07:48 ICT Thứ sáu, 20/09/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 954

Máy chủ tìm kiếm : 126

Khách viếng thăm : 828


Hôm nayHôm nay : 64265

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2621812

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 58040853

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển

Quang cao giua trang
top

Khi mẹ Nhật, Mỹ và mẹ Việt cho con học vỡ lòng

Tác giả: Nguyễn Anh Thi - Thứ tư - 17/09/2014 09:56
Ảnh: Lê Anh Dũng

Ảnh: Lê Anh Dũng

Cách đánh giá mới chỉ là bề nổi của tảng băng. Sự thay đổi cần được diễn ra ở cấp độ sâu hơn, đó là thay đổi bản chất của việc dạy và học.

Áp lực cho học sinh ở xứ ta  vốn đã nặng nề ngay từ tiểu học. Dùng cách đánh giá thay cho chấm điểm đang là một cải tiến mới nhằm giảm sức ép cho học sinh. Nhưng tính khả thi của cách làm này đang tiếp tục được bàn cãi. Bởi điều mà học sinh và phụ huynh  mong muốn không chỉ là thay đổi cách đánh giá, mà phải tháo gỡ toàn bộ những áp lực học hành không cần thiết cho cấp học này.

Học ở đâu… sướng hơn

Mẹ bé Ring, một người VN cho  con qua Mỹ học. Cô cho biết khi vào lớp 1, cả buổi bé chỉ học ba điều là Be safe, Be respectful, Be responsible, (An toàn, Tôn Trọng, (biết chịu) Trách nhiệm).

Sau đó, các bé không học chữ ngay mà được đi thăm quan trường lớp, thư viện, phòng máy tính và ngồi tô màu, đọc sách. Trong suốt tháng đầu tiên, cả lớp lại điền thêm những điều mình biết lên một một tờ giấy to phân loại ba mục An toàn, Trách nhiệm, Tôn trọng.  Hàng ngày các bé được đánh giá qua bảng có  4 màu đỏ, vàng, xanh lá, xanh biển. Màu đỏ là thấp nhất và xanh biển là tốt nhất. Sau một tháng,bé đã hiểu rất rõ những gì được học.

Ring luôn nhắc mẹ đưa đi học đúng giờ nếu không là không tôn trọng cô giáo và các bạn trong lớp.

Còn mẹ Masao, người VN cho con đi học tiểu học tại Nhật kể: “Ở Nhật, SGK, chương trình, phương pháp dạy đều thế hiện rõ phương châm: dạy trẻ trở thành người sáng tạo và có ước mơ. Người ta không dạy trẻ con học thật nhiều chữ hay làm những bài toán khó”…

Mẹ bé cho biết thêm: Ngồi tìm hiểu SGK bậc tiểu học ở Nhật, không thấy có chỗ nào dạy trẻ con nói hay viết những điều chung chung như học tập tốt, lao động tốt; "phải" hiếu thảo với ông bà cha mẹ; "phải" khoanh tay lên bàn mắt nhìn lên bảng...

Môn đạo đức lớp 1 toàn bài tập thực hành kiểu: quan sát xem ông bà cha mẹ cười tươi vào lúc nào, em nghĩ nên làm gì để cho người thân của mình cười tươi hằng ngày và làm thử xem kết quả ra sao. Ra công viên thì tìm sọt rác chỗ nào; công viên là nơi công cộng nên phải để ý không làm phiền những người xung quanh… Trường tiểu học không có các lớp bồi dưỡng Văn, Toán mà chỉ có các đội hợp xướng, đội bóng chày, đội bơi thành tích cao... Vì thế, trẻ em đi học khi nào cũng vui tươi và thích thú.

Lớp học ở Nhật và Mỹ đều không đông. Lớp ở trường công đông thì trên 20 em. Còn trường tư chỉ có 7-10 em là nhiều. Vì vậy nên thày cô rất dễ theo dõi các bé. Trẻ  cũng tự đi học bằng xe bus do trường đón hàng ngày và không mang cặp sách nặng vì có thể để sách ở lớp. Hơn nữa, các em cũng không học quá nhiều môn.

Trong khi ở VN, mẹ bé Sa rất vất vả chở bé hàng ngày đến trường. Sau khi gửi xe, mẹ mang giùm cái cặp sách nặng hàng chục ký, trong đó thôi thì đủ loại SGK, tập vở, sách bài tập… mà trường yêu cầu. Nhưng mẹ cũng chỉ xách thay cho con đến cổng trường, còn sau đó con phải tự mang. Mẹ bé nói nhìn con bé tí xíu xách cái cặp oằn lưng đi lên cầu thang mấy tầng lầu không tài nào chịu nổi.

Mới tiểu học, nhưng bé Sa phải học rất nhiều. Môn Toán với nhiều bài khó. Học tập viết cho đẹp, mà kiểu chữ viết phải đúng như hướng dẫn của cô. Mẹ bé ngày xưa học kiểu chữ khác nên giờ cũng không biết kèm con thế nào. Còn dạy tập làm văn thì cô cho chép văn mẫu… Mẹ cũng chẳng biết làm sao để có thể chỉ bé cách viết văn khác với bài mẫu vì sợ bé làm bài không theo ý cô.

Tiếng Anh,Nhạc, Họa và các môn kỹ năng mà môn nào cũng phải học lý thuyết khá nhiều… Lớp bé đông quá, đến hơn 50 học sinh, ăn uống thì vạ vật vì học bán trú. Đó là chưa kể bé vẫn phải đi học thêm để theo kịp chúng bạn… Nhiều khi nhìn bé đi học mà thấy như đi bộ đội, vất vả vô cùng.

Đánh giá là bề nổi của tảng băng

Đã đi học thì phải có đánh giá.

Cấp tiểu học năm nay ở ta đã được thay đổi cách đánh giá. Thay vì cho điểm, cô giáo sẽ nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, một số năng lực, phẩm chất của học sinh.  Nhưng nội dung đánh giá đâu phải đơn giản.

Nào là quá trình học, sự tiến bộ và kết quả học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn và hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Sự hình thành và phát triển một số năng lực như: tự phục vụ, tự quản, giao tiếp, hợp tác, tự học và giải quyết vấn đề; sự hình thành và phát triển một số phẩm chất: chăm học, chăm làm, tích cực tham gia hoạt động giáo dục, trung thực, kỷ luật, đoàn kết. Chưa kể một mình cô phải xoay xở với 50-60 học sinh, đâu phải dễ dàng mà đánh giá cho chuẩn.

Vấn đề rõ ràng không chỉ ở cách đánh giá. Nhìn vào chương trình và cách học hiện nay ở trường tiểu học VN, Nhật và Mỹ có thể thấy Nhật và Mỹ thiên về giáo dục các kỹ năng sống căn bản trước khi giáo dục kiến thức.

Và trong trường tiểu học ở Mỹ, thày cô vẫn dùng cách đánh giá theo mức điểm từ A đến F và  đồng thời cũng dùng cả cách đánh giá bằng các lời nhận xét. Nhưng các bé không bị áp lực nặng nề  do cách dạy và những gì các bé được học. Hơn nữa, Mỹ không thi tốt nghiệp tiểu học, trung học cơ sở và cả tốt nghiệp trung học phổ thông cũng không có lưu ban. Học lớp nào xong là được ghi nhận lớp đó. Kết quả học thế nào là do tự nỗ lực mà thôi.

Tại các trường tiểu học ở Nhật vẫn có các bài kiểm tra nhưng không có các kì thi cuối kì và thi vào trường chuyên đầy ác mộng. Tương tự  Mỹ,  học sinh tiểu học ở Nhật không lo bị đội sổ hay đúp.  Trẻ em có thể không bị đánh giá khi làm toán kém, viết chữ xấu nhưng có thể bị đánh giá khi không trả lời được câu hỏi: Lớn lên con muốn làm gì? Ước mơ của con là gì?...  

Cách đánh giá mới chỉ là bề nổi của tảng băng. Sự thay đổi cần được diễn ra ở cấp độ sâu hơn, đó là thay đổi bản chất của việc dạy và học.

Chỉ khi nào giáo dục tiểu học ở Việt Nam thực sự gắn với mục tiêu đào tạo ra những con người có kỹ năng sống tốt trước khi là những con người có kiến thức thì lúc đó chương trình dạy và học sẽ trở nên hợp lý hơn, bớt lý thuyết suông và áp lực nặng nề. Khi đó, học sinh mới có cảm giác tự tin và thoải mái khi học hành.

 

Tác giả: Nguyễn Anh Thi

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất