14:07 ICT Thứ ba, 19/03/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 420


Hôm nayHôm nay : 74401

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1938847

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 33275268

Trang nhất » Tin Tức » Xã hội học

Quang cao giua trang
top

ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI CỦA HỌC SINH, SINH VIÊN VIỆT NAM HIỆN NAY

Tác giả: ThS. Thân Trung Dũng - Thứ ba - 23/06/2015 08:30
* Hình minh họa (Sưu tầm internet)

* Hình minh họa (Sưu tầm internet)

Định hướng tương lai (ĐHTL) của của học sinh, sinh viên (HS,SV) là một trong những khía cạnh hết sức quan trọng trong định hướng giá trị. ĐHTL là mục đích của cuộc sống mà mỗi người, mỗi dân tộc khát khao muốn đạt được. Để hướng tới mục đích đó, cần phải có kế hoạch hành động để vươn tới. ĐHTL của mỗi người là lý tưởng sống vươn lên, lý tưởng sống của HS, SV hiện nay là phấn đấu học tập, rèn luyện để có đủ tri thức, phẩm chất và năng lực cần thiết nhằm thực hiện lý tưởng và ĐHTL của mình. Vậy hiện nay HS, SV nhận thức, dự định và có những hành động gì cho tương lai của mình? Những kiến thức, kỹ năng gì cần thiết được HS, SV đề cao coi trọng? v.v… là những câu hỏi cần được giải đáp.

Những nghiên cứu gần đây, đặc biệt là nghiên cứu “Tìm hiểu nhận thức và thái độ của học sinh/sinh viên về định hướng tương lai” do Trung tâm đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục - Viện nghiên cứu giáo dục - Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh khảo sát 2000 HS, SV tại 4 thành phố lớn: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ thu được những kết quả đáng quan tâm.

Từ nhận thức về tương lai:

Kết quả nghiên cứu cho thấy, HS, SV Việt Nam có cái nhìn rất lạc quan về tương lai của mình. Có đến 85.7% HS, SV tham gia khảo sát cho rằng mình “có nhiều ước mơ đẹp trong tương lai”. Chỉ có hơn một nửa (57.8%) cho là mình “sẽ rất thành công trong tương lai” mặc dù có đến 81.9% nghĩ rằng mình “có thể thực hiện được những ước mơ của mình”.

Có 90.7% HS, SV “thích quan điểm cho rằng tương lai của mỗi người là do chính người đó quyết định”. Đó là lý do mà có đến 93% HS, SV đã và đang “tự trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho tương lai của mình”. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 1/6 HS, SV (15.8%) cho rằng mình “rất mơ hồ về tương lai của mình” và 10.8 % cho là “thành công hay thất bại trong tương lai là do số phận định đoạt”. Tương tự như vậy, có 9.2% HS, SV thích quan điểm “sống cho hiện tại đi, tương lai biết thế nào mà chuẩn bị”. Như vậy, nhìn chung HS, SV đã có nhận thức rất đúng đắn về tương lại của họ. Nhận thức đúng đắn có ý nghĩa rất quan trọng cho những dự định, hành động của HS, SV.

Đến những dự định cho tương lai:

Từ việc nhận thức đúng đắn về tương lai nên hầu hết HS, SV đang có các kế hoạch cho tương lai và phần lớn nghĩ rằng các hoạt động sau đây là cần thiết: Theo dõi thông tin trên các phương tiện truyền thông (82.8%); Lập thời gian biểu cho các kế hoạch của mình (67.9%); Tham gia các khoá học về kỹ năng sống (67.1%); Đi làm thêm để có kinh nghiệm thực tế (65.0%); Tham gia các hoạt động cộng đồng - xã hội (59.8%); Tham gia các diễn đàn để trao đổi và chia sẻ quan điểm và kiến thức của mình với người khác (52.0%); Chỉ có 48.1% HS, SV cho các hoạt động thể dục thể thao là quan trọng và có đến gần 13% cho là không quan trọng. Có 48.9% HS, SV cho là các hoạt động câu lạc bộ, hoạt động đội nhóm là quan trọng. 41.9% HS, SV cho là bình thường; 9.2% cho là không quan trọng. Đa số HS, SV đã có những dự tính rất cần thiết và sát với thực tiễn phát triển xã hội cho tương lai của mình. Họ luôn chú ý đến việc cập nhật thông tin, học tập thêm các kỹ năng để có thể nâng cao năng lực của mình, hoà nhập vào đời sống xã hội.

Và kế hoạch sau khi tốt nghiệp:

Xu hướng chung của HS, SV là tiếp tục học lên (75.4%- 81,8% HS và 69,6% SV) và học thêm một số kiến thức/kỹ năng cần thiết khác (tin học, ngoại ngữ…) (77.1%); Có đến 23.2% HS, SV có kế hoạch đi du học sau khi học xong; Có 2.7% bạn chưa có kế hoạch gì và có 5.1% bạn có kế hoạch ở nhà phụ giúp gia đình.

Để chuẩn bị cho tương lai của mình, phần lớn HS, SV cho rằng cần phải trang bị các kỹ năng “cứng”, tức là kiến thức về ngoại ngữ (91.6%), vi tính (86.1%) và cố gắng học giỏi các môn học (83.5%). Hầu hết HS, SV đều cho là các phẩm chất được cho là quan trọng đến rất quan trọng theo thứ tự như sau: Có tinh thần trách nhiệm; Có tính kiên trì; Nhiệt tình, thật thà, trung thực, tế nhị, nhân ái và khiêm tốn; Những phẩm chất cần thiết cho làm việc nhóm (khiêm tốn, nhân ái, tế nhị) không được HS, SV đánh giá cao bằng nhiệt tình, kiên trì và có tính trách nhiệm. Có đến khoảng hơn 1/5 HS, SV cho là các đức tính này (khiêm tốn, nhân ái, tế nhị) là bình thường; Các kỹ năng như “có cá tính”, “có khả năng lãnh đạo”, “biết làm việc độc lập”, “biết tham gia các hoạt động xã hội”, “có niềm đam mê một lĩnh vực nào đó”“có nhiều năng khiếu khác nhau” không được HS, SV đánh giá cao. Như vậy, hầu hết HS, SV biết được mình cần có những phẩm chất quan trọng nào song một số sinh viên tỏ ra không tự tin với những kiến thức, kỹ năng mình đang có. Một số chưa coi trọng những kỹ năng có thể làm cho họ phát triển tốt như: “có khả năng lãnh đạo”, “biết làm việc độc lập”, “biết tham gia các hoạt động xã hội”… Đây là vấn đề cần quan tâm nghiên cứu.

Đôi lời kết luận:

Những số liệu thu được cho thấy HS, SV là những người trưởng thành hơn so với suy nghĩ của nhiều người. Đại đa số HS, SV tham gia nghiên cứu có nhận thức tốt về tương lai vì thế đã có những dự kiến, hành động rất thiết thực cho sự phát triển ở tương lai. Tuy nhiên, vẫn còn một số bạn trẻ chưa nhận thức hết được tầm quan trọng của ĐHTL. Trước sự biến đổi mạnh mẽ, không ngừng của các giá trị, thang giá trị xã hội, nghiên cứu về ĐHTL của HS, SV là một chủ đề rất đáng quan tâm nghiên cứu trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp giúp HS, SV có lựa chọn được cho mình hướng đi đúng đắn và triển một cách toàn diện./.

Tác giả: ThS. Thân Trung Dũng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất