07:45 ICT Chủ nhật, 15/09/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 815

Máy chủ tìm kiếm : 13

Khách viếng thăm : 802


Hôm nayHôm nay : 50115

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2043994

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 57463035

Trang nhất » Tin Tức » Xã hội học

Quang cao giua trang
top

Văn hóa uống rượu xưa và nay

Tác giả: GS Đặng Cảnh Khanh - Thứ hai - 09/06/2014 10:31
Văn hóa uống rượu xưa và nay

Văn hóa uống rượu xưa và nay

Chẳng biết rượu có từ bao giờ, nhưng men rượu thì chẳng từ bỏ một dân tộc một địa phương và một nhóm người nào. Rượu hiện diện bên cạnh con người như một sản phẩm thật gần gũi. Đến mức mà ông tiên thơ Lý Bạch còn phải thốt lên : Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh (Có nghĩa là, xưa nay rồi các bậc thánh hiền cũng đều tịch mịch đi cả, chỉ còn có mấy kẻ uống rượu là lưu lại danh tiếng mà thôi)
Gần đây có nhiều người rất nghiêm túc còn đề xuất phải thành lập một môn học gọi là ‘rượu học”. Không biết nếu môn “rượu học” được truyền dạy  thì đối tượng, hệ thống lý luận, phương pháp luận, phạm trù, khái niệm của nó sẽ thế nào. Chỉ e rằng trong quá trình học hành, không khéo cả thày lẫn trò đều lướt khướt, túy lúy cả thì bài vở sẽ ra sao, thi cử sẽ thế nào ?
  •  
Trước khi môn “rượu học” nhiều tranh luận được đưa vào chương trình giảng dạy thì uống rượu đã là một hành vi được đo lường bằng các chuẩn mực văn hóa.
Xưa ở Trung Hoa có một học giả tên là Mã Chu từ quê, lần đầu lên kinh thành, nhìn mấy công tử con nhà giàu ngồi quán lai rai thấy ngứa mắt, gọi chủ quán lấy ra một vò rượu rồi lặng lẽ ra đầu hè rót rửa chân. Dưới mắt ông, cái lũ trẻ ranh kia đâu biết uống rượu, uống cũng phải thanh cao chứ, nếu uống như chúng thì thà đem rượu mà rửa chân...
Vậy thì uống thanh cao, uống hào sảng là thế nào?. Thật khó mà có câu trả lời chính xác. Ngày xưa uống say quá, sợ đổ rồi nằm lăn ra đất, người ta phải bỏ cả giầy dép, tự buộc chặt chân vào bàn mà uống. Uống vậy được gọi là “tù ẩm”, uống như là tù nhân của rượu. Rồi để lãng mạn hơn phải leo lên cây to, treo mình trên đó mà uống với nhau, như vậy gọi là “sào ẩm’, sào có nghĩa là cái tổ con chim, uống trong tổ chim.
Thế rồi đêm không trăng không sao cũng uống, uống không cần phải thắp đèn thắp nến, uống thâu đêm suốt sáng gọi là “quỷ ẩm”, uống theo kiểu ma quỷ. Lại còn có những kiểu uống say túy lúy, vừa uống vừa ca hát, nhảy múa, rồi khóc lóc, rồi làm cả thơ phản, viết hết cả lên tường như kiểu Tống Giang suýt mất cả mạng, gọi là “liễu ẩm”, uống cho tiêu đời...
Uống và say nhiều đến như Lưu Linh thì khỏi phải bàn, người ta bảo, chỉ nghe đến tên ông thôi, bát chén đã muốn đổ nghiêng ngửa. Ông say đến mức, đi đâu cũng phải có người vác cuốc theo hầu. Ông bảo: “Ta say chết chỗ nào thì tiện có cuốc đấy, cứ vùi xác ngay đó”. Đã say đến vậy mà mấy thần rượu đời sau còn chê rằng, Lưu Linh vẫn chẳng đáng gọi là người say, cái kiểu cư xử của ông thì chỉ giống như của một anh phu đào huyệt trong nghĩa địa mà thôi. Đã say chết còn cần gì phải biết mà đòi chôn nữa chứ...
Đời Tống ở Trung Hoa còn có chàng thư sinh tên là Liễu Kỳ Thanh, học giỏi, tài hoa bậc nhất nhưng suốt ngày chỉ rong chơi ca hát, khi chè rượu, khi kỹ viện. Đậu tiến sĩ mà vua nhìn thấy lướt khướt quá, chẳng cho làm chức vụ gì, chỉ bảo rằng : “Nhà ngươi trăng gió quá, cứ đi mà làm thơ uống rượu khỏi quan chức làm gì cho mệt.” Thế là tuân mệnh Thánh chỉ, Liễu Kỳ Thanh cứ nay đây mai đó, tiếp tục lướt khướt, khi chết, mấy kỹ nữ thương  cho kẻ đa tình đành góp tiền chôn cất tạm bợ...
Cụ Nguyễn Du nhà ta, khi buồn bã với phận mình và với nhân tình thế thái, cũng cảm thương cho anh chàng Liễu Kỳ Thanh tài hoa này mà thốt lên trong bài thơ “ Điếu La Thành giả ca” như sau:
“Tưởng thị nhân gian vô thức thú
Cửu tuyền khứ bạn Liễu Kỳ Thanh”
( Có lẽ trong đời chẳng còn ai hiểu mình nữa
Thôi đành xuống suối vàng làm bạn với Liễu kỳ Thanh vậy).
Đọc câu thơ nhiều tâm trạng này vừa hiểu được sự đồng cảm của cụ Nguyễn với anh chàng tiến sĩ say kia, vừa tin rằng, chắc cụ cũng lãng tử lắm và cũng chẳng phải tay vừa trong thi tửu...
  •  
Trong đời không phải không có những người uống rượu, say rượu để rồi đến mạng cũng không giữ được.  Trương Phi trong Tam Quốc Chí say tới mức, thủ hạ vào đâm chém, cắt mất đầu rồi mà mắt vẫn trợn tròn lên vì say.
Tuy vậy, trong đời cũng không phải không có những người qua uống rượu mà làm được cả nghiệp lớn. Cụ Lý Bạch không uống rượu thì làm sao có được những bài thơ bất hủ như “ Tương tiến tửu”, đọc xong cứ thấy lơ mơ như muốn bay lên trời. Cụ Bạch Cư Dị, không uống rượu thì làm sao có những buổi nước mắt đầm đìa vạt áo mà làm nên một “bến Tầm Dương canh khuya đưa khách” lay động sâu tận tâm can bao nhiêu thế hệ. Sâu lắng như cụ Đỗ Phủ mà nhiều lúc từ chốn quan trường về nhà cũng phải cởi áo cầm cố lấy rượu uống, đến nỗi khi bị hỏi đến, phải phân bua rằng “nhân sinh thất thập cổ lai hy”, (xưa nay mấy ai sống được đến bảy mươi), vậy thì hà cớ gì mà không đổi áo lấy rượu...
Hai nhà thư pháp nổi tiếng của Trung Hoa là Trương Húc, đời Sơ Đường và Hoài Tố đời Trung Đường, những người mở đầu cho lối viết chữ thảo trong thư thuật đều là những kẻ cuồng say, say tới mức điên dại. Người đời sau truyền tụng rằng, hai ông chỉ thực sự viết đẹp khi đã uống say hết mức. Khi đó các ông đều xõa tóc, múa bút thần tốc tựa như múa kiếm.
Chính lúc đó, mưa sa bão táp, sấm giật chớp lòa cũng như ập đến. Trên mặt giấy trải đầy những những dòng chữ ngổn ngang cuộn vào bao nhiêu cỏ cây hoa lá, thần diệu vô biên. Chữ thảo là loại chữ thư pháp đòi hỏi một sự phóng khoáng đến tột cùng và chính rượu đã giúp các ông điều đó.
Ở nước ta nhà thơ Hoàng Trung Thông cũng viết thư pháp theo kiểu của Trương Húc và Hoài Tố. Ông là bạn tương đồng với giáo sư Vũ khiêu. Hai ông thường bàn luận văn chương bên những chai rượu quê và đĩa lạc rang. Hễ hôm nào say tột độ là Hoàng Trung Thông lại đòi bút mực để viết thư pháp. Lúc đó trông ông thật phi phàm, hệt như một vị quan võ sắp xung trận vậy, mặt đỏ, tóc lưa thưa như muốn dựng ngược lên, chòm râu dê rung rinh như đang gặp gió lớn. Những bản thư pháp tuyệt vời của ông không hiểu nay còn lưu lạc nơi nào. Một thời, bút tích của Hoàng Trung Thông treo đầy trên tường nhà giáo sư Vũ khiêu. Nhưng rồi vì chúng đẹp quá, đám bạn bè, nhân văn, văn nghệ sĩ của giáo sư cứ gỡ dần từng tấm mang đi hết.
  •  
            Trong những di sản truyền thống của người xưa để lại cho chúng ta, có di sản về văn hóa uống rượu. Thế hệ ngày nay hẳn đã vượt qua các cụ về sản lượng rượu tiêu thụ. Bình quân rượu được uống chia theo đầu người, cho dù ta chưa thống kê được, nhưng chắc chắn cũng cao hơn hẳn.
            Ngày nay người ta uống rượu dường như chỉ để mà uống, chẳng thấy mấy người ngấm được cái tinh hoa của văn hóa uống rượu, uống đến nôn cả ra mật vàng, mật xanh, lái xe cũng uống, vào cơ quan thì mùi rượu nồng nặc, cán bộ, nhân viên mặt đỏ như Quan Công
            Nếu các bậc “thần rượu” ngày xưa có sống lại, nhìn thế hệ ngày nay uống rượu, cứ “một hai ba dô, dô,dô…”,  chắc cũng không ít người sẽ giống như Mã Chu xưa, gọi rượu ra để rửa chân.
            Mà như vậy thì thật đáng thương cho rượu.
 
Khi chén rượu khi cuộc cờ
Nhà thơ Hoàng Trung Thông, nghệ sĩ của uống rượu, làm thơ và viết thư pháp  
 
 
Uống thế này thà mang rượu đi rửa chân

Tác giả: GS Đặng Cảnh Khanh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất