kiến thức khoa học và công nghệ cho đội ngũ cán bộ có trình độ cao và phân loại cán bộ theo các độ tuổi.
 
Qua một diễn đàn thanh niên của một đơn vị thuộc Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), với câu hỏi "Lý do bạn muốn làm việc tại VPI?", kết quả nhận được là 77,8% trả lời là có môi trường làm việc tốt và 25,9% trả lời do có thu nhập ổn định. Điều đó cho thấy đối với người làm khoa học, thu nhập không phải là vấn đề chính để họ làm việc mà cốt lõi là môi trường làm việc tốt để họ được tự khẳng định mình và có cơ hội thăng tiến mới.
2. Chính sách về sử dụng, đãi ngộ
Chính sách sử dụng, đãi ngộ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thu hút đội ngũ cán bộ nghiên cứu có trình độ cao vì đây được xem là đòn bẩy mạnh mẽ để các nhà nghiên cứu yên tâm công tác, tận tụy với nghề.
Về quan điểm, cần phải nhận thức rằng không thể có một chính sách đãi ngộ chung cho tất cả giới khoa học và cần phá bỏ "chủ nghĩa bình quân”. Các đơn vị cần công tâm chọn ra những nhà khoa học có trình độ, xây dựng những nhóm khoa học mạnh và đầu tư thật xứng đáng để có kết quả nghiên cứu tốt. Điều này đòi hỏi các quyết sách và sự chỉ đạo từ lãnh đạo cấp cao.
Cần thay đổi tư duy tài chính hiện nay, tổ chức KH&CN phải đổi mới cơ chế tài chính, tiền lương tại đơn vị để mức thu nhập của cán bộ không bị hạn chế trần, thậm chí có thể gấp đôi, ba, năm lần so với các bậc lương hiện hành. Việc chi trả thu nhập cho cán bộ KH&CN thực hiện sao cho đó là động lực thức đẩy họ say mê nghiên cứu, có được những sản phầm khoa học với hàm lượng trí tuệ cao và gắn với yêu câu của thực tiễn.
Lãnh dạo các cấp phải coi khoa học là một nghề, và nghề này không phải ai cũng làm được. Bên cạnh cải tiến tiền lương theo hướng xác định thang bảng lương riêng cho ngạch khoa học tách khỏi ngạch hành chính - sự nghiệp, cần giao quyền tự chủ quỹ lương cho các tổ chức KH&CN. Cơ chế tài chính cũng cần phân định rõ tiền lương và chi phí nghiên cứu, khắc phục tình trạng nguồn thu nhập của người làm khoa học là từ kinh phí của đề tài bởi đâu phải người làm khoa học nào cũng là chủ nhiệm đề tài.
Muốn chính sách nhân lực KH&CN thúc đẩy KH&CN phát triển, cần thiết phải có mức phụ cấp ưu đãi cao nhất theo nghề, có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với cán bộ KH&CN đạt hiệu quả chất lượng cao; chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KH&CN đặc thù, xây dựng các chức danh "kỹ sư trưởng”, "tổng công trình sư” trong hệ thống chức vụ viên chức KH&CN…
3. Chính sách hợp tác quốc tế
Tính đến nay nước ta đã có quan hệ hợp tác về KH&CN với trên 70 nước, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế. Không những quy mô hợp tác được mở rộng mà hình thức, nội dung hợp tác cũng đã trở nên đa dạng, thiết thực hơn với nhu cầu phát triển KH&CN và kinh tế-xã hội của đất nước.
Để phát triển nguồn nhân lực KH&CN một cách nhanh nhất và bắt kịp trình độ các nước trong khu vực và trên thế giới, cần ưu tiên đầu tư cho hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo. Đây là con đường nhanh nhất giúp nước ta có thể đi tắt đón đầu các thành tựu mới của thế giới, tạo dựng môi trường kinh tế, xã hội thuận lợi cho phát triển hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực KH&CN sau đại học… Đa dạng hoá các loại hình hợp tác đào tạo quốc tế phù hợp với điều kiện cụ thể của các đơn vị khác nhau trong nền kinh tế quốc dân. Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích quá trình hợp tác quốc tế về KH&CN trình độ cao trong thời gian tới.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế, với đường lối đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế, nước ta có cơ hội thuận lợi để tiếp thu tri thức KH&CN, các nguồn lực và kinh nghiệm tổ chức quản lý tiên tiến của nước ngoài để nhanh chóng tăng cường năng lực KH&CN quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tận dụng những thành tựu của cách mạng KH&CN hiện đại, nước ta có thể đi thẳng vào những công nghệ hiện đại để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và khoảng cách phát triển kinh tế so với các nước đi trước.
Quá trình đổi mới đất nước đã tạo ra những tiền đề mới đồng thời thúc đẩy đổi mới công nghệ và ứng dụng thành tựu KH&CN trong nền kinh tế, nhất là trước sức ép về cạnh tranh trong điều kiện hội nhập khu vực và quốc tế. Sở hữu các thành tựu của khoa học và công nghệ cũng chính là sở hữu vốn. Đó là vốn tri thức – một yếu tố đầu vào quan trọng trong mạng lưới sản xuất và phân phối sản phẩm toàn cầu. Quốc gia nào có khả năng đầu tư nhiều vào khoa học và công nghệ, quốc gia đó sẽ có nhiều cơ hội để gặt hái thành quả của khoa học công nghệ và cũng đồng thời có lợi thế nhiều hơn trong việc tác động tới xu hướng phát triển của nền kinh tế thế giới theo hướng thuận lợi nhất cho mình.
Sự khác biệt là rõ ràng khi so sánh một số tiêu chí như: Hàm lượng giá trị tri thức trong sản phẩm của các nước phát triển và đang phát triển; lượng vốn tri thức đầu vào trong quá trình sản xuất; và giá trị sản phẩm được phân phối trên cơ sở công nghệ thông tin. Hàm lượng tri thức trong sản phẩm ngày càng tăng so với hàm lượng vốn, lao động và nguyên vật liệu. Năng suất lao động ở Mỹ chẳng hạn, đã tăng trung bình 0,17%/năm từ năm 1996 đến năm 2000, với số tiền tiết kiệm trong thời gian này là 72,8 tỷ USD. Để phát triển nguồn nhân lực KH&CN một cách nhanh nhất và bắt kịp trình độ các nước trong khu vực và trên thế giới, cần ưu tiên đầu tư cho hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo, đây là con đường nhanh nhất giúp nước ta có thể đi tắt đón đầu các thành tựu mới của thế giới.
Thách thức lớn nhất đối với sự phát triển KH&CN nước ta hiện nay là phải nhanh chóng nâng cao năng lực KH&CN để có thể rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong điều kiện nước ta còn nghèo, vốn đầu tư hạn hẹp, trình độ phát triển kinh tế và KH&CN còn khoảng cách khá xa so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực. Cần đổi mới cơ chế hoạt động KH&CN, trong đó ưu tiên các nội dung khuyến khích thuê chuyên gia, tư vấn nước ngoài tham gia trong quá trình nghiên cứu hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển KH&CN, đánh giá các nhiệm vụ KHCN, sử dụng các chỉ số KH&CN theo tiêu chuẩn quốc tế trong thống kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về KH&CN
Việt Nam đã bước vào hội nhập kinh tế thế giới, từng bước tiến tới chiếm lĩnh KH&CN đỉnh cao cho nên luôn đòi hỏi phải xây dựng một lực lượng KH&CN đông đảo có trình độ và đẳng cấp quốc tế, có khả năng làm việc trong môi trường công nghệ tiên tiến và cạnh tranh gay gắt. Để lực lượng KH&CN Việt Nam phát huy được và cống hiến tài năng, Nhà nước cần một đội ngũ cán bộ quản lý KH&CN chuyên nghiệp, có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để giữ vai trò trọng yếu trong quản lý KH&CN thời đại mới./.
--------------------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2011-2020., Bộ KH&CN 2011.
  2. Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020. Hà Nội, 7/2011.
  3. Luật Giáo dục Đại học. Hà Nội, 6/2012.
  4. Bộ KH&CN. Tài liệu Hội thảo “Chính sách phát triển nhân lực khoa học và công nghệ”. Hà Nội, 7/2012.
  5. Các website khác.
                   

Tác giả: Lê văn Chương

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất