15:38 ICT Thứ ba, 19/03/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 414

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 413


Hôm nayHôm nay : 81985

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1946431

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 33282852

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển » Phong tục xưa và nay

Quang cao giua trang
top

Tình người trong bữa cơm gia đình người Việt

Tác giả: Trung Dũng - Lê Na - Thứ tư - 29/10/2014 13:09
*Ảnh minh hoạ (nguồn internet)

*Ảnh minh hoạ (nguồn internet)

Trong gia đình truyền thống Việt Nam, bữa cơm là nơi để các thành viên thể hiện sự quan tâm, yêu thương và gắn kết với nhau. Song trong xã hội hiện đại, sự bận rộn cùng với những thói quen ăn cơm tại các nhà hàng đã làm cho bữa cơm gia đình - một nét văn hoá truyền thống vốn quý của dân tộc đang dần trở nên xa lạ.
Bữa cơm gia đình – nét văn hoá truyền thống của người Việt
Nếu người Phương Tây không coi trọng bữa cơm gia đình, con cái trưởng thành đều ra ở riêng thì người Việt lại có thói quen cả nhà cùng nhau dùng bữa cơm chiều. Đó là lúc ông bà, cha mẹ, con cái, anh chị em quây quần bên nhau cùng ăn những món ăn ưa thích do bà hoặc mẹ nấu, kể chuyện trường lớp, công việc cho nhau nghe rồi cùng cười, cùng bàn luận trong bầu không khí rất ấm cúng và thân mật. Bữa cơm gia đình không chỉ đơn giản là cung cấp những món ăn có chất lượng để bảo vệ sức khỏe mà còn là phương tiện để thể hiện tình cảm và sự quan tâm chia sẻ giữa các thành viên qua đó có thể  nâng cao chất lượng cuộc sống và giáo dục lối sống lành mạnh cho con cái.
Bữa cơm gia đình còn được xem như là linh hồn của sự đoàn tụ yêu thương, nuôi dưỡng tâm hồn con người, tạo nên tình cảm thắm thiết giữa các thế hệ trong gia đình, đó cũng là lúc hai từ “sum họp” trọn vẹn ý nghĩa nhất. Bữa cơm không chỉ là nơi gắn kết các thành viên lại gần nhau, hình thành truyền thống gia đình mà còn tạo nên nét độc đáo riêng biệt trong văn hóa gia đình Việt. Bữa cơm gia đình vui vẻ, đầm ấm chính là sợi dây vô hình gắn kết tình thân của các thành viên trong gia đình.
Nơi thể hiện tình cảm, sự quan tâm chia sẻ
Bữa cơm gia đình không chỉ thuần tuý là bữa ăn hàng ngày, mà nó còn là dịp để gia đình sum họp quây quần bên nhau sau một ngày làm việc vất vả khi mà nhiều gia đình cha mẹ đi làm, con cái đi học thường phải ăn cơm tại cơ quan, trường bán trú. Bữa cơm không chỉ cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động mà còn chứa đựng nhiều giá trị tinh thần tâm lý, tình cảm sâu sắc. Đó là sự thương yêu, quan tâm đến niềm vui, nỗi buồn giữa mỗi thành viên tạo nên mối quan hệ bền chặt trong gia đình. Trong bữa cơm gia đình các thành viên có dịp thể hiện sự quan tâm, chia sẻ qua đó có thể tìm hiểu, cảm thông, giúp đỡ, hoá giải những vướng mắc hoặc những áp lực mà mỗi người gặp phải trong cuộc sống. Tình thương và sự liên kết là liều thuốc quý giá nhất đối với mỗi người, và cũng là liều thuốc chống stress hữu hiệu. Theo tiến sĩ Emmett E. Miller, một chuyên gia về quản lý stress ở California, Mỹ thì “mỗi người nên dành một thời khắc nhất định trong ngày để trải nghiệm yêu thương với những người mà mình yêu quý”. Trong cuộc sống bận rộn, sự chăm chút cho nhau trong những bữa ăn đôi khi lại là những thời khắc quý giá hiếm hoi để thể hiện tình thương và sự quan tâm, chia sẻ. Bữa cơm gia đình là nơi mà mọi người trong gia đình mong đợi được ăn những món ăn ngon truyền thống, chia sẻ những niềm vui, nhận những lời động viên an ủi. Bữa cơm gia đình cũng là nơi chị em phụ nữ thể hiện sự khéo léo, tận tâm với chồng con qua việc tạo ra những bữa ăn ngon đem lại niềm vui và sức khỏe cho các thành viên gia đình. Bữa cơm gia đình ngon, đầm ấm còn là thế mạnh để thu hút lôi cuốn người đàn ông luôn nhớ tới tổ ấm của mình, là chất keo gắn bó mọi thành viên trong gia đình lại với nhau. Trong bữa cơm gia đình, người Việt thường thể hiện những đạo lý quan trọng thông qua hoạt động ăn uống là tình cảm nồng thắm, thủy chung, giản dị thanh bạch nhưng có tình có nghĩa. Vì thế, xây dựng và tổ chức tốt bữa ăn gia đình không chỉ đảm bảo sức khỏe, sự an toàn mà còn bảo đảm hạnh phúc của mọi thành viên.
Bữa cơm gia đình và đặc biệt là bữa cơm gia đình nhiều thế hệ là một môi trường văn hóa, một không gian văn hóa thể hiện một quá trình tiếp nối và bảo lưu văn hóa khá độc đáo của người Việt. Ở đây, mọi yếu tố văn hóa không chỉ chuyển tải trong chuyện ăn gì mà còn luôn luôn được gìn giữ trong khuôn phép cổ truyền, một lối ăn theo trật tự truyền thống.
Nơi giáo dục ý thức đoàn kết và lòng vị tha
Trong nghiên cứu “The health benefits of having a family meeting” (Những lợi ích về sức khoẻ của bữa ăn gia đình) được đăng trên www.associatedcontent.com, tiến sĩ L.R. Newberry cho rằng “tập quán tham dự những bữa ăn gia đình sẽ giúp trẻ dễ có được ý thức thuộc về một gia đình, thuộc về một tập thể qua đó phát triển ý thức đoàn kết, lòng vị tha và xây dựng được trách nhiệm “mình vì mọi người””.
Qua bữa cơm gia đình chúng ta giáo dục cho mỗi thành viên, đặc biệt là con trẻ hiểu được đạo lý “nhường cơm xẻ áo”, “kính trên nhường dưới” của dân tộc qua việc gắp thức ăn cho ông bà, cha mẹ và khuyên dạy con trẻ không tranh giành phần của người khác. Đó là cách giáo dục cụ thể, thiết thực, đời thường về ý thức san sẻ vui thú hay khổ đau giữa anh em trong gia đình và ra cả cộng đồng.
Khác với người phương Tây, trong bữa cơm gia đình, chúng ta không chia mỗi người một suất mà ăn chung, cùng đĩa, bát, cùng trong một mâm, lại còn chấm chung một chén nước mắm. Đó là tính cộng đồng. Ngồi quây quần quanh mâm, con cháu tiếp thức ăn cho ông bà, bố mẹ, chị gái gỡ thịt, gỡ cá cho em nhỏ. Thật đầm ấm và tình cảm biết bao!
Các cụ ta còn khuyên, bữa cơm phải vui vẻ chan hòa, không được biến bữa ăn thành nơi mách nhau tội lỗi, mặt nặng mày nhẹ mà cũng không chê bai nấu ăn không ngon, món ăn mặn, nhạt… nên bữa ăn đã thành kỷ niệm của mỗi thành viên gia đình.
Dù no, dù đói cho tươi”,
Chớ eo xèo khi đãi khách, đừng hậm hực lúc ăn cơm
Hoặc “Râu tôm nấu với ruột bầu/
Chồng chan, vợ húp gật gù khen ngon
Theo các cụ tình cảm và nhân cách trong bữa ăn cần được coi trọng. Ở nhà, bữa ăn dù no dù đói phải vui vẻ, đầm ấm, thể hiện tình cảm với người già, cha mẹ, con cái, tình nghĩa vợ chồng no đói bên nhau. Khi có khách đến nhà thì “dù no dù đói cho tươi”, không phải mâm cao, cỗ đầy mới là quý khách mà cái cần là tình cảm, sự quý trọng và ân cần với khách để có khi chỉ cơm rau nhưng ghi lại một kỷ niệm đẹp, một sự quan tâm sưởi ấm lòng để khách còn nhớ mãi trên mọi nẻo đường đời.
Đôi lời kết luận
Bữa cơm gia đình đóng vai trò quan trọng trong văn hóa gia đình người Việt. Nó nuôi lớn tâm hồn của mỗi con người trong xã hội hiện đại. Dù cho bất cứ ai có ngược xuôi trên khắp nẻo đường đời thì vẫn không thể nào quên được hương vị của bữa cơm gia đình - một nét đẹp văn hóa truyền thống trong gia đình Việt Nam.
“Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”
Bữa cơm gia đình không chỉ là cung cấp năng lượng vật chất cần thiết cho sự sinh tồn của các thành viên, bồi dưỡng sức khoẻ cho họ mà còn chứa đựng những giá trị tinh thần tâm lý, tình cảm sâu sắc. Đó là sự quan tâm đến tâm trạng vui buồn của mỗi cá nhân, là vun đắp những mối quan hệ tình cảm ấm áp giữa các thành viên. Đó là tình người, là hạnh phúc gia đình đơn sơ, mộc mạc những đáng quý biết bao!
 

Tác giả: Trung Dũng - Lê Na

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất