09:37 ICT Thứ bảy, 21/09/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 595

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 592


Hôm nayHôm nay : 80710

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2823694

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 58242735

Trang nhất » Tin Tức » Xã hội học

Quang cao giua trang
top

TỰ HÀO "DÁNG ĐỨNG BẾN TRE"

Tác giả: Thúy Phượng - Thứ tư - 03/12/2014 09:05
*Ảnh minh hoạ (nguồn internet)

*Ảnh minh hoạ (nguồn internet)

Trong lòng mỗi người dân đất Việt, hình ảnh của người phụ nữ Bến Tre bao giờ cũng gợi lên những tình cảm thật đặc biệt. Hình ảnh ấy gắn liền với cây dừa dịu dàng, thiết tha, trong sáng mà luôn hiên ngang, kiên cường trong mọi giông gió. Phụ nữ Bến Tre vừa mang trong mình những nét tiêu biểu nhất của phụ nữ Việt Nam lại vừa lưu giữ những vẻ đẹp rất đặc trưng của Bến Tre gắn liền với một vùng thiên nhiên trù phú, khí hậu, sông nước hiền hòa, bốn mùa ngút ngàn cây lá.

Chiếm hơn 50% dân số của tỉnh, phụ nữ Bến Tre đã góp phần quan trọng tạo nên sự rạng rỡ của vùng đất "ba dải cù lao" anh hùng. Đặc biệt dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy mạnh mẽ truyền thống "anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang", phụ nữ Bến Tre đã viết nên những trang sử vô cùng oanh liệt. Truyền thống ấy đã được kế thừa và phát triển một cách sáng tạo trong suốt chiều dài lịch sử và đang làm phong phú thêm cho những giá trị truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Có thể nói, những giá trị truyền thống ấy là kết quả tất yếu của lòng yêu nước nồng nàn tiềm ẩn trong mỗi con người Bến Tre, phụ nữ Bến Tre. Nó gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của quê hương, thẩm thấu và đan xen nhau tạo nên "dáng đứng Bến Tre" đặc biệt ở người phụ nữ Bến Tre:
TRUNG HẬU, ĐẢM ĐANG VÀ THỦY CHUNG SON SẮT
Bến Tre là một vùng đất mới với những dải cù lao lớn, đất đai màu mỡ, lại nằm ở cuối sông Cửu Long, cận biển,...là nơi hội đủ những điều kiện tốt để những lưu dân đến khai phá sớm định cư. Từ một vùng đất hoang vu, xứ sở của những sình lầy đầy thú dữ, đến nỗi "con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh", mảnh đất cù lao lạ lùng này đã trở thành một vùng đất kinh tế trù phú, ruộng vườn tươi tốt. Đó là công sức khai phá và tạo dựng với bao xương máu, mồ hôi, nước mắt của bao thế hệ, trong đó có người phụ nữ. Phụ nữ  không chỉ chăm sóc gia đình con cái mà còn làm các nghề thủ công, đặc biệt là nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Sự đảm đang của họ không chỉ là gánh vác, lo toan mọi việc mà còn thể hiện ở sự khéo léo, sắp xếp, tổ chức đời sống gia đình, giáo dục con cái
Bên cạnh việc giáo dục kiến thức, các bà mẹ Bến Tre bao giờ cũng chú trọng tới việc dạy dỗ con cái về đạo làm người, trách nhiệm công dân, lòng yêu quê hương, đất nước, yêu đồng bào,...hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ. Tấm gương bà Lê Thị Mẫn ở Đa Phước Hội, Mỏ Cày là một ví dụ. Bà đã nhận quà tết của con trai đang làm quan, đốt thành tro rồi gửi lại cho con mình để nhắc nhở con "Làm quan phải thanh liêm để không uổng công mẹ nuôi dạy". Bà đã được vua Tự Đức phong tặng bức trướng "Hảo nghĩa khả phong". Việc làm của bà đã trở thành nét tiêu biểu cho phẩm chất đảm đang, nhân hậu và mẫu mực của phụ nữ xứ cù lao.
Đó còn là sự đóng góp quan trọng và thầm lặng của những người vợ đối với sự nghiệp của chồng. Lịch sử Bến Tre khắc ghi và ca tụng hình ảnh người vợ đảm đang, thủy chung, tận tụy của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Bà Lê Thị Điền vừa là nội tướng trong gia đình vừa là người thư ký trung thành, kề vai sát cánh cùng chồng trên bước đường sự nghiệp. Với đôi mắt sáng bà đã quan sát hiện thực xã hội đầy biến động trên quê hương để cung cấp chất liệu cho chồng sáng tác. Nhờ đó mà ông đã có được những câu thơ bất hủ đầy nghĩa khí.
Trong thời kỳ đấu tranh cách mạng, phụ nữ Bến Tre cũng là những người mẹ, người chị, người em tận tụy, nuôi giấu, chăm sóc chiến sĩ khi còn sống cũng như lúc hy sinh bằng chính tấm lòng của mình. Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Tư ở An Phước - Châu Thành đã tự tay khâm liệm và chôn cất hơn 100 tử sĩ dưới bom cày, đạn xới của chiến tranh, bất chấp những gian nan, nguy hiểm. Với mẹ, "anh em chiến sĩ như con đẻ của mình, như khúc ruột của mình nằm đó, nó làm xong bổn phận với nước non, mình phải xử sự cho đúng cái nghĩa ở đời". Có thể nói, tấm lòng rộng mở và nhân nghĩa của những người mẹ Bến Tre đã là "căn cứ cách mạng" an toàn nhất cho mọi hoạt động của cán bộ, đảng viên.
Đó còn là sự hy sinh thầm lặng của những người con gái, người vợ, người mẹ Bến Tre. Trong chiến tranh ác liệt và triền miên, họ đã bình tĩnh đến lạ thường, thầm lặng hiến dâng 2-3 thế hệ người thân yêu nhất của mình cho quê hương đất nước. Có những mẹ đã tiễn từ 5 đến 7 người thân mà không một lần được đón họ trở về. Điều gì đã khiến những người phụ nữ Bến Tre cũng như bao nhiêu người phụ nữ VN khác có thể hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình như thế? Câu trả lời chỉ có thể là tình yêu quê hương đất nước, lòng khát khao cháy bỏng cho một ngày độc lập - tự do. Con số 2162 mẹ VNAH ở vùng đất cù lao Bến Tre đã minh chứng cho sự hy sinh to lớn của những người phụ nữ nơi đây. Tuy nhiên so với con số hơn 35 ngàn liệt sĩ và 18 ngàn thương binh của vùng đất này vẫn chưa thể phản ánh đầy đủ sự cống hiến lớn lao của hàng ngàn, hàng vạn người mẹ quê dừa.
Và còn đó lớp lớp nữ thanh niên Bến Tre đã tình nguyện dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc. Họ đã góp phần làm rạng rỡ trang sử hào hùng của quê hương, hy sinh hạnh phúc riêng tư của người con gái, sống cô đơn với khát khao có được một mái ấm gia đình nhưng không thể, vì hòa bình lập lại, họ đã "quá lứa lỡ thì". Thật đúng như một câu hát thật cảm động:
"Bến Tre nhiều gái chưa chồng,
Không tin xuống chợ Mỹ Lồng mà xem"
ANH HÙNG - BẤT KHUẤT
Có thể nói, khí phách anh hùng, bất khuất, kiên cường là đức tính phổ biến của phụ nữ Bến Tre. Ở đâu có phong trào cách mạng thì ở đó có phụ nữ tham gia với tinh thần bất khuất, kiên cường, bất chấp tù ngục, súng gươm, bất chấp mọi đàn áp dã man của kẻ thù. Họ chứng tỏ rằng khi quê hương, đất nước bị kẻ thù xâm lược thì "anh hùng đâu chỉ có mày râu". Ở họ, hiền dịu và anh hùng, hai phẩm chất tưởng chừng như đối lập nhưng lại thống nhất không tách rời nhau. Đối với chồng con, đồng bào, chiến sĩ, họ luôn là người dịu dàng, nhân hậu, thủy chung, nhưng trước kẻ thù, những con người ấy bao giờ cũng tỏ rõ một khí phách hiên ngang, ý chí kiên cường, bất khuất. Từ những em bé đến những người mẹ già nua, trước cái chết họ không hề run sợ. Không ai có thể quên được sự hy sinh can trường với câu trả lời đầy khí phách của mẹ Trần Thị Kế: "Chồng con tao ở trong trái tim tao. Chúng bây mổ ra mà kiếm".
Chỉ trong 21 năm dưới chế độ Thực dân mới, hàng ngàn người phụ nữ Bến Tre bị giam cầm tù tội. Cứ 5 tù nhân thì có 1 người phụ nữ, họ có mặt khắp các nhà tù miền Nam, chịu đòn roi tra tấn dã man của kẻ thù. Chúng ta biết đến Dương Thị Chân, người phụ nữ trải qua 9 nhà tù, 19 lần chuyển lao trong suốt 15 năm bị giam cầm biệt xứ. Bao nhiêu bản án khổ sai, chung thân là bấy nhiêu tấm gương kiên cường, bất khuất của người phụ nữ. Ý chí của người phụ nữ Bến Tre cứ như những đợt sóng Hàm Luông không dứt, lớp lớp xô nhau để nhấn chìm bè lũ bán nước và cướp nước. Khí thế ấy đã làm nên cuộc Đồng Khởi vang dội ngày 17/1/1960. Như con chim báo bão xuất hiện trên bầu trời vần vũ mây đen, ngọn lửa Đồng Khởi là tín hiệu của những cơn rung chuyển sấm sét làm sụp đổ chế độ Mỹ Ngụy.
Hai tiếng Bến Tre còn gắn liền với sự ra đời của "Đội quân tóc dài" - một sáng tạo lịch sử của chiến tranh nhân dân ở miền Nam, một đội quân đặc biệt có thể nói là độc nhất vô nhị trên thế giới. Về mặt số lượng, đó là một đội quân hùng hậu ngày càng tăng lên qua mỗi cuộc chiến vệ quốc. Về chất lượng, đây là một lực lượng nữ có bước trưởng thành đáng kể, có tổ chức chặt chẽ, có tuyển lựa, huấn luyện, có chỉ huy, có hợp đồng chiến đấu, biết hợp tan khi cần thiết. Những cái tên như "Bộ đội Thu Hà", đơn vị "đặc công nữ" và đơn vị "pháo binh nữ", AHLLVT nhân dân Tạ Thị Kiều "tay không hạ bót, cắm cờ", nữ chỉ huy Bảy Tranh vang tiếng lẫy lừng cả miền Nam chỉ đạo đấu tranh trực diện với hơn 300 trận đánh với kẻ thù,...đã trở thành biểu tượng cho tinh thần anh hùng, bất khuất của phụ nữ Bến Tre. Và từ đây "đội quân tóc dài" của Bến Tre đã lan rộng khắp miền Nam. Sức mạnh của binh chủng đặc biệt này không những làm cho kẻ thù khiếp sợ mà còn vang dội khắp thế giới như một sự kiện lạ lùng. Một nhà báo nước ngoài đã từng nhận xét:
          "Quả là ở miền Nam đang tồn tại một đội quân kỳ lạ, không súng ống, có mặt ở khắp nơi, thành thị cũng như thôn quê, một đội quân mà bản tin của các hãng thông tấn hầu như không bao giờ nói đến, song lại đóng một vai trò to lớn trong cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam Việt Nam chống xâm lược, ngay cả khi người du kích đầu tiên cầm lấy vũ khí. Đó là "đội quân búi tóc" tập hợp hàng triệu nữ chiến sĩ".
Nói tới Bến Tre, phong trào Đồng Khởi, đội quân tóc dài,...người ta không thể không nhắc về một "người con gái Bến Tre" đặc biệt, vị nữ tướng, Phó tổng tư lệnh quân giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Định. Có người đã từng ví von, nữ tướng Nguyễn Thị Định là "bà đỡ" của binh chủng độc đáo có một không hai trên thế giới này. Từ đó đã tạo nên một "dáng đứng Bến Tre" đi vào lịch sử. Từ chốn đồng ruộng thấm đẫm máu và nước mắt, từ mảnh đất kéo lê những cỗ máy chém, người nữ chiến sĩ rừng Dừa đã dựng nên một kỳ tích vang dội của đêm Bến Tre rực lửa đuốc dừa, xứng đáng với lời ca ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
          "Miền Nam anh hùng có đội quân đấu tranh chính trị gồm hàng vạn chiến sĩ toàn là nữ. Họ rất mưu trí và dũng cảm làm cho địch phải khiếp sợ và gọi là 'đội quân tóc dài'. Phó Tổng tư lệnh giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ có nước ta có vị nữ tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc".
PHỤ NỮ BẾN TRE KHẲNG ĐỊNH GIÁ TRỊ THỜI HỘI NHẬP
Trong thời kỳ CNH, HĐH, truyền thống của phụ nữ Bến Tre đã được phát huy với tinh thần mới. Nếu như trước kia, người phụ nữ xứ cù lao không chịu được cái nhục mất nước, thì giờ đây, họ lại không chịu được cái nhục của sự nghèo nàn, lạc hậu. Họ luôn phấn đấu vươn lên, vượt qua khó khăn để học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt. Phụ nữ Bến Tre đã tiếp tục có những đóng góp tích cực, hiệu quả vào thành tựu phát triển kinh tế của tỉnh nhà, tham gia hầu hết các lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa xã hội; chính trị, quốc phòng an ninh.
Trên lĩnh vực: quản lý, điều hành sản xuất và kinh doanh: Bà Nguyễn Thị Tỏ người phụ nữ Bến Tre thắng kiện thương hiệu kẹo dừa Bến Tre tại Trung Quốc, chị Lê Thị Cẩm Vân - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre,…các chị luôn tận tụy và trách nhiệm, thận trọng trong đầu tư, nhân hậu, thông minh và bản lĩnh trong ứng xử; Ở lĩnh vực Giáo dục: các tấm gương như cô Lê Thị Thu Hằng- giáo viên trường THCS Tân Hào huyện Giồng Trôm đạt giải nhất cuộc thi “Giáo viên thế giới với Cambridge ESOL” do trường đại học Cambridge của Anh tổ chức vào năm 2010, cô Phạm Thị Thu Thủy - Tổng phụ trách Đội Trường THCS Định Hoà huyện Bình Đại với 22 năm làm công tác Đội, 2 lần Trung ương đoàn tặng bằng khen giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi khu vực đồng bằng sông Cửu Long và toàn quốc, được Chủ tịch nước trao tặng huân chương lao động hạng Ba; Trên lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bến Tre có những điển hình như Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Khắc thực hiện đề tài: Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của ngộ độc Paraquat đạt loại xuất sắc được ứng dụng hiệu quả trong điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, hay Bác sĩ Nguyễn Thị Nhiển - Chủ nhiệm đề tài những nguy cơ và biến chứng của bệnh tăng huyết áp được ứng dụng điều trị tại khoa nội A Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu; Trên lĩnh vực công tác Đảng, Mặt trận và các đoàn thể chính trị- xã hội và quản lý Nhà nước cũng nổi lên những tấm gương như chị Nguyễn Thị Phương Đào – Đại biểu Quốc Hội - UV BTV Tỉnh ủy - Chủ tịch UBMTTQ tỉnh, chị Trịnh Thị Thanh Bình- Đại biểu Quốc Hội- Tỉnh ủy viên - Chánh án Toà án nhân dân tỉnh…và còn nhiều, rất nhiều những tấm gương phụ nữ Bến Tre khác. Các chị thực sự là những bông hoa tươi thắm góp phần làm đẹp cho cuộc đời, có vai trò quan trọng trong kế thừa, phát huy và khẳng định truyền thống đạo đức của người phụ nữ Việt Nam nói chung, Bến Tre nói riêng, làm rạng rỡ thêm biểu tượng tự hào dáng đứng Bến Tre trong giai đoạn mới.

Tác giả: Thúy Phượng

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất