09:57 ICT Thứ ba, 19/03/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 512

Máy chủ tìm kiếm : 69

Khách viếng thăm : 443


Hôm nayHôm nay : 52331

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1916777

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 33253198

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển » Thời đàm

Quang cao giua trang
top

PHÁT TRIỂN XÃ HỘI VÀ CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN

Tác giả: GS. TS. Hoàng Chí Bảo - Thứ sáu - 07/11/2014 08:28
GS. TS. Hoàng Chí Bảo

GS. TS. Hoàng Chí Bảo

Khi xem xét thế giới và tìm một cách ứng xử, chính các nhà tư tưởng, các bậc hiền triết thời cổ đại cũng từng nói rõ: “Tôi là một con người nên không có gì thuộc về con người lại xa lạ với tôi cả”. Điều đó hàm ý hướng tới con người là trung tâm và cần phải làm cho con người và sự sống tốt hơn, mang nhân tính hơn. Đó là mục tiêu của phát triển.

Thế giới biến đổi khôn cùng, “không ai có thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông” và phát triển là sự không ngừng tìm tòi và tác động của chủ thể vào chính bản thể của mình, thông qua những thể chế đã hình thành, như nhà nước, luật pháp. Dù là mang thế giới quan duy tâm nhưng ngay cả các triết gia như Platon cũng đã thấy, để tạo dựng nhà nước và biến đổi, phát triển xã hội, tất yếu phải sử dụng những tinh hoa, những nguồn lực. Các triết gia nằm ở thang bậc hàng đầu trong những tinh hoa dùng cho quản lý. Nhưng mặt khác, lại phải thấy những nguy cơ biến dạng của quyền lực, dễ làm thoái hóa, hư hỏng con người, nhân cách. Cho nên, từ rất xa xưa, trong quản lý phát triển xã hội, để có một nước cộng hòa lý tưởng hợp nhân tính, người ta đã phải tính đến sự lựa chọn mô hình và phương thức sao cho hợp lý, muốn thế cần có những sự cảnh báo và cần có những điều tiết xã hội, điều chỉnh luật pháp, thể chế.
Phương Đông, trong những tính đặc thù lịch sử của nó, rất chú trọng cân bằng, hài hòa giữa xã hội, con người với giới tự nhiên, tìm tòi những mặt hợp lý, những yếu tố trội trong quản lý phát triển: Thiên - Địa – Nhân hợp nhất, trong đó con người – một tiểu hệ thống nhưng là tiểu hệ thống quan trọng nhất quyết định nhất. Vì lẽ đó, muốn tồn tại và phát triển phải chú trọng sự ổn định, cân bằng, giao thoa giữa những lĩnh vực, những lực lượng.
Phương Đông mà điển hình là Trung Quốc, từ thời cổ đại đã xuất hiện mô hình đức trị của Khổng Tử và pháp trị của Hàn Phi Tử, cũng đồng thời có cả sự dung hợp triết thuyết của Lão Tử. Đã xuất hiện những cách đo, phép đo về phát triển và tiến bộ về những tính quy định của các quan hệ, các đẳng cấp trong tôn ti trật tự, trong luật lệ và trong đạo lý ứng xử, sao hợp lẽ tự nhiên, thuận trời, tuân theo mệnh trời nhưng cũng phải thuận dân và được lòng dân. Tính thuần phác, giản dị, tính hòa đồng được xem như gợi ý về một cách tổ chức đời sống, tổ chức quản lý xã hội.
Thời Phục hưng (thế kỷ XV) và thời đại Khai sáng (hay thế kỷ ánh sáng – thế kỷ XVII, XVIII) xuất hiện sau 900 năm đêm trường trung cổ đã gần như đưa ra tuyên ngôn cho quyền tự do, tự khẳng định, tự hiện thực hóa tự do – bình đẳng, đề cao cá nhân và nhân quyền, làm nở rộ những tài năng sáng tạo. Ngay châm ngôn “tồn tại hay không tồn tại” đã hàm chứa độ sâu của tư tưởng nhân văn và duy lý. Những thời đại khổng lồ sản sinh ra những con người khổng lồ, vĩ đại về mọi phương diện, tài năng, phẩm hạnh, nhân cách từ thời đó đã tạo ra bước nhảy vọt của tư tưởng, cũng là phản ánh cái thực tại vật chất đang biến đổi. Sau này, C.Mác gọi tư tưởng, ý thức là “tiếng vang” của hiện thực, từ lúc lọt lòng ra, tư tưởng đã phải chịu “sự vấy bẩn” của tồn tại. Trên phương diện phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội, các nhà tư tưởng thời cận đại đã phải tính đến thực chứng, mọi sự vật, sự kiện phải được đặt trong sự khảo duyệt của chính đời sống, của lý trí.
Quyền lực và dân chủ, pháp luật và pháp quyền, trừng phạt hay khích lệ, tập quyền, phân quyền hay tản quyền – tất cả những cái đó đều gắn với thể chế cầm quyền, cả trình độ tri thức và ý thức đạo đức nữa. Ch.Montesquieu chú trọng vào “tam quyền phân lập”, “quyền lực đối trọng quyền lực”, “kiểm soát quyền lực”, là các vấn đề đã được coi như những phương án có thể lựa chọn, cũng như lựa chọn phát triển, còn phải tính đến kinh tế, đến kỹ thuật, đến đời sống công dân, đặt cả nhà nước cũng như các công dân vào một “khế ước xã hội”. Nó đề cao tính hợp lý và tuân theo duy lý mà J.Rousseau chủ trương.

Khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn chìm trong khủng hoảng nợ
Khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn chìm trong khủng hoảng nợ
 
Với tự nhiên, chủ nghĩa duy lý chủ trương một cách tạo ra quan hệ thiên về chinh phục và chiếm hữu. Cái đó, một khi bị cực đoan hóa dễ đẩy con người vào những sai phạm trong ứng xử, theo kiểu xâm lược, thống trị, khai thác trái lẽ tự nhiên (quy luật), gây ra biết bao tổn hại tới môi trường sống của con người.
Sâu xa hơn, không hiểu thế giới đối tượng và tác động không tốt vào đối tượng, tự gây hại cho mình lại chính là không hiểu biết chính mình. Tình huống này là một lực cản, thậm chí bế tắc của quản lý. J.Rousseau đã từng nói: con người cải biến thế giới, khám phá, chinh phục tự nhiên, tích lũy rất nhiều tri thức, vậy mà, có thứ tri thức cần thiết nhất cho con người thì con người lại tỏ ra kém cỏi nhất, tồi nhất, đó là tri thức về bản thân con người, về hiểu biết chính mình.
Tình huống “phát triển xấu”, “phản phát triển” mà xã hội hiện đại đang mắc phải cho thấy sự cần thiết phải “học lại”, “tập lại” những bài học như thế trong quản lý. Điều này càng trở nên cấp thiết trong thế giới đương đại ngày nay mà loài người đang sống, một thế giới tuy vô cùng giàu có nhưng lại cũng rất mỏng manh, dễ tan vỡ với bao nguy cơ rình rập: chiến tranh, chủ nghĩa khủng bố, tội phạm, tệ nạn, bệnh tật, bùng nổ dân số, cạn kiệt nguồn tài nguyên, mất cân bằng sinh thái...
Nói một cách khác, phát triển đang cận kề cùng với phản phát triển. Trước tình trạng đó, con người buộc phải xem xét lại mọi quan niệm, mô hình phát triển đã có. Mọi quốc gia – dân tộc, mọi nhà nước, chính phủ đều phải đề cao trách nhiệm, phối hợp nỗ lực và hành động chung vì sự sống của dân tộc mình mà cũng vì cộng đồng nhân loại. Phát triển xã hội ở tất cả mọi nước, mọi vùng lãnh thổ không còn có thể diễn ra trong thế khép kín, ốc đảo, biệt lập. Ngay phát triển đơn tuyến, chỉ trong một hệ thống cũng đã bị thực tiễn vượt qua. Phát triển trong một hệ thống cũng đã bị thực tiễn vượt qua. Phát triển trong thế đối đầu hai cực như trước đây, thời chiến tranh lạnh cũng đã trở nên không thể và không được cuộc sống dung nạp. Toàn cầu hóa đang diễn ra như một xu thế không thể đảo ngược, do đó mở cửa, hội nhập là một tất yếu. Đó là trạng thái và tính chất phát triển hiện nay, đặt tất cả các nước trong thế phụ thuộc và tùy thuộc lẫn nhau. Đó là sự tồn tại của những sự khác biệt, là thống nhất trong đa dạng của những cái khác biệt. Phát triển là cái tất yếu, phổ biến nhưng lại không có mô hình duy nhất cho việc thực hiện phát triển đó. Hợp tác và cạnh tranh, cạnh tranh và hợp tác đi sóng đôi, xen kẽ vào nhau. Mọi mô hình và chính sách quản lý xét đến cùng là phải chứng tỏ trong thực tế rằng, đâu là phương án tổ chức xã hội và đời sống con người có thể được xem là hợp lý, có tính triển vọng hơn cả. Hướng đích của nó là phát triển con người và chất lượng cuộc sống. Mọi lý thuyết và triết lý quản lý nên xem như là những tìm tòi câu trả lời cho vấn đề đặt ra. Một cộng đồng xã hội rộng lớn trong thế giới toàn cầu với biết bao khác biệt về lợi ích, định hướng giá trị, truyền thống văn hóa, lịch sử...đang là một cộng đồng hội nhập vào nhau, thông qua giao lưu, tiếp xúc, đối thoại văn hóa mà tăng cường hiểu biết lẫn nhau, mở rộng sự tương đồng, thu hẹp những khác biệt để phát triển, không để những khác biệt và đối lập ý thức hệ, cả tâm lý, lối sống, đặc điểm dân tộc, tôn giáo cản trở sự hợp tác, đồng thuận trong phát triển.
Trung Quốc qua thực tiến cải cách đã đề ra một đường hướng phát triển: cải cách đi lion với mở cửa, coi hòa bình – hợp tác – phát triển là đặc điểm lớn nhất của thế giới cần nhận thức, tận dụng và khai thác. Nước Nga thời hậu Xô Viết, nhất là dưới chính thể Putin đã tập trung chấn hưng tinh thần dân tộc và giá trị xã hội của văn hóa Nga, coi đó là sức mạnh để cứu chữa cho một nước Nga suy thoái nghiêm trọng, bị tổn thương nặng nề, dần vươn tới một nước Nga hồi sinh và phát triển. Đó là những ví dụ có tính chất trường hợp để thấy ý nghĩa to lớn và những sự phức tạp trong quan niệm về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội.
Từ đây, có thể thấy, phát triển xã hội vượt qua quan niệm truyền thống cổ điển để hình thành quan niệm mới về phát triển bền vững, phát triển lâu bền với rất nhiều đặc trưng, nhưng đặc điểm nổi bật nhất là: một phát triển bền vững phải là phát triển gắn liền xã hội, con người với môi trường tự nhiên, thay đổi căn bản thái độ, hành vi ứng xử con người đối với tự nhiên để đạt được an toàn trong phát triển. Đó là phát triển sao cho con người và loài người tránh được nguy cơ đe dọa từ chính mình, cả bom hạt nhân lẫn bom sinh thái. Muốn không đi tới tự hủy hoại và hủy diệt phải phá được ngòi nổ từ hai quả bom ấy.

Tổng thống Mỹ đau đầu vì những vụ xả súng đẫm máu tại nơi người ta vẫn gọi là 'thiên đường tự do'. Điều này đã phơi bày những yếu kém trong việc quản lý xã hội tại đây..
Tổng thống Mỹ đau đầu vì những vụ xả súng đẫm máu tại nơi người ta vẫn gọi là 'thiên đường tự do'. Điều này đã phơi bày những yếu kém trong việc quản lý xã hội tại đây..
 
Phát triển bền vững còn là phát triển sao cho giữ gìn an toàn cho phát triển của thế hệ sau, cả phương diện tự nhiên, môi trường lẫn tính nhân bản, nhân văn của nó. Đạo lý trong phát triển buộc thế hệ hôm nay không được trút gánh nặng cho thế hệ mai sau như hậu quả “phát triển xấu” mà phải tạo ra triển vọng để phát triển tích cực cho thế hệ mai sau. Quản lý phát triển xã hội theo đó, rõ ràng phải tính đến tương tác chỉnh thể, xử lý đúng quan hệ mục tiêu và phương diện, truyền thống và hiện đại, dân tộc và nhân loại, cân đối và hài hòa các lĩnh vực.
Như vậy, cần phải phát triển quan niệm về phát triển xã hội bền vững trên tất cả hệ vấn đề nói lên bản chất, mục tiêu, động lực, đặc điểm, các nhân tố tác động để làm cơ sở cho giải pháp quản lý, kể cả nêu ra dự báo, điều chỉnh, quyết sách. Nghiên cứu quản lý phát triển xã hội còn phải từ đó hình dung rõ nội dung, những vấn đề của quản lý mà chủ thể của quản lý phải nhận rõ để giải quyết.
Thế giới ngày nay, đặc biệt từ nửa sau thế kỷ XX đã biến đổi vô cùng nhanh chóng bởi sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học – công nghệ, sự hình thành xã hội thông tin và kinh tế tri thức, bởi cả những đảo lộn, đổ vỡ dữ dội như một địa chấn chính trị, ở không gian Xô Viết, bởi cải cách - đổi mới đã trở thành một tất yếu phổ biến và hội nhập là đòi hỏi không thể khác. Thời cơ phát triển lớn đan xen cùng thách thức nghiệt ngã trong phát triển. Nếu xử lý đúng, vượt qua được thách thức, nguy cơ thì đó lại là sản sinh ra thời cơ mới. Mặt khác, nếu bỏ lỡ, đánh mất thời cơ thì nguy cơ hiện tồn sẽ gay gắt, mãnh liệt hơn, mà nguy cơ mới phát sinh cũng không kém phần dữ dội.

Các nhà lập pháp Ukaina ẩu đả trong phiên họp của Hội đồng Tối cao Ukraina tại tòa nhà Quốc hội ở Kiev ngày 13/12.
Các nhà lập pháp Ukaina ẩu đả trong phiên họp của Hội đồng Tối cao Ukraina tại tòa nhà Quốc hội ở Kiev ngày 13/12.
 
Bởi thế, phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trong xã hội hội hiện đại đòi hỏi rất cao năng lực – bản lĩnh của chủ thể. Xã hội cần nguồn vốn tổng hợp tạo thành vốn xã hội mà vốn người là cốt yếu. Chủ thể quản lý cần tới sức mạnh tổng hợp, tạo thành văn hóa quản lý. Càng ngày, nhân tố văn hóa càng nổi lên vai trò mục tiêu, động lực của nó trong phát triển. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, “văn hóa ở trong kinh tế và chính trị”, dùng “văn hóa để chữa thói phù hoa xa xỉ, tẩy bỏ quan liêu tham nhũng”, xây dựng “xã hội văn hóa cao”.

tàn phá môi trường sau bão ở Philippin
Tàn phá môi trường sau bão ở Philippin
 
Đối chiếu vào đời sống thế giới hiện đại có thể thấy nổi lên những nghịch lý, cũng là những thực thể phát triển đang hiện tồn, nổi bật là ba lực lượng, ba xu hướng sau:
- Chủ nghĩa tư bản đã vượt qua tư bản cổ điển, đã trở thành chủ nghĩa tư bản hiện đại đang là một thế lực có lợi và có ưu thế hơn cả trong toàn cầu hóa. Vấn đề là ở chỗ, chủ nghĩa tư bản hiện đại đang còn nhiều tiềm năng phát triển dù nó không tự giải quyết được những mâu thuẫn thuộc bản chất của nó, nó không phải là sự lựa chọn của phát triển nhưng nó lại đang còn nhiều tiềm năng và ưu trội.

Tai nạn giao thông tại Mỹ
Tai nạn giao thông tại Mỹ
 
- Chủ nghĩa xã hội hiện thực đang khủng hoảng, suy thoái, chưa ra khỏi khủng hoảng, hệ thống này không còn tồn tại, các nước xã hội chủ nghĩa cong lại đang phải cải cách, đổi mới. Như vậy, sự lựa chọn và cùng là hướng đích của lịch sử lại đang còn non yếu và đang có nhiều tình huống phải giải quyết.
- Trào lưu xã hội – dân chủ, chủ nghĩa xã hội dân chủ và chủ nghĩa dân chủ – xã hội, một thời đại đã từng đưa ra “lý thuyết không cộng sản” và một “con đường thứ ba” hướng tới phát triển gọi là nhân đạo, không chủ trương xóa bỏ tư hữu, không chủ trương cách mạng xã hội, vậy mà lại có sức thuyết phục, thu hút lớn đối với không ít người. Cắt nghĩa hiện tượng này, từ vàng son Thụy Điển trước đây đến các lực lượng cánh tả và xã hội dân chủ ngày nay, là một vấn đề lý luận lớn của phát triển. Hệ luận cần rút ra là:
+ Chỉ có thấu hiểu (thực sự và căn bản) lịch sử và hiện tại của chủ nghĩa tư bản thì mới lý giải và nhận thức được chủ nghĩa xã hội, theo đúng cái logic lịch sử – tự nhiên của nó.
+ Chỉ có đổi mới nhận thức về chủ nghĩa xã hội mới đánh giá được một cách khách quan và có thể tiếp thu hạt nhân hợp lý từ “chủ nghĩa xã hội dân chủ”.
+ Một sự đổi mới trong thực tiễn của chủ nghĩa xã hội hiện thực trên quan điểm phát triển theo tinh thần khoan dung văn hóa thì mới có thể hình thành một chủ nghĩa xã hội hiện thực mới có sức sống và triển vọng tích cực.
+ Chỉ xét riêng về mô hình kinh tế chính trị thị trường đã thấy sự cần thiết phải làm tường minh các hình thái của nó, từ kinh tế thị trường tự do đến kinh tế thị trường xã hội và kinh tế thị trường có điều tiết của nhà nước bằng kế hoạch.
Chỉ xét riêng về thể chế dân chủ và nhà nước pháp quyền cũng đủ thấy sự cần thiết phải nhận thức lại không thiên kiến về mô hình tam quyền phân lập.
Chỉ xét riêng về quan hệ xã hội và cấu trúc xã hội, rõ ràng, vấn đề giai cấp tuy không mất đi cả trong thực tế lẫn ý thức lý luận, nhưng để không rơi vào giáo điều, biệt phái cần phải đặt giai cấp trong dân tộc và phát triển dân tộc, lợi ích dân tộc, độc lập dân tộc ngày càng nổi lên như một xu hướng lớn của phát triển:
Chỉ có không tách rời dân tộc với nhân loại thì mới phòng tránh được chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa phân lập, tìm thấy phát triển chân chính của dân tộc trong sự thống nhất hài hòa với nhân loại. Con đường phát triển là như vậy.

dân chủ và phản dân chủ
Dân chủ và phản dân chủ
 
Đám cưới đồng tính tập thể ở thành phố Seattle, Mỹ ngày 9/12. Đây là các cặp đồng tính đầu tiên được phép kết hôn hợp pháp ở tiểu bang Washington.
Đám cưới đồng tính tập thể ở thành phố Seattle, Mỹ ngày 9/12. Đây là các cặp đồng tính đầu tiên được phép kết hôn hợp pháp ở tiểu bang Washington.

Tác giả: GS. TS. Hoàng Chí Bảo

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất