18:21 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 478


Hôm nayHôm nay : 62797

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2894887

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 34231308

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển » Hoạt động nghiên cứu

Quang cao giua trang
top

Những bản đồ cổ nói lên điều gì?

Tác giả: - Thứ hai - 30/06/2014 10:47
Những bản đồ cổ nói lên điều gì?

Những bản đồ cổ nói lên điều gì?

Nhân dịp đăng tải một số bài viết về những đặc trưng văn hóa và con người vùng biển đảo Việt Nam, chúng tôi cũng xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những tấm bản đồ xưa về biển Đông. Qua những tư liệu quý báu được trình bày ở đây, chúng ta càng củng cố thêm niềm tin về chủ quyền thiêng liêng, không thể bàn cãi được của nước ta đối với các vùng biển đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa vàTrường Sa .
1.Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư
 
Đây là bản đồ được in trong tập bản đồ Việt Nam do Đỗ Bá Soạn vẽ vào khoảng giữa của thế kỷ XVII. Khi chú giải thêm ở bên trên của bản đồ, Đỗ Bá Soạn đã giải thích rằng bản đồ này miêu tả khu vực phủ Qoảng Ngãi, trong đó  ghi rõ " Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, do họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến khai thác sản vật..."
Ban-do-Vn-1_w_500
Bản đồ Quảng Ngãi giữa  thế kỷ XVII
“… Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng dựng giữa biển, từ cửa biển Đại Chiêm(1) đến cửa Sa Vinh(2). Mỗi lần có gió Tây Nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong  trôi dạt ở đấy; có gió Đông Bắc thì thương thuyền chạy ở ngoài cũng trôi dạt ở đấy, đều cùng chết đói hết cả, hang hóa thì đều để nơi đó. Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến lấy hàng hóa, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn. Từ cửa Đại Chiêm vượt biển đến đấy thì phải một ngày rưỡi. Từ cửa Sa Kỳ đến đấy thì phải một ngày rưỡi…”
                                               ( Theo tư liệu của Viện nghiên cứu Hán Nôm)
2. Đại Nam Nhất Thống toàn đồ
 
Đây là bản đồ chính thức về nước Việt Nam vào  thời Nguyễn vẽ vào khoảng năm 1838. Trên bản đồ chúng ta có thể thấy rõ hai tên “Hoàng Sa” và “Vạn Lý Trường Sa” thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Chúng ta đều biết, vào thời kỳ này, chính các vua Nhà Nguyên đã nhiều lần khẳng định chủ quyền của mình tại đây. Nhiều sách cổ đã chép về việc tuần tra, canh gác và khai thác sản vật của của người Việt trên các quần đảo trên.
 
Sách “Đại Nam Thực Lục Chính Biên” - bộ sử ký do Quốc sử quán nhà Nguyễn soạn đã  viết về sự kiện Gia Long chiếm các đảo Hoàng Sa năm 1816, sự kiện Minh Mệnh cho xây miếu, dựng bia trồng cây, đo đạc, vẽ bản đồ các đảo này.
 
"Năm Bính Thân, niên hiệu Minh Mạng thứ 17 (1836), mùa xuân tháng giêng, ngày mồng 1...Bộ Công tâu: Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu. Trước kia  đã phái vẽ bản đồ mà hình thể nó xa rộng, mới chỉ được một nơi, cũng chưa rõ ràng. Hàng năm nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển. Từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, xin phái thủy quân và vệ Giám thành đáp một chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi, bắt hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định thuê bốn thuyền của dân, hướng dẫn ra đúng xứ Hoàng Sa, không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào; khi thuyền đi đến cũng xét xem xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều rộng, chiều cao, chu vi và nước biển xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thể hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ. Lại xét ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến xứ ấy, căn cứ vào đường đi, tính ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ biển, đối thẳng vào là tỉnh hạt nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm. Nhất nhất nói rõ, đem về dâng trình”.
“Vua y lời tâu, phái suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi, chuẩn cho mang theo 10 cái bài gỗ, đến nơi đó dựng dấu ghi (mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt bài khắc những chữ ‘Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân, thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”.
                                     “Đại Nam thực lục chính biên”. Quyển 165
Dai%20Nam%20nhat%20thong%20toan%20do%201834
 
3. An Nam Đại quốc họa đồ
 
 
Đây là tấm bản đồ Việt Nam được ghi trong cuốn Từ điển La tinh - Việt Nam của giám mục Jean Louis Taberd xuất bản năm 1838 viết bằng 3 thứ ngôn ngữ: Hán, Quốc ngữ và Latin. Bản đồ có ghi “Paracel seu Cát Vàng”, nghĩa là “Paracel hoặc là Cát Vàng”. Chính Giám mục Taberd trong bài viết in trên tạp chí The Journal of the Asiatic Society of Bengal vào năm 1837 cũng đã khẳng định: “Paracels, hay Pracel, tức là Hoàng Sa - Cồn Vàng, thuộc về Cochinchina”.
Anh-ban-do_w_450
Bản đồ Việt Nam trong cuốn Từ điển La tinh-Việt Nam xuất bản năm 1838
 
 
4. Rất nhiều những bản đồ cổ phương Tây vẽ Hoàng Sa của Việt Nam
           Theo giáo sư Nguyễn Quang Ngọc thì : “Từ thế kỷ XVI trở về trước, các nhà hàng hải phương Tây đã có nhiều ghi chép và vẽ bản đồ xác định vùng quần đảo giữa Biển Đông là Baixos de Chapar (Bãi đá ngầm Chămpa)hay Pulo Capaa (Đảo của Chămpa). (Bản đồ Thế giới của Mercator xuất bản tại Amsterdam (Hà Lan) 1606, in lại trong cuốn Asia in Maps from Ancient time to the Mid-19th Century, Lepzig, 1989) và đoạn bờ biển tương đương với khu vực từ cửa biển Đại Chiêm (Quảng Nam) đến cửa biển Sa Kỳ (Quảng Ngãi) được gọi là Costa da Pracel (Bờ biển Hoàng Sa) (Bản đồ Bartholomeu Lasso vẽ năm 1590 và 1592-1594, in trong cuốn sách Les Portugains sur les côtes du Vietnam et du Cămpa của P.Y.Manguin, Paris, 1972; Bản đồ Van Langren 1598, in trong cuốn Iconographie Historique de l’Indochine của P.Boudet và A.Masson, Paris, 1931). Như thế từ rất lâu đời các nhà hàng hải phương Tây đã coi các quần đảo giữa Biển Đông có quan hệ hữu cơ với vùng bờ biển Đàng Trong. Bước sang thế kỷ XVII, số lượng tầu thuyền của người phương Tây đi đến vùng biển này thường xuyên hơn và nhận thức của họ về các quần đảo giữa Biển Đông cũng phong phú và chính xác hơn. Nhiều tư liệu chép đến các vụ đắm tầu ở Paracel được người Đàng Trong ra tận nơi cứu hộ rồi đưa các nạn nhân về Quảng Nam. Chính quyền Đàng Trong đã dành cho mình quyền giải quyết hậu quả và xử lý các hàng hoá tiền bạc trên các tầu bị đắm ở Hoàng Sa. Chính vì thế mà vào năm 1701, các giáo sĩ người Pháp trên tầu Amphitrite khẳng định: “Paracel là một quần đảo thuộc về vương quốc An Nam”
 
Ban%20do%20Viet%20Nam%20-%20Cong%20ty%20Dong%20An%20-%20Ha%20Lan
Bản đồ bán đảo Đông Dương của Công ty Đông Ấn - Hà Lan
 
 
Từ năm 2010, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng đã triển khai nghiên cứu đề tài những tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa - Thành phố Đà Nẵng. Dựa trên kết quả nghiên cứu, TS. Trần Đức Anh Sơn chủ nhiệm đề tài đã công bố 56 tấm bản đồ cổ do người phương Tây vẽ, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng tôi xin được giới thiệu một vài bản đồ trong số này
t466908
Bản đồ do Jodocus Hondius vẽ năm 1613
Phát hiện 56 bản đồ cổ phương Tây vẽ Hoàng Sa của Việt Nam
Bản đồ do W. Blaeu vẽ năm 1645
          Trên những tấm bản đồ nói trên, quần đảo Hoàng Sa luôn được thể hiện bằng hình vẽ ở trong vùng biển Đông của nước ta, với kinh tuyến và vĩ tuyến khá chính xác, và được ghi danh là: Paracel Islands, Paracel, Paracels, Pracel, Parcels, Paracelso... tùy theo ngôn ngữ của từng nước phương Tây. Còn vùng bờ biển Quảng Nam - Quảng Ngãi, song song với quần đảo Hoàng Sa thì được ghi nhận là Costa da Paracel (bờ biển Hoàng Sa). Bản đồ do Jodocus Hondius vẽ năm 1613, thể hiện quần đảo Pracel (Hoàng Sa), bao gồm tất cả các đảo của Việt Nam từ nam vịnh Bắc Bộ cho đến hết vùng biển phía nam của Việt Nam, trừ Pulo Condor (Côn Đảo) và Pulo Cici (đảo Phú Quốc) được vẽ riêng; Bản đồ do W. Blaeu vẽ năm 1645 thì quần đảo Pracel (Hoàng Sa) được vẽ nối liền với các đảo: Pulo Secca de Mare (Cù Lao Thu, tức đảo Phú Quý), Pulo Cambir (Cù Lao Xanh), Pullo Canton (Cù Lao Ré, tức đảo Lý Sơn), thành một chuỗi đảo liên hoàn thuộc lãnh thổ Cochinchina (Đàng Trong); Bản đồ do Homann Heirs vẽ năm 1744 thì hình vẽ quần đảo Hoàng Sa được ghi chú là “I. Ciampa”, viết tắt của chữ “Islands Ciampa”, nghĩa là “quần đảo (thuộc vương quốc) Ciampa”. Ciempa hay Campa là tên các nước phương Tây lúc bấy giờ gọi xứ Đàng Trong, do họ cho rằng đây là đất cũ của vương quốc Champa. Bản đồ do Van de Kusten vẽ năm 1754, có tên là Kaart van Cochinchine, van Tunquin (Bản đồ Đàng Trong, Đàng Ngoài), đã thể hiện toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là những phần lãnh thổ thuộc vương quốc Cochinchine;
 
5. Và bản đồ do chính người Trung Hoa công bố : “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”
 
Đây là tấm một tấm bản đồ quý do TS. Mai Ngọc Hồng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng Phả học Việt Nam chuyên tặng Bảo tàng lịch sử sau hơn 30 năm lưu giữ.
 
Bản đồ này vẽ địa giới các tỉnh của Trung Quốc, do Trung Quốc xuất bản năm Giáp Thìn (1904) vào thời vua Quang Tự nhà Thanh. “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” được coi như là một văn kiện lịch sử chính thức khẳng định ranh giới của nước Trung quốc. 
 
Bản đồ đã chỉ rõ cực Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Và như vậy chính phía Trung Quốc đã khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Tấm bản đồ được in màu có kích thước 115cm x 140cm gồm 35 mảnh nhỏ (16cm x 27,6cm) ghép lại. Chất liệu của tấm bản đồ bằng giấy được dán trên nền vải và có thể gấp gọn lại như một quyển sách, bên ngoài có bìa cứng.


ban-do
 
 “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” – Bản đồ do Trung Quốcvẽ và  xuất bản từ thời Hoàng đế Quang Tự, nhà Thanh, năm 1904, trong đó khẳng định rõ cực Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam


           “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” còn có lời tựa bằng chữ Hán cổ, kể lại việc chép vẽ bản đồ là công phu như thế nào và đồng thời đề cao giá trị sử dụng cũng như tính chính thống về mặt nhà nước của bản đồ.

Nguồn tin: Tổng hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất