18:55 ICT Thứ hai, 11/11/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 628


Hôm nayHôm nay : 140668

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2031006

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 67352888

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển » Người xưa dạy chúng ta

Quang cao giua trang
top

VỀ QUAN HỆ VUA VÀ DÂN TRONG NHO GIÁO

Tác giả: GS VŨ KHIÊU - Thứ ba - 02/06/2015 09:32
VỀ QUAN HỆ VUA VÀ DÂN TRONG NHO GIÁO

VỀ QUAN HỆ VUA VÀ DÂN TRONG NHO GIÁO

Quan điểm nho giáo về “dân là gốc” đến nay vẫn rất đáng được quan tâm. Lấy dân làm gốc cũng là quan điểm trị nuớc cơ bản của nho giáo. “Dân là quý, kế đó là xã tắc, vua là nhẹ”. Thiên thời, địa lợi, chẳng bằng nhân hòa. Lương thực đủ, binh lực đủ, chẳng bằng được dân tin cậy. Người cai trị tài đức, làm gương cho dân, lúc nào cũng hết lòng lo việc dân việc nước, thì “khi sống được dân tôn vinh, khi chết được dân thương tiếc”

VUA, QUAN VÀ DÂN
 
Với nho giáo, “đâu cũng là đất của vua, ai cũng là dân của vua”. Nước chỉ là vật sở hữu của một số ít người có “đức sáng” và được “mệnh trời”. Tôn ti trật tự được thiết lập từ trên xuống dưới. Nước nhỏ tôn thờ nước lớn, nước lớn che chở nước nhỏ. Chư hầu thần phục Thiên tử, Thiên tử ôm ấp (bảo hộ) chưa hầu. Đối với bàn dân thiên hạ, vua phải làm gương đạo đức từ đời này đến đời khác. Vua nhân nghĩa thì mọi người nhân nghĩa và vua trở thành vô địch. Ngược lại, vua bất nhân, tàn  bạo, tất không tránh khỏi họa diệt vong. “Vua bởi dân mà còn, cũng bởi dân mà mất”.
 
Vua phải dạy dỗ dân, lo cho dân “có hằng sản thì mới có hằng tâm”, cùng no đói, vui buồn với dân. “Dân thích điều gì, vua thích điều đó; dân ghét điều gì, vua ghét điều đó; thế mới đáng gọi là cha mẹ dân vậy”.
 
Đối với bề tôi, vua phải giữ lễ và đối xử trọng hậu; dùng người tài đức đủ sức khuyên răn mình, chứ không dùng những hạng quan chức chỉ biết tuân lệnh. “Vua mà coi bề tôi như bùn rác, thì bề tôi sẽ coi vua như kẻ cướp, người thù”.
 
Trong đạo thờ vua, bề tôi phải hết lòng. “Thờ vua cốt để đưa vua lên đường đạo đức”, không được như vậy thì thà thôi việc đi. “Làm quan lớn ở triều đình mà để đạo lớn không được thi hành, đó là điều sỉ nhục”. “Nước nhà yên ổn, vẫn ăn lương; nước nhà loạn lạc, cũng vẫn ăn lương, đó là điều sỉ nhục”.
 
Đối với dân, người làm quan phải biết sai khiến cho hợp lẽ, ban ân huệ và trông nom đời sống của dân, thấy dân đói khổ thì hết lòng cứu vớt, có vậy mới được dân tin yêu; khi gặp tai biến thì dân mới liều chết mà tiếp cứu cho mình.
 
Tư cách người làm quan gắn liền với tư cách kẻ sĩ. Người làm quan, đáng được gọi là kẻ sĩ, phải là người có tiết tháo, “thà chịu chết để giữ trọn đạo”, là người có trí lớn trên “đường xa gánh nặng”, không mong được ăn ở sung sướng, không luồn lọt để tiến thân, với bạn bè thì thiết tha tình nghĩa, với anh em thì giữ niềm hòa duyệt; thời bình hay thời loạn, làm quan hay ở ẩn, không bao giờ rời đạo lý.
 
CÁCH CAI TRỊ DÂN
 
“Đạo lý được  thi hành thì thiên hạ là chung”. Theo quan điểm nho giáo, nhằm tiến tới một xã hội viễn tưởng: thiên hạ đại đồng, trên dưới hòa mục…, công cuộc trị nước, an dân phải quán triệt một đường lối cơ bản: “Lấy đức để cai trị”, như vậy thì “mọi người đều theo, như sao Bắc Đẩu ở yên một chỗ mà mọi vì sao đều chầu theo…”, “như ở vùng đất tốt thì cây cối dễ sinh sôi”. Cho nên, có đức thì có tất cả. Vua Thuấn không cần làm gì mệt nhọc mà thiên hạ vẫn được thái bình.
 
“Dân là gốc”. Đây cũng là quan điểm có tính đường lối. “Dân là quý, kế đó là xã tắc, vua là nhẹ”. Thiên thời, địa lợi, chẳng bằng nhân hòa. Lương thực đủ, binh lực đủ, chẳng bằng được dân tin cậy. Người cai trị tài đức, làm gương cho dân, lúc nào cũng hết lòng lo việc dân việc nước, thì “khi sống được dân tôn vinh, khi chết được dân thương tiếc”. Nhưng … “sai khiến dân thì cứ sai khiến, không cần giảng giải ”.
 
Các chính sách cụ thể, các phép cai trị về nhiều mặt, đều thể hiện những đường lối, quan điểm như trên; đồng thời có sự phân biệt đẳng cấp, phân vị rõ rệt. Người làm việc trí óc thì cai trị dân chúng, người làm việc chân tay thì chịu quyền điều khiển. “Không có hạng người quân tử, thì chẳng có ai để cai trị hạng quê mùa; không có hạng quê mùa thì chẳng có ai để nuôi hạng quân tử”. Đối với nghề nông, cần chia ruộng đất phân minh, tránh huy động dân công trong thời vụ bận rộn… (nhưng người quân tử thì không nên làm nghề ấy). Thuế má nói chung nên nhè nhẹ, nhưng không thể nhẹ quá. Của cải làm ra phải càng nhiều, nhưng tiêu sài phung phí phải càng ít. Bảo đảm cho người sống được ấm no, người chết được chôn cất đủ lễ. Bốn hạng người cùng khổ nhất (quan, quả, độc, cô) phải được quan tâm cứu giúp trước nhất.
 
Pháp luật phải thể hiện được nhân đức. “Quân tử như gió, tiểu nhân như cỏ, gió thổi qua thì cỏ rạp xuống”, do đó cần gì phải chém giết để dọa người; xử kiện thì xử, nhưng “làm thế nào để không có kiện tụng chẳng hơn hay sao?”. Tuy vậy, bọn giết người cướp của là bọn đại gian ác, cùng bọn tội phạm chiến tranh, đều phải trừng trị thật nặng.
 
Trọng hiền là một chính sách lớn. Dùng được người hiền thì làm nên nghiệp lớn, không dùng được người hiền thì mất nước. Người ở ngôi cao phải rất thận trọng, tinh tường trong việc tìm tòi, lựa chọn, cử dùng những bậc hiền tài, không thành kiến vì thành phần liên quan; không thành kiến nhìn vào việc nhỏ để đánh giá tài năng lớn. Đối xử với người hiền, phải rất mực chân thành, kính trọng. Không được cậy mình là bậc vương công mà không giữ đủ lễ trong khi tiếp xúc. “Những lễ phép giả dối đều không ràng buộc được người quân tử”.
 
Bài học về lấy dân làm gốc của Nho giáo cần được nghiên cứu kỹ để gạn đục khơi trong, phát huy những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực hướng tới mục tiêu phát triển đất nước.
 

Tác giả: GS VŨ KHIÊU

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất