15:02 ICT Thứ ba, 19/03/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 425


Hôm nayHôm nay : 79002

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1943448

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 33279869

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển » Thời đàm

Quang cao giua trang
top

CHUYỆN NGƯỜI- CHUYỆN THÚ

Tác giả: Tiểu Linh Bảo - Thứ ba - 02/12/2014 09:13
Hassan Mekki, một người nhập cư gốc Sudan 32 tuổi cho xem những vết sẹo trên lưng ở Athens, Hy Lạp ngày 5/12. Người đàn ông chạy trốn xung đột tại Sudan đã bị một nhóm người phân biệt chủng tộc tấn công hồi tháng 8/2012

Hassan Mekki, một người nhập cư gốc Sudan 32 tuổi cho xem những vết sẹo trên lưng ở Athens, Hy Lạp ngày 5/12. Người đàn ông chạy trốn xung đột tại Sudan đã bị một nhóm người phân biệt chủng tộc tấn công hồi tháng 8/2012

Thật buồn và thất vọng khi đã vào thế kỷ 21 mà vẫn phải đọc cái tin và ảnh về một nhà hàng ở Bắc Kinh Trung Quốc treo biển “Cấm người Nhật, người Philippin, người Việt Nam và chó vào cửa hàng”.

Cách đây hơn thế kỷ, tại Mỹ cũng có một vài người da trắng tại một vài tiểu bang đã viết và cắm ở một đôi chỗ công cộng, công viên, bến tầu dòng chữ : “Nơi đây cấm chó và người da đen”. Nhưng rồi đa phần người Mỹ nhận ngay ra rằng, người giống chó, giống thú vật, kém hiểu biết hơn cả trong sự việc này lại chính là kẻ đã viết lên tấm bảng kia, chứ không phải người da đen. Và giờ đây, dân Mỹ  lại còn có nguyên một tổng thống da đen dìu dắt, lãnh đạo.
 
  •  
 
Tôi yêu văn hóa Trung Hoa, yêu Lý Bạch, Đỗ Phủ, lần nào đọc Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế cũng vẫn thấy bồi hồi những cảm xúc vừa xưa cũ vừa mới mẻ.
 
Trong mỗi người Việt có một chút hồn của văn hóa Trung Hoa, văn hóa Nho giáo. Người Việt yêu hình ảnh Võ Tòng can trường, không khuất phục trước mọi cường quyền, bạo lực và sự giả dối, đồng cảm với người Trung Hoa, cùng thương xót Nhạc Phi, Văn Thiên Tường khi ở Trung Hoa xảy ra cảnh nước mất nhà tan. Tấm gương những anh hùng Trung Hoa xưa truyền thêm sức mạnh cho người Việt chống ngoại xâm...Ôi, Trung Hoa vĩ đại, Trung hoa của Vạn Lý Trường Thành, Trung Hoa trường tồn hàng ngàn năm với những triết gia đứng hàng đầu trong tư duy nhân loại...
 
Đành rằng, người ta luôn có một nửa chất sinh vật trong con người. Cái phần con thú hiện diện trong mỗi con người đôi khi nó trỗi dậy, nó làm cho con người mất lý trí, nó lấn át cả cái tính người. Những lúc như vậy con người thật giống con thú. Người ta dùng hình ảnh thú vật để miêu tả những kẻ bị thú tính lấn át như vậy. Câu mắng “đồ súc sinh” là thật nặng nề để chỉ những kẻ không còn tính người.
 
Ngày xưa tướng nhà Minh là Trương Phụ tiếp sứ thần của vua Hậu Trần nước ta là Nguyễn Biểu đã bày một bữa tiệc thịnh soạn. Món ăn duy nhất trong bữa tiệc thật đặc biệt. Nó chỉ là một chiếc đầu người đã luộc chín, khói bay nghi ngút. Chẳng phải nói nhiều, phải là một con thú mới mang thị thể người ra để chiêu đãi một con người. Tướng Minh muốn mang cái tàn bạo thú vật của mình ra để hăm dọa con người.
 
Tất nhiên, ai cũng biết, đã là người thì bao giờ cũng cao hơn thú về mặt văn minh, về mặt ứng xử rồi. Chỉ có hổ báo, chó sói mới ăn thịt người và cũng chỉ có những người mang trong mình chất chó, chất hổ mới bày thịt người để tiếp khách...
 
Và Nguyễn Biểu của chúng ta là con người thực thụ., Ông đâu sợ thú, dù là mãnh thú nanh ác. Ông thản nhiên, không chút nao núng, muốn dạy cho kẻ thù bài học về lòng can đảm của con người, đã lặng lẽ dùng đũa khoét mắt người đưa lên miệng. Hành động thú vật của Trương Phụ không khuất phục được Nguyễn Biểu. Viên tướng tàn bạo này sai trói Nguyễn Biểu trên bờ biển để đợi cho thủy triều dâng lên mà dìm chết ông.
 
  •  
 
Những chuyện thú tính và nhân tính ấy đã lâu quá rồi. Nhân loại càng văn minh hơn, thì phần thú tính càng ngày càng hẹp lại, phần nhân tính càng ngày càng lớn lên. Việc nhìn nhận đánh giá về con người cũng sâu sắc hơn.
 
Lỗ Tấn, Nhà văn lớn của Trung Quốc thế kỷ trước đã tỏ ra hết sức ngạc nhiên không hiểu vì sao mà có những người Trung Hoa lại nhìn nhận, đánh giá các dân tộc khác thiển cận thế. Ông bảo người Trung Hoa nhìn người phương Tây luôn “cảm thấy da dẻ họ không khỏi thô quá, lông của họ trắng, cũng không đẹp. Trên da lại có những nốt đo đỏ, là vì màu da trắng quá, thật không bằng người chúng ta da vàng. Xấu nhất là cái mũi đỏ lòm, có khi giống y như một cục sáp sắp chảy, tựa hồ sẽ rơi xuống, khiến cho người ta trông mà phát sợ, cũng không bằng được cái mũi của người da vàng, kín đáo và an toàn hơn. Tóm lại là tướng mạo không nên như thế...”.
 
Sau này, đọc sách phương Tây, Lỗ Tấn cũng bảo rằng “thấy người phương Tây vẽ người Trung Hoa, tôi mới biết đối với tướng mạo chúng ta, họ cũng không lấy gì làm tôn kính cho lắm...Đầu đội mũ tua đỏ, giắt hai cái lông chim sặc sỡ, một cái bím óc bay phất phơ, đôi hài đế trắng hết sức dày.  Nhưng những cái đó đều là người Mãn Châu làm liên lụy đến chúng ta. Chỉ có đôi con mắt xếch, cái miệng há hốc để lộ cả hàm răng ra, thì vốn là tướng mạo của chúng ta. Hồi đó tôi nghĩ, kỳ thực không hẳn như thế, có thể người ngoại quốc họ muốn chế giễu chúng ta, nên mới hình dung chúng ta như một cách quá đáng như vậy. Nhưng từ đó về sau, đối với tướng mạo của một số người Trung Quốc, tôi cũng dần cảm thấy không được hài lòng...”.[1]
 
Viết châm biếm như vậy, Lỗ tấn muốn chế giễu những kẻ ít học, ít văn hóa, không hiểu mình, hiểu người lại cứ hay lên mặt khinh rẻ người khác. Đây chính là những loại người mà sau này bản thân Lỗ Tấn đã dựng nên thành một khuôn mẫu là nhân vật AQ nổi tiếng...Lỗ Tấn vĩ đại cũng hiểu rằng cần hướng tới một xã hội mơ ước trong tương lai mà mọi người trên thế giới này đều thương yêu nhau, tôn trọng nhau, nhìn nhau bằng tỉnh cảm đồng loại của con người mà không phải bằng bản năng của những loài cầm thú.
 
Viết đến đây sao bỗng thấy thương cho Lý Bạch thanh cao, Đỗ Phủ nhân hậu, nếu các ông có thức dậy mà đọc phải mấy dòng chữ ít học ở Bắc Kinh nhỉ, đã ngần ấy thế kỷ qua rồi. Nhân loại đã tiến bộ lên biết bao nhiêu mà sao vẫn còn như vậy...
 
Dẫu vậy, thưa Lý, Đỗ tiên sinh, tôi vẫn yêu các ông biết bao, yêu văn hóa Trung Hoa biết bao, yêu câu thơ ;
 
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
 
Đâu phải chỉ vì sự xuất hiện trở lại cái bóng dáng của một anh Trịnh Đồ bán thịt trong Thủy Hử.
 


[1] Lỗ Tấn. bàn qua về bộ mặt người Trung Quốc. Tạp văn. NXB Thông tin. năm 2003, trg 191

Tác giả: Tiểu Linh Bảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất