CHA MẸ VỚI VIỆC HỌC HÀNH CỦA CON CÁI
Tác giả: Ths. Thân Trung Dũng - Thứ ba - 13/01/2015 14:21
*Ảnh minh hoạ (nguồn internet)
Thời gian gần đây, hiện tượng trẻ em vi thành niên hư hỏng dẫn đến phạm pháp ngày một gia tăng ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh quốc gia và sự tiến bộ phát triển của xã hội. Vấn đề này không chỉ là mối quan tâm, lo lắng hàng đầu của các bậc cha mẹ, đặc biệt là các gia đình đô thị mà còn là mối lo chung của toàn xã hội. Phải chăng hiện tượng đó là hậu quả của việc “khoán trắng” sự giáo dục, học tập của con trẻ cho nhà trường. Nhiều phụ huynh đã biến nhà trường thành “nhà giữ trẻ lớn” mà không biết rằng chẳng gì có thể thay thế được giáo dục gia đình. Bởi lẽ, gia đình, cha mẹ là trường học đầu tiên đối với cuộc đời mỗi con người, là môi trường xã hội hoá gần gũi nhất về không gian và lâu dài về thời gian có ảnh hưởng lớn tới sự hình thành, phát triển nhân cách con trẻ.
Ngoài công sức của mình ra, các bậc cha mẹ còn phải dành nhiều thời gian và tiền bạc để đầu tư cho con cái. Song không phải ai cũng có điều kiện đầu tư cho con cái như mong muốn. Hơn thế nữa, không phải cách đầu tư nào cũng phù hợp và hiệu quả đối với con cái. Không ít các bậc cha mẹ vì mải lo kiếm tiền nên đã bỏ bê việc học hành của con cái, họ chạy theo những lợi ích, những tài sản trước mắt mà quên đi “tài sản vô giá” của họ là đứa con, phó mặc việc dạy dỗ, giáo dục chúng cho nhà trường và xã hội. Sự quan tâm của họ là những món tiền lớn, những thứ vật chất tầm thường cho con cái. Họ không biết rằng chính những thứ đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự hư hỏng, tạo điều kiện cho con trẻ xa vào các tệ nạn xã hội. Có thể nói, hơn lúc nào hết hiện nay giáo dục gia đình là một trong những vấn đề cần được trú trọng quan tâm hơn nữa. Đặc biệt là phải xắc định rõ và phát huy vai trò tích cực của cha mẹ đối với giáo dục nói chung và việc học tập của con cái nói riêng. Với khuôn khổ hạn hẹp của trang báo, bài viết dưới đây sẽ chỉ tập trung vào việc phân tích một số quan niệm, kỳ vọng của các bậc cha mẹ đối với vấn đề học tập và một số yếu tố tác động đến kết quả học tập của con trẻ.
1. Kỳ vọng và quan niệm của cha mẹ với việc học hành của con cái
Là cha mẹ ai cũng mong muốn con cái mình có một tương lai tốt đẹp, sáng lạn. Mong muốn con mình học giỏi, ngoan ngoãn, lễ phép… là tâm lý chung của các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, ngày nay, một số phụ huynh vì quá kỳ vọng vào khả năng của con mình mà có những cách thức dậy con không phù hợp gây ảnh hưởng không tốt đến kết quả học tập của con trẻ. Họ không hiểu được rằng con mình vẫn chỉ là những đứa trẻ. Mà đứa trẻ cần sự uốn ắn mềm dẻo chứ không phải sự áp đặt, bắt con phải như thế này, thế kia, phải theo những kỳ vọng hoang tưởng của cha mẹ.
Trong nghiên cứu khảo sát 150 hộ gia đình thuộc phường Kim Liên – Hà Nội gần đây của Viện xã hội học – Viện khoa học xã hội Việt Nam đã khái quát một số quan niệm và kỳ vọng của cha mẹ đối với việc học hành của con cái như sau:
Hầu hết các bậc cha mẹ mong con cái sẽ học tốt để sau này có nghề nghiệp ổn định. Tuy nhiên, phương pháp giáo dục con của các bậc cha mẹ hướng đến các mục tiêu đó lại khác nhau, tuỳ thuộc vào đặc điểm kinh tế, học vấn và nghề nghiệp… của mỗi gia đình. Có tới 94,3 % (tỷ lệ cao nhất) số người được hỏi có kỳ vọng con thứ nhất học hết đại học, cao đẳng. Tiếp đó là kỳ vọng con mình học hết trung cấp (8%), trung học phổ thông (4,9%). Như vậy, có thể thấy, quan niệm chung là học vấn cao sẽ dẫn tới vị thế xã hội cao. Nhiều phụ huynh còn cho rằng phấn đấu bằng học vấn là con đường tốt nhất cho con em họ. Điều này thật dễ hiểu khi số lượng học sinh đăng ký dự thi các trường cao đẳng đại học ngày một gia tăng.
Trong những gia đình có học vấn khác nhau, kỳ vọng đối với cấp học của con cũng khác nhau. Bố mẹ có học vấn cao kỳ vọng con cái học cao đẳng, đại học càng cao. Tuy nhiên, tỷ lệ người mẹ mong muốn con trai học cao nhiều hơn tỷ lệ người mẹ mong muốn con gái học cao, trong khi người bố lại không có sự phân biệt về giới tính của con trong vấn đề này. Phải chăng vấn đề bất bình đẳng giới trong học tập giữa trẻ em trai và trẻ em gái mà bấy lâu nay mà báo chí, các nhà nghiên cứu vẫn nêu ra có nguyên nhân sâu xa từ chính những quan niệm, định kiến của những bà mẹ?
Kết quả nghiên cứu cho thấy xu hướng của các bậc cha mẹ hiện nay là muốn con cái mình học hết cao đẳng, đại học để có nghề nghiệp ổn định sau này. Tuy nhiên, vấn đề này cũng cần đưa ra bàn luận thêm nhiều hơn nữa, bởi lẽ với thực trạng lao động - việc làm ở Việt Nam hiện nay, những sinh viên học hết cao đẳng, đại học ra trường liệu có cơ hội tìm việc làm dễ hơn những học viên tốt nghiệp các trường dạy nghề hay không? Câu hỏi này đang chờ lời giải đáp khi mà tình trạng “thừa thầy thiều thợ” ngày càng trở nên phổ biến ở nước ta. Rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đai học, đặc biệt là tốt nghiệp các trường về khoa học xã hội và nhân văn không xin được việc làm, trong khi đó các học viên học trung cấp hoặc các trường dậy nghề ra trường là có việc làm. Vậy, làm thế nào để giải quyết bài toán về việc làm ở Việt Nam hiên nay?
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của con cái
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của con cái như: môi trường học tập, khả năng bẩn sinh, sự chăm chỉ của trẻ, sự quan tâm của cha mẹ, uy tín của trường lớp… Nhưng theo một số nghiên cứu của chúng tôi, sự quan tâm của cha mẹ là yếu tố đầu tiên giúp trẻ học tốt. Sự quan tâm này thể hiện ở việc bố mẹ biết tạo cho con một môi trường học tập yên tĩnh, luôn quan tâm hỏi han việc học tập của con, hướng dẫn con làm bài khi con gặp khó khăn, cùng suy nghĩ giải những bài tập khó với con. Sự quan tâm còn thể hiện ở việc quan tâm đến các dụng cụ học tập cho con, đến tâm tư tình cảm của con khi ở trường về. Nếu đứa trẻ sống trong một gia đình mà tối tối bố đọc sách, mẹ khâu áo, cả bố mẹ đều sẵn sàng giải đáp những thắc mắc, giúp con làm những bài toán khó thì chắc rằng việc học của con sẽ đạt kết quả cao hơn một gia đình mà tối tối bố say xỉn, mẹ quát nạt, đánh đập con cái.
Bên cạnh sự quan tâm của cha mẹ, sự chăm chỉ của trẻ cũng là một trong những nhân tố có tác động lớn đến kết quả học tập. Một đứa trẻ chăm chỉ, có ý thức tự giác học tập sẽ có được những kiến thức theo chiều sâu và học tốt hơn những đứa trẻ lười biếng. Khả năng bẩn sinh của trẻ cũng có ảnh hưởng đến kết quả học tập của các em.
Ngoài ra, yếu tố trường lớp có uy tín, sự giàu có của gia đình… cũng có ảnh hưởng đến kết quả học tập của con trẻ. Các phụ huynh tại phường Kim Liên đã đánh giá thứ bậc của các yếu tố trên như sau: Yếu tố đầu tiên giúp trẻ học tốt là sự quan tâm của cha mẹ chiếm 47,4%, rồi tới sự chăm chỉ của trẻ (38,0%), tiếp đó đến khả năng bẩn sinh của trẻ (33,3%), rồi đến sự giàu có của gia đình (18,2%), tiếp đó là gia đình có người học cao (9,5%) và cuối cùng là trường lớp có uy tín (3,8%).
Như vậy, rõ ràng sự quan tâm của cha mẹ cả về vật chất, tinh thần và thời gian dành cho việc học của con có tác động mạnh nhất đối với kết quả học tập của con. Những yếu tố chủ quan của đứa trẻ cũng góp phần quan trọng vào quá trình học tập của chúng. Bên cạnh những yếu tố đã nói ở trên trình độ học vấn của cha mẹ và một số yếu tố khác cũng có tác động tới việc học của con trẻ.
Vẫn trong nghiên cứu ở phường Kim Liên – Hà Nội, khi phân tích mối tương quan giữa trình độ học vấn của người bố và khả năng học tập của con cái thì thấy rằng không có ông bố nào có trình độ học vấn phổ thông cơ sở lại có con học tốt cả. Tỷ lệ này chỉ có ở các ông bố có học vấn ở phổ thông trung học và tăng lên ở những ông bố có trình độ cao đẳng, đại học trở lên (tăng từ 65,8% đến 70,5%).
Trong các chỉ báo đưa ra để đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố tới việc học tập của trẻ có hai chỉ báo được các bậc cha mẹ chú ý nhiều đó là việc bố mẹ kiểm soát chương trình truyền hình và kiểm tra việc học hành của con cái. Gần 90 % con cái học tập tốt là do bố mẹ thường xuyên kiểm soát chương trình xem ti vi của con. Ngược lại, 30% con cái học tập trung bình là do bố mẹ không bao giờ kiểm soát các chương trình ti vi mà con cái họ xem.
Việc bố mẹ trực tiếp kiểm tra việc học hành của con cái có ảnh hưởng mạnh nhất đến kết quả học tập của chúng. Tỷ lệ học tốt giảm đáng kể từ 80,4% khi bố mẹ rất thường xuyên kiểm tra việc học hành của con cái xuống còn 50% khi bố mẹ chỉ thỉnh thoảng làm việc này. Tỷ lệ học trung bình cũng giảm đáng kẻ từ 50% khi bố mẹ thỉnh thoảng kiểm tra việc học hành của con xuống còn 20% khi bố mẹ không bao giờ làm việc đó. Như vậy, việc kiểm tra quá trình học tập của các em có ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập của con trẻ …Tuy nhiên, kiểm soát việc học hành của con cái phụ thuộc rất nhiều vào trình độ học vấn cũng như nghề nghiệp của cha mẹ. Trình độ học vấn của cha mẹ cao thì việc kiểm tra, đôn độc con cái học hành thuận tiện hơn rất nhiều, cha mẹ có thể trực tiếp chỉ bảo việc học hành của con. Nếu trình độ học vấn của các bậc cha mẹ hạn chế thì rất khó có thể kiểm tra theo dõi được quá trình học tập của con trẻ. Thực tế đã cho thấy, có rất nhiều ông bố bà mẹ học hết phổ thông trung học nhưng đành “bó tay” trước những bài tập hóc búa lớp 4, lớp 5 của con.
Bên cạnh các yếu tố trên, đặc thù nghề nghiệp cũng có tác động đáng kể bởi lẽ, nghề nghiệp sẽ quy định địa vị của cha mẹ, thời gian ngoài công việc của họ và chi phí cho việc học của con cái. Ngoài ra, mức độ ảnh hưởng của nghề nghiệp đối đối với việc quan tâm đến con cái thể hiện ở mối quan hệ giữa nhu cầu công việc và nhu cầu chăm sóc con cái tốt hơn. Khi đưa ra câu hỏi: Có bao giờ ông bà giảm thời gian làm việc hoặc từ chối làm thêm để có thời gian chăm sóc con cái? Kết quả cho thấy: Khoảng 1/3 người trả lời đã từng giảm thời gian làm việc hay từ chối công việc làm thêm để chăm sóc con tốt hơn. Trong đó những người lao động trí óc chú ý tới con cái hơn khi phải cân nhắc giữa công việc với con em mình là 30% trong so sánh với nhóm nghề khác (Lao động chân tay, buôn bán và các nghề khác): 13%, 30% và 32% theo tương ứng. Một điều đáng lưu ý là, cũng với câu hỏi này thì số phụ nữ đã giảm thời gian làm hoặc từ chối việc làm thêm chiếm tỷ lệ lớn hơn so với nam giới (40% so với 23%). Với những kết luận này, phải chăng các bậc phụ huynh nên dành nhiều thời gian hơn để kiểm soát các chương trình ti vi cũng như kiểm tra việc học tập, dành thời gian nhiều hơn quan tâm đến các con mình để giúp chúng có được kết quả học tập tốt hơn.
Tác giả: Ths. Thân Trung Dũng
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tadri.org là vi phạm bản quyền