17:05 ICT Thứ ba, 19/03/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 440

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 439


Hôm nayHôm nay : 89183

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1953629

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 33290050

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển » Thời đàm

Quang cao giua trang
top

Biển - Tính tiểu nông trong văn hóa biển của người Việt (Kỳ 3)

Tác giả: Đặng Vũ cảnh Linh - Thứ tư - 28/01/2015 08:51
*Ảnh minh hoạ (nguồn internet)

*Ảnh minh hoạ (nguồn internet)

Chúng tôi cố gắng tìm một khái niệm để chỉ những nét đặc trưng cho văn hóa biển của người Việt, văn hóa của một vùng sinh thái mà cư dân ở đó vừa sống về khai thác những tài nguyên biển vừa sống bằng nông nghiệp (mà về cơ bản trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp còn mang tính chủ đạo nữa). Ở đây, chúng tôi tạm hài lòng với khái niệm văn hóa biển tiểu nông.

Theo chúng tôi, văn hóa truyền thống của người Việt nói chung, bao giờ cũng mang tính chất văn hóa của một vùng sinh thái gắn liền với biển, trong đó có thể phân định thành hai mặt chính. Mặt thứ nhất là văn hóa chung của người Việt về biển và thứ hai là văn hóa của các cư dân sống ở vùng ven biển, hải đảo. Cho dù độ đậm đặc của chất biển trong cả hai mặt nói trên có khác nhau, nhưng có một điều không thể phủ nhận được là chất tiểu nông đã tồn tại rõ nét trong chúng.
Là một quốc gia nông dân và nông nghiệp, mặc dù hết sức tôn trọng biển, nhưng văn hóa biển của người Việt về cơ bản vẫn là văn hóa nông nghiệp- mà ở đây là văn hóa tiểu nông, tức là nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế nhưng lại luôn là thứ nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, tự cấp tự túc.
Văn hóa tiểu nông nông nghiệp, với sự tồn tại của các cộng đồng làng xã, bao trùm lên mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Ngay cả tại những đô thị lớn, không khí tiểu nông cũng lấn át tất cả. Điều đó khiến cho các học giả phương Tây tới Việt Nam đã hết sức ngạc nhiên vì : “chẳng những mỗi làng là một công xã nông nghiệp, mà trong các thành phố lớn, khi được chia thành các phường thì mỗi phường cũng là một công xã”[1] Thậm chí, ngay cả đến Thăng Long một đô thị lớn, không khí nông nghiệp cũng còn tràn ngập trong đó. Nó “ được phát triển trong một xã hội nông nghiệp và nhiều mặt, nó giống các làng mạc to lên một cách cực độ, nhưng vẫn còn giữ được rất nhiều mặt của một làng”[2]
Trong bối cảnh trên, tại các vùng ven biển, hải đảo, không khí nông nghiệp vẫn bao trùm lên tất cả. Trên thực tế, trong cuộc sống, sinh hoạt của cư dân ven biển và hải đảo, những nguyên tắc sống cơ bản gắn liền với văn hóa nông nghiệp vẫn được bảo trì và duy dưỡng.  Văn hóa vùng biển đã lưu giữ lại toàn bộ những nền tảng cơ bản của văn hóa nông nghiệp, từ cách tổ chức một cộng đồng làng, tới việc tuân thủ những giá trị của cuộc sống theo trật tự hoạt động của một cộng đồng nông nghiệp. Cấu trúc cơ bản của một làng biển nhìn chung cũng không khác nhiều với cấu trúc của một làng nông nghiệp, vẫn là một cộng đồng khép kín, tự quản mang tính tự cấp tự túc, những người dân mang ý thức cộng đồng cao, sự tôn trọng các giá trị về học vấn, về gia đình, những nguyên tắc trong giao tiếp, ứng xử.
Tính chất tự cấp, tự túc và khép kín của các làng biển xưa luôn đòi hỏi cư dân tại đây vẫn phải đảm bảo được cuộc sống hàng ngày của mình mà không cần tới sự can thiệp từ bên ngoài. Bởi vậy, bên cạnh các nghề khai thác biển, cư dân các làng này vẫn phải tập trung vào sản xuất nông nghiệp, lương thực, thực phẩm từ lúa gạo đến, rau thịt cho bữa ăn hàng ngày. Đặc biệt là họ vẫn phải đóng thuế nông nghiệp cho nhà nước.
Một nhà sư Trung hoa nổi tiếng đã từng sống lâu năm tại Việt Nam vào những thập niên 1680 là Thích Đại Sán đã miêu tả cuộc sống của các làng ngư nghiệp ở Đàng Trong (đất của chúa Nguyễn) rằng “thời bấy giờ, đời sống của thường dân rất khổ sở, thất thường, bữa đói bữa no. Nhà của họ cất trên những bãi cát, trước mặt là biển, sau lưng là núi, tập hợp thành những xã một, mỗi năm thu hoạch lúa ruộng phải nộp cho xã đến 7-8 phần 10. Mỗi lần đi đánh cá về phải nộp hết cho bọn cai, trưởng xã, được cho lại bao nhiêu hay bấy nhiêu”[3] Theo miêu tả của Thích Đại Sán chúng ta có thể thấy rằng việc sản xuất nông nghiệp trong các làng ngư nghiệp ven biển đã có vai trò quan trọng như thế nào. Một học giả nước ngoài nổi tiếng rất hiểu biết về Việt Nam khác là nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes khi nghiên cứu về cuộc sống của cac vùng ven biển ở Đằng Ngoài (đất của vua Lê-chúa Trịnh) cũng đã cho rằng sở dĩ người Việt không có được những đội tầu buôn lớn là còn do triều đình ngoài Bắc đã “không cho phép người dân đi đến những vương quốc khác vì sợ rằng họ sẽ định cư lâu dài ở những nơi đó, gây thất thu thuế cho công quỹ”[4]
Thực tế cho thấy, tư tưởng phong kiến nho giáo “trọng nông ức thương”, “bế quan tỏa cảng” đã khiến cho tư duy biển và văn hóa biển của người Việt có một bước lùi đáng kể so với quan niệm về biển bản địa từ xã hội truyền thống. Nhà nước phong kiến Việt Nam dưới ảnh hưởng của tư tưởng nho giáo đã không ban hành được những chính sách đặc thù về biển mà ngày nay ta thường gọi là chính sách “khuyến ngư”, áp dụng phù hợp cho các vùng biển và hải đảo. Vùng biển và hải đảo cho đến trước cách mạng tháng Tám năm 1945, về cơ bản vẫn được coi là những vùng nông nghiệp, lấy nông nghiệp làm nền tảng. Các nghề nghiệp khai thác tài nguyên biển thường vẫn bị coi là những nghề phụ.
Về điểm này, giáo sư Trần Quốc Vượng đã nhận xét rằng : “So với thời Lý Trần quân chủ Phật giáo thì Hậu Lê quân chủ Nho giáo (1427-1527) bắt chước nhà nước Minh – Trung Hoa về nhiều mặt, nhà nước thực thi chính sách bế quan tỏa cảng chặt chẽ hơn. Trong “Tứ dân” thì chỉ chú trọng “Nhất Sĩ nhì Nông” mà xem nhẹ công-thương (xếp loại 3, loại 4; dân chài cũng như các nhà xướng ca bị xem là “không mảnh đất cắm dùi”, “xướng ca vô loài”…và không được xếp hạng. Đó là đường lối đóng cửa (close – door policy)”[5]. Kinh tế trọng nông không làm cho đất nước chuyển mình sang cơ chế thị trường, mà chỉ củng cố chế độ tập quyền, quan liêu. Dưới thời Hồng Đức nhà hậu Lê (1471 – 1497) nhà nước đã lập 43 Sở Đồn điền và nhân dân nghèo đã đắp đê biển ở Sơn Nam, tức Nam Định – Ninh Bình ngày nay, gọi là Đê Hồng Đức. Tuy nhiên việc đắp đê này không nhằm khai thác biển mà chỉ phục vụ cho mục tiêu nông nghiệp tức là .ngăn nước mặn, khẩn hoang thêm vùng đất ven biển để làm ruộng, phát triển thủy lợi và nông nghiệp ven biển Hà Nam Ninh[6] Từ đời hậu Lê, đặc biệt là su những thất bại của Nhà Mạc nhà nước lại quay trở lại với phương thức ngăn sông cấm chợ đối với các vùng ven biển, hải cảng. Luật hình triều Lê quy định ngăn cản các hoạt động buôn bán kinh doanh. Điều 22 “Quốc triều hình luật” quy định: “người Việt trốn theo thuyền buôn mà ra nước ngoài bị xử tội chém”[7].
Đặc biệt trong chương Tạp luật của Quốc triều hình luật có nhiều điều luật liên quan đến BIỂN và việc buôn bán với nước ngoài theo đường biển chẳng hạn như
Điều 61 quy định “Những quân lính các trấn ven biên giới cùng các vùng duyên hải mà giấu diếm chở người nước ngoài vào kinh thành, thì xử biếm năm tư : không có quan chức thì xử tội đồ làm chủng điều binh (tức là làm lính phải đi làm ruộng nhà nước): và phạt tiền 100 quan, thưởng cho người tố cáo một phần ba. Quan trông coi và chủ trang vô tình không biết, thì xử biếm một tư”.
Để ngăn cản việc giao thương với nước ngoài ở các vùng biển, Điều 62 còn quy định “ Những trang trại ven bờ biển mà đón tiếp thuyền buôn, ngầm dỡ hộ hàng hóa lên bờ thì xử biếm ba tư, phải phạt gấp ba tang vật để sung công, lấy một phần thưởng cho người tố giác. Người chủ trại ấy bị mất chức giám trang
Điều 63 còn quy định về xử lý những người buôn bán lậu như sau : “Người ở trong cảng Vân Đồn, chở hàng hóa Trung Quốc lên Kinh thành mà không có giấy của An phủ ty cấp cho, khi đến bến triều Đông lại không đến cho Đề bạc ty kiểm soát, đã đem đi bán lén lút, cùng là khi về không có giấy của Đề bạc ty cấp cho; đến chỗ Thông mậu trường  lại không đến cho An phủ ty kiểm soát mà đã về thẳng trang thì đều phải biếm một tư và phạt tiền 100 quan...Nếu đem hàng hóa đến các nơi làng mạc bán giấu thì xử biếm ba tư và phạt tiền 200 quan; thưởng cho người tố cáo cũng một phần ba. An phủ ty, Đề bạc ty vô tình không biết đều phải biếm một tư, có ý dung túng thì biếm một tư và bãi chức”
Nguyễn Công Trứ, một danh tài văn hóa của xứ Bắc, có thể được coi là một trong những chuyên gia lấn biển hàng đầu của Việt Nam. Ông đã dành rất nhiều công sức, suy nghĩ tìm tòi, đốc thúc dân đinh các tỉnh Thái Bình, Nam định, Ninh Bình khai hoang lập ấp, dựng lên hai huyện mới ven biển là Kim sơn và Tiền Hải. Tuy nhiên cư dân của hai huyện ven biển mới này cũng chỉ biết tập trung vào sản xuất nông nghiệp là chính. Điều này phản ánh một tâm lý chung hết sức bảo thủ của tư tưởng nho giáo, tư tưởng bám lấy đât liền, bám lấy nông nghiệp.
Trong không khí trọng nông nghiệp, coi thường những ngành nghề khác trong đó có nghề khai thác nguồn lợi biển, trong xã hội xuất hiện những quan niệm “sợ hãi biển”, xem thường cuộc sống của cư dân biển, coi ngư dân và văn hóa của ngư dân như phường “hạ đẳng”, thậm chí bị khinh miệt. Ở nhiều nơi, người ta gọi người chỉ làm nghề biển, ngư dân là những kẻ “không một tấc đất cắm dùi”, luôn luôn bị khinh miệt: Ở Ninh Thuận, Bình Thuận, dân địa phương gọi người thủy cư là người Hạ với nghĩa “hạ đẳng”. Ở Thừa Thiên-Huế, họ bị gọi là “mọi” theo nghĩa “man di mọi rợ”… Cư dân vạn chài không được coi là dân gốc, chính cư, mà họ bị coi là dân ngụ cư, ở đợ.
Chúng ta đều biết, người Việt, ngay từ rất sớm đã có ý thức sống hài hòa cùng biển khơi, tôn trọng biển, khai thác biển, nhưng sau này với một nền tảng tư duy văn hóa tiểu nông như trên chúng ta đã không tận dụng được những ưu thế của một quốc gia biển. Quay lưng lại với biển để tập trung vào nông nghiệp, có nhiều lúc chúng ta đã đối xử với biển giống như với một cái ao làng, khai thác biển với phương thức của những người nông dân chân lấm tay bùn chỉ biết “mò cua bắt ốc”. Đây là một trong những hạn chế lớn cần được khắc phục trên con đường hiện đại hóa đất nước.


[1] M. de la Bissachere, Etat actuel du Tonkin, de la Cochinchina et du Cambodge, Lao et Lao Tho, Paris 1812. Trích lại từ Nguyễn Hồng Phong. Một số vấn đề về hình thái kinh tế-xã hội văn hóa và phát triển. NXB Khoa học xã hội Hà Nội. 2000, trang 67
[2] Ng.Shui Meng, The population of Indochina, Singapore, 1974. Trích lại từ Nguyễn Hồng Phong, sách đã dân, trang 67.
[3]Trích lại theo Lê Nguyễn “Xã hội Đại Việt qua bút ký của người nước ngoài”. NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh. trang 43.
[4] Lê Nguyễn. Sách đã dân. trang 25.
[5] Trần Quốc Vượng. Sách đã dẫn.
[6] Phòng nghiên cứu lịch sử Hà Nam Ninh. Lịch sử Hà Nam Ninh, tập 1, Nam Định, 1988, trang 138-139.
[7] Quốc triều hình luật (Luật hình triều Lê), bản dịch từ chữ Hán, Viện Sử học Việt Nam, NXB Pháp lý, Hà Nội, 1991, trang 57

Tác giả: Đặng Vũ cảnh Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất