14:17 ICT Thứ ba, 19/03/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 474

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 473


Hôm nayHôm nay : 75199

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1939645

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 33276066

Trang nhất » Tin Tức » Xã hội học

Quang cao giua trang
top

Văn hóa và du lịch trong quá trình đổi mới hiện nay

Tác giả: Đoàn Thị Thanh Thúy - Thứ sáu - 24/07/2015 10:51
Văn hóa và du lịch trong quá trình đổi mới hiện nay

Văn hóa và du lịch trong quá trình đổi mới hiện nay

Có thể khẳng định phần lớn tài nguyên du lịch là các giá trị, thành tựu, công trình văn hóa của dân tộc trong sự gắn bó với môi trường tự nhiên và xã hội. Bên cạnh đó, tài nguyên du lịch còn gắn trực tiếp với tiến trình lịch sử, truyền thống văn hóa của dân tộc qua các thời kỳ khác nhau. Như vậy, đối với du lịch bền vững, văn hóa trở thành tài nguyên tạo nên sự hấp dẫn có chiều sâu nhất để khai thác.

1. Văn hóa
 
Khái niệm văn hóa
 
Một quan niệm đầy đủ về bản chất của văn hóa ngày càng được xác định. Nếu trước đây khái niệm văn hóa chỉ được hiểu theo nghĩa hẹp trong giới hạn những hoạt động văn học, nghệ thuật, thì nay văn hóa được hiểu theo nghĩa rộng là tổng thể các hệ giá trị bao gồm tình cảm, tri thức, vật chất và tinh thần của xã hội do con người sáng tạo trong hoạt động thực tiễn, lịch sử của mình, trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và xã hội. UNESCO từng cho rằng: “Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo (của các cá nhân và các cộng đồng) trong quá khứ và trong hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên các giá trị, truyền thống và thị hiếu - những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc” (1). Định nghĩa này rất phù hợp với quan điểm của Hồ Chí Minh nêu ra cách đó trên 40 năm: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó, tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng với nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” (2).
 
Như vậy, quan niệm của Hồ Chí Minh toát lên một cái nhìn vừa toàn diện, vừa sâu sắc về nguồn gốc lịch sử, phạm vi, biểu hiện của văn hóa trong đời sống và toàn bộ sinh hoạt của con người. Quan điểm này có ý nghĩa lớn lao trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
 
Vai trò của văn hóa đối với phát triển kinh tế, xã hội
 
Trước đây, nhiều người quan niệm văn hóa như là một lĩnh vực đứng ngoài và do kinh tế trợ cấp, chỉ khi kinh tế phát triển thì mới có điều kiện mở mang các hoạt động văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của con người. Với quan niệm đó, văn hóa được coi như là hoạt động mang tính giải trí, khi đời sống còn khó khăn thì ít người quan tâm và không nhận thấy vai trò của nó đối với phát triển kinh tế.
 
Ngày nay, văn hóa và kinh tế có sự gắn kết tác động biện chứng với nhau. Kinh tế phải đảm bảo được nhu cầu sống tối thiểu của con người, sau đó mới tạo điều kiện cho văn hóa phát triển. Sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc chỉ có thể năng động, hiệu quả, bền vững chừng nào đạt được sự phát triển kết hợp hài hòa giữa kinh tế với văn hóa.
 
Theo UNESCO, “nước nào tự đặt cho mình mục tiêu phát triển kinh tế mà tách rời môi trường văn hóa, thì nhất định sẽ xảy ra những mất cân đối nghiêm trọng cả về kinh tế lẫn văn hóa…” (3).
 
Như vậy, ngày nay văn hóa trở thành nhân tố tham gia trực tiếp vào quá trình phát triển kinh tế. Trong bất kỳ thời kỳ nào, con người đều đóng vai trò quyết định quá trình sản xuất. Mà con người trước hết là một thực thể văn hóa. Sự phát triển của mỗi quốc gia không phải chỉ ở tài nguyên thiên nhiên giàu có, đa dạng mà quyết định là ở sự sáng tạo, trí tuệ, tài năng, đạo đức của con người...
 
Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta luôn coi trọng văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, luôn nhấn mạnh văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Từ 1986 đến nay nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường, mở rộng kinh tế đối ngoại, bước vào ngưỡng cửa của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Muốn thực hiện được tốt các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trong thời kỳ đổi mới, điều quan trọng trước tiên là phải phát huy, nâng cao trình độ văn hóa của toàn dân tộc.
 
2. Du lịch
 
Khái niệm du lịch
 
Du lịch ngày nay đã trở thành một hiện tượng phổ biến, mang lại lợi ích to lớn về kinh tế, xã hội cho các quốc gia. Mặc dù vậy, cho đến nay nhận thức về nội dung khái niệm du lịch vẫn chưa có sự thống nhất.
 
Theo nguyên từ, trong tiếng Anh to tour có nghĩa là dã ngoại; trong tiếng Pháp tour có nghĩa là dạo chơi, leo núi, vận động ngoài trời; trong tiếng Việt du lịch là một từ đã có từ lâu gắn liền với các chuyến đi: kinh lý, tham quan, vãn cảnh, thăm viếng... của các nho sĩ, tầng lớp vua chúa, quan lại, nhà truyền giáo... Trong từ điển tiếng Việt, du lịch được giải thích là đi chơi cho biết xứ người (4).
 
Như vậy, các định nghĩa trên đã tiếp cận khái niệm du lịch theo nghĩa rộng hơn, không chỉ đề cập du lịch đối với khách vãng lai mà còn thêm vào đó các hoạt động kinh doanh của các cơ sở và cá nhân phục vụ cho những nhu cầu của du khách đi qua, ở lại và nhiều giá trị văn hóa tinh thần thu nhận được trong quá trình thăm quan.
 
Khái niệm du lịch trong Luật Du lịch của Việt Nam cũng xuất phát từ cái nhìn toàn diện này: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định” (5).
 
Vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế, xã hội
 
Trong những năm gần đây, hoạt động du lịch trở nên phổ biến trên toàn cầu và phát triển với tốc độ nhanh. Theo số liệu của Tổ chức Du lịch thế giới: năm 1950 toàn thế giới có 25 triệu du khách, năm 1990 lên tới 450 triệu, năm 2000 đạt 637 triệu, năm 2010 đạt 940 triệu, năm 2011 đạt 982 triệu, năm 2012 đạt 1,03 tỷ.
 
Theo tính toán của các chuyên gia, chỉ trong vòng 36 năm, từ 1960 đến 1996, thu nhập từ du lịch của thế giới đã tăng 62 lần, từ 6,8 tỷ USD lên 423 tỷ USD. Đến năm 2010, với 940 triệu lượt khách mang lại doanh thu 919 tỷ USD.
 
Nhiều tài liệu nghiên cứu cũng đã chỉ rõ du lịch là ngành lớn nhất thế giới, tính theo sản phẩm thu được thì nó đứng đầu về thu thuế, có khả năng nhất trong việc tạo công ăn việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp lao động. Hội đồng Du lịch và Kinh doanh du lịch thế giới ước tính: du lịch và kinh doanh du lịch tạo ra 144 triệu việc làm trên thế giới từ năm 2000 đến năm 2005, trong đó 112 triệu là ở các nước đang phát triển thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Họ đã tính số tiền khách du lịch chi trả cho các chuyến đi tăng từ 450 tỷ USD năm 1998 lên 555 tỷ USD năm 2000 và 919 tỷ USD năm 2010. Như vậy sau 20 năm nữa, du lịch rất có thể sẽ trở thành ngành kinh tế phát triển mạnh hàng đầu thế giới (6).
 
Trong bối cảnh đổi mới toàn diện đất nước, từ năm 1986 đến nay, ngành du lịch Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể. Chương trình hành động quốc gia về du lịch với tiêu đề Việt Nam - điểm đến của thiên niên kỷ mới đã mang lại cho du lịch những kết quả quan trọng, góp phần đẩy nhanh sự phát triển kinh tế, xã hội, thay đổi diện mạo và khẳng định tầm vóc, rút ngắn khoảng cách so với các nước trong khu vực.
 
Ngành du lịch Việt Nam thời gian qua đã tổ chức hàng loạt lễ hội và liên hoan văn hóa lớn, thu hút một lượng lớn khách trong và ngoài nước. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch năm 2010, ngành du lịch đã đạt doanh thu khoảng 96.000 tỷ đồng; năm 2011 đạt 110.000 tỷ đồng chiếm 4,6% GDP; năm 2012 đạt 160.000 tỷ đồng, đóng góp 5% vào GDP của Việt Nam. Năm 2013 số lượng khách du lịch quốc tế đạt 7,5 triệu lượt người, doanh thu 7,5 tỉ USD, tăng 9,9%. Dự kiến năm 2015, ngành du lịch sẽ thu hút 7-8 triệu lượt khách quốc tế, 32-35 triệu khách nội địa; năm 2020 sẽ là 11-12 triệu khách quốc tế, 32-35 triệu khách nội địa, doanh thu dự kiến sẽ đạt 18-19 tỷ USD.
 
So với lượng khách đến các nước phát triển trong khu vực, thì đây chưa phải là con số lớn. Nhưng kết quả này thực sự tạo động lực để những người làm du lịch Việt Nam có thêm tự tin. Trong năm 2013, bên cạnh việc triển khai chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, ngành du lịch sẽ tập trung xây dựng thương hiệu quốc gia, triển khai chương trình kích cầu, tăng cường các chương trình quảng bá, xúc tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư nguồn nhân lực... Theo dự báo của Hiệp hội Du lịch Mỹ (USTOA), Việt Nam đứng thứ hai trong số các điểm đến mới nổi được du khách quốc tế lựa chọn cho năm 2013. Đứng trước nhiều thách thức và dự báo kinh tế trong nước và thế giới tiếp tục khó khăn, ngành du lịch nên thận trọng khi đưa ra mục tiêu cho năm mới. Dù hoàn thành kế hoạch được giao, nhưng ngành du lịch vẫn còn nhiều lực cản để hướng tới phát triển bền vững. Năm 2012, với việc công bố 10 sự kiện tiêu biểu của du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch cho thấy những khó khăn như: tỷ lệ khách quay trở lại Việt Nam lần hai chỉ khoảng 18%, ngân sách nhà nước dành cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch giảm, chỉ bằng 5-6% so với các nước trong khu vực...
 
3. Mối quan hệ giữa văn hóa và du lịch
 
Di sản văn hóa là nguồn lực cho phát triển du lịch
 
Nhiều người cho rằng, nếu không có truyền thống, vẻ đẹp độc đáo, những giá trị và công trình văn hóa thì du lịch Việt Nam sẽ không phát triển mạnh được và mất đi sự hấp dẫn riêng của nó.
 
Với nhận định trên, có thể khẳng định phần lớn tài nguyên du lịch là các giá trị, thành tựu, công trình văn hóa của dân tộc trong sự gắn bó với môi trường tự nhiên và xã hội. Bên cạnh đó, tài nguyên du lịch còn gắn trực tiếp với tiến trình lịch sử, truyền thống văn hóa của dân tộc qua các thời kỳ khác nhau. Như vậy, đối với du lịch bền vững, văn hóa trở thành tài nguyên tạo nên sự hấp dẫn có chiều sâu nhất để khai thác.
 
Theo thống kê, tính đến tháng 8-2010, Việt Nam có hơn 40.000 di tích, thắng cảnh, trong đó hơn 3000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, hơn 5000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Mật độ và số lượng di tích nhiều nhất ở 11 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng với tỷ lệ chiếm khoảng 70% di tích của Việt Nam. Tính đến năm 2010, Việt Nam được UNESCO công nhận 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới. Việt Nam có 30 vườn quốc gia, 400 nguồn nước nóng từ 40 - 150 độ; đứng thứ 27 trong số 156 quốc gia có biển trên thế giới với 125 bãi tắm đẹp; là 1/12 quốc gia có vịnh đẹp nhất thế giới là vịnh Hạ Long, Nha Trang. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có nguồn lực văn hóa đa dạng của 54 dân tộc anh em được kết tinh từ tài năng, trí tuệ, tâm hồn con người từ ngàn đời, đồng thời là kết tinh của quá trình giao lưu, tiếp thu tinh hoa của các dân tộc trên thế giới, góp phần tạo nên sự đa dạng về văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán Việt Nam.
 
Có thể nói, văn hóa là nguồn tài nguyên chủ yếu của du lịch. Môi trường thiên nhiên và văn hóa, nhân văn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với du lịch. Với sự đa dạng, phong phú về thiên nhiên và văn hóa, Việt Nam có nhiều lợi thế trong phát triển các loại hình du lịch như: tham quan, sinh thái, văn hóa, làng nghề... thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
 
Văn hóa là mục tiêu của phát triển du lịch
 
Với việc nhận thức rõ vai trò của nhân tố truyền thống văn hóa trong phát triển du lịch, các nhà quản lý đã sử dụng, khai thác nó như một phương thức kinh doanh. Yếu tố truyền thống văn hóa trong kinh doanh có vai trò quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của du lịch. Muốn có hiệu quả trong kinh doanh điều quan trọng không chỉ thỏa mãn nhu cầu bằng cơ sở vật chất, mà còn phải chiếm được tình cảm của du khách qua việc phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc.
 
Du lịch vừa là ngành dịch vụ, vừa là ngành sản xuất, và tiêu thụ sản phẩm của chính mình. Trong du lịch phần lớn các dịch vụ đều do con người thực hiện. Giao tiếp là một yếu tố rất quan trọng quyết định đến hoạt động du lịch. Lòng hiếu khách, vẻ thanh lịch, sự tự tin trong giao tiếp ứng xử đối với khách là điều rất cần thiết. Vì vậy những người làm công tác du lịch phải hình thành phong cách giao tiếp, ứng xử phù hợp trong quá trình làm việc.
 
Đứng trước những vấn đề cuộc sống, sức ép ngày càng tăng của quá trình đô thị hóa, con người ngày càng có nhu cầu tìm đến với thiên nhiên. Loại hình du lịch gắn với thiên nhiên đang trở thành một hướng khai thác không thể thiếu trong chính sách phát triển du lịch của các quốc gia. So với nhiều quốc gia trên thế giới, cảnh quan thiên nhiên Việt Nam còn hoang sơ, nhiều nơi con người chưa khám phá, đây là lợi thế để phát triển các loại hình du lịch thiên nhiên kết hợp với văn hóa. Khai thác tốt và hợp lý tài nguyên, kết hợp những chính sách phù hợp sẽ tạo động lực cho du lịch phát triển mạnh mẽ.
 
Bên cạnh việc phát triển, thì hiện nay du lịch Việt nam còn có nhiều hạn chế như: môi trường bị ô nhiễm, nhiều di tích hư hỏng nghiêm trọng hay bị sửa lại khác xa mẫu cổ, tình trạng chèo kéo, bắt chẹt khách, tăng giá phòng tùy tiện, chất lượng hạ tầng cơ sở và giao thông kém, dịch vụ xuống cấp... Ngoài ra, công tác quản lý của các cơ quan chức năng chưa đạt hiệu quả. Theo đánh giá của ngành du lịch, từ năm 2006 đến 2012 hơn 70% du khách quốc tế sau khi đến Việt Nam đều không muốn quay trở lại.
 
Việt Nam là nước đang phát triển, mọi hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch đều chi phối mạnh mẽ tới hành động, thái độ ứng xử của con người với thiên nhiên. Vì vậy, để đảm bảo phát triển bền vững, những người hoạt động du lịch phải có tri thức, cách giao tiếp, ứng xử có văn hóa. Đồng thời, phải tích cực tham gia vào công tác bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên của quốc gia. Cần có những hoạch định chính sách phát triển du lịch bền vững, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến thế hệ mai sau.
_______________
1. Giáo trình Văn hóa xã hội chủ nghĩa, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.431.
3. Tạp chí Người đưa tin của UNESCO, 1998, tr.5.
4. Từ điển tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,1995.
5. Luật Du lịch, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005.
6. Tạp chí Cộng sản, số 20, tr.42-46.

Tác giả: Đoàn Thị Thanh Thúy

Nguồn tin: Tạp chí VHNT số 358

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất