06:17 ICT Thứ ba, 15/10/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 527

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 526


Hôm nayHôm nay : 44944

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2481577

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 62240311

Trang nhất » Tin Tức » Xã hội học » Giáo dục

Quang cao giua trang
top

NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI – NHU CẦU VÀ XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN Ở VIỆT NAM

Tác giả: ThS.Thân Trung Dũng - Thứ năm - 25/06/2015 09:31
* Hình minh họa (Sư tầm internet)

* Hình minh họa (Sư tầm internet)

Nếu hình dung xã hội như một “cơ thể sống” thì trong nó luôn tồn tại những hiện tượng “bệnh lý” hoặc “khuyệt tật” kéo lùi sự phát triển của xã hội: tình trạng đói nghèo, tệ nạn ma túy, đại dịch HIV/AIDS, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, trẻ em bị sao nhãng và bị xâm hại; người già cô đơn, thực thi chính sách còn nhiều bất cập, tỷ lệ đối tượng được hưởng chính sách còn thấp v.v…Nhân viên CTXH chính là người điều trị “bệnh” và góp phần khắc phục những “khuyết tật” của xã hội.

Công tác xã hội là gì?

Hiện nay, có rất nhiều quan niệm khác nhau về nghề CTXH, song có thể hiểu theo định nghĩa của Hiệp hội Nhân viên CTXH Quốc tế thông qua tháng 7 năm 2000 tại Montréal, Canada (IFSW) như sau: "Nghề CTXH thúc đẩy sự thay đổi xã hội, giải quyết vấn đề trong mối quan hệ của con người, tăng năng lực và giải phóng cho người dân nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng thoải mái, dễ chịu. Vận dụng các lý thuyết về hành vi con người và hệ thống xã hội, CTXH tương tác vào những điểm giữa con người với môi trường của họ. Nhân quyền và Công bằng xã hội là các nguyên tắc căn bản của nghề". Hay có thể hiểu: CTXH là nghề giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa con người và con người, tiến tới xây dựng một xã hội hài hoà và hạnh phúc.

Nghề công tác xã hội thúc đẩy xây dựng một xã hội hài hòa và hạnh phúc

Bằng các phương pháp nghiệp vụ, nhân viên CTXH có thể can thiệp vào đời sống của cá nhân, gia đình, các nhóm xã hội và cộng đồng để nắm bắt được nhu cầu, những khó khăn về vật chất, tinh thần trong cuộc sống từ đó tìm phương cách giúp đỡ họ nâng cao kỹ năng và khả năng ứng phó với những khó khăn trong cuộc sống.

Với các gia đình có bạo lực, mâu thuẫn, khủng hoảng: nhân viên CTXH giúp đỡ các gia đình đánh giá các mối quan hệ không phù hợp và nâng cao khả năng để giải quyết các vấn đề của gia đình. Trong tình huống phải can thiệp về bạo lực gia đình, nhân viên CTXH xác định mục tiêu để từng thành viên của gia đình, và toàn thể gia đình có thể sống cùng nhau một cách an toàn, hòa thuận, giải quyết các bất hòa và xử lý các vấn đề của gia đình.

Trong các nhà trường: Có nhiều vấn đề trong cuộc sống có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập của học sinh, sinh viên như mâu thuẫn gia đình, bạo lực học đường v.v... Nhân viên CTXH sẽ tiến hành giáo dục và tham vấn cho học sinh, sinh viên giúp họ vượt qua những khó khăn trong học tập. Nhân viên CTXH có thể phối hợp với giáo viên để tham vấn cho giáo viên xây dựng môi trường học tập thuận lợi cho những học sinh, sinh viên có vấn đề, giải quyết các bất hòa giữa các nhóm học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, nhân viên CTXH được quyền cung cấp cho trẻ vị thành niên sự hỗ trợ về tâm lý xã hội, về pháp luật trước tòa án, cho dù trẻ là nhân chứng, nạn nhân hay bị cáo. Họ có thể đi cùng với trẻ em hoặc người chưa thành niên thay cho cha mẹ và người giám hộ.

Trong lĩnh vực sức khỏe: Tại các bệnh viện và phòng khám, nhân viên CTXH hỗ trợ về mặt tâm lý - xã hội cho các bệnh nhân và gia đình trong việc đối mặt với các tác động của bệnh tật, bao gồm việc đánh giá các khía cạnh xã hội, đóng góp cho bác sĩ quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh; cung cấp hỗ trợ tâm lý xã hội cho quá trình hồi phục của bệnh nhân và thu xếp những dịch vụ hỗ trợ điều trị bệnh cho bệnh nhân (nếu có sẵn dịch vụ). Ở Việt Nam chưa có các hoạt động này.

Bảo trợ xã hội cho người già cô đơn: nhân viên CTXH đánh giá nhu cầu về khía cạnh xã hội của người già cô đơn để mang lại cho họ những hỗ trợ về mặt tâm lý xã hội và các dịch vụ chăm sóc (nếu sẵn có sẵn dịch vụ). Đồng thời, họ cũng đóng vai trò là cán bộ quản lý, chăm sóc, điều phối dịch vụ cho người già cô đơn, giám sát những thay đổi trong nhu cầu của họ để tìm kiếm dịch vụ thích hợp.

Bảo trợ xã hội cho người tàn tật: nhân viên CTXH đánh giá nhu cầu về khía cạnh xã hội của người tàn tật. Đồng thời, họ cũng đóng vai trò là người quản lý trường hợp, hỗ trợ người tàn tật tiếp cận những dịch vụ phù hợp và duy trì tiếp cận một loạt các dịch vụ phối hợp tốt nhất. Trong trường hợp cần thiết, nhân viên CTXH cung cấp hỗ trợ tâm lý xã hội cho người tàn tật và gia đình của họ.

Phát triển cộng đồng: nhân viên CTXH giúp khu phố, cụm dân cư nhận diện các vấn đề trong cộng đồng và hỗ trợ họ tìm những nguồn lực cần thiết để giải quyết vấn đề của khu phố, cụm dân cư của mình. Nhân viên CTXH cũng có thể giúp đỡ cộng đồng bày tỏ ý kiến về các vấn đề phát triển và truyền tải những vấn đề này đến các cấp chính quyền và những nhà hoạch định chính sách có liên quan.

Nghiên cứu và hoạch định chính sách xã hội: nhân viên CTXH tiến hành nghiên cứu các vấn đề xã hội có tác động đến xã hội. Họ cũng hỗ trợ chính quyền xây dựng và thực hiện các chính sách và chương trình an sinh xã hội, đóng vai trò là tham mưu chính sách và cán bộ quản lý chương trình tại các cơ quan nhà nước.

Góp phần giải quyết tệ nạn xã hội: Các dịch vụ CTXH hỗ trợ các trung tâm cai nghiện, trung tâm phục hồi nhân phẩm cho gái mại dâm và những người vi phạm pháp luật cũng như các trung tâm chăm sóc và hỗ trợ cho những người bị nhiễm HIV/AIDS, những phụ nữ bị buôn bán qua biên giới trở về hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, nhân viên CTXH cũng có vai trò quan trọng trong nhều lĩnh vực khác như công tác quy hoạch đô thị để đáp ứng nhu cầu của về nhà ở, việc làm cho người nghèo, các nhóm yếu thế trong xã hội.

Đó là những lĩnh vực cơ bản mà nhân viên xã hội phối hợp với các ngành và các tổ chức chính quyền để có thể đáp ứng được các nhu cầu của cá nhân, nhóm xã hội góp phần xây dựng một xã hội hài hoà và hạnh phúc.

Nhu cầu và xu hướng phát triển nghề CTXH chuyên nghiệp

Ở nhiều quốc gia từ gần thế kỷ nay, CTXH đã được xem là một nghề mang tính chuyên nghiệp với sự tham gia đông đảo của đội ngũ cán bộ xã hội được đào tạo ở các trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, trong khi Việt Nam CTXH chưa trở thành một nghề chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trước những biến đổi hết sức to lớn của quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra như vũ bão, những thách thức khắc nghiệt của thiên nhiên như dịch bệnh, động đất, sóng thần, bão lũ, nghèo đói, bạo lực, gia đình đơn thân, ly tán v.v…Việt Nam rất cần có những nhân viên CTXH chuyên nghiệp. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, năm 2004 mã đào tạo nghề này đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo đưa vào hệ thống đào tạo, hiện có gần 40 trường CĐ, ĐH trong cả nước triển khai tuyển sinh khoảng 2000 sinh viên chuyên ngành CTXH. Tiếp đó, ngày 25 tháng 3 năm 2010, Thủ Tướng Chính phủ đã phê duyết đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020. Theo đó, “trong giai đoạn 2010 - 2020, tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng để nâng cao năng lực cho 60.000 cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội”. Điều này chứng tỏ Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến vấn đề đào tạo ngành CTXH trong bối cảnh hiện nay.

Thực tiễn đã chỉ ra rằng, xã hội càng phát triển thì càng nhiều vấn đề xã hội nổi lên đòi hỏi những biện pháp khắc phục. Sự xuất hiện và phát triển của nghề CTXH là tất yếu khách quan, sẽ đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội, góp phần quan trọng trong việc điều chỉnh những khuyết tật của xã hội, hướng tới xây dựng một xã hội hài hoà, bình đẳng và hạnh phúc cho mọi người./.

Tác giả: ThS.Thân Trung Dũng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất