Phát hiện bệnh sớm, tác động kịp thời là yếu tố quan trọng giúp người nhiễm Ebola sống sót.
Lượng người tử vong vì Ebola liên tục tăng mạnh. Dù vậy, không ít trường hợp may mắn vượt qua được lưỡi hái tử thần.
Trong khi Thomas Eric Duncan – bệnh nhân nhiễm Ebola đầu tiên được phát hiện tại Mỹ nhanh chóng tử vong thì tình trạng
sức khỏe hai y tá nhiễm vi rút này trong quá trình chăm sóc Duncan lại có tiến triển khá khả quan. Cùng lúc đó, nữ y tá nhiễm Ebola người Tây Ban Nha được xác nhận hoàn toàn bình phục sau cơn bạo bệnh. Sự thực này thôi thúc các chuyên gia tìm ra câu trả lời thích đáng.
Cái chết của Duncan khiến 43 người từng tiếp xúc với anh được đưa vào vòng giám sát y tế chặt chẽ. May mắn, không có thêm bất kỳ trường hợp nào khác được phát hiện nhiễm bệnh. Về vấn đề này, Joseph McCormick đến từ Đại học Texá khẳng định “Ebola không lây lan khủng khiếp như những gì chúng ta tưởng tượng”.
Ebola lây lan do tiếp xúc với dịch cơ thể người nhiễm vi rút. Nó nhanh chóng lây lan thông qua vết rách ở da hoặc do bàn tay nhiễm khuẩn chạm vào mắt hoặc mũi. Một khi thâm nhập cơ thể, Ebola tấn công hệ miễn dịch nhằm “đánh lừa” chức năng hoạt động của hệ này. Nó cũng nhanh chóng sinh sôi, tấn công nhiều tế bào trước khi hệ miễn dịch nhận ra mối nguy sức khỏe và có “hành động tự vệ”.
Một khi lượng vi rút sản sinh đông đảo thì các triệu chứng như sốt, đau cơ, nhức đầu, đau cổ họng… xuất hiện. Lúc này, vi rút được đánh giá đã “đủ sức” để lây lan sang các đối tượng khác.
Hiện chưa rõ cách thức các chủng Ebola tấn công từng bệnh nhân thế nào. Tuy nhiên, McCormick khẳng định thời gian xuất hiện dấu hiệu bệnh phụ thuộc vào số lượng vi rút ban đầu bệnh nhân tiếp xúc.
Tổ chức
Y tế Thế giới cũng khẳng định, vi rút Ebola trú ngụ trong máu, dịch nôn mửa và phân nhiều hơn so với các chất dịch khác.
Hiện không có phương pháp điều trị Ebola đặc hiệu song các chuyên gia khẳng định việc chăm sóc bằng cách cung cấp dịch truyền tĩnh mạch, chất dinh dưỡng, duy trì huyết áp đóng vai trò không nhỏ trong việc giúp cơ thể tăng cường khả năng chiến đấu với vi rút.
Một khi bệnh nhân nôn mửa, tiêu chảy liên tục gây ra tình trạng mất nước nghiêm trọng, xuất hiện dấu hiệu xuất huyết trong thì khó có thể qua khỏi.
Vấn đề quyết định sự sống còn chính là việc phát hiện bệnh sớm. Từ đó, có biện pháp giữ ổn định huyết áp bằng cách bổ sung dịch cần thiết; giúp cơ thể không rơi vào tình trạng phù phổi. Tình trạng tử vong sẽ sớm diễn ra khi bệnh nhân bị sốc và suy tạng”, McCormick cho biết.
Về vấn đề điều trị bệnh nhân nhiễm Ebola, bác sĩ Bruce Ribner đến từ Bệnh viện Đại học Emory (Atlanta, Mỹ) cũng tiết lộ: “Chúng tôi dựa vào khả năng phòng vệ của cơ thể để kiểm soát vi rút. Hiện các bác sĩ chủ yếu nỗ lực giúp bệnh nhân duy trì sự sống để cơ thể sớm nhận ra mối nguy sức khỏe đang tấn công mình. Từ đó, tìm cách kiểm soát chúng”.