TỤC XĂM MÌNH XƯA VÀ NAY
Tác giả: Hoàng Linh - Thứ sáu - 31/07/2015 09:13
hình xăm Nhật Bản (*Ảnh sưu tầm)
Xăm mình ra đời từ ý nghĩa để lưu giữ hình vẽ được lâu và không bị rửa trôi. Tục xăm mình của người Việt cổ ra đời cách đây từ 2000- 3000 năm trước, kéo dài đến khoảng cuối thế kỉ XIII, đầu thế kỉ XIV, là tục lệ lâu đời nhất, cổ xưa nhất của dân tộc ta.
Xăm mình là người ta dùng những đầu nhọn, sắc bằng gỗ cứng hay ngà voi, xương, kim loại.. châm thành hình người, thần, muông thú, hoa lá, chữ, các dấu hiệu, biểu tượng... lên bề mặt da (có trường hợp xăm đến 96% tổng diện tích da), rồi rắc than, bột đen, bôi chàm hay phẩm màu lên. Khi vết xăm lành, để lại hình và màu. Lúc đầu, người ta xăm mình với mục đích tự vệ vì cho rằng khi lặn xuống nước các loài thuỷ quái trông thấy phải sợ (cư dân Lạc Việt) và các thú dữ khác, tà ma, bệnh tật, gió độc, tai biến, rủi ro... đều phải kị. Điều này được viết trong sách Lĩnh Nam chích quái (phần Hồng Bàng thị truyện) như sau:
“Bấy giờ, dân trên núi xuống nước đánh bắt cá thường bị thuồng luồng gây thương tổn, bèn cùng nhau tâu việc ấy với Vua. Vua nói:
Các giống ở trên núi khác với các loài ở dưới nước. Các loài ở dưới nước chỉ ưa những gì giống với mình và ghét những gì khác mình, vì vậy, ta mới bị gây hại.
Nói rồi, Vua bèn ra lệnh cho ai nấy cũng phải lấy màu xăm hình thuỷ quái vào người. Từ đó, không bị thuồng luồng gây thương tích nữa. Tục vẽ mình của dân Bách Việt bắt đầu có kể từ đấy”.
Đến thời Trần, để cổ vũ tinh thần chiến đấu của binh sĩ và nhân dân chống quân xâm lược Nguyên Mông, vua Trần cho người săm lên cánh tay binh sĩ hai chữ “Sát Thát” (giết giặc Nguyên), còn dân thì săm lên bụng hàng chữ “Nghĩa dĩ quyên khu, hình vu báo quốc” (Vì nghĩa liều thân, báo đền ơn nước).
Ngày nay, tục xăm mình để chống thủy quái hay thể hiện tinh thần đoàn kết, dũng cảm chống giặc ngoại xâm không còn nữa. Thay vào đó là những trào lưu, thói quen xăm mình của giới trẻ thể hiện sự yêu thích những hình xăm “nghệ thuật” hay thể hiện cá tính riêng của bản thân. Do đó, ra đời nhiều hình thức săm nghệ thuật khác nhau.
Săm 3D khác săm 2D ở chỗ, săm 2D là những hình khối đơn giản, những mảng màu đơn sắc thì săm 3D đòi hỏi người thợ phải tạo được chiều sâu cho hình săm qua phương thức đánh bóng, tạo khối, mảng miếng và đòi hỏi tay nghề cao của người thợ và sự sáng tạo của họ. Chính từ những hình ảnh từ săm 3D tạo cảm giác như thật nên người xem sẽ có cảm giác “lạnh gáy”. Để cho ra đời một tác phẩm 3D hoàn chỉnh mất thời gian gấp rưỡi so với săm 2D, có khi nhiều hơn nếu như tác phẩm đó có nhiều chi tiết tỉ mỉ. Xăm 3D cũng như các phương thức xăm khác, đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người nếu như không sử dụng những phương thức an toàn y tế. Để xóa một hình săm 3D phải chấp nhận để lại sẹo, gây khó khăn đau đớn, còn nếu xóa xăm bằng việc đốt laze sẽ phải mất từ 5 đến 6 tháng với số tiền bỏ ra gấp hơn rất nhiều lần so với săm ban đầu.
Săm sẹo lồi là cách mà các bạn trẻ thể hiện đẳng cấp “dân chơi” của mình. Săm sẹo được thực hiện bằng cách các thợ săm dùng dụng cụ... lột da để tạo nên những hình xăm bằng sẹo. Với kiểu săm này, để tạo được những đường nét tạo dáng hình săm, người thợ vệ sinh rất kỹ vùng da bằng cồn, sau đó dán đề can lên da và dùng các công cụ để tạo thành từng đường nét cho “tác phẩm”. Với quan niệm cho rằng, ai sở hữu hình xăm sẹo thì người đó đủ gan lỳ, dũng cảm để vượt qua những đau đớn trong cuộc sống, các bạn trẻ lao vào thú chơi này như để khẳng định mức độ “chịu chơi” của mình. Thực tế, theo đánh giá, nhận xét của các chuyên gia sức khỏe, săm sẹo chỉ là một hình thức biến tướng của kiểu săm truyền thống, chứa nhiều yếu tố gây hại cho sức khỏe nếu không được khử trùng các dụng cụ y tế, khiến da hoại tử và khả năng lây truyền bệnh HIV cao, hoàn toàn không mang tính nghệ thuật.
Săm phản quang được dân chơi ưa chuộng và thích thú bởi sự khác lạ của nó. Cách thức săm cũng giống như những kiểu săm truyền thống khác. Tuy nhiên, loại mực dùng để săm là loại mực UV phản quang được mua về từ Thái Lan, Trung Quốc,... Khi săm loại mực này, thoạt nhìn sẽ không có gì khác biệt nhưng khi mặt trời tắt dần, những hình săm sẽ tự phát sáng. Theo nhiều người, thì khi đưa loại mực này vào cơ thể sẽ dễ khiến cơ thể bị phát ban, kích ứng, gây ung thư cao bởi chúng có chứa hóa chất gây ung thư. Nguy hiểm là vậy, nhưng do tính chất khác lạ nên hình thức săm này vẫn được các bạn trẻ ưa thích và săn lùng.
Săm đá thu hút chủ một bộ phận không nhỏ giới trẻ. Đặc biệt là bộ phận giới trẻ nữ do đây là hình thức săm mang tính thời trang cao, nhiều độc đáo, ấn tượng và dễ thực hiện. Xăm đá (Vajazzle) thực chất là một cách dán đá, cườm tạm thời lên da. Để đính các viên đá lên cơ thể, đầu tiên người thợ sẽ bôi một lớp sáp chuyên dụng có khả năng kết dính cao và sau đó, người thợ sẽ dán từng viên đá lên da theo một tạo hình nhất định một cách khéo léo. Đây là hình thức săm không quá khó nên các bạn trẻ thường ra những khu chợ bình dân để mua các loại đá và keo về tự làm. Hình thức săm đá này rất bắt mắt nên nhiều bạn trẻ lạm dụng gắn đá vào những vị trí nhạy cảm trên cơ thể hay thời hạn gắn những viên đá không nhiều nên khi tháo ra nhiều lần gây ảnh hưởng xấu tới da, dẫn tới sẹo lõm, sẹo lồi, ảnh hưởng tới thẩm mỹ.
Trong quá khứ, tổ tiên cha ông ta sử dụng hình săm như một thứ thể hiện những văn hóa tốt đẹp. Ngày nay, trào lưu săm hình không còn giữ được nguyên vẹn những giá trị đó mà biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau, với những suy nghĩ “khác người”. Dù sử dụng bất cứ hình thức săm nào, nhưng những hệ quả của nó để lại không hề nhỏ. Mất tiền bạc, mất thời gian, mất sức khỏe, mất thẩm mỹ,... Hơn nữa, việc phơi bày những hình săm cũng khiến người đối diện có cái nhìn không mấy thiện cảm.
Tác giả: Hoàng Linh
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tadri.org là vi phạm bản quyền