06:44 ICT Thứ hai, 07/10/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 592

Máy chủ tìm kiếm : 18

Khách viếng thăm : 574


Hôm nayHôm nay : 52213

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1153261

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 60911995

Trang nhất » Tin Tức » Xã hội học

Quang cao giua trang
top

Xin đừng trách Công an phường Phạm Ngũ Lão

Tác giả: Như Phong - Thứ năm - 30/10/2014 10:32
Công an phát tờ rơi cho khách du lịch nước ngoài.

Công an phát tờ rơi cho khách du lịch nước ngoài.

Lẽ ra phải nên biểu dương Công an phường Phạm Ngũ Lão đã có cách làm này. Nhưng làm tờ rơi thế nào cho tế nhị, văn minh lại là việc khác...
Việc Công an phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP Hồ Chí Minh phát tờ rơi cho du khách nước ngoài có nội dung khuyến cáo khách du lịch đến Sài Gòn đề phòng cướp giật, không mang trang sức quý, đi taxi phải xem đồng hồ, rồi lại cẩn thận “khuyên” khách du lịch nên đi taxi Vinasun, Mai Linh đã làm bùng lên một làn sóng phản đối dữ dội.

Ngay lập tức đã có rất nhiều bài báo “chan tương đổ mẻ” cho việc làm này. Người ta đã dùng những ngôn từ đầy “phẫn nộ”, quy cho Công an phường Phạm Ngũ Lão là “bôi nhọ dân tộc”, “làm xấu hình ảnh người Việt”... Như chỉ chờ có thế, BBC hứng lấy ngay và đưa lên báo điện tử. Một số đài truyền hình đã đưa ý kiến, thậm chí một số đại biểu Quốc hội cũng vào cuộc. Còn Công an TP Hồ Chí Minh thì ra lệnh ngừng phát tờ rơi ngay để “làm rõ”.


Thật khổ cho Công an phường Phạm Ngũ Lão vì sáng kiến này!

Có gì mà phải “nâng quan điểm” đến như vậy! Việc làm này là quá đơn giản, quá bình thường. Đó chỉ là một cách đi học mót của người khác mà thôi.

Việc phát tờ rơi, đặt bảng khuyến cáo du khách phải tự bảo vệ mình và tài sản thì rất nhiều quốc gia đã làm. Người viết bài này đã từng chứng kiến ở Karachi - thành phố lớn nhất của Pakistan, người ta khuyến cáo du khách cẩn thận đến mức khi rời khỏi khách sạn phải cho nhân viên khách sạn biết đến địa điểm nào, mấy giờ về, để quá thời gian đó, họ sẽ đi tìm. Rồi người ta còn khuyến cáo rằng khi ra đường, nên để lại phòng đồng hồ, nhẫn, dây chuyền... Còn ở khách sạn Melia ở thủ đô Venezuela, chỉ cần đeo chiếc máy ảnh ở cổ, bước ra khỏi hàng rào khách sạn là nhân viên bảo vệ đã lôi ngược trở lại... Ngay khi làm thủ tục ở quầy lễ tân, người ta đã phát tờ cảnh báo nạn cướp giật ở Caracas.

Hình như những người lên tiếng phản đối Công an phường Phạm Ngũ Lão chưa ra nước ngoài thì phải? Vậy nên họ mới không biết nạn trộm cắp, cướp giật ở nước ngoài khủng khiếp thế nào.

Về nạn trộm cắp của du khách, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội còn “xách 100 lần dép” cho thủ đô Paris. Về cướp giật, trấn lột khách du lịch thì những thủ đô như Caracas là “bậc sư phụ” của TP Hồ Chí Minh. Tại những nơi này, người ta làm rất nhiều cách để bảo vệ du khách, trong đó có cả việc phát tờ rơi, đặt bảng cảnh báo du khách cẩn thận. Du khách thì thấy đó là chuyện bình thường, chẳng ai nghĩ rằng sao quốc gia này lại xấu đến thế để rồi không đến nữa. Và người ta cũng không lấy đó để cho rằng quốc gia ấy, dân tộc ấy không văn minh.


Lẽ ra phải nên biểu dương Công an phường Phạm Ngũ Lão đã có cách làm này. Nhưng làm tờ rơi thế nào cho tế nhị, văn minh lại là việc khác.

Trong tờ rơi, có một điều mà Công an phường Phạm Ngũ Lão lẽ ra không nên, ấy là việc khuyên khách du lịch đi taxi Mai Linh và Vinasun. Đành rằng đây là 2 hãng taxi lớn, có uy tín ở TP Hồ Chí Minh, nhưng việc phát tờ rơi có thông tin như vậy là chưa khéo léo, dễ làm người khác chạnh lòng.

Người Việt chúng ta mắc bệnh SĨ rất nặng. Hễ nói gì xấu là sửng cồ lên và chỉ thích khen, thích nịnh. Người ta vẫn cứ hay nói với nhau rằng “Đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại”. Nhưng sự thật về cái xấu thì cũng phải phô ra để người ta chưa biết mà cảnh giác. Đó cũng là một việc tốt chứ sao?

Có một chuyện nực cười về tính sĩ diện hão của người Việt mà thiên hạ ai cũng thấy trên các bộ phim truyện của Việt Nam. Ấy là với những nhân vật tiêu cực, người ta phải che giấu, phải bịa ra tên các cơ quan, tỉnh thành mà đốt đuốc cũng không tìm thấy trên bản đồ Việt Nam. Người ta còn bịa ra cả những biển xe ôtô mà Cục Cảnh sát giao thông chưa bao giờ phát hành... Người viết bài này là tác giả kịch bản bộ phim “Chạy án” cũng phải bịa ra tên một bộ cho một ông thứ trưởng là Bộ Kinh tế. Thậm chí còn phải đặt ông thứ trưởng này ở một tỉnh nào đó...

Giời ơi là giời! Làm gì có thứ trưởng của một bộ lại ở một tỉnh xa lắc xa lơ nào đấy về Hà Nội làm việc hằng ngày! Ấy thế mà vẫn phải nhắm mắt mà hư cấu theo yêu cầu của đạo diễn. Nếu nói ông thứ trưởng ấy ở Hà Nội thì không khéo chính quyền Hà Nội sẽ gọi tác giả lên mà hỏi ông đó là ông nào. Người ta sẵn sàng quy tội tác giả đã bôi nhọ “công dân Hà Nội”, bởi người không thể có một cán bộ xấu như thế. Nhiều đoàn làm phim đã khốn khổ về việc dùng biển xe thật của một tỉnh để quay phim.

Chính tính sĩ diện hão của người Việt đã làm nảy sinh rất nhiều chuyện. Đó là sự che giấu khuyết điểm, là báo cáo láo thành tích. Trong báo cáo của các ngành, các đơn vị bao giờ cũng có những từ như “tuy nhiên”, “bên cạnh đó vẫn còn”... Nói nôm na là cái gì cũng phải tốt, sau phần tốt sẽ điểm xuyết vài thứ khuyết điểm muôn thuở và quan trọng là chẳng có ai phải chịu trách nhiệm về khuyết điểm đó.

Cũng lại nhân chuyện Công an phường Phạm Ngũ Lão phát tờ rơi và bị nâng quan điểm nặng nề như vậy, tôi nhớ lại chuyện từ ngày xưa, cái gì cũng có thể bị nâng quan điểm. Thậm chí những ngày tôi ở quân ngũ, việc trốn tập thể dục vì trời lạnh quá, đến khi họp kiểm điểm, chỉ huy nâng quan điểm rằng trốn tập thể dục tức là không chịu rèn luyện sức khỏe để phục vụ quân đội và như vậy là đã thoái hóa về ý chí, có tư tưởng lùi bước... Rồi cuối cùng kết lại thì mình trở thành “kẻ cố tình hủy hoại sức khỏe để không phục vụ quân đội”. Bây giờ chuyện nâng quan điểm như vậy hầu như không còn, nhưng khi nói về khuyết điểm, người ta vẫn tìm cách lấp liếm đi mà không dám nhận sự thật.

Công bằng mà nói nạn trộm cắp, cướp giật ở các thành phố lớn ở Việt Nam chưa là gì so với nhiều quốc gia. Lực lượng công an đã có nhiều biện pháp đấu tranh chống các loại tội phạm hình sự. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình tội phạm hình sự có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là đã xảy ra một số vụ trọng án có tình tiết rất dã man. Tình trạng số vụ phạm pháp hình sự có chiều hướng ra tăng là vì nhiều lý do, trong đó có việc kinh tế khó khăn, thất nghiệp nhiều, “bần hàn sinh đạo tặc”...

Vì vậy, muốn chống tội phạm hình sự thì phải có sự vào cuộc của toàn dân, trong đó lực lượng công an là nòng cốt. Để góp phần giảm đi nạn cướp giật, trước hết mỗi người hãy biết cách tự bảo vệ mình. Nếu du khách nước ngoài đến Việt Nam chưa hiểu về các thủ đoạn của bọn tội phạm hình sự, thì chính lực lượng công an phải cảnh báo, hướng dẫn họ. Cách phát tờ rơi như của Công an phường Phạm Ngũ Lão là đáng biểu dương! Có thể cách làm của anh em chưa thật tế nhị, ngôn từ chưa chính xác thì nên góp ý, sửa chữa, chứ đừng nên nâng quan điểm cho rằng họ làm xấu hình ảnh người Việt.

Gần đây, lực lượng công an đã có rất nhiều cách làm hay tuyên truyền về an toàn giao thông, phòng chống tội phạm hình sự. Chẳng hạn như sáng kiến đặt hệ thống loa ở các nút giao thông lớn của TP Hà Nội để nhắc mọi người dừng xe đúng vạch, không vượt đèn đỏ và hướng dẫn, phổ biến các quy định về an toàn giao thông. Đây là một cách làm rất hay, hiệu quả mà các thành phố khác nên học tập. Còn việc Công an phường Phạm Ngũ Lão phát tờ rơi để cảnh báo du khách cảnh giác hơn thì rất cần thiết, chỉ nên rút kinh nghiệm và chỉnh sửa.

Tác giả: Như Phong

Nguồn tin: PetroTimes

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất