22:46 ICT Chủ nhật, 15/09/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 496

Máy chủ tìm kiếm : 35

Khách viếng thăm : 461


Hôm nayHôm nay : 135184

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2129063

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 57548104

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển » Thời đàm

Quang cao giua trang
top

BÀN VỀ BẢN SẮC

Tác giả: GS-TS Đặng Cảnh Khanh - Thứ năm - 13/11/2014 09:04
*Ảnh minh hoạ (nguồn internet)

*Ảnh minh hoạ (nguồn internet)

Không biết có phải là một nghịch lý không, khi mà ở cực phía bên này, có rất nhiều nhà nghiên cứu phát triển đang đòi hỏi một sự về nguồn và bảo lưu những giá trị truyền thống, thì ở phía bên kia, với một số lượng cũng đông đảo không kém, người ta lại khẩn thiết yêu cầu mở cửa và toàn cầu hóa.

Chúng ta còn nhớ, vào năm 1991, tại một hội nghị khoa học ở Hồng Kông, trong khi các nhà phương Đông học đang mải mê bàn định về việc tiếp thu và kế thừa những di sản của văn hóa Khổng giáo trong xã hội hiện đại, thì ở thành phố Strasbourg nước Pháp, rất nhiều nhà khoa học cũng nổi tiếng khác đang tranh luận với nhau xung quanh chủ đề:  "Văn hóa toàn cầu - một đối thoại giữa các nền văn minh". Hai hội nghị khoa học có tầm cỡ và tiếng vang lớn này đã đưa ra những xu hướng nghiên cứu có vẻ trái ngược nhau nhưng về thực chất lại có chung một mục đích cao nhất - đó là sự định hướng phát triển cho một nhân loại mới. Các nhà khoa học từ những hướng tư duy khác nhau đã đi đến những kết luận không hề mâu thuẫn nhau. Đó là tìm phương thức hợp lý để kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, phát triển sự đa dạng và phong phú của văn hóa các dân tộc, địa phương và khu vực, đồng thời với sự tiếp thu những tinh hoa chung của toàn thể nhân loại. Trên phương diện này, tính dân tộc và tính toàn cầu về thực chất đã không những không đối lập nhau mà còn tìm thấy tiếng nói chung trong các chiến lược phát triển.
 
Ngày nay, tính toàn cầu không còn là một khái niệm trừu tượng nữa mà đã cụ thể hóa và trở thành những giải pháp thực tiễn có tính chiến lược đối với sự phát triển của các quốc gia. Nhiều nhà khoa học cũng đã khẳng định, về một "kỷ nguyên toàn cầu hóa", "một nền kinh tế toàn cầu", "văn hóa toàn cầu" đang đứng trước nhân loại. Người ta hiện giờ không chỉ tự hỏi về vị trí của mình trong gia đình, xã hội, thành phố, khu vực, quốc gia, mà còn cả về vai trò của họ trong cuộc sống toàn cầu, lắng nghe và quan tâm tới tương lai của toàn bộ hành tinh. Tính toàn cầu không chỉ biểu hiện ở sự hoạt động năng nổ của các tập đoàn kinh tế siêu quốc gia mà còn ở sự hòa đồng trong các hoạt động phi kinh tế, thông tin, giao tiếp, ở sự lai phối lớn về văn hóa nghệ thuật, ở mối quan tâm chung giữa sự sống còn của nhân loại trước những thách thức về môi trường, dân số, bạo lực và sự nghèo đói.
 
Thực tế đã chỉ cho các dân tộc thấy rõ rằng trong những điều kiện của xã hội hiện đại, thật khó mà phát triển được nếu bị rơi vào những hoàn cảnh biệt lập, bị tách rời khỏi dòng chảy chung của toàn thể nhân loại. Nhân loại ngày nay, dù muốn dù không, vẫn phải gắn bó với nhau, chia sẻ với nhau những sáng tạo văn hóa, tiếp thu ở nhau những thành quả tiến bộ nhất của tư duy và những hoạt động thực tiễn. Ngày nay, cấm vận và ngăn cản sự tiếp xúc với thế giới là một hình phạt không chỉ để các nước lớn bày tỏ quyền uy của mình mà trên thực tế nó để lại những hậu quả tai hại trực tiếp tới sự phát triển của một quốc gia.
 
Nhà nhân chủng học nổi tiếng  người Canađa, giáo sư Mauro Peressini trong khi khẳng định rằng sẽ là sai lầm nếu chỉ chú ý một chiều vào việc quay về truyền thống  mà không biết tiếp thu những tiến bộ của thế giới xung quanh đã cho rằng: "nhu cầu về bản sắc là con dao hai lưỡi. Nó là một nhân tố tích cực song cũng có thể dẫn tới một thái độ hết sức nguy hiểm là co mình lại"[1]. Theo ông, về mặt tích cực, sự khẳng định bản sắc và truyền thống văn hóa, sự tìm kiếm cội nguồn sẽ là động lực cho việc đoàn kết cộng đồng, củng cố sự ổn định và phát triển kinh tế, xã hội, giành lại phẩm giá cho quốc gia, dân tộc.
 
Tuy nhiên, chính sự khẳng định lại bản sắc cũng là nền tảng cho một chủ nghĩa biệt lập cực đoan, làm cho các dân tộc "trở nên cứng rắn hơn, ranh giới ngăn cách họ bị bịt kín hơn, việc gặp gỡ, đối thoại lẫn nhau giữa họ khó khăn hơn". Trong hoàn cảnh này, sự tìm về với bản sắc văn hóa lại biến thành sự cô lập, dẫn tới nguy cơ "loại trừ những người khác với mình, tới những ý định thanh lọc sắc tộc, bài ngoại, chủ nghĩa chủng tộc và bạo lực" [2].
 
Khoa nhân chủng học, dân tộc học cũng như các khoa học xã hội đã dạy chúng ta rằng không có nền văn minh nào được coi là cao hơn  nền văn minh nào, không có di sản sáng tạo văn hóa của dân tộc nào là đáng trân trọng hơn dân tộc nào. Một trong những đặc trưng cơ bản của các nền văn hóa  là ở tính biến động không ngừng của nó. Sự thật lịch sử đã chứng minh rằng  không thể có một nền văn hóa tĩnh tại. Dường như tất cả mọi xã hội đều chịu sự tác động bằng cách này hay cách khác  của sự vận động lịch sử, các cuộc di dân, những thay đổi của các triều đại hay hệ thống chính trị, những sự gặp gỡ và pha trộn lẫn nhau về tư tưởng, kiến thức và kinh nghiệm, văn hóa và tín ngưỡng.


 Thổ dân mới được tim thấy ở Nam Mỹ
 
Trong quá trình biến đổi và phát triển không ngừng của mình, việc hấp thụ văn hóa có thể  được coi như là một nhu cầu, một phương thức tồn tại của chính văn hóa. Bởi vậy, một nền văn minh lớn không thể chỉ là kết quả của sự vận động nội sinh mà còn là một sâu chuỗi liên tục những sự hấp thụ có chọn lọc ánh sáng và trí lực từ bên ngoài. Mở cửa để hấp thụ và chọn lọc văn hóa với bên ngoài là một phương thức để tiến tới phát triển.
 
Thực tế lịch sử cũng đã chứng minh rằng  việc hấp thụ văn hóa, mở cửa với bên ngoài không phải bao giờ cũng là một quá trình diễn ra suôn sẻ.
 
Nhà xã hội học người Ma Rốc, giáo sư Abdallah Laraoui vào cuối những năm 1960 đã cho xuất bản tại Pháp một cuốn sách khá nổi tiếng có nhan đề là: "Hệ tư tưởng A rập hiện nay" đã cho rằng: "Trong ba phần tư thế kỷ, người A rập chỉ đặt ra cho mình một câu hỏi duy nhất : ta là ai và kẻ khác là ai" và để hướng tới một tương lai tươi sáng thì "ta phải là ta hay ta phải trở thành người khác"[3]. Ông cho rằng, trong thế giới ã rập, nếu có không ít người đã tìm đến với sức thu hút và sự mê hoặc của phương Tây từ những giá trị nhân đạo, bình đẳng và bác ái được khởi nguồn từ tinh thần cách mạng Pháp, thì cũng có không ít người đã đáp lại bằng cách bài bác quyết liệt thậm chí còn đi xa tới mức gán ghép văn minh phương Tây với quỷ dữ, giải thích mọi sự xấu xa của xã hội từ nguyên nhân về sự du nhập, truyền bá tư tưởng, văn hóa và lối sống phương Tây.
 
Lối ăn mặc thật đa dạng của trai Sài Gòn thời mở cửa, đầu thế kỷ trước
 
Ngày nay, quan điểm phải bài trừ tận gốc những gì liên quan đến phương Tây và kể cả người ngoại quốc là phương Tây đã trở thành nếp nghĩ của không ít những người Hồi giáo A rập. Trước một thực tế khách quan như vậy, theo A. Laraoui cho rằng: "Người trí thức xuất thân từ những dân tộc ấy  phải không ngừng hiệu chỉnh thế giới quan của mình để một mặt khỏi bị đồng bào mình bỏ rơi, một mặt khác cũng không cảm thấy bị xa rời  một châu Âu hiện đại và biến động"[4].
 
Sự đồng cảm và hấp thụ văn hóa cũng dẫn tới hiện tượng là, một giá trị có thể bị coi là cũ kỹ ở một nơi này lại có thể được coi là hiện đại ở một nơi khác. Nhiều cái ở phương Nam được coi là hiện đại thì ở phương Bắc đã là một mốt quá cũ, đã là chuyện của quá khứ. Và ngược lại những cái là truyền thống của phương Nam lại là hiện đại đối với phương Bắc. Ngay tại châu Âu cũng vậy, vấn đề cũng không diễn ra một cách đơn giản. Những người vốn từ lâu đã tự cho mình có nghĩa vụ "khai hóa văn minh" đối với các dân tộc khác nay cũng có nhiều mặt lại cảm thấy chính mình  cần phải được người khác "khai hóa" trở lại. Trong khi khẩu hiệu về tự do nhân quyền  đang được nhiều nước của Thế giới thứ Ba coi như một ngọn cờ của sự văn minh tiến bộ thì chủ nghĩa cá nhân phương Tây lại bước vào những khủng hoảng trầm trọng. Lớp băng lạnh ngắt  của sự vị kỷ đang tràn vào  các ngõ ngách của đời sống xã hội. Sự khủng hoảng của các giá trị truyền thống gắn liền với sự tan rã của gia đình, những căng thẳng trong nhịp điệu sống cạnh tranh, bấp bênh, hiện tượng thanh thiếu niên hư hỏng, sống mất phương hướng, nạn tội ác và bạo lực vv... đang làm cho nhiều người châu Âu mong muốn tìm kiếm những giá trị truyền thống, tinh thần, văn hóa của các dân tộc khác, đặc biệt là phương Đông một chỗ nương tựa cho tư tưởng và tình cảm của mình.
 
Nếu tính hấp thụ là đặc trưng của sự phát triển văn hóa  thì chính khả năng hấp thụ cao với một bộ máy chọn lọc nhạy bén lại chính là cơ sở quan trọng cho sự phát triển văn hóa.
 
Trong khi nghiên cứu về những đặc điểm xã hội của Châu Mỹ La tinh, nhiều nhà xã hội học đã rất ngạc nhiên khi thấy rằng ở mảnh đất đầy những biến động của cuộc sống đa chủng tộc, đa sắc tộc và đa dạng về văn hóa này lại ít  có những xung đột mang tính dân tộc hơn nhiều những nơi khác như vùng Ban Căng, vùng Trung á hoặc châu Phi ... Có một sức mạnh nào đó đã đan kết  các dân tộc khác nhau vào một cuộc sống chung, sức mạnh đó theo nhiều nhà phân tích chính là một sự hội nhập lẫn nhau về văn hóa.
 
Nếu như ở Ban Căng, đặc biệt là ở Nam Tư cũ, nhiều dân tộc vốn có chung một nguồn gốc chủng tộc đã bắn giết, loại trừ lẫn nhau chỉ vì sự khác biệt tín ngưỡng và hệ giá trị về văn hóa thì ở châu Mỹ La tinh sự việc lại diễn ra gần như trái ngược. Chính các dân tộc vốn rất xa cách nhau về nguồn gốc và màu da lại có thể sống chung với nhau khi đã chấp nhận một sự hòa đồng về văn hóa. Hiện tượng của châu Mỹ La tinh có thể được coi là một biểu trưng  cho sức mạnh của tinh thần hấp thụ văn hóa.
 
Là một dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử của mình luôn phải cảnh giác và đối phó với giặc ngoại xâm, dân tộc ta cũng đã tích lũy được những kinh nghiệm nhất định trong việc xử lý những mối giao lưu, hấp thụ văn hóa từ nước ngoài. Sự tồn tại của nền văn minh Việt Nam rõ ràng không chỉ là sự phát triển nội sinh của văn hóa và kiến thức thuần túy Việt Nam mà còn là kết quả của một sự tiếp xúc và hấp thụ giá trị từ bên ngoài.
 
Những bài học về sự du nhập và tiếp thu Phật giáo, những kinh nghiệm trong việc vận dụng Nho giáo vào việc tổ chức và quản lý xã hội đến nay vẫn còn có nhiều ý nghĩa thực tiễn. Các nhà lịch sử đến nay vẫn còn tiếp tục tranh luận về những nguyên nhân đem đến sự xụp đổ của vương triều Nguyễn trước sự xâm lược của thực dân Pháp, nhưng có thể nói, một trong những nguyên nhân chủ yếu vẫn là chính sách "bế quan tỏa cảng" sự đóng cửa với những văn minh, tiến bộ của thế giới. Ngày nay, tự cô lập mình, tự co mình lại trong chiếc vỏ ốc của mình hoàn toàn có nghĩa là sự tự hủy hoại mình, là nguyên nhân quan trọng của sự trì trệ và lạc hậu.
 
 
Lễ hội ở Ân Độ

 
 
“ Nước Việt ta tiếng khen lễ nghĩa đã hơn nghìn năm, vốn có thư tịch đã từ lâu lắm. Kể từ Đinh lê dựng nước đối địch với Trung Hoa, mệnh lệnh, từ chương dần dần rõ rệt. Đến Lý Trần nội trị, vạn vật mở mang. Về tham định thì có những sách điển chương, điều luật, về ngự chế thì có các thể chiếu sắc, thi ca. Trị bình đều nối, văn nhã đủ đều. Huống chi nho sĩ đời nào cũng có. Văn chương nảy nở như rừng, sách vở ngày càng nhiều. Nếu không trải qua binh lửa mà thành tro tàn, thì hẳn là trâu kéo phải mệt, nhà chất phải đầy. Đến khi nhà Lê dựng nước, văn hóa lại càng thịnh. Hơn ba trăm năm, chế tác đầy đủ, kỹ càng, văn hiến đứng đầu trung châu. Điển chương rạng cả triều đại. Trong khi ấy, các bậc vua sáng tôi hiền cùng bàn bạc, các nhà học rộng tài cao soạn thuật ra, tinh thần ngụ đó, tiếng tăm lẫy lừng”
                     Phan Huy Chú. “Lịch triều hiến chương loại chí”. Tập III NXB Khoa học xã hội, 199, trang63


[1] (1). Maure Peressini. Bản sắc một vấn đề hai mặt.
Tạp chí "Người đưa tin UNESCO" số 6/1993, trang 14.
[2] Xem Tahar Jelloun. Những cách nhìn nhận thay đổi giữa hai thế giới.
Tạp chí "Người đưa tin UNESCO" số 7-8/1992 trang 27.
[3] Tahar Jelloun. Sách đã dẫn, trang 28.
 
[4] Tahar Jelloun. Sách đã dẫn, trang 28.
 

Tác giả: GS-TS Đặng Cảnh Khanh

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất