15:15 ICT Thứ ba, 19/03/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 496


Hôm nayHôm nay : 80070

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1944516

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 33280937

Trang nhất » Tin Tức » Tri thức

Quang cao giua trang
top

Đoàn văn công Giải phóng Trung trung bộ trong những năm chiến tranh

Tác giả: Nguyễn Hữu Ty - Thứ ba - 18/08/2015 08:49
Ảnh chụp Đoàn tại căn cứ Trà My, Quảng Nam năm 1973

Ảnh chụp Đoàn tại căn cứ Trà My, Quảng Nam năm 1973

Ghi chép để cùng nhớ lại những năm tháng chiến đấu tại mảnh đất: Ruồi vàng, Muỗi bạc, Vắt kim cương / Đói cơm, lạt muối là chiến trường Khu 5.

 Sau cuộc hội ngộ của những người bạn chiến trường Khu 5 tại Quy Nhơn – Bình định (4/2015)  những ký ức một thời chiến tranh ở mảnh đất Khu 5 lại sống dậy và thôi thúc tôi phải làm một cái gì đó để ít nhất là sẻ chia và cùng đồng đội ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên, những hy sinh và cống hiến cho cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc.

      Đầu năm 1973 tôi đựơc điều về công tác tại  Đoàn Văn công giải phóng Khu Trung trung bộ (chúng tôi thì luôn gọi tắt là Đoàn văn công giải phóng Khu 5 ).Sở dĩ như vậy vì tại thời điểm đó trên mặt trận khu 5 có 2 đoàn văn công: một là Đoàn văn công Quân giải phóng Khu 5, do Tư lệnh Quân khu 5 quản lý;  hai là Đoàn văn công giải phóng Khu Trung trung bộ do Ban tuyên huấn khu ủy khu 5 quản lý. Sứ mệnh của Đoàn văn công giải phóng Khu Trung trung bộ là xây dựng chương trình và tổ chức biểu diễn Nghệ thuật nhằm phục vụ, động viên tinh thần cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên địa bàn hăng hái tham gia công cuộc kháng chiến của dân tộc.  

 
     Đoàn được thành lập từ cơ sở là Đoàn văn công giải phóng miền Tây Quảng Đà mà đa số các diễn viên được lấy từ con em của dân tộc Cơ Tu ở huyện Đông Giang, Tây Giang, và Nam Giang tỉnh Quảng Đà. Năm 1969 đoàn được đưa ra miền Bắc tập huấn. Tại đây đoàn được bổ sung thêm nhiều anh chị em diễn viên nòng cốt được đào tạo ở các trường Nghệ thuật chuyên nghiệp như trường Múa Việt Nam, trường Âm nhạc Việt Nam và các trường  nghệ thuật ở tỉnh Kết nghĩa như Hải Phòng và Thanh Hóa.

 
     Tháng 12 Năm 1972,  sau thời gian đoàn đi biểu diễn ở các K Miền nam và ở hai tỉnh kết nghĩa (Thanh Hoá và Hải Phòng) rồi được tập huấn tại trường 105 Hoà Bình, đoàn trở lại khu 5 phục vụ chiến đấu với tên gọi Đoàn văn công giải phóng Khu Trung trung bộ do Ban tuyên huấn Khu ủy Khu 5 trực tiếp quản lý. Đoàn gồm hơn 50 cán bộ, diễn viên. Cán bộ lãnh đạo đoàn gồm có ông Nguyễn Văn Lào – Trưởng đoàn; Các ông A Tùng Vẽh, ông Hổ, ông Tà Lăng - Phó đoàn, ông Thế Khoa – Sáng tác , Văn Sửu - Nhạc trưởng, sau đó có tăng cường ông Hiền Minh, ông Kaso Liễn – Đạo diễn, ông Trần Hồng – Chỉ huy nhạc. 

 
        Đoàn được tổ chức thành 4 đội chuyên môn : Đội Ca (Trần An đội trưởng), Múa (Thiện Tâm đội trưởng), Nhạc (Từ Thịnh đội trưởng) và Dân Ca kịch (Trần Thị Tám đội trưởng). Nét đặc trưng của các tiết mục do đoàn xây dựng là mang đậm bản sắc khu 5 bao gồm Ca, Múa, Nhạc, Ca kịch bài chòi, sau này có thêm cả phần kịch nói. Phần hát có các tiết mục đơn ca của Trần An, Kim Oanh, Bích Hồng, Quang Sáng. Tiết mục Tốp ca nam của đoàn lúc đó được cho là tương đối mạnh với bài “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”; Múa có tiết mục”Sắc bùa”, “Xà dăm”, “Ca Tu”, “Tuần đuốc” mang đậm chất dân gian khu 5, những tiết mục này khi đi phục vụ ở các vùng giải phóng được nhân dân rất hoan nghênh. Múa hiện đại có “Ong Vò vẽ”, “Rõ Mặt tớ Thầy”, “Tiễn anh lên đường”, “Bẩy dũng sĩ Điện Ngọc”… Nhạc có các tiết mục độc tấu Violon của Danh Thắng với bài “Cô gái vót chông”, độc tấu sáo trúc của Tạ Thiện với bài “Anh vẫn hành quân”, độc tấu đàn bầu của Lưu Học với bài “Vì miền nam”. Đặc biệt là tiết mục ca kịch Dân ca bài chòi như: “ Cô bé giao liên ", “Lá cờ” của tác giả Hoàng Lê, hay ca cảnh “Chọn ảnh”, các diễn viên của đội ca kịch đa phần là người miền Bắc, nhưng khi xem họ biểu diễn thì khán giả đều khẳng định đây thiệt là người khu 5 từ cách hát dân ca đến giọng điệu, nhả lời đều mang đậm chất khu 5. 

 
         Trong suốt 4 năm phục vụ ở chiến trường chúng tôi không thể nhớ hết là đã tổ chức phục vụ được bao nhiêu buổi diễn, nhưng có những buổi diễn mà chúng tôi không thể nào quên đó là buổi biểu diễn phục vụ Đại hội Đàng bộ khu ủy Khu 5 vào đầu năm 1974 (chỉ nhớ địa danh là cầu Bà Huỳnh, Bà xá). Để chuẩn bị cho buổi phục vụ này, chúng tôi phải tập luyện rất khẩn trương, kể cả xây dựng tiết mục mới. Một mặt cử gần chục người đi nhận trang phục và đạo cụ biểu diễn từ ngoài Bắc mới chuyển vào (đây là những bộ trang phục,đạo cụ, nhạc cụ đã được gửi đi theo từ khi đoàn lên đường tháng 12 năm 1972 mà giờ mới tới). Chúng tôi phải đi bộ từ Trà My ra tận Bến Giằng, Nam Giang, Quảng Đà. Mất hơn 3 ngày hành quân vượt đèo, lội suối mới đến nơi, Nhận xong lại bó thành từng bó gùi (cõng) về. Trên đường về gần đến bờ sông Tranh, trong khi đang xuống dốc thì đ/c Duy Phùng bị trượt chân ngã làm cho số đạo cụ bị văng ra. Đúng lúc đó có một đoàn cán bộ đi ngược chiều trở ra, trong đó có một bác lớn tuổi mặc bộ đồ bà ba màu ghi xanh, khi thấy chúng tôi đang loay hoay buộc lại mấy cây súng gỗ (đạo cụ biểu diễn) và hòm gỗ lỉnh kỉnh, biết chúng tôi là lính của văn công nên bác hỏi: “Sao văn công không đi ra mà lại đi vào thế?”. Chúng tôi thật thà đáp:”Chúng cháu đi nhận đạo cụ về”, bác chỉ cười và khẽ gật đầu. Sau này chúng tôi mới biết đó là bác Hai Mạnh - tức Đại tướng Chu Huy Mân - Tư lệnh Quân khu 5 lúc bấy giờ, ông đang trên đường ra khu ủy để chuẩn bị Đại hội. 

 
       Đoàn chúng tôi đã biểu diễn thành công chương trình phục vụ Đại hội Đảng bộ Khu 5 gồm một đêm diễn hơn 2 giờ đồng hồ để lại nhiều ấn tượng với các đại biểu, nhất là khi họ biết rằng các diễn viên của đoàn phần lớn là con em các dân tộc Khu 5, đặc biệt là tiết mục Ca kịch “Cô bé giao liên” do nhóm Hải Nhuận, Dương Thị Sáu, Minh Đức biểu diễn đã khiến cho nhiều đại biểu xúc động rơi nước mắt. Hôm sau buổi diễn, chúng tôi được bác Bác Năm Công (tên gọi bác Võ Chí Công- Bí thư Khu ủy Khu 5 lúc đó) mời lên gặp mặt. Đến nơi thấy bác Năm mặc bộ bà ba ngồi trên một chiếc ghế bành làm bằng mây, bác Nguyễn Văn Lào trưởng đoàn  dẫn đầu đã thay mặt anh chị em diễn viên cảm ơn và chúc sức khỏe Bác Năm. Cuộc gặp diễn ra thật ấm áp, thân tình. Cuối buổi gặp, bác cho gọi chị  Trần Thị Tám – diễn viên đội ca kịch quê ở Đại lộc, Quảng Đà lên hỏi thăm sức khỏe và gia đình. Bác căn dặn mọi người phải cố gắng khắc phục khó khăn để mang văn nghệ cách mạng đến với chiến sỹ và nhân dân vùng Giải phóng, vùng khó khăn nhất.

 
        Ngay sau khi hoàn thành buổi diễn phục vụ Đại hội Đảng Khu 5, đoàn chúng tôi đã thực hiện chuyến lưu diễn dài ngày suốt từ Hiệp Đức – Quảng Nam đến Nam Giang và Tây Giang - Quảng Đà, Đây là chuyến lưu diễn đầu tiên của những người con quê hương miền Tây Quảng Đà trở về phục vụ bà con, nên thật có nhiều cảm xúc, vui vẻ nhưng cũng không kém phần gian nan vất vả. Với địa hình miền núi, thời tiết rất khắc nghiệt, lại trong thời kỳ chiến tranh nên chúng tôi di chuyển chủ yếu bằng cách duy nhất là hành quân bộ. Không những thế còn phải cõng trên lưng mỗi người mấy chục ký lô vừa đạo cụ, vừa trang phục biểu diễn, rồi là nhạc cụ cùng với đồ cá nhân không thể thiếu trong ba lô như: võng, bọc võng, tăng bạt, vài ba bộ quần áo, ăng gô, bi đông nước, dao găm, và nhất là thứ không thể thiếu như đèn pin, bật lửa… Nhưng cuối cùng rồi chúng tôi cũng vượt được qua tất cả và thực hiện được 8 đêm biểu diễn phục vụ cho cán bộ, chiến sỹ và bà con quê hương Tây Quảng Đà. Đặc biệt là đêm diễn phục vụ các cán bộ, chiến sỹ tù Côn Đảo được trao trả theo hiệp định Pari. Đêm diễn đó nhiều lúc phải ngưng lại vì có những đ/c khi đang xem đã không thể nén được cảm xúc khi thấy lại cảnh bọn ác ôn đàn áp dân mình, các anh hét lên, hô đả đảo và có một số người đã bị ngất xủi tại chỗ.

 
        Đầu năm 1975 trong những ngày giáp tết đoàn chúng tôi lại tiếp tục hành trình  về phục vụ tại các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và Trà Bồng Quảng Ngãi, chúng tôi đã thực hiện được 6 đêm diễn ở 6 địa điểm khác nhau. Ở đâu chúng tôi cũng được bà con giúp đỡ tận tình và chào đón nồng hậu. Mặc dù vẫn đang thời kỳ chiến tranh  đời sống của bà con còn rất nhiều thiếu thốn nhưng bà con vẫn dành những đồ ăn ngon nhất cho các diễn viên chúng tôi, ở trên núi lâu ngày chỉ có rau rừng và lá sắn, nên giờ khi được thưởng thức món rau sống đồng bằng – (với rau thơm, rau sà lách, bạc hà, lá hẹ, rau diếp cá), cá chuồn cuốn bánh tráng (bánh đa nhúng nước) thôi là chúng tôi đã ngây ngất rồi. Khi biểu diễn ở huyện Tư Nghĩa, chúng tôi được tiếp xúc và giao lưu với một nhân sỹ yêu nước vừa mới từ vùng địch trở ra, ông nói ông rất ngạc nhiên là tại sao bên giải phóng ở trên rừng núi, điều kiện vật chất khó khăn như thế mà các anh lại có được một đoàn nghệ thuật hay như vậy! 

 
      Trong lần đi này, khi từ Sơn Tịnh sang Trà Bồng chúng tôi phải hành quân ban đêm để vượt qua một cứ điểm của quân Ngụy, trời tối chỉ thỉnh thoàng từ phía đồn địch lại bắn lên một quả pháo sáng và vài tiếng súng bắn cầm canh. Chúng tôi phải rất tập trung. Trước khi đi, đ/c giao liên dẫn đường đã phổ biến là phải bám sát nhau mà đi nếu không sẽ bị lạc và đặc biệt là phải tuyệt đối im lặng không để xảy ra tiếng động, dễ bị địch phát hiện. Với tất cả đồ đạc, hành lý trên lưng, chúng tôi lần mò trong đêm tối đến 5 giờ sáng mới tới nơi tập kết, tại đây chúng tôi được nghỉ để chuẩn bị cho buổi tối vượt qua một con lộ nối huyện lỵ Trà Bồng với đường quốc lộ 1. Suốt cả ngày hôm đó chúng tôi cố gắng ngủ để lấy sức cho buổi tối tiếp theo nhưng không tài nào chợp mắt được vì trên trời thì trực thăng của địch quần đảo liên tục, dưới đất thì từng tốp xe quân sự của chúng chạy đi, chạy lại suốt ngày. 

 
     Đến 7 giờ tối, một nhóm du kích địa phương đi trinh sát về báo là có thể đi được, chúng tôi đi theo hàng một, người nọ tiếp bước người kia, khổ nhất là mấy chi em nữ chân yếu tay mềm, thỉnh thoảng lại bước hụt xuống hố mà không dám kêu vì sợ bị lộ. Mặc dù các đồ nặng cánh nam giới đã nhận cõng hết rồi nhưng việc di chuyển vẫn rất chậm. Vượt qua con lộ, chúng tôi lại phải vượt qua con sông Trà Bồng, nước ngang thắt lưng. Rất căng thẳng và vất vả. Ở đây có một chuyện khi được nghe kể lại ai cũng cho là một sự việc hy hữu và may mắn cho đoàn, một sự việc thoát chết trong gang tấc: Đó là khi vượt sông,  trong nhóm có anh Thu An (người trong đoàn Văn công Quảng Ngãi) có vẻ là thông thạo, và Trần An, Kim Oanh, Tuyết Thanh, Quang Sáng, đang lầm lũi bám nhau đi rất căng thẳng thì một người trong nhóm chợt phát hiện đã đi lầm đường, vì không thấy nhóm nào đi trước và đi sau cả, và ngay gần trước mặt thì thấy ánh đèn lấp ló cùng với tiếng xì xồ nói chuyện, mọi người vội vàng quay đầu chạy thục mạng, Kim Oanh thì vứt cả túi xách, ba lô chạy. trong khi đó ông Lào trưởng đoàn điểm quân số thấy thiếu… chưa biết chuyện gì xảy ra, cả đoàn phải ngồi chờ lúc sau mới thấy nhóm đi lạc quay trở lại…Thật hú vía !!!. Cuối cùng thì đến 10 giờ tối chúng tôi cũng đến được nơi tạm trú đó là xã Bình Minh, Trà Bồng, Quảng Ngãi (điểm ngã ba  An Tráng). Chúng tôi được nghỉ một ngày để lấy lại sức và sau đó chuẩn bị cho đêm diễn. Cũng như các nơi khác, sân khấu là nột thửa ruộng bỏ hoang, anh em du kích trồng cho mấy cây tre để treo phông màn, còn lại chúng tôi phải tự lo chuẩn bị mọi thứ từ hậu đài cho đến biểu diễn, trong đoàn nhiều anh phải kiêm nhiều việc: vừa biểu diễn, vừa phục vụ hậu đài. Người nổi bật nhất là anh Tám Bót – người dân tộc Ca Tu, anh vừa là nhạc công biêu diễn đàn Tơ Rưng, vừa  kiêm nhiệm Loa đài, ánh sáng. Đặc biệt là phụ trách vận hành và mang vác chiếc máy phát điện đến hơn 10 kg.

 
     Khi buổi diễn kết thúc, chúng tôi phải nhanh chóng thu dọn đồ đạc và hành quân ngay trong đêm về nơi tạm trú. Phải đến 12 giờ đêm mới được nghỉ. Đêm diễn ở Trà Bồng thu hút được rất nhiều nhân dân đến xem, sau buổi diễn các anh du kích bảo vệ vòng ngoài đã kể lại là ngoài chiến sỹ và nhân dân địa phương còn có nhiều thanh niên từ vùng địch chiếm cũng đi Hon đa lên để xem Văn công Giải phóng, và các anh cũng đã vô hiệu hóa được một đối tượng định ném lưụ đạn vào hòng phá hoại buổi diễn. 

 
      Đêm hôm sau chúng tôi lại theo con đường hôm trước để trở lại Sơn Tịnh tiếp tục cuộc lưu diễn tiếp theo là Huyện Ba Tơ.

 
      Vào tháng 3/1975, Đoàn thực hiện chuyến lưu diễn  phục vụ các huyện lỵ vừa mới được giải phóng, điểm đầu tiên đoàn đến là trung tâm huyện lỵ Sơn Hà (ngày 17 tháng 3 Giải phóng Huyện Sơn Hà,  Quảng Ngãi), khi chúng tôi đến nơi vẫn còn nguyên cảnh hoang tàn, tan tác của một cuộc tháo chạy của quân Ngụy như vừa mới xảy ra. Những đồn bốt, hàng rào kẽm gai, xác những chiếc xe ô tô hỏng bị bỏ lại vẫn chỏng trơ, những đám cháy vẫn còn âm ỉ. Vào thị trấn thấy rất ít người còn ở lại, vì đa phần là người thân của quân Ngụy đã cùng di tản với chồng con họ. Chúng tôi được bố trí ăn ở tại khu chỉ huy của quân Ngụy vừa rút đi.

 
       Đến nơi vào khoảng 9 giờ sáng thì buổi chiều chúng tôi đã bắt tay vào chuẩn bị cho đêm diễn, sân khấu là một bãi cát bồi cạnh con sông, chúng tôi được một số anh chị em du kích địa phương giúp sức dựng sân khấu và công tác bảo vệ. Phương tiện biểu diễn thời chiến thật rất đơn giản: chỉ một máy phát điện 800 W, một đèn Măng xông phòng khi mất điện, một Amply xách tay, ánh sáng chỉ có 2 bóng đèn 200 W, 2 Micro, 2 chiếc Loa tròn. Vậy mà sức hút của ánh đèn sân khấu cùng với niềm khao khát được xem Văn công giải phóng biểu diễn đã lôi cuốn rất đông bà con trở về và đến xem. Thật lạ kỳ vì mới buổi chiều chúng tôi thấy rất hoang tàn, ít người dân quanh khu vực, nhưng khi đèn sân khấu và tiếng nhạc nổi lên thì khán giả kéo đến rất đông – có lẽ sau khi hoang mang chạy nạn,  khi chưa hiểu bộ đội giải phóng là thế nào, nên khi họ tới xem đêm diễn thì có lẽ không có cách truyên truyền nào hiệu quả và nhanh bằng Văn công, Văn nghệ. Buổi diễn thật suôn sẻ, tạo niềm hứng khởi cho cả người xem lẫn người diễn. Có người bảo từ bé đến giờ mới được thấy văn công giải phóng. 

 
        Tiếp theo, khi chúng tôi về căn cứ Tà Ma (khu căn cứ của tỉnh Quảng Ngãi), chúng tôi cũng tổ chức được một đêm diễn, sau đó thì gặp trời mưa to kéo dài nên chưa thể tổ chức biểu diễn tiếp được. Trong khi nằm chờ ở căn cứ thì thông qua đài Radio, chúng tôi vui mừng được tin quân ta đã dồn dập giải phóng các tỉnh lỵ phía nam Trung Trung bộ. Ngày 24/3/1975  Quảng Ngãi đựơc hoàn toàn giải phóng, rồi đến Quảng Nam 27 tháng 3, rồi tiếp đến 29 tháng 3 Đà Nẵng cũng được giải phóng, cứ nghe nơi này, nơi kia được giải phóng mà sốt cả ruột, vì xung quanh các cơ quan, ban, nghành của tỉnh Quảng ngãi cũng đã rút đi hết rồi, còn mỗi đoàn chúng tôi thì làm sao mà không sôi cả ruột lên và chịu nổi cái cảnh còn bị chôn chân ở nơi đây. Đến đầu tháng 4/1975 thì có 2 chiếc xe tải quân sự GMC của tỉnh Quảng Ngãi lên đón đoàn chúng tôi về thị xã để phục vụ nhân dân. Thật không thể nào tả hết nỗi vui mừng khi xe chở chúng tôi từ vùng căn cứ Tà Ma thuộc huyện Ba Tơ qua các căn cứ của Ngụy ở huyện lỵ Ba Tơ, rồi qua Đức Phổ, ra quốc lộ 1 ngược về thị xã Quảng Ngãi. Khi nhìn thấy đường nhựa, rồi được đặt chân lên mặt nhựa cảm giác rất lạ, trong lòng chúng tôi lâng lâng khó tả, như đã trút bỏ được mọi nỗi gian truân của một thời rừng núi. Một con đường thẳng băng trải dài ra ngút tầm mắt. Trên đường đi, chúng tôi gặp rất nhiều xe chở bộ đội ta từ miền Bắc vô chạy về hướng nam để tiếp sức cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn.

 
      Bao năm ở rừng xanh núi đỏ, giờ về Thị xã Quảng Ngải – một đô thị vừa được giải phóng đối với chúng tôi lúc đó quả thật choáng ngợp. Ngợp không chỉ vì sự phồn hoa của phố phường mà còn vì niềm vui sướng ngất ngây của ngày giải phóng. Chúng tôi đã có 3 đêm diễn phuc vụ bà con thị xã. Một đêm ở trung tâm thị xã tại sân vận động tỉnh và 2 đêm ở ngoại ô (khu vực sân bay, và ở giáp huyện Bình Sơn ). Còn nhớ hôm diễn ở trung tâm thị xã, trời đổ mưa nhưng bà con vẫn háo hức đứng xem đến hết chương trình. Trước buổi diễn một sự cố hy hữu đã xảy ra: do chúng tôi phải ở tạm trong trụ sở của cảnh sát Ngụy, anh Thanh Hoài được phân công giữ  chiếc trống cơm, không biết do vô tình hay cố ý, anh cất chiếc trống vào chiếc két sắt rất to rồi khóa số lại. Gần đến giờ lên đường đi diễn, anh ta mới mở để lấy trống nhưng không tài nào mở được, gọi đ/c phụ trách địa phương giúp đỡ nhưng anh ta cũng chịu. Cuối cùng phải nhờ thợ hàn vào phá chiếc két mới lấy được chiếc trống ra. Bây giờ chiếc trống đó không biết có còn không, nếu còn chắc nó là một ký vật đáng nhớ nhất để kỷ niệm những ngày chúng tôi biểu diễn ở Quảng Ngãi!

 
      Chia tay Quảng Ngãi, chúng tôi về Thị xã Hội An. Hội An hồi ấy không “nghiêng” như cảm nhận của nhà thơ Nghiêm Nhan trong bài thơ “Đêm Hội An”. Nó vẫn là đô thị cổ có rất nhiều bà con người Hoa sinh sống và làm ăn ở đây. Chúng tôi lại được bố trí ở trong trụ sở của Nha cảnh sát Ngụy. Các anh cán bộ địa phương khuyên chúng tôi hạn chế đi chơi phố vào ban đêm , nếu có đi thì đi từng tốp đông người để đề phòng mọi chuyện bất trắc, vì thị xã mới giải phóng vẫn còn nhiều vấn đề về an ninh, chưa đảm bảo. Thậm chí,  đêm ngủ phải đóng kín cửa sổ để tránh bị chúng liệng lựu đạn vô.
       Kế hoạch của đoàn chúng tôi là sẽ biểu diễn 2 đêm: một ở thị xã và một ở Cù Lao Chàm. Nhưng do thời tiết xấu nên chúng tôi chỉ biểu diễn một tối ở sân vận động thị xã.. Trong khi nằm ở Hội An chờ ngày trở vào Đà Nẵng, chúng tôi vui mừng đón nhận tin quân ta đã giải phóng Sài Gòn, chấm dứt chiến tranh, Hòa bình đã vĩnh viễn trở về.

 
        Ngày 4/5/1975 chúng tôi vào Đà Nẵng trên 2 chiếc xe đò (xe RENON) do ban tổ chức bố trí. Đây là lần đầu tiên chúng tôi được di chuyển trên một chiếc ô tô dùng để chở người, ngồi trên chiếc xe đò chúng tôi lại nghĩ về những năm tháng ở chiến khu, mỗi lần đi diễn phục vụ thì may lắm là được đi trên những chiếc xe tải, còn thường là cuốc bộ. Đà Nẵng hồi ấy còn nhỏ và không đẹp như bây giờ, nhưng đối với chúng tôi hồi đó thì nó thật lung linh và  sầm uất. Xe chở chúng tôi đi qua sân bay Nước mặn vẫn còn nguyên cảnh hoang tàn của một cuộc tháo chạy, cả một vùng đầy nắng, gió và cát, cỏ mọc hoang vu. Khi xe qua cầu Trịnh Minh Thế vào thành phố thì đã gần trưa, nhìn cảnh người dân đi lại tấp nập, cờ hoa rợp trời, chúng tôi vẫn không tin là mình đã về đến Đà Nẵng. 

 
      Chúng tôi được bố trí về ở tại phố Thanh Hải, Quận Hải Châu ở trong một số nhà dân di tản bỏ lại. Cuộc sống của những ngày đầu ở Đà Nẵng thật dễ chiụ, sau đó là những ngày lao động khẩn trương để chuẩn bị cho kế hoạch biểu diễn dày đặc: Chúng tôi có 2 buổi diễn đáng nhớ là tại Sân vận động Chi Lăng và Tại Rạp Trưng Vương. Hai buổi diễn này đánh dấu một bước trưởng thành của đoàn chúng tôi bởi ngoài các tiết mục mới, chúng tôi còn được hỗ trợ bởi các phương tiện hiện đại như hệ thống âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ mới, phông màn đẹp. buổi diễn ở sân Chi Lăng thu hút rất đông khán giả đến kín sân và cũng là buổi diễn đầu tiên có tiết mục mở màn bằng một màn hợp ca có múa phụ họa. Đoàn chúng tôi là đơn vị nghệ thuật giải phóng đầu tiên có mặt và biểu diễn ở Đà Nẵng - Sau đó có một số đoàn của Trung ương và Quân đội từ miền Bắc vào phục vụ. Có lẽ vì thế mà tình cảm và sự ưu ái của nhân dân Đà Nẵng dành cho chúng tôi nhiều hơn. Sau đêm diễn có nhiều khán giả tâm sự: “chúng tôi cứ nghĩ bên giải phóng các anh chỉ biết đánh trận, ai dè múa hát cũng rất hay!”. Đặc biệt là buổi phục vụ cho lễ mít tinh mừng chiến thắng tại sân vận động Chi Lăng hôm 15/5/1975. Đoàn chúng tôi vinh dự được chọn làm đơn vị nghệ thuật duy nhất hát quốc ca và biểu diễn nghệ thuật phục vụ lễ diễu binh, diễu hành. Đứng dưới lễ đài hát quốc ca và các bài hát cách mạng trong không gian và không khí của ngày chiến thắng là một cảm xúc tự hào và phấn khích mà đến tận bây giờ chúng tôi vẫn không thể nào quên. Còn nhớ hôm diễn mừng chiến thắng, chúng tôi phải dậy từ 3 giờ sáng để chuẩn bị và phải có mặt tại lễ đài trước 5 giờ sáng. Để dấu đi màu da xanh tái của những trận sốt rét rừng, chúng tôi phải dùng rất nhiều kem phấn để hóa trang và thống nhất mặc bộ đồng phục truyền thống của đoàn.  Buổi diễn kéo dài từ 7h 30 đến 11 giờ trưa mới kết thúc, mặc dù đứng dưới cái nắng tháng 5 chói chang của miền trung nhưng mọi người vẫn không thấy mệt mỏi
     Những tháng tiếp theo là những đêm diễn phục vụ cho bà con nhân dân ở ngoại ô như: Liên chiểu, Hòa Vang, Sơn Trà, Ngũ hành Sơn…

Đoàn phục vụ lễ mít tinh mừng giải phóng hoàn toàn miền Nam tại sân Chi Lăng -  Đà Nẵng  
ngày 15/5/1975
 
    SỨ MỆNH và NHIỆM VỤ của đoàn Văn công giải phóng khu Trung trung bộ đã hoàn thành. Đồng hành cùng với các đơn vị khác trong cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc, đoàn Văn công giải phóng khu Trung trung bộ đã vượt qua những khó khăn gian khổ, vượt qua những khốc liệt của đạn bom, vượt qua những cơn sốt rét rừng và những năm đói cơm, lạt muối để mang lời ca tiếng hát, mang nghệ thuật cách mạng đến với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ở những nơi ác liệt nhất, khó khăn nhất của Khu 5 , mang món ăn tinh thần động viên chiến sỹ và nhân dân, tiếp thêm sức lực để họ vượt qua chông gai đi đến ngày chiến thắng.

 
    Sau giải phóng, do chuyển đổi cơ chế và điều kiện kinh tế khó khăn lúc đó, đoàn chúng tôi có nhiều chuyển đổi. Một số anh chị em thì ở lại đoàn (lúc này đã được đổi tên thành Đoàn Ca Múa Nhạc tổng hợp tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng), còn một số thì chuyển sang làm công tác phong trào văn nghệ quần chúng, một số thì chuyển sang làm ở các bộ phận của ty Văn hóa- Thông tin tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, một số chuyển công tác ra miền Bắc, số anh em còn lại người thì chuyển về địa phương công tác, người thì chuyển sang làm nghề khác. 

 
     Mặc dù thời gian đi qua đã  hơn 40 năm, nhưng lúc nào đó, khi những bộn bề, cực nhọc của cuộc sống mưu sinh được tạm gác sang bên thì lòng ta lại nhớ về những năm tháng ấy: những năm tháng chúng ta đi mà không bao giờ tính chuyện thiệt, hơn, được, mất. Những năm tháng của tuổi thanh xuân ta đã cống hiến cho dân tộc mà không hề hối tiếc, chúng ta đã đi đến đích cuối cùng của ngày chiến thắng. 

 
     Ôi những tháng năm mà ta không thể nào quên, những tháng năm cùng chia cho nhau vắt cơm, chia bom sẻ đạn. Ôi thiêng liêng sao, thắm nghĩa tình đồng đội , gặp lại nhau đây ai còn ai mất ? gặp lại nhau đây, lòng sao bâng khuâng mà không nói nên lời !!!
 
 Hà Nội,  30/7/2015

Tác giả: Nguyễn Hữu Ty

Nguồn tin: vanhien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất