Đá Chữ Thập của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm và cải tạo đất, xây thành đảo nhân tạo. (Ảnh: CSIS/ IHS Jane’s)
Hành vi xây đảo với quy mô và tốc độ “chưa từng có trong lịch sử loài người” của TQ không những vi phạm chủ quyền lãnh hải của quốc gia khác, mà còn là thảm họa với môi trường, môi sinh trên Biển Đông.
Theo ảnh vệ tinh của Hoa Kỳ, chỉ trong vòng 18 tháng, TQ đã bồi đắp các bãi san hô từ 8 ha lên 800 ha, một việc làm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh, tự do hàng hải của cả thế giới. Đầu tư cho công trình TQ gọi là “xây vạn lý trường thành bằng cát trên biển” thuộc chủ quyền của VN trị giá trên 10 tỷ USD, TQ không chỉ ngang nhiên thực hiện chiến lược lâu dài mà còn hủy hoại tàn bạo môi trường và môi sinh trên biển Đông.
Đây là những thông tin được quan tâm tại hội thảo về Biển Đông tổ chức cuối tuần qua [1].
Hành vi chưa có tiền lệ trong lịch sử loài người
Đánh giá về các hoạt động xây đảo trái phép Trung Quốc tiến hành ồ ạt trong thời gian qua, học giả Ấn Độ, Phó Đô đốc Anup Singh, nguyên Tổng tư lệnh lực lượng hải quân miền Đông Ấn Độ, cho rằng: “Nếu có một khu vực nào đó trên thế giới hiện trở thành một điểm nóng của các tranh chấp sau thời kỳ chiến tranh lạnh thì đó chính là biển Đông”. Ông Anup Singh dẫn ra, kể từ năm 2014, việc đẩy mạnh hoạt động xây dựng đảo của TQ dẫn đến tình hình đáng báo động. “Chỉ riêng đối với quần đảo Trường Sa (của Việt Nam - TG), TQ đã bồi đắp 2.000 acre (tương đương hơn 800 ha – TG) “đất đai” mà chủ quyền hoặc quyền tài phán là bất hợp pháp”.
Phó Đô đốc phải miêu tả “cả thế giới đang khóc khàn” về sự nguy hiểm của đa dạng sinh học bị phân hủy trong các đại dương để nhấn mạnh sự tàn bạo của các hành động trên. “Các rạn san hô mà bao nhiêu thế kỷ nay vẫn chưa bị ảnh hưởng đến do sự tách biệt của chúng bây giờ cũng đã mất hết! Không có gì thuộc về con người hay thiên nhiên có thể tiếp tục tồn tại. Và không bao giờ có thể khôi phục lại sự cân bằng được duy trì bởi các yếu tố tự nhiên này.”
Những hình ảnh do Hải quân Hoa Kỳ cung cấp đã khiến cho giới nghiên cứu biển, nghiên cứu và bảo vệ môi trường “không muốn tin là sự thật”: TQ xúc cát đổ lên san hô sống, vùi lấp, sát hại hoàn toàn những rừng san hô trên quần đảo Trường Sa. Đến mức, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter trong chuyến thăm Ấn Độ (tháng 6/2015), đã phải thốt lên: “TQ đang có hành vi “vượt ra khỏi các chuẩn mực tối thiểu” của quốc tế”.
Ông khẳng định: “Điều đó giải thích vì sao cả thế giới phản đối việc làm của TQ”.
Hai nhà khoa học Youna Lyons và Wong Hiu Fung thuộc Đại học Singapore đã viết trên tạp chí nghiên cứu Eurasian Review rằng: “Những người xây đảo đã nhổ nhiều cụm san hô, phá nát và sử dụng chúng để lấp biển… Quy mô và bản chất hoạt động nạo vét những vùng san hô thuộc khu vực Biển Đông do TQ tiến hành gần đây chưa từng có trong lịch sử loài người”.
Ảnh hưởng tới ngư trường, ngư dân
Việc xây đảo nhân tạo của TQ trên biển Đông ngoài vấn đề (xâm phạm) chủ quyền còn là tác nhân tàn phá môi trường biển vốn được xem là “quê hương” của con người.
Học giả Ariyo Bimmo, Trường Đại học Groningten (Hà Lan), hiện đang là chuyên viên pháp lý cao cấp của dự án Hỗ trợ pháp lý và cải cách tư pháp Indonesia phân tích: “Biển Đông là nơi cư ngụ của hàng ngàn thực thể sinh vật biển… Sự hủy diệt các rặng san hô, sự tăng lên nhiệt độ nước biển và những tác động khác làm ảnh hưởng đến những đàn cá di cư. Sự tuyệt diệt của các rặng san hô cuối cùng sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền gây tác hại lâu dài đối với nhiều cộng đồng người sống dựa vào đó như nguồn thức ăn của mình".
Theo LHQ, nghề đánh bắt cá trên biển hiện đang cung cấp việc làm cho 38 triệu người lao động trực tiếp và 162 triệu người lao động gián tiếp.
Việt Nam và Philippines là hai quốc gia ven biển có những phần đặc quyền kinh tế (EEZ) lớn nhất trên Biển Đông. Nhiều tỉnh ven biển của hai quốc gia này phát triển kinh tế dựa vào nghề đánh bắt hải sản. Lịch sử đã khẳng định việc đánh bắt của ngư dân hai nước trên biển đã diễn ra suốt thời gian dài. Vì vậy về mặt truyền thống và quốc tế, quyền đánh bắt của ngư dân VN và Philippines trên Biển Đông là không thể tranh cãi.
Trong khi đó, TQ là quốc gia có hạm đội tàu buôn đứng thứ ba trên thế giới và nằm trong top các quốc gia đánh bắt hàng đầu, chiếm 20% tổng khối lượng đánh bắt toàn cầu, với khoảng 300.000 tàu đánh bắt lớn trang bị động cơ mạnh và 8 triệu ngư dân. Sau khi đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974, ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam cũng bị TQ (xâm) chiếm.
Theo Công ước UNCLOS, quyền tự do đánh bắt vượt ra ngoài lãnh hải bao gồm các vùng biển lịch sử và vùng biển quốc tế là bị chi phối bởi quyền chủ quyền của quốc gia ven biển với tất cả các loại tài nguyên thiên nhiên sinh vật nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia này.
GS. Edgar Gomez, Trường Đại học Philippines tính toán rằng, đóng góp của mỗi ha san hô ở Trường Sa cho ngư dân xung quanh biển Đông khoảng 350.000 USD/năm. Và hành vi “đảo hóa” của TQ vào vùng biển Trường Sa của VN đã gây thiệt hại cho ngư dân trong khu vực ít nhất 110 triệu USD/năm.
Những hành vi của TQ đối với VN và Philippines trên Biển Đông khiến cho nhiều quốc gia trong khu vực “giật mình”.
Indonesia trước nay tự coi mình là “người môi giới trung thực” trong vấn đề Biển Đông đã phải điều chỉnh mối quan tâm của mình. Chính quyền nước này quan ngại sự phát triển đảo nhân tạo trên Biển Đông sẽ tạo ra xu hướng gia tăng hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp. Các đàn cá bị tàn phá môi trường sẽ di chuyển xa hơn, an toàn hơn, có thể vào trong lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Từ đây sẽ kéo theo bất ổn về an ninh, trật tự của khu vực.
Hành vi xây đảo với quy mô và tốc độ “chưa từng có trong lịch sử loài người” của TQ không những vi phạm chủ quyền lãnh hải của quốc gia khác mà còn là thảm họa với môi trường, môi sinh trên Biển Đông.
Nhà nghiên cứu Ariyo Bimmo, trường Đại học Groningten (Hà Lan) đã nhận định: “Sự mở rộng của đảo nhân tạo trên Biển Đông kết cục là gây ảnh hưởng đến cơ chế cung cấp lương thực trên biển. Nó chắc chắn sẽ tác động to lớn và lâu dài đối với kinh tế vĩ mô, vi mô, địa chính trị, an ninh và ổn định trong khu vực. Không thể phủ nhận rằng, hành vi sai trái này trước hết sẽ giáng vào con người và môi trường sống vốn là nguồn cung cấp lương thực chính của mình một đòn nặng nề”.
----
[1] Hội thảo “Xây dựng công trình nhân tạo trên Biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế và thương mại khu vực”do Đại học Luật TP.HCM phối hợp với Hội Luật gia VN tổ chức hội thảo quốc tế.