05:28 ICT Thứ hai, 07/10/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 480


Hôm nayHôm nay : 45103

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1146151

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 60904885

Trang nhất » Tin Tức » Xã hội học

Quang cao giua trang
top

BA ĐỒNG MỘT MỚ ĐÀN ÔNG...

Tác giả: Tam Mao Tử - Thứ hai - 27/10/2014 09:52
BA ĐỒNG MỘT MỚ ĐÀN ÔNG...

BA ĐỒNG MỘT MỚ ĐÀN ÔNG...

Khổng Tử bảo “nữ nhân nan hóa”, phụ nữ khó dạy lắm. Câu nói này của cụ Khổng cho thấy cụ không chỉ hạ thấp vai trò của phụ nữ mà còn cả sợ họ nữa, sợ rằng lúc bảo họ, họ không chịu nghe. Mà cụ sợ cũng có cái lý của cụ. Đàn ông thực sự có nhiều quyền uy, nhưng họ có thực sự mạnh hơn phụ nữ không nhỉ?

“Ba đồng một mớ đàn ông, ta bỏ vào lồng ta sách đi chơi”. “Bồng bồng cõng chồng đi chơi, đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng”...Những câu ca dao trên, đọc lên lại thấy thương cho đàn ông quá. Lại đến chuyện bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương coi mấy ông thi sĩ nam giới chỉ là lũ bé con “lại đây cho chị dạy làm thơ...”.
.
Ngày xưa, ở Trung quốc còn có Chung Vô Diệm, người đàn bà nổi tiếng, được xem là một trong “Ngũ xú Trung Hoa” (năm người đàn bà xấu nhất Trung Hoa). Khi thị sinh ra, đầu to, tóc thưa, trán cao, mắt sâu, tai vểnh, mũi hếch, xương cổ lòi ra, bụng phệ, lưng gù, chân thô, da đen đúa... người xấu như ma, như quỷ. Chung Vô Diệm vừa to lớn khỏe mạnh, sức địch muôn người, nhưng lại vừa thông minh tài trí, an dân trị nước tuyệt giỏi. Điều đó đã khiến vua Tuyên Vương nước Tề vừa yêu mến đến chết mê chết mệt lại vừa hãi hùng khiếp đảm..
 
Từ những chuyện đó thấy rằng phụ nữ đâu phải lúc nào cũng là phái yếu. Họ có thể không đẹp nhưng vẫn là “phái đẹp”, vẫn hấp dẫn.
 
Ngày nay các nhà khảo cổ đã nói nhiều đến một thời kỳ  “hoàng kim” của phụ nữ được gọi là thời kỳ” mẫu hệ”, thời kỳ mà không phải nam giới mà phụ nữ mới có vai trò quan trọng trong xã hội, phụ nữ quyết định tất cả. Khi đó các con chỉ biết đến mẹ, phục tùng mẹ. Người mẹ có thể ra lệnh trừng trị bất cứ người đàn ông nào, sai khiến họ đủ điều, từ hái quả, săn bắt muông thú đến phục vụ cả chuyện “chăn gối” . Ít ai hiểu rằng, bất bình đẳng giới, thực ra lại được khởi đầu từ sự bất bình đẳng mà trong đó người phụ nữ mới là kẻ thống trị.
 
Mà trong lịch sử nhân loại, thời kỳ “mẫu hệ” này đâu có ngắn ngủi gì, nó dài gấp cả mấy chục lần cái thời kỳ đàn ông thống trị đàn bà mà còn tồn tại đến tận ngày nay.
 
Phụ nữ có gì mà ghê gớm thế nhỉ. Trước tiên phải nói rằng, ngay cả những đàn ông khó tính lắm cũng phải thầm gọi phụ nữ là “phái đẹp”. Xấu đến như Chung Vô Diệm mà vẫn có cái đẹp riêng. Tạo hóa đã làm cho phụ nữ bao giờ cũng là đẹp, mà cái đẹp thì về bản chất luôn tiềm ẩn sức mạnh, cái sức mạnh có thể làm cho “nghiêng nước nghiêng thành”, chẳng cần gươm giáo mà vẫn làm khuynh đảo bờ cõi quốc gia. Cổ nhân dạy, xin đừng quên rằng: “mỹ nhân tự cổ như danh tướng” (người đẹp từ xưa đã chẳng khác gì một danh tướng)
 
Nàng Triệu Phi Yến ngày xưa đẹp tới mức, chết rồi mà sau cả trăm năm, khi đào mộ lên, xương cốt vẫn thơm phức. Nắm xương tàn của nàng đã khiến cho nhà thơ nổi tiếng đời Đường là Lý Hạ phải thốt lên rằng trong khi Tần Thủy Hoàng, rồi Hán Vũ Đế đầy uy quyền, cả đời đi tìm uống thuốc trường sinh bất tử mà khi chết, xác vẫn rữa thối như cá ươn, thì “Bá lăng Phi Yến mai hương cốt”, có nghĩa là ở đất Bá Lăng xương cốt của nàng Phi Yến mãi vẫn còn thơm.
 
Ông vua tài giỏi bậc nhất của triều Thanh là Càn Long đánh trận, chém đầu tướng giặc, bắt được một nàng phi đẹp tuyêt trần, tóc dài, mồ hôi trên cơ thể lúc nào cũng tỏa hương ngào ngạt. Vua yêu quá gọi nàng là Hương Phi – bà phi có mùi hương thơm. Vậy mà nàng phi tần này lúc nào cũng tưởng nhớ tói ông tướng đã mất đầu, thà tự tử chứ không chịu “gần gũi” Càn Long. Ông Hoàng đế này thấy vậy cũng thương cảm, xây riêng cho nàng một cung phòng đặt tên là Hoài Hương Cung, cung phòng để nhớ về cố hương.
 
Vua thì thương vậy chứ Hoàng Thái Hậu thì không chịu. Con mình dẫu sao cũng là Hoàng đế quyền sinh sát ghê gớm... Bà bí mật buộc Hương Phi, hoặc phải chiều Càn Long hoặc.là phải chết. Hương Phi đã chọn giải lụa trẳng thắt cổ mà không phải là chăn nệm ấm áp của long sàng Hoàng đế. Mạnh mẽ như Càn Long mà cũng đành vây, chẳng thắng nổi một thiếu phụ góa chồng.
 
Nhiều triều đại xưa, khi chẳng còn tinh thần anh dũng chống giặc nữa thì lại đem cả người đẹp đi đổi đất, đổi lấy sự bình yên. Người Hán mang nàng Chiêu Quân đi cống Hồ, Với sắc đẹp được miêu tả là "lạc nhạn", có nghĩa là đẹp đến mức làm cho chim sa, nàng Chiêu Quân đi vào lịch sử Trung Quốc như một người đẹp đem đến hòa bình cho dân tộc, làm được chuyện mà hàng chục vạn tinh binh binh nam giới không làm được. Với sự hy sinh cái nhan sắc của mình, Chiêu Quân đã góp phần mang lại hòa bình suốt hơn nửa thế kỷ  giữa Trung Quốc và Hung Nô.
 
Điều này đã khiến cho Viên Mai tiên sinh, nhà văn hóa nổi tiếng một thời của Trung Quốc đã phải thán phục, “ tì bà nhất khúc tĩnh biên trần”, chỉ cần một khúc tì bà của người đẹp cũng đủ để làm bình yên được cả một cõi biên cương. Nếu “tất tật đám đàn ông đều yếu đuối cả thì thà quốc gia cứ sinh thật nhiều gái đẹp để mà đổi đất lại hóa hay”...
 

 
 
Thế rồi, nhiều khi vua quan ăn chơi, bỏ mặc dân chúng đói kém, dẫn tới triều đình đổ nát, lại mang phụ nữ ra đổ lỗi, đem họ đi giết, đi chôn chỉ vì họ đẹp đến mức làm vua phải hư hỏng. Sách sử còn ghi lại chuyện các nàng Đát Kỷ, Bao Tự, Dương Quý Phi...đẹp đến mê hồn đã phải chịu tội thay cho cánh đàn ông hèn kém là như vậy. Nhà thơ Đỗ Phủ trong bài “Bắc chinh” đã phải thương cảm cho họ mà than rằng :
 
Bất văn Hạ Ân suy
Trung tự tru Bao Đát
(Chẳng biết rằng nhà Hạ, nhà Ân suy tàn
Chỉ còn cách là giết các nàng Bao Tự, Đát Kỷ)
 
Đến tướng tá lâm trận cũng vậy. Ngày xưa, khi người Mãn xâm lược Trung Quốc, nhiều thành trì bị vây khốn, hàng chục vạn binh tướng tài giỏi phải kéo cơ trắng đầu hàng, trong khi đó thì vẫn có biết bao các nàng mệnh phụ phu nhân, phi tần treo cổ, thà chết chứ không chịu nhục đi hầu hạ kẻ thù. Để đến nỗi sau này, nhiều nhà sử học còn phải chê rằng cái đám nam nhi sao lại hèn kém đến thế  nhỉ, tất cả chẳng mạnh mẽ được bằng một vài người con gái có thân hình liễu yếu đào tơ...
 
Thời Ngũ Đại Trung Quốc có Hoa Nhụy phu nhân là Hoàng hậu của vua nước Hậu Thục, nổi tiếng văn thơ. Khi nước mất, nàng lại bị bắt vào hậu cung. Vua triều mới thấy nàng trẻ đẹp lại hay thơ, bắt phải làm thơ. Nàng làm bài Quốc Sơn thi nổi tiếng :
 
Quân vương thành thượng thụ hàng kỳ
Thiếp tại thâm cung ná đắc tri ?
Nhị thập vạn quân tề giải giáp
Cánh vô nhất cá thị nam nhi !
 
(Trên thành  vua đã kéo cờ hàng
mà thiếp thì ở thâm cung nào có biết gì ?
Hai chục vạn quân  đểu giải giáp cả
Chẳng có một kẻ nào đáng mặt nam nhi sao )
 
Nếu như hàng chục vạn tinh bình nam giới đã nhu nhược, không giữ nổi tổ quốc mà phải trông đợi vào ánh mắt, môi cười của những người đẹp như vậy thì ba đồng một mớ đàn ông cũng là phải...
 
 

 
Chiêu Quân cống Hồ, đổi người đẹp lấy sự yên bình.
 
 
 
 
Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
 
  •  
 
Những  câu chuyện trên chỉ ra rằng, nhiều khi đàn ông cũng đáng được gọi là “phái yếu” đấy. Và sự yếu đuối là còn tùy thuộc vào nhân cách, phẩm hạnh của mỗi người, đâu có phải chỉ vào vấn đề giới.
 
Sau giai đoạn “mẫu hệ”, khi người đàn ông đã lên ngôi, vun đắp cái địa vị thống trị về giới của mình, tạo ra các chuẩn mực khiến cánh đàn ông có quyền được coi thường, khinh mạn người đàn bà thì chính bản thân họ cũng vẫn còn dấu trong mình một nỗi sợ hãi phụ nữ.
 
Họ cố gắng giải thích rằng địa vị của nam giới là do “thiên phú”, tức là do ông trời xếp đặt, coi sự lệ thuộc của phụ nữ vào mình như là một chức phận. Nếu người đàn bà có phải “tam tòng”: khi còn trẻ thì phải phục tùng cha, khi lấy chồng, phục tùng chồng, chồng chết thì phục tùng con trai, nếu người phụ nữ có phải cúi đầu phục vụ nam giới thì cũng bởi đó chính là “thiên chức” của họ.
 
Trời đã đặt ra như vậy, thì tất nhiên lẽ đời cũng phải như vậy. Những kẻ không biết thì phải học để mà biết, mà tuân theo. Cho nên mới phải thực hiện “dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”. Dạy bằng giáo lý, bằng dỗ dành, bằng cả phỉnh nịnh và rồi bằng cả cẳng chân cẳng tay, gọt tóc, bôi vôi, bỏ rọ trôi sông.
 
Thế rồi vẫn có lúc, nhiều chính nhân quân tử vẫn phải thốt lên “nữ nhi nan hóa”.
 
Ở Thái Bình có một anh chồng chẳng có cơ bắp nở nang khỏe khoắn gì nhưng luôn cho mình cái quyền được dạy dỗ vợ. Mỗi bữa cơm anh ngồi bên bàn thờ, một mình một mâm, vợ đi qua ném một chiếc thìa, vợ đi lại quăng một chiếc đĩa. Mọi người hỏi sao lại làm như vậy, anh bảo “thích thì làm thôi, vợ mình mình dạy, chứ đâu phảỉ dạy vợ các bác”. Một lần chị vợ vùng lên, dúi cái đầu bờm xờm của chồng xuống đất, anh ta mới hoàn toàn hiểu rằng mình đâu có mạnh mẽ hơn vợ.
 
Xã hội đã đổi thay rồi. Phái đẹp đã có trong tay cái quyền pháp lý để đòi hỏi sự bình đẳng của mình. “Luật bình đẳng giới”, “Luật phòng chống bạo lực gia đình” đã được ban hành
 
Chúng ta không quay lại xã hội mẫu hệ, để đàn bà thống trị đàn ông. Chúng ta cũng không duy trì cái xã hội mà mọi quyền uy đều đặt vào tay đàn ông để đàn bà phải thành nô lệ. Chúng ta đang hướng tới một xã hội bình quyền nam nữ, cả nam và nữ đều có cuộc sống bình đẳng, hạnh phúc.
 
 
 
 
 
 
 

 

Tác giả: Tam Mao Tử

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất