10:09 ICT Thứ ba, 19/03/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 536

Máy chủ tìm kiếm : 128

Khách viếng thăm : 408


Hôm nayHôm nay : 53333

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1917779

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 33254200

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển » Phong tục xưa và nay

Quang cao giua trang
top

NHẬN NHÌN BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT NAM

Tác giả: GS. Trần Quốc Vượng - Thứ năm - 13/11/2014 09:16
Trần Quốc Vượng: Thác là thể phách còn là tinh anh

Trần Quốc Vượng: Thác là thể phách còn là tinh anh

Có một thời người ta phủ nhận sự hiện hữu của một nền văn minh và văn hóa Việt Nam. Người ta xếp một cách đơn giản thế giới Việt Nam vào phạm vi ảnh hưởng của văn minh Trung Quốc, và phạm trù của nền văn minh Trung Quốc. Người ta gọi Việt Nam là “ một nước Trung Hoa thu nhỏ lại” (une Chine en miniature)! Người ta tìm cội nguồn của dân tộc Việt Nam ở đâu đó bên Tàu, người ta xếp ngôn ngữ tiếng Việt vào gia đình ngôn ngữ Hán - Tạng (Sinotibétsin) và người ta coi người Việt Nam, cùng lắm, cũng chỉ là “Hán tộc nam chi”: (một cành nam của gốc Hán)

Thế nhưng rồi những công trình nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh xuống chiều sâu và  chiều dài lịch sử đã buộc giới trí thức tây và đông thầm nhận lại cái quan điểm đơn giản, phiến diện nói trên. Người ta thấy tiếng Việt (và tiếng Mường) có một nền tảng (substratum) Môn – Khowme, gần gũi  tiếng Thái – Tày và tiếng Anhdônêziêng trong gia đình ngôn ngữ phương nam, chứ không phải là ngôn ngữ Hán. Người ta thấy sức sống mãnh liệt của tiếng Việt như là một chỉ tiêu tồn tại của dân tộc Việt Nam, hàng ngàn năm, bên cạnh đế chế Trung Quốc. Một khoa học mới ra đời, khảo cổ học, với những tài liệu vật chất lấy lên từ trong lòng Đất mẹ, đac chiếu rọi một ánh sang mới mẻ vào quá khứ ngàn vạn năm, khi xưa còn nằm trong bóng tối của thần Đêm lịch sử… Người ta được biết xứ sở này là một cùng quê của loài người(berceau de I’Humanité). Đi sâu nghiên cứu hai nền văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn, người ta lại biết đấy là màn dạo đầu, từ trước đây trên dưới một vạn năm, của một cuộc cách mạng nông nghiệp xảy ra trên toàn vùng Đông Nam Á có thiên nhiên phong phú và đa dạng. Nơi đó, còn trước cả vùng Trung Đông vài nghìn năm, là một cái nôi trồng trọt (berceau cultural), từ chục nghìn năm trước, đã có những cộng đồng nông nghiệp định cư, trồng cây có củ, cây ăn quả, bầu bí rau dưa, rồi sau đó trồng lúa nước (oryza sativa), cây lương thực trọng yếu của loài người. Mà nông nghiệp, là khởi đầu của văn minh nhân loại, trên lưu vực những dòng sông lớn của thế giới ngày xưa: Lưỡng Hà ở Trung Đông, Nin ở Ai Cập, Anhđuýtxơ  ở Ấn Độ, sông Cái (Nhị, Hồng) ở Việt Nam… Một nền văn minh Đông Sơn được phát hiện, tồn tại hàng nghìn năm. Trước kỉ nguyên tây lịch, cũng có thể gọi là văn minh sông Hồng theo nghĩa rộng, với nhà nước Văn Lang và thời đại các vua Hùng. Dân tộc Việt định hình cùng với Nhà nước ấy và nền văn minh ấy.
                Khi đó, cái nước mà ngày sau người ta gọi là Trung Quốc mới được tạo dựng lên ở mạn trung lưu Hoàng hà, và nền văn minh Trung Quốc ban đầu thì đúng là là nền “văn minh Hoàng hà” với ranh giới khoảng ba tỉnh bây giờ: Sơn Tây (quê hương của Đế Nghiêu), Hà Nam( quê Hạ Vũ, kinh đô của nhà Ân), Thiểm Tây với núi Kì, sông Vị ( quê hương của nhà Chu)
                Văn hóa Việt Nam, văn minh sông Hồng và văn hóa Trung Quốc, văn minh Hoàng Hà, khác nhau từ căn bản, từ cội nguồn.
                Văn hóa, theo nghĩa rộng, là cái tự nhiên được biến đổi bởi con người, bao hàm cả kỹ thuật, kinh tế … để từ đó hình thành một lối sống, một thế giới ứng xử, một thái độ tổng quát của con người đối với vũ trụ, thiên nhiên và xã hội, là cái vai trò  của con người trong vũ trụ đó, với một hệ thống những chuẩn mực, những giá trị, những biểu tượng, những quan niệm… tạo nên phong cách diễn tả tri thức và nghệ thuật của con người. Như vậy, thì  phải xuất phát từ những điều kiện tự nhiên ( con người vốn là một sản phẩm của tự nhiên, là một phần của tự nhiên, đứng đối diện với tự nhiên mà tạo thành văn hóa) rồi sau đó những điều kiện lịch sử (con người lại la một sản phẩm của lịch sử do chính mình tạo ra) để nhận nhìn về cội nguồn và bản sắc của nền văn hóa Việt Nam: Trong những điều kiện đó, văn hóa Việt Nam khác và không phải là văn hóa Trung Quốc.
                Lưu vực Hoàng Hà là khu vực khí hậu đại lục lạnh lẽo, khô hạn, lượng mưa ít, lượng bốc hơi cao.
                Lưu vực sông Hồng là khu vực gió mùa, nóng và ẩm, nước dư thừa, nhiệt đầy đủ.
                Đất trồng trọt của người Trung Quốc ban đầu ở cao nguyên và bình nguyên Hoàng Hà là hoàng thổ (loess) do gió tây mang lại.
                Đất trồng trọt của người Việt Nam ở lưu vực các dòng sông là phù xa nâu, do sông Cái, sông con bồi đắp.
                Nông nghiệp là một kết quả của một thế tác dụng tổng hòa “ Người - Trời - Đất” tạo mầm sống cho văn minh.
                Nông nghiệp Trung Quốc, từ khởi thủy, là một nền nông nghiệp trồng khô (culture sèche).
                Nông nghiệp Việt Nam, từ ban đầu, là một nền nông nghiệp trồng nước (culture hydraulique), từ việc sử dụng hệ thống ngập nước (inondé: “ruộng Lạc theo triều lên xuống”) đến việc sử dụng hệ thống tưới nước ( irrigué: gàu dai, gàu dòng, kênh ngòi…)
                Và như thế, kỹ thuật (technique, technologie), một phần của văn hóa, cái nối liền con người và tự nhiên, ở hai bên, là khác nhau về căn bản.
                Người Hoa trồng túc - tiểu mễ, hay kê (millet) – sau đó trồng cao lương, rồi trồng lúa mạch kiểu trồng ngô, giống này từ Trung Á truyền vào và cho đến trước thời Tần ( thế kỷ III trước Công nguyên) vẫn không phải là cây lương thực chủ yếu của Trung Quốc.
                Người Việt trồng cây có củ (khoai các loại) và đặc biệt từ 6000-7000 năm trước đây, đã trồng lúa nước. Nền văn minh lúa nước ( civilization du riz) vốn là một nền văn minh  Việt cổ và đã tạo nên một thế quân bình bền vững của nền văn hóa xóm làng, giữa con người và thiên nhiên Việt Nam, trong khung cảnh Đông Nam Á  từ mấy nghìn năm nay.
                Trị thủy sông Hoàng, người Trung Quốc khơi sâu và khơi nhiều dòng chảy ( “ Hạ Vũ tuấn xuyên” là anh hung văn hóa Trung Quốc).
                Trị thủy sông Hồng, người Việt đắp đê và trên suốt thời gian lịch sử, có hẳn một nền chính trị đê điều (Sơn tinh đắp đê chắn lũ chặn Thủy tinh là anh hung văn hóa Việt).
                Ít nước trên mặt, người Trung Quốc phải tìm nguồn nước ngầm, đào giếng (“tinh”) và gọi chế độ phân phối ruộng đất cổ đại của mình là chế độ “tinh điền”.
                Người Việt sống ở vùng sông ngòi chằng chịt, đầm đìa khắp nước, quen sử dụng nước trên mặt. và cái ao đã là một thành phần hữu cơ của cảnh quan thiên nhiên – xã hội của lưu vực sông Hồng, ao là nước sinh hoạt, là kinh tế tổng hợp (rau muống, cá, nơi ngâm tre gỗ làm nhà, nước dự trữ tưới vườn, tưới ruộng…), là cuộc sống tinh thần trong ca dao (“ ta về ta tắm ao ta”, “Đêm qua ra đứng bờ ao”, “Trúc xinh trúc mọc bờ ao…” và thơ ca dân tộc ( “Thu điếu”, “Thu vịnh”, của Yên Đổ).
                Người Hoa ăn bánh màn thầu, ăn cháo kê, có vạc, chảo, có muôi hay như người Hoa gọi “ văn hóa đỉnh lịch”.
                Người Việt ăn xôi, ăn cơm, làm bánh trưng, bánh giày… Bát cơm, bát tương, chén mắm… và đặc biệt đôi đũa là một sáng tạo của nền văn hóa lúa nước Việt Nam. từ địa hạt vật chất, đũa đã đi vào lĩnh vực xã hội tinh thần, triết lý Việt Nam ( vợ chồng như đôi đũa có đôi, “ chồng thấp vợ cao như đôi đũa lệch so sao cho đều”, “vơ đũa cả nắm”…thủ tục ly hôn ngày xưa là bẻ đũa…)
                Người Hoa ở nhà hầm (“ Bắc sóc huyệt cư”) người Việt cổ sang tạo cái nhà sàn (“Nam Việt sào cư”) với cái mái cong độc đáo hình thuyền, làm mẫu hình cho cả nền kiến trúc Viễn đông cổ truyền ( Việt Nam. Trung Hoa, Nhật Bản…) Đi lại ở miền khô, trên một vùng cao nguyên, gần thảo nguyên thuận lợi cho việc chăn nuôi ngựa, người Hoa ưa dung xe cộ và cưỡi ngựa. Quân đội lấy ưu thế là kị binh, nhà nước lấy chiến xa làm sức mạnh (“ bách xa quốc”, “ thiên hạn quốc”: xe ngựa trở thành một độ số của văn minh và sự hung cường).
                Người Việt ở vùng sông nước găn trồng trọt với chài lưới, thuyền bè các loại trở thành một phương tiện kỹ thuật giao thông quan trọng, chiến thuyền được chạm khắc trên trống đồng và chiến tướng họ Đông A (Trần) vẫn quen sinh hoạt trên thuyền…
                Huyền thoại Trung Quốc về Hạ Vũ đúc đỉnh, và đỉnh (vạc ba chân) trở thành biểu tượng của quyên lực nhà nước Trung Hoa, quyền lực đế vương.
                Thực tiễn Việt Nam về các vua Hùng đúc trống đồng và trống đồng trở thành biểu tượng của văn minh Đông Sơn, của quyền lực thủ lĩnh nhân dân.
                Trung Quốc ra đời ở một vùng thiếu kim khí, ở vùng giáp danh giữa thảo nguyên và bình nguyên, giữa hai khối cư dân và văn minh du mục và nông nghiệp. Sự trao đổi, thương mại và những luồng buôn bán lớn sớm phát triển. Đô thị Trung Hoa ra đời sớm (ít ra từ thời Chu), tầng lớp con buôn lớn ra đời sớm. Văn minh đế vương cũng là văn minh đô thị, sớm tách khỏi thôn trang và vừa chống trọi vừa hấp thụ văn minh du mục, nhất là cái tổ chức quân sự và định chế chính trị độc tài. Chế độ chuyên chế ra đời cùng với đế chế (ít ra từ thời Tần Thủy Hoàng). Việc dựng nước Trung Quốc đi liền với bành trướng, đặt căn bản trên sự chấp nhận một nhân sinh quan “thiên mệch” phân biệt chủng tộc, phân biệt Hoa – Di cực kì nặng nề, một thứ “ chủ nghĩa Trung Hoa trung tâm” (sinocentrisme), nền tảng của lý thuyết “bình thiên hạ”. Cùng với sức ép của các tộc người du mục phía bắc, phía tây, cùng với sự tham gia tăng dân số nông nghiệp, Trung Quốc tìm cách bành trướng xuống phía đông và phía nam, tới lưu vực Trường Giang, tới vùng văn minh lúa nước, đồng hóa những cư dân Man - Việt, đem nền văn minh lúa nước chồng lên văn minh Trung Quốc cổ truyền, đã biến thành một sắc thái mới của văn minh Trung Hoa. Cái giống nhau giữa văn minh Trung Quốc và văn minh Việt Nam là cái có sau, là hậu quả của lịch sử, một lịch sử chiến tranh đẫm máu giữa bành trướng và chống bành trướng, giữa cướp nước và giữ nước, hình thành thế “phân biệt Bắc – nam”, hữu thức từ Lý Nam Đế, qua Lý Thường Kiệt (“ Nam quốc Sơn Hà”), Nguyễn Trãi (“ Bình ngô đại cáo”) đến Quang Trung…
                Nhưng nếu như lòng yêu nước Việt Nam đã được tô đậm lên để trở thành một hệ ý thức chủ đạo của người Việt Nam, chủ nghĩa dân tộc (nationnalisme)Việt Nam đã chiến thắng chủ nghĩa “bình thiên hạ” (universalisme) Trung Quốc, nếu như nền độc lập chính trị của nước Việt lại được phục hồi sau hơn nghìn năm chống Bắc thuộc thì diễn trình lịch sử của nền văn hóa Việt Nam sự tiếp xúc, chống đối, đan xen, giao tiếp, hỗn dung văn hóa Việt – Hoa trong ngàn năm đầu Công nguyên và ngàn năm tiếp sau đó lại vô cùng phức tạp. Và tự ý thức về một lối sống riêng, một thế ứng xử - văn hóa riêng của các thế hệ Việt Nam dưới chế độ phong kiến lại không dễ dàng, không khỏi có nhiều lầm lạc, băn khoăn, trăn trở… mà ở một bài sau, tôi sẽ cố gắng phác họa đôi điều chủ yếu.

Tác giả: GS. Trần Quốc Vượng

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất