10:57 ICT Thứ bảy, 21/09/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 781

Máy chủ tìm kiếm : 13

Khách viếng thăm : 768


Hôm nayHôm nay : 92099

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2835083

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 58254124

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển

Quang cao giua trang
top

VỀ KHÁI NIỆM PHÁT TRIỂN

Tác giả: GS Bùi Đình Thanh - Thứ sáu - 20/03/2015 08:56
GS Bùi Đình Thanh

GS Bùi Đình Thanh

Giáo sư Bùi Đình Thanh là một trong những cây đại thụ của làng xã hội học Việt Nam, một nhà xã hội học có uy tín trong giới nghiên cứu xã hội học thế giới. Ông là một cuốn từ điển bách khoa về xã hội học. Tư duy khoa học của ông vừa rộng mở, vừa sâu sắc. Ông có thể diễn giải tất cả các vấn đề phức tạp của xã hội học một cách giản dị và dễ hiểu, điều mà chỉ những người có kiến thức thật uyên thâm mới làm được. Để minh chứng cho điều này, tòa soạn xin giới thiệu cùng độc giả một trong những bài viết của ông có liên quan đến tư duy phát triển.

Lucien Febvre, nhà nghiên cứu xã hội học Pháp nói: không bao giờ mất thì giờ vô ích để khảo cứu về lịch sử một tử, khi ông ta nghiên cứu từ văn minh. Tôi cũng muốn áp dụng quan điểm đó để nghiên cứu lịch sử của khái niệm phát triển.
Một số nhà nghiên cứu khoa học xã hội phương Tây, đặc biệt là Pháp, đã nêu rõ là khái niệm phát triển chỉ mới xuất hiện vào đầu thế kỷ XX; cụ thể là những năm sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Từ phát triển ba lần được sử dụng trong bản báo cáo gồm 14 điểm của tổng thống Mỹ Wilson. Trong các tài liệu của Hội Quốc liên năm 1919, khái niệm phát triển được sử dụng đi đôi với khái niệm không phát triển, chậm phát triển. Khái niệm phát triển lúc này gắn với khái niệm văn minh. Chính là với khái niệm đó mà chủ nghĩa thực dân phương tây đã tự cho mình có nhiệm vụ lịch sử đem ánh sáng văn minh đến khai hóa cho các dân tộc lạc hậu, dã man.
   Mãi sau này, đến những năm 30, khái niệm phát triển mới gắn với kinh tế, và lúc này người ta sử dụng nó gần như đồng nhất với phát triển kinh tế. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, khi đã thành lập Liên hợp quốc, các chuyên gia của tổ chức quốc tế này mới bắt đầu nêu ra lý thuyết về phát triển. Diễn văn của tổng thống Mỹ Truman năm 1949 nêu vấn đề trách nhiệm của Mỹ trong chương trình mang chủ đề phát triển các vùng chậm phát triển.
   Vào thời điểm này, ngay cả những nhà kinh tế học lỗi lạc như  Francois Perroux và Samir Amin vẫn chưa có sự phân biệt rõ rệt giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển.
   Một số nhà khoa học xã hội khác của phương Tây lại có ý kiến cho rằng khái niệm phát triển bắt nguồn từ thuyết tiến hóa của Darwin. Thời kỳ thế kỷ ánh sáng, nó gắn với khái niệm tiến bộ được Condorcet nêu lên.
   Sau đó, nó gắn với sự phát triển kinh tế lần đầu tiên xuất hiện với tác phẩm “Những giai đoạn của phát triển kinh tế” năm 1876 của Bruno  Holdebrand và gần 100 năm sau, vào những năm 60 của thế kỷ XX, chúng ta biết đến tác phẩm của Walt Rostow “những giai đoạn của tăng trưởng kinh tế. Một tuyên ngôn không cộng sản”.
   Điều mà nhiều nhà nghiên cứu khoa học xã hội macxít đã có nhiều công trình nghiên cứu sâu sắc là đi sâu phân tích những quan điểm của Mác và Ăngghen về sự phát triển của các phương thức sản xuất, các hình thái kinh tế - xã hội đã và đang diễn ra trong lịch sử xã hội loài người. Trong lời nói đầu của bộ Tư bản, Mác viết: “Nước phát triển nhất về mặt công nghiệp chỉ cho các nước theo mình trong bậc thang công nghiệp hình ảnh của chính họ trong tương lai”.
     Cho đến thập kỷ 70, xuất hiện sự lạm phát các khái niệm về phát triển: phát triển về liên đới, phát triển về nội sinh, phát triển về cộng đồng, phát triển về hội nhập, phát triển về sinh thái, phát triển xã hội chủ nghĩa.
  Phải đợi đến những năm 80 và đầu những năm 90 mới có những lý thuyết về phát triển kinh tế gắn với sự phát triển con người được xem như là nhân vật chủ thể, động lực chính trong sự phát triển kinh tế và xã hội. Ở đây cần nói đến lý thuyết về sự phát triển bền vững (sustainable development). Xuất phát từ sự phá hoại ghê gớm môi trường, đe dọa sự tồn tại của các thế hệ tương lai, Ủy ban thế giới về môi trường và phát triển (mang tên Ủy ban Brundtland) đưa ra trong báo cáo năm 1987 “Tương lai của chúng ta” nhấn mạnh trách nhiệm của tất cả mọi người trên thế giới “trong khi đáp ứng những nhu cầu của thế hệ hiện tại thì không được làm ảnh hưởng đến sự thỏa mãn những nhu cầu của các thế hệ tương lai”.
   Khái niệm “phát triển bền vững” sau đó lại được mở rộng thêm, không chỉ dừng lại ở nhân tố sinh thái mà còn đi vào các nhân tố xã hội, con người qua các bản tuyên bố quan trọng. Lời kêu gọi Alma Ata năm 1987 đưa ra chiến lược chăm sóc sức khỏe ban đầu cho con người. Tuyên bố ở Isilio (châu Phi) năm 1991.
  Tuyên bố Rio de Janeiro năm 1992: Ngay trong nguyên tắc 1đã nêu rõ: “Con người được đặt vào vị trí trung tâm những sự quan tâm của chúng ta đối với sự phát triển bền vững. Con người có quyền được hưởng một cuộc sống lành mạnh và sáng tạo, hài hòa với thiên nhiên”.
   Cuộc họp thượng đỉnh các nước trên thế giới ở Copenhaghen năm 1993 tập trung vào  hướng giải quyết ba vấn đề lớn của toàn cầu: việc làm, đói nghèo và hội nhập xã hội. Năm 1997, hội nghị quốc tế Tokyo bàn về khí hậu và ảnh hưởng của nó đối với sự phát triển con người.
    Nhìn lại một cách khái quát, về căn bản trong mấy thập kỷ qua, các lý thuyết về phát triển dù có khác nhau ở điểm này hay ở điểm khác, nhưng vẫn lấy châu Âu làm trung tâm (eurocentrisme) hoặc phương Tây làm trung tâm (occidentocentrisme). Chính theo quan điểm đó mà trong một thời gian dài người ta lấy thu nhập tính theo đầu người/năm để xét một nước nào đó thuộc loại phát triển hay kém phát triển. tiêu chuẩn cơ bản để xét trình độ phát triển như vậy rõ ràng là quá hạn hẹp, không phản ánh đầy đủ thực tiễn. Do đó, năm 1990, Liên hợp quốc đã đưa ra những tiêu chuẩn bổ sung để xếp hạng các nước trên thế giới về sự phát triển của con người trên cơ sở ba tiêu chuẩn cơ bản:
  1.Sử dụng các nguồn lực cần cho cuộc sống đáng kính trọng.Trong tiêu chuẩn này lấy thu nhập đầu người /năm là chính.
  2. Trình độ giáo dục – kiến thức.
  3. Tuổi thọ.
 Đó là tiến bộ nhưng chưa đủ. Những chỉ số nói trên vẫn được tiếp tục bổ sung về nội dung để ngày càng tiếp cận sát hơn với thực tiễn cuộc sống. Ví như chỉ số GDP được bổ sung bằng các chỉ số PPP (purchasing  power  parity) để cho thấy rõ khả năng mua trong thực tế của GDP. Hệ số Gini cũng đã được sử dụng (tỷ số giữa GNP đầu người và GDP thực trên đầu người – PPP) để thể hiện sự không đều về thu nhập, tuổi thọ của các tầng lớp xã hội khác nhau, của giới nam, nữ khác nhau.
  Gần đây, năm 1997, Liên hợp quốc đưa thêm chỉ số nghèo (Human  poverty  indicator)  vào chỉ số  phát triển con người HDI  (Human  Development  Indicator).
   Hiện nay, khái niệm về phát triển vẫn còn tiếp tục là vấn đề tranh luận giữa các nhà nghiên cứu khoa học và hoạch định chính sách trên thế giới.
   Chưa bao giờ trong giới nghiên cứu khoa học thế giới, vấn đề phát triển được nêu lên thành một trọng tâm hàng đầu như hiện nay. Hầu như không có lĩnh vực nghiên cứu nào không gắn với phát triển: tài nguyên con người và phát triển, môi trường và phát triển, phụ nữ, gia đình và phát triển, dân tộc và phát triển, tôn giáo và phát triển.
  Trong những năm gần đây, Diễn đàn của thế giới thứ ba tập hợp khoảng 1000 nhà nghiên cứu khoa học xã hội ở châu Á, châu Phi và Mỹ la tinh có trụ sở ở Dakar (Sénégal) cũng quan tâm nghiên cứu những vấn đề phát triển của thế giới thứ ba. Quan điểm của tổ chức này cho rằng cần nghiên cứu vấn đề của các nước thuộc thế giới thứ ba theo một phương pháp liên ngành bao gồm các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội. Phải xem xét thế giới thứ ba như một bộ phận cấu thành của thế giới, nhưng phải xem xét nghiên cứu thế giới (cụ thể hơn là trật tự thế giới mới) theo quan điểm của phương Nam.
   Có rất nhiều phương án nêu lên những nội dung của các chỉ báo xác định sự phát triển bền vững. Mỗi phương án đều có những nét hợp lý và nhược điểm. Tuy nhiên, không nên tuyệt đối hóa khái niệm phát triển bền vững. Khái niệm đó chỉ mang một ý nghĩa tương đối trong một thời đại mà khoa học-kỹ thuật, công nghệ thông tin phát triển như vũ bão làm thay đổi rất nhanh đời sống trên tất cả các lĩnh vực tư tưởng, chính trị, kinh tế văn hóa, xã hội.
   Tuy nhiên theo chúng tôi, cũng có thể khái quát thành mấy chỉ báo cơ bản nhất về sự phát triển xã hội:
  1.Những chỉ báo phát triển về kinh tế bao gồm sự không ngừng nâng cao GDP và thu nhập tính theo đầu người, phát triển các nguồn lực trong nước là chủ yếu, đồng thời tranh thủ nguồn vốn đầu tư nước ngoài, thực hành quốc sách tiết kiệm, nâng cao mức sống và chất lượng sống, giảm sự cách biệt quá đáng về thu nhập và đời sống kinh tế giữa người giàu và người nghèo, giữa các miền khác nhau của đất nước.
  2. Những chỉ báo phát triển về xã hội bao gồm các vấn đề giáo dục, bảo vệ sức khỏe, việc làm nhà ở, nước sạch cho tất cả mọi người, phương tiện giao thông, bảo đảm xã hội, đấu tranh và khắc phục các tệ nạn xã hội.
   Trong những chỉ báo này, cần tập trung mọi nỗ lực và khả năng (chỉ đạo, kế hoạch, tài chính) vào các vấn đề việc làm, dân số và kế hoạch hóa gia đình, giải quyết nạn mù chữ, mọi trẻ em đến tuổi đi học đều được đến trường, nâng cao chất lượng dạy và học, tăng cường khả năng đào tạo và đào tạo lại cho mọi người lao động, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng và tỷ lệ trẻ em tử vong, tăng tỷ lệ tuổi thọ và khả năng bảo đảm các điều kiện tốt và thuận lợi trong việc phòng và chữa bệnh cho mọi công dân trong xã hội, chú trọng người già, phụ nữ và gia đình, đồng bào các dân tộc thiểu số, những người có công với cách mạng, bị nhiều thiệt thòi, thiếu những điều kiện để có thể hội nhập xã hội.
  3.Những chỉ báo môi trường về phát triển bao gồm các vấn đề bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ rừng và trồng rừng, bảo vệ nguồn nước, không khí, có kế hoạch chống ô nhiễm môi trường đi đôi với việc sử dụng hợp lý các tài nguyên thiên nhiên vì lợi ích lâu dài của các thế hệ mai sau.
  4.Những chỉ báo chính trị, tinh thần và trí tuệ về phát triển bao gồm các vấn đề không ngừng hoàn thiện các thể chế, chính trị, pháp luật, mở rộng dân chủ đối với nhân dân, củng cố và tăng cường hiệu lực của bộ máy Nhà nước và sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường vai trò và tác dụng của thông tin trong đời sống xã hội hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển hài hòa cá nhân và cộng đồng.
  5.Những chỉ báo phát triển về văn hóa. Nhân tố văn hóa trong phát triển xã hội ngày càng được thế giới quan tâm. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng con người của thế kỷ XXI là con người văn hóa. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Cần chú trọng các mặt giáo dục về nhận thức, tư tưởng đối với chủ nghĩa xã hội, đạo đức và lối sống, xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn đổi mới của cách mạng với những đặc tính yêu nước, ý chí vươn lên, có ý thức tập thể và đoàn kết, lao động, sáng tạo…
   6.Những chỉ báo về vai trò của phụ nữ trong đời sống xã hội phát triển. Những chỉ báo đó phải được kết hợp đưa vào các chính sách, chương trình, dự án xã hội nhằm phát huy năng lực sáng tạo của phụ nữ trên cơ sở quan điểm bình đẳng, không chỉ trên nguyên tắc mà nhất là trên thực tế đối với nam giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội (viêc làm, tiền lương, điều kiện lao động, bảo đảm sức khỏe, quản lý kinh tế, quản lý xã hội, tham gia hoạt động chính trị, vị thế xã hội trong bộ máy Nhà nước ở tất cả các cấp).
  7.Những chỉ báo quốc tế về phát triển bao gồm sự tiếp cận những khái niệm và quan điểm hiện đại về tiến bộ và phát triển, những quyết định của nước ta, của khu vực và thế giới về các vấn đề đời sống xã hội và môi trường, tích cực tham gia các phong trào đấu tranh bảo vệ hòa bình, hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, thông tin ngăn chặn và chấm dứt các hoạt động khủng bố bạo lực, xung đột vũ trang giữa các sắc tộc, các quốc gia, các tôn giáo, tôn trọng các quyền cơ bản của các dân tộc và của con người, đóng góp thành tựu của nước ta vào quá trình phát triển chung của nhân loại.
   Kết thúc bài viết này, chúng tôi khái quát lại bằng việc đưa ra một khái niệm về phát triển:
  Phát triển là một quá trình tiến hóa của mọi xã hội, mọi cộng đồng dân tộc trong đó các chủ thể lãnh đạo và quản lý, bằng các chiến lược và chính sách thích hợp với những đặc điểm về lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của xã hội và cộng đồng dân tộc mình, tạo ra, huy động và quản lý các nguồn lực tự nhiên và con người nhằm đạt được những thành quả bền vững và được phân phối công bằng cho các thành viên trong xã hội vì mục đích không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của họ.
 
 
"Chúng ta đang nói rất nhiều đến phát triển kinh tế, đến sự tăng trưởng GDP mỗi năm là bao nhiêu. Nhưng cái cuối cùng của sự tăng trưởng đó đạt tới là gì? Đó chính là văn hóa. Tất nhiên, phát triển kinh tế thị trường thì sẽ có những mặt trái nhưng ta phải làm sao để hạn chế mặt trái đi, tăng mặt tích cực lên. Đằng này, đọc báo thấy con giết cha, anh giết em, chồng giết vợ... nhiều quá. Cái đó là biểu hiện của sự suy đồi về văn hóa. Kinh tế phát triển nhưng văn hóa như thế thì có vui được không?". GS Bùi Đình Thanh
 

Tác giả: GS Bùi Đình Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất