18:27 ICT Thứ sáu, 08/11/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 1053

Máy chủ tìm kiếm : 10

Khách viếng thăm : 1043


Hôm nayHôm nay : 183957

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1351722

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 66673604

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển

Quang cao giua trang
top

CÂY XANH LÀ HỒN NGƯỜI- CÂY XANH LÀ VĂN HÓA

Tác giả: GS Đặng Cảnh Khanh - Thứ năm - 02/04/2015 13:05
Hà Nội xưa tràn ngập cây xanh

Hà Nội xưa tràn ngập cây xanh

“Cần phải ứng xử một cách văn hóa với môi trường. Mọi sinh linh không phải đơn thuần chỉ là cỏ, là cây, là con ong cái kiến . Hãy nhìn nhận và chăm sóc chúng một cách nhân văn, nhân đạo bởi vì trong môi trường cộng sinh chung của muôn loài, chúng ta chính là những con người”.
 

Cho đến giờ sự việc chặt cây, thay cây ở Hà Nội đã lắng dịu xuống, các cơ quan có trách nhiệm rồi sẽ làm sáng tỏ tất cả, chúng ta tin điều đó. Dẫu biết vậy mà nỗi đau về sự mất mát vẫn không làm chúng ta nguôi ngoai được.
Trong những ngày buồn bã ấy, tôi đã gặp những cụ già đi lặng lẽ bên lối cũ có hàng cây ngày nào, dọc theo hồ Thủ Lệ. Có cụ đã khóc, nghẹn ngào, uất ức. Bên gốc cây cũ xưa, có người đã cắm nén hương. Chiều lạnh, khói hương bay lặng lẽ trong khoảng heo hút kỳ lạ của sự trống vắng cây lá…
          Người xưa bảo, cây cỏ cũng như con người đều có linh hồn, đều biết vui buồn cùng với những xoay vần mưa nắng của thế cuộc. Cây với người gắn bó cùng nhau. Nó gắn bó tới mức người ta dùng cây để biểu tỏ tấm lòng và nhân cách của con người, dùng tấm lòng nhân hậu của con người để ứng xử với cây. Đấy là hồn cốt của văn hóa Việt.
Cụ Cao Bá Quát xưa bảo rằng “nhất sinh đê thủ bái mai hoa”, tức là trong cuộc đời thì người ta chỉ chịu cúi đầu trước sự thanh cao của bông hoa mai thôi. Nhìn thói đời đen bạc, cụ Nguyễn Công Trứ cũng bảo :
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Trong một tấm văn bia tiến sỹ, khắc tại Văn Miếu năm 1715, cha ông chúng ta đã dạy :“ Cây ở đỉnh núi kia tươi tốt vì ở đó có ngọc, nước dòng sông kia êm đềm vì ở dưới có châu, vận hội nước nhà được thịnh vượng, cơ đồ được vững vàng vì có những người hiền tài đông đúc như cây trong rừng…”. Trồng và chăm sóc cây xanh được ví như việc nuôi dưỡng nhân tài cho đất nước vậy.
Cây xanh đối với người Hà Nội xưa còn là tâm linh, là hồn phách của mảnh đất này. Hãy đọc lại “Vũ trung tùy bút” của Phạm đình Hổ, trang nào viết về Thăng Long cũng phảng phất không khí cây xanh, hồ nước xoay quanh chùa chiền, đình miếu và bóng dáng thanh thoát của con người. Cây xanh sống cùng con người, có những cây sống xuyên suốt nhiều thế hệ, chứng giám cho nhiều cuộc đổi thay, không chỉ che bóng mát mà còn phù trợ cho tâm linh con người
          Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, lúc sinh thời khi nói về đời sống tâm linh của Hà Nội với “cây xanh mượt mà và ngọt ngào hương”, đã khẳng định :“ Bên cạnh sự hòa đồng với với tự nhiên và cộng đồng xã hội, người Hà Nội còn luôn tìm cách hòa đồng với một thế giới tâm linh, vì cùng với không gian đô thị vật chất, vẫn còn tồn tại một không gian đô thị mang màu sắc huyền thoại, ẩn chìm và thiêng liêng, ở đó có thể giao hòa cùng quá khứ, chứa chất sức mạnh tiềm ẩn”[1]
Từ bao đời nay, đối với người Thăng Long Hà Nội, cây cỏ hoa lá, bao giờ cũng được chăm sóc cẩn thận từ trong nhà ra ngoài phố. Dù nhà ở mặt phố, chật chội nhưng nhà nào cũng phải có hoa, cây cảnh, chăm tỉa cẩn thận, đặt trên ban công, dưới chân cầu thang hoặc góc bể nước. Cây ngoài đường thì cả cộng đồng chăm nom. Cây bệnh thì cả cộng đồng lo chăm bón, chạy chữa đến cùng. Để cây chết, nhất là những cây cổ thụ, người ta cho rằng có thể sẽ mang họa lớn.
Chặt bỏ cây là điều tối kỵ, thậm chí người ta còn cho rằng người nào chặt cây sẽ bị quả báo, không bị đời này thì cũng bị ở đời khác. Đúng sai thế nào chưa rõ, nhưng đó là văn hóa, là sự trân trọng với cây xanh. Người ta cho rằng cây cỏ sinh linh cũng biết gắn mình với những lo toan của cuộc sống con người. Sách xưa còn ghi lại những câu chuyện rằng  khi chủ nhân chuyển nhà hoặc qua đời, cây xanh cũng tự nhiên héo khô và gục đổ. Người ta trân trọng cây tới mức, một cây cổ thụ trong làng chẳng may chết bệnh, cả cộng đồng xúm vào hương khói, cúng bái giống như phải đưa tiễn một người thân thiết vậy.
Tại sao lại như vậy. Tổ tiên nhắc nhở rằng cần phải ứng xử một cách văn hóa với môi trường. Mọi sinh linh không phải đơn thuần chỉ là cỏ, là cây, là con ong cái kiến. Hãy nhìn nhận và chăm sóc chúng một cách nhân văn, nhân đạo bởi vì trong môi trường cộng sinh chung của muôn loài, chúng ta chính là những con người.
Cây xanh cũng chính là một trong những nét đặc trưng cho sự thanh lịch đặc thù của văn hóa người Hà Nội.  Chúng ta không trách những người chặt cây bởi có thể họ chưa đặt mình vào văn hóa, tâm hồn và cả tâm linh của người Hà Nội hoặc chưa tiếp thu được cái cốt cách thanh lịch của người Hà Nội. Họ cần có nhiều thời gian.
Tuy nhiên bài học của sự việc chặt cây ở Hà Nội nói với chúng ta về nhiều điều trong đó có việc “giữ gìn bản sắc văn hóa”. Gần đây chúng ta mắc một căn bệnh là nói nhiều, nói hay, nói bài bản nhưng lại ít khi tĩnh tâm, suy nghĩ, cảm nhận được thật sâu xa về chính điều mà mình nói. Điều đó khiến cho nhiều lời hay ý đẹp bỗng trở nên rỗng sáo. Chúng ta cũng đã nói hay về bản sắc văn hóa nhưng lại không cảm nhận được nó, không biến nó thành hành vi thường ngày.
Biết sao được, thôi thì đành rút kinh nghiệm vậy. Dẫu vậy thì những đứa trẻ đang chạy giữa nền hè xi măng khô nóng của đường Nguyễn Trãi hôm nay sẽ phải chờ, chờ bảy tám chục năm nữa, chờ đến khi đã thành những ông lão, bà lão móm mém, khi đó chúng sẽ có được một hàng cây xanh mát và đầy tiếng chim ca như ngày nào. Đó là hệ quả của một sự thiếu hụt văn hóa khiến chúng ta sẽ còn phải day dứt nhiều năm nữa


[1] Nguyễn Vinh Phúc. Hà Nội thành phố nghìn năm. NXB Hà Nội 2002. Trang 59.

Tác giả: GS Đặng Cảnh Khanh

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất