07:52 ICT Thứ bảy, 09/11/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 415

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 412


Hôm nayHôm nay : 83649

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1504454

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 66826336

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển » Phong tục xưa và nay

Quang cao giua trang
top

CẢM NHẬN KHI ĐỌC “BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM CỔ NHẠC BẠC LIÊU” (*)

Tác giả: Gs.Ts. Nguyễn Thuyết Phong - Thứ sáu - 28/11/2014 10:02
GS Nguyễn Thuyết Phong một trong hai nhà nghiên cứu âm nhạc có tên trong Đại từ điển âm nhạc thế giới The New Grove, cùng GS.TS. Trần Văn Khê

GS Nguyễn Thuyết Phong một trong hai nhà nghiên cứu âm nhạc có tên trong Đại từ điển âm nhạc thế giới The New Grove, cùng GS.TS. Trần Văn Khê

Ở một vùng trời xa xôi của đất nước ít ai nghĩ đến việc chăm chút nghiên cứu về nghệ thuật. Đồng bằng Sông Cửu Long thường được nghĩ đến như đất sống của nông dân. Việc sản xuất lúa gạo, muối, và bắt cá tôm vẫn là chính. Những đồng ruộng mênh mông – ruộng lúa và ruộng muối – nơi những người tiên phòng khai phá đã đổ mồ hôi không ít trong lao động kiến tạo. Khi việc kinh doanh nông nghiệp được phát triển phồn vinh, sẽ có người nghĩ đến Bạc Liêu là đất của các “Công tử” giàu sang, đến nổi chúng ta không lạ gì với huyền thoại “đốt tiền giấy lượm tiền cắc”. Tuy nhiên, khi cầm quyển sách Bước đầu tìm hiểu Tác giả và Tác phẩm cổ nhạc Bạc Liêu nầy trong tay, chắc chắc bạn đọc sẽ ngạc nhiên về một thực tế khác: Bạc Liêu không chỉ là đất nông nghiệp mà còn nổi bật hơn nữa là vùng đất âm nhạc!
Âm nhạc ở vùng đất này vang danh đến cả nước. Tên gọi Bạc Liêu thường gắn liền với bài Dạ cổ hoài lang. Đất Bạc Liêu là đất của Đờn ca tài tử, một truyền thống cả “đờn” lẫn “ca” đều có cơ hội phát triển. Từ nhạc lễ đến ca Vọng cổ, từ những lễ hội đình chùa, tang ma, đàn chẩn tế đến những buổi ca “ba Nam, sáu Bắc, bảy Bài, bốn Oán” tại tư gia hay diễn cải lương trên sân khấu, sinh hoạt nơi đây nhập vào dòng chảy của nền âm nhạc dân tộc ở Nam Bộ cũng như cả nước một cách vô cùng nhộn nhịp.
 
Nhưng rất tiếc bức tranh sinh động ấy giờ không còn nữa. Tôi cảm nhận được lý do xuất bản quyển sách nầy bắt nguồn từ thực tế đó. Nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận giúp chúng ta quay nhìn lại khúc phim cách đây gần 100 năm, khi mà những nông dân nghèo sống “tha phương cầu thực” trở thành nhạc sĩ tên tuổi, khi mà những thầy thông thầy ký bắt đầu viết nhạc, và khi những nhà sư nhịp chuông mõ cùng với tiết tấu của tiếng đàn, tiếng ca dân tộc.
 
Lịch sử và tiến trình âm nhạc Việt Nam không dễ hiểu. Đi tìm những dấu vết về thân thế và sự nghiệp của các nhạc sư, nhạc sĩ, ca sĩ là việc làm vô cùng phức tạp, đòi hỏi nhiều công phu. Một Wofgang Amadeus Mozart (nghệ sĩ, nhà soạn nhạc kỳ tài gốc Áo, 1756 – 1791) có ảnh hưởng tột cùng trong nền âm nhạc cổ điển Châu Âu, thế mà đến nay chưa ai biết được mồ mã của ông ở đâu. Vẫn luôn còn nhiều nghi án chờ chực chúng ta tìm hiểu thêm. Âm nhạc gắn liền với cuộc đời nghệ sĩ. Việc nghiên cứu tiểu sử tác giả tất yếu phải dính líu đến những góc độ lịch sử và hành hoạt âm nhạc mặc dù trong nghiên cứu chúng ta không hẳn tùy thuộc vào chủ nghĩa đặc trưng lịch sử (historical particularism). Tác giả đã cố gắng đi tìm những giải đáp của vấn đề này một cách hết sức nhiệt tình. Dù có lúc còn do dự, chưa dám khẳng định, hoặc có lúc quá nhiệt tình trong nhận định, nhưng độc giả hẳn thấy sự bật dậy của những chi tiết vô cùng lý thú, có ích cho nghiên cứu âm nhạc ở góc độ lịch sử Đờn ca tài tử.
 

Điều nầy tương đối dễ hiểu đối với hầu hết chúng ta, vì lẽ truyền thống truyền khẩu vốn dĩ là gốc rễ của âm nhạc dân tộc, ở Việt Nam cũng như hầu hết các nơi trên thế giới. Nó là sức mạnh trong nghệ thuật biểu diễn, nhưng đồng thời cũng là nhược điểm trong việc ghi chép để lại hậu thế. Tác giả cố gắng hết mình ráp nối những mảnh rời rạc rời rạc của thời gian và sự kiện để tái tạo những phò tượng kỳ bí các danh nhân xứ Bạc Liêu. Sự ghép nối ấy là sáng tạo, hợp tình hợp lý trong vườn triển lãm.
 
Mặc dù tác giả Trần Phước Thuận đã bày tỏ khiêm nhường rằng đây là bước đầu tìm hiểu, tôi nghĩ rằng trong cái bước đầu ấy có một ý nghĩa đáng trân trọng bằng vào nhiệt tình, kiến thức cá nhân của riêng ông và sự chịu khó đóng góp cho nền âm nhạc truyền thống không những cho Bạc Liêu mà còn cho cả Nam Bộ hoặc cả nước. Nhất là việc ông ghi chép lại cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của Nhạc Khị, sưu tầm được bản gốc và các dị bản của bài Dạ cổ hoài lang, sưu tầm được toàn bộ 20 câu bài Vọng cổ nhịp 8 đầu tiên Văng vẳng tiếng chuông chùa… Đó những tài liệu vô cùng giá trị.
 
Khách quan mà nhận định, Đờn ca tài tử không phải chỉ riêng có mặt ở Bạc Liêu, mà còn ở khắp Nam Bộ, đặc biệt những nơi nổi tiếng khác như Cần Đước, Cao Lãnh (Sa Đéc), Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, và nhiều nơi khác với những tên tuổi lẫy lừng. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là sự đóng góp văn hóa của Bạc Liêu với số lượng nghệ nhân, nhạc sư, ca sĩ tiên phong trong truyền thống nầy thể hiện màu sắc lóng lánh, đậm nét, và đáng ca ngợi. Tìm hiểu về các tác giả và nhạc sĩ Bạc Liêu cũng có nghĩa là chúng ta đang tìm hiểu về âm nhạc toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long trong từng nhịp sống quá khứ vì mối tương quan bất di bất dịch giữa những phần tử văn hóa ấy.
 
Tôi chân thành cảm ơn tác giả Trần Phước Thuận đã hoàn thành một công trình có ý nghĩa, đầy gian lao khổ nhọc và trân trọng giới thiệu với quí độc giả khắp nơi yêu thích âm nhạc truyền thống nói chung và nghệ thuật biểu diễn, lịch sử, văn hóa, xã hội nói riêng./.                      
       
(*) Tác phẩm được chọn vào danh sách những công trình của dự án Nhà nước: Công bố và phổ biến tài sản văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam. Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và Nhà xuất bản Thanh Niên phối hợp xuất bản – 2012.

Tác giả: Gs.Ts. Nguyễn Thuyết Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất