09:46 ICT Thứ ba, 19/03/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 450


Hôm nayHôm nay : 51416

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1915862

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 33252283

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển » Thời đàm

Quang cao giua trang
top

XUNG QUANH CHỦ ĐỀ MẠI DÂM

Tác giả: Vũ Thủy - Thứ sáu - 05/06/2015 13:52
Gs. Lê Thị Quý

Gs. Lê Thị Quý

Trích dẫn câu nói của V.I Lê Nin về nạn mại dâm : Tình dục là nhu cầu nước uống của con người nhưng người lành mạnh không bao giờ uống nước cống… GS,TS Lê Thị Quý- người đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về tệ nạn mại dâm từ những năm 1989 – 1990- nói về quan điểm của bà và nhiều người khác về việc một số người trong đó có các cả nhà quản lý Nhà nước đang đề nghị công khai nạn mại dâm hiện nay ở Việt Nam. Sau đây là nội dung cuộc trò chuyện giữa nhà báo Vũ Thủy với GS,TS Lê Thị Quý :

Công khai và hợp pháp mại dâm là “kéo cờ trắng” với tệ nạn này

- Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về việc một số nhà quản lý đang đề nghị công khai hợp pháp nạn mại dâm ?

- Trong một cuộc chiến đấu, giải pháp đơn giản nhất là chấp nhận thua và kéo cờ trắng. Chấp nhận sự tồn tại của nạn mại dâm, công khai nó là cách thức đơn giản nhất đối với nhà quản lý. Có điều là trên thực tế, nhiều nước đã “kéo cờ trắng” rồi nhưng mại dâm vẫn không buông tha, nhất là các nước nghèo. Sau khi chiếm được các khu “đèn đỏ” làm thành trì vững chắc, mại dâm bắt đầu tấn công vào các khu vực khác, vào cả xã hội, vào từng gia đình. Xét cho cùng thì quan điểm của các vị lãnh đạo chính quyền ủng hộ công khai nạn mại dâm là không mới .Tôi lấy làm tiếc rằng, các vị đã không dựa trên những chứng cứ khoa học và thực tế mà chỉ phát biểu theo cảm tính và có phần vô trách nhiệm. Năm 2000, khi tham gia chủ trì một hội thảo khoa học, sau đó chủ biên cuốn sách “ Mại dâm , quan điểm và giải pháp” do Cục phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Bộ Lao động ,Thương binh và Xã hội tổ chức và xuất bản, tôi thấy vấn đề này đã được tranh luận rồi. Cho đến nay, mại dâm vẫn tiếp tục là một tệ nạn nhức nhối của xã hội, trước hết, chúng ta phải xem xét lại trách nhiệm và năng lực của chúng ta với tư cách là các nhà quản lý, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn và cả với tư cách người dân nữa.

-Trong Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban chỉ đạo phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm TP Đà Nẵng mới đây, một cán bộ lãnh đạo UBND TP đã có phát biểu được cho là “gây sốc”: “Với thành phố du lịch mình, tôi cho rằng không thể không có mại dâm”. Một lần nữa, chuyện có công khai mại dâm hay không lại được xới lên. Chúng tôi muốn nghe quan điểm của bà, dưới góc độ là một chuyên gia nghiên cứu về giới, mại dâm?

- Trong xã hội thường tồn tại các mặt tốt lẫn mặt xấu, tốt để chúng ta làm theo và xấu để chúng ta trừ bỏ. Không phải ngẫu nhiên mà gần như cả loài người đã và đang chống lại tệ nạn này và chỉ có một vài nước trên thế giới là hợp pháp hóa vì nhiều lý do trong đó lý do chính là họ không chống được mại dâm. Tôi muốn lưu ý rằng, ngay cả ở những nước “cởi mở” nhất đối với mại dâm, thì đây cũng vẫn được xem là một sự sai lệch chuẩn mực xã hội, là tệ nạn xã hội, làm băng hoại xã hội. Tuy nhiên, chống mại dâm là một việc khó, nhưng không phải cứ vấp vào việc khó là chúng ta lại buông trôi hoặc “kéo cờ trắng”. Ngay từ thế kỷ 19, nhà xã hội học Pháp Emile Durkheim (1858-1917), một trong những người sáng lập ra ngành Xã hội học đã viết rằng: Mại dâm cùng với nạn tự tử là dấu hiệu một xã hội loạn kỷ cương. Phải coi mại dâm là vết nhơ vì đến tận thế kỷ 21 rồi mà con người “ăn nằm” với nhau không phải do nhu cầu về tình cảm mà lại là do nhu cầu về tiền bạc. Nói tới đây tôi lại nhớ tới nhà xã hội học Mỹ, giáo sư Znanniecki đầu thế kỷ trước đã nói rằng “mãi dâm là hình ảnh khôi hài của thần ái tình”...

 - Nhưng có người bảo đây là nhu cầu kinh tế của nhiều người ?

-  Gần đây tôi thấy một số nhà báo dùng khái niệm “vốn tự có”, “vốn trời cho” để chỉ những chị em kiếm sống bằng chính thân xác mình. Tôi thật sự rùng mình với cái khái niệm không hề nhân văn này. Khó mà có thể đo được cái giá phải trả cũng như những gì thu nhận được từ hoạt động mại dâm.Tôi có thể đưa ra đây một vài sự phân tích trên các phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình. Về mặt kinh tế, nhiều người muốn thu thuế từ mại dâm và để phát triển du lịch. Điều này có một số nước đã làm trong đó có Thái Lan. Có một thời kỳ Thái Lan rất phát triển công nghệ tình dục. Tuy nhiên, theo một báo cáo của Thái Lan thì có năm họ thu được rất nhiều tiền từ hoạt động có liên quan tới mại dâm nhưng lại phải chi gấp bội số tiền đó cho công tác phòng chống HIV/AIDS cho gái mại dâm. Họ thua lỗ đấy chứ. Đấy là chưa kể họ bị một số người ác ý gọi họ là “ Nhà thổ của thế giới”. Ở Việt Nam, có người lại khẳng định rằng, nếu công khai mại dâm, chúng ta còn có thể thu được cả thuế từ hoạt động này. Thật là hài hước, không biết các vị nêu ý kiến trên có cảm giác như thế nào, chứ bản thân tôi và chắc chắn sẽ có nhiều người khác nữa thì sẽ chẳng lấy gì làm vinh hạnh khi biết thu nhập của mình là được phân chia do những khoản thu từ các cô gái đang bán mình. Tôi xin được hỏi thêm các vị này rằng : Chúng ta dùng tiền thuế từ mại dâm để làm gì? Để cứu trợ người nghèo hay để xây trường học, xây bệnh viện hay các công trình phúc lợi khác? Hay để trả lương cho những người hô hào công khai mại dâm? Ai sẽ nhận những đồng tiền đó ? Tôi không tin, những người có lòng tự trọng, có nhân phẩm nào lại đi nhận khoản tiền này

Mặt khác, nếu coi mại dâm là một nghề thì lại phải có đào tạo, nâng bậc hay biểu dương, tôn vinh nghề nghiệp, Ai làm việc này? Ngay ở Hà Lan là nước đã hợp pháp hóa mại dâm và ở tất cả các nước trên thế giới, việc khinh miệt mại dâm vẫn là phổ biến. Người ta đánh đập, nhục mạ, hành hạ thậm chí giết hại những người làm mại dâm. Việc này khiến người làm mại dâm không còn tự tin và chắc chắn không thể tự hào về cái được gọi là “nghề nghiệp” của mình.

Về văn hóa, xã hội, nếu chúng ta công khai mại dâm tức là đem một sai lệch chuẩn mực xã hội thành chuẩn mực để mọi người có thể tuân theo và thậm chí học tập theo. Đó là hỏng từ gốc về mặt văn hóa, làm lẫn lộn giữa cái tốt và cái xấu. Hơn nữa Việt Nam là một nước có nhiều truyền thống quý giá, nay đang hướng tới mục tiêu giải phóng con người lại càng không thể làm như thế. Phụ nữ Việt Nam là những người anh hùng trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Không ai được phép mang họ đi bán để kiếm lời trong các dịch vụ du lịch. Chúng ta sẽ trả lời như thế nào với những người mẹ, người chị đã đấu tranh kiên cường, đã đổ máu và ngã xuống cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ trước đây. Thật sai lầm khi cho rằng mại dâm là điều kiện cần thiết để hấp dẫn khách du lịch. Khách du lịch đến nước ta là vì đất nước, văn hóa, con người, chứ nhất quyết không chỉ đến để thỏa mãn tình dục.  Vả lại, nếu có vị khách du lịch bệnh hoạn nào, tìm đến Việt Nam chỉ để tìm thú vui tình dục thì chúng ta cũng chẳng vinh hạnh gì mà đốn tiếp họ

Về mặt gia đình thì mại dâm làm tan nát nhiều gia đình. Sự nghi ngờ lẫn nhau giữa vợ và chồng sẽ là liều thuốc độc làm sói mòn và giết chết hạnh phúc gia đình. Do đó từ tất cả các góc độ, chúng ta không thể công khai mại dâm được.

Đừng mơ quản lý được mại dâm ở Việt Nam nếu công khai nó.

Có không ít người vẫn hy vọng sẽ quản lý được mại dâm nếu công khai nó?

- Những người này thật ảo tưởng. Không thể phủ nhận một thực tế là tất cả những nước công khai mại dâm đều là những nước có tỷ lệ người hành nghề mại dâm cao nhất. Nếu công khai mại dâm, chúng ta sẽ chấp nhận con số bao nhiêu? Ai sẽ “được quyền” tham gia vào cái hoạt động kiếm tiền này. Ở các nước giàu, kinh tế và văn hóa phát triển cao, người ta được lựa chọn nghề nghiệp của mình thì sẽ có rất ít người làm việc này. Nhưng ở các nước nghèo thì sao? Thực tế cho thấy, mại dâm gắn nhiều với hiện tượng người nghèo, không có khả năng kiếm được việc làm. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi Nhà nước hợp pháp hóa mại dâm? Những người ít học, thất nghiệp sẽ cho rằng mại dâm là việc nên làm vì Nhà nước đã công nhận và họ có quyền chính đáng để tham gia. Ai sẽ cản trở họ khi con số là quá với quy định của nhà quản lý? Các tiêu chuẩn ưu tiên nào cho những loại người nào được làm ? Tôi xin khẳng định rằng, sẽ giống như các nước đã công khai nạn mại dâm, nếu chúng ta cũng thực hiện điều này, tỷ lệ những người tham gia hoạt động mại dâm sẽ tăng lên rất nhiều so với hiện nay. Một khu “đèn đỏ” hay một trăm khu là đủ? Nếu không quản lý được thì làm thế nào? Ai sẽ phân biệt mại dâm hợp pháp và không hợp pháp? Hợp pháp chắc là những người đóng thuế còn ngược lại là không hợp pháp? Không biết các vị hô hào công khai mại dâm đã nghĩ đến điều này chưa?

- Vậy thì phải quản lý thế nào đây, thưa bà?

- Các nhà nghiên cứu đã nói nhiều rồi, nhưng hình như các nhà quản lý rất bận nên chưa có điều kiện nghe. Giải quyết mại dâm không thể trong một thời gian ngắn. Nhiệm vụ của chúng ta là phải hạn chế nó nhưng không phải theo cách “treo cờ trắng” đầu hàng. Phải giải quyết tận gốc, đó là phát triển kinh tế lành mạnh và bền vững để giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là nữ thanh niên, không để họ phải ở trong những bước đường cùng buộc phải làm mại dâm. Cần có các chính sách và họat động cứu trợ xã hội kịp thời với các trường hợp người nghèo, người gặp rủi ro, thiên tai và các tai nạn khác. Cần giáo dục cho thanh niên và xã hội về những giá trị cao đẹp của cuộc sống, giá trị của con người có đầy đủ nhân phẩm. Con người hoạt động tình dục theo cách có văn hóa, chứ không phải chỉ để thỏa mãn tính dục như động vật, có nghĩa là con người có đầu óc, tình cảm, hoạt động tình dục trong yêu thương, tôn trọng người khác chứ không phải chỉ dùng vài đồng tiền là có thể mua được tất cả. Cần kiểm soát chặt chẽ khách làng chơi, đặc biệt là một bộ phận quan chức, cán bộ tha hóa ( kể cả nam và nữ), lừa dối vợ/ chồng, con, ăn chơi trên đồng tiền của Nhà nước và nhân dân, làm băng hoại xã hội. Cần có biện pháp trừng phạt nghiêm khắc với nhóm này.

- Trước đây không lâu, một cán bộ của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) sau khi đi khảo sát đã cho biết không phát hiện có mại dâm ở Đồ Sơn (Hải Phòng) và Quất Lâm (Nam Định) thì phát ngôn của ông Phó Chủ tịch Đà Nẵng cũng là một tín hiệu đáng mừng khi ông dám nhìn thẳng sự thật?

- Nếu bảo những nơi này không có mại dâm thì đúng là mắt của vị cán bộ kia có vấn đề ! Người ta có thừa nhận hay không thì dân cũng biết hết. Có điều, nếu chỉ vì “bệnh” thành tích mà họ không dám nói ra sự thật thì dân làm sao còn tin vào khả năng quản lý của họ nữa.

-Theo bà, liệu có xóa hoàn toàn nạn mại dâm trong đời sống?

- Tôi đã nói ở trên rồi. Còn xa lắm, tạm thời cứ “sống chung với lũ” và phải tìm cách giảm nhẹ nó đi theo các giải pháp trên, nhưng nhất định không thể hợp pháp hóa mại dâm!

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Tác giả: Vũ Thủy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất