04:14 ICT Thứ bảy, 14/09/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 747

Máy chủ tìm kiếm : 40

Khách viếng thăm : 707


Hôm nayHôm nay : 33032

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1872237

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 57291278

Trang nhất » Tin Tức » Văn uyển

Quang cao giua trang
top

“Thơ, nhìn từ phía khác” của nhà thơ Lê Trọng Phương có gì khác?

Tác giả: Vũ Gia Hà - Thứ tư - 16/09/2015 07:50
“Thơ, nhìn từ phía khác” của nhà thơ Lê Trọng Phương có gì khác?

“Thơ, nhìn từ phía khác” của nhà thơ Lê Trọng Phương có gì khác?

Một buổi đối thoại đầy ngẫu hứng về thi ca. Một cuộc gặp gỡ của những cá tính không giống ai. Những câu hỏi và câu trả lời không có điểm dừng.... Tất cả những điều này đã có trong buổi tọa đàm:“Thơ – Nhìn từ phía khác” diễn ra tại Heritage Space, tầng 2 Paris Deli, Dolphin Plaza (28 Trần Bình, Mỹ Đình, Hà Nội) vào cuối giờ chiều ngày 13/9. Nhân vật chính của buổi tọa đàm là nhà thơ Lê Trọng Phương, với “em-mờ-si” (MC) Đặng Thân. Những khách mời đến dự: Nhà phê bình Lã Nguyên (La Khắc Hòa), nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành, nhà văn Ngô Tự Lập, nhà văn Thế Dũng, nhà thơ Hàn Thủy Giang, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán, nhà thơ Giáng Vân, họa sĩ Phan Thiết... Buổi tọa đàm đã kéo dài hơn 3 tiếng.
Lê Trọng Phương sống kỳ dị, viết trong cô độc
 
Nhà thơ Lê Trọng Phương sinh năm 1956 tại Sài Gòn. Năm 16 tuổi, anh rời miền Nam (Việt Nam) sang Cộng hòa Liên Bang Đức. Không hiểu vì lý do, anh không về nước mà ở đây “tu luyện” thành tài. Hiện, nhà thơ Lê Trọng Phương làm công việc giảng dạy (khoa học xã hội và Tiếng Việt) và nghiên cứu tại Khoa Đông Nam Á học, Viện Châu Á, Đại học Bonn, đồng thời là nhà tư vấn và thực hiện các khóa đào tạo trong lĩnh vực hợp tác và phát triển giữa Đức và Việt nam tại Viện hợp tác Quốc tế Đức (Chuyên ngành Xã hội học, văn học, Triết học, Đông nam Á, Việt nam, Miến điện…).
 
Từ 1981, anh tham gia nhiều dự án trong lĩnh vực: viết, dịch, biên tập, xuất bản, sáng tác, biên khảo, và xuất bản bằng tiếng Việt, Đức, Anh…Cộng tác với các tạp chí Nhịp cầu, Giao điểm, Thủy triều (Đức); Khởi hành (Mỹ); chủ trương Tạp chí Văn học Gió đông… Xin được khái quát qua như vậy để mọi người được biết sơ bộ về nhà thơ Lê Trọng Phương (được biết anh chưa xuất bản cuốn sách nào về thơ?). Sau lời giới thiệu của nhà văn Đăng Thận, Lê Trọng Phương có vẻ đã hết sự hồi hộp, không như ban đầu mới trình diện. Với mái tóc dài, quần đen, áo đen, khăn đen, dễ khiến người ta hình dung tâm ý của nhà thơ Lê Trọng Phương cũng rất “xã hội đen”.
 
Hơn 40 năm sống ở Đức, nhưng cách nói chuyện của anh không khác các văn sĩ trong nước là mấy, chỉ có điều anh hay vung tay, giọng trầm và thủ thỉ, chứ không dí dỏm và ngọt ngào như nhà thơ “Tre Việt Nam” Nguyễn Duy. Đôi lúc cũng thấy anh rất “teen” vì vài cử chỉ có phần e lệ như kiểu Ngọc Trinh mới nổi. Chắc có lẽ là vì căn phòng tràn ngập những ánh mắt có vẻ khiêu khích, thách đố anh. Mặc dù vậy, anh vẫn nói hết những gì cần nói.
 
Anh tự nhận mình mặc dù sống xa quê hương nhưng anh đọc nhiều tác phẩm tiếng Việt. Anh xem nền văn học Việt Nam như một viện bảo tàng, mà anh là một trong nhiều người lang thang trong đó, ai thích gian trưng bày văn học Trung đại, Cận đại, Hiện đại thì lần mò đọc. Trong cái viện bảo tàng khổng lồ đó, anh đã học hỏi được những tinh hoa, nhưng có chọn lọc (anh bảo thế). Thứ này nó rất “phồn thực”. Thứ này có thể nuôi dưỡng khối óc, thứ này có thể nuôi dưỡng trái tim. Nhưng trái tim căng đầy quá, dễ khiến mắt đổ lệ. Anh không thích trái tim yêu quá nhiều. Cuối cùng cũng như Kiều/Làm liều/Rồi hóa thương đau/Để qua cau/Thôi rơi/Xuống hồ/Mặt nước/Thôi rung/Bầu trời. (Vũ Gia Hà).
 
Từ quan niệm đó, mà anh nhận xét rằng, văn học Việt Nam có quá nhiều chất trữ tình, kỷ niệm, quá khứ... mà thiếu đi cái gọi là Thi pháp. Nhưng Thi pháp là gì? Anh chưa nói về vấn đề này (chắc là để vào một dịp khác), nhưng về quan niệm thơ, cần phải có sự mâu thuẫn trong đó, và tấm lòng của mình với tha nhân. Tha nhân hay tha hương? Không ai biết được. Mỗi bài thơ là một sự mâu thuẫn. Mâu thuẫn gì? Sự ngưng đọng của lịch sử trong thơ. Không phải thế. Bài thơ luôn chảy dài, chảy mãi như suối tóc em là ngọc là ngà. Nhưng nó luôn cần một sự bắt đầu. Đó là sự làm mới. Làm mới cái gì? Không ai hiểu được. Có người nói, suy nghĩ đó quá lố bịch, bế tắc. Có người nói, rất hay.
 
“Khi tôi viết lên giấy bài thơ thì thực ra tôi đang làm việc với những mâu thuẫn của tôi. Nhưng ở thơ Việt Nam, tôi thấy ít người làm được điều này. “Tôi rất tôi” là cái đặc trưng của thơ ca hiện nay. Tôi viết thơ xuất phát từ bất cứ thứ gì trong ngày, trong đầu. Khi tôi sáng tác là dùng điểm nhìn của tôi vào con người, vào tha nhân”, Lê Trọng Phương nói như kiểu anh đang ở một mình trong căn phòng chỉ có sách, toàn sách là sách, không tivi, không kết nối mạng, không iphone, nói chung là không những thứ liên quan đến điện như anh đã tự nhận. Vậy anh là người quá kỳ dị, vậy anh là người viết trong cô độc. Cô độc rất có ích cho sáng tạo. Nhưng cô độc không mang về gạo... được đâu, thưa nhà thơ.
 
Do phải bôn tẩu ở xứ người, nên nhà thơ Lê Trọng Phương đã tự “lôi kéo” thêm hai ngoại ngữ Anh – Pháp vào “bộ nhớ” của mình. Nhưng dù sao Tiếng Việt vẫn là tiếng mẹ đẻ, còn hai thứ tiếng kia chỉ là “mẹ kế” mà thôi. Ở Phương Đông, nhất là ở xứ An Nam, mẹ kế thường không tốt đẹp gì, nên từ “mẹ kế” còn có cách gọi khác là “gì ghẻ”, “ghẻ” chắc là trong từ “ghẻ lạnh”, “mấy đời bánh đúc có xương/mấy đời gì ghẻ lại thương con chồng”. Vì vậy, tốt hơn hết, khi đã hiểu ra được vẻ đẹp long lanh/tươi xanh của Tiếng Việt và sự yêu quý của mẹ đẻ, nhà thơ Lê Trọng Phương nên về với cánh đồng để “chăn trâu cắt cỏ”.
 
Thơ Việt loanh quanh, luẩn quẩn
 
Trước khi diễn tả về ý này của nhà thơ Lê Trong Phương, tôi xin được điểm qua mấy trào trưu nghệ thuật từng gây tranh cãi một thời. Nào là Ấn tượng, Lập thể, Vị lai. Nào là Biểu hiện, Đađa, Siêu thực, Siêu hình… Nhớ hết rành rọt mấy trào lưu này thật là bực mình.
 



Nhà thơ Lê Trọng Phương


Nhà phê bình Lã Nguyên (La Khắc Hòa) 


: Nhà thơ Đặng Thân (phải) dẫn chương trình


Họa sĩ Thiết Phan và nhà thơ Lê Trọng Phương
Tại sao không tự tìm cho ta
Một cô gái
Để ân ái
Để hiểu thế nào

Tê tái
 
Tôi thật là dại
Khi cố gắng
Ra nắng
Để thấy trăng lên
Khi chiều
Còn buồn như Kiều
 
Tại sao ta
Phải ăn na
Từ vườn nhà khác
 
Hãy tấu nhạc
Rồi khỏa thân
Để hiểu
Đời liên tục mọc mầm
 
Những cơn mưa lâm râm
Những ngọn đồi lộn xộn hoa cỏ
Nhưng không có một con thỏ
Để làm rụng cánh hoa
Mà phải nhờ gió
Mà gió
Thì luôn bay đi

Không bao giờ
Trở lại
 
Tôi đã giật mình khi nghe những câu kinh
Nó rất thình lình
Nó rất bất bình
Khi ám vào giấc mơ
 
Lạy Chúa
Lạy Vua
Lạy thập loại cúng sinh
Lạy Đức Mẹ Đồng trinh
Ta là gì
Mà phải đa tình
Như chiếc bình cần hoa, cần hương
Để mọc ý nghĩa trong đầu
Kẻ ma mị
 
Tôi lạy chị
Lạy anh
Lạy sờ tanh
Màu xanh
Cũng chỉ là tương đối
 
 Có điều gì khiến ta bối rối
Tồi tội
Hình như là sự mặc cảm
Hình như là sự ảm đạm
Và hình như
Là sự thê thảm
 
Tôi đã bỏ hết quần áo
Để đi hoang
Để đàng hoàng cùng muông thú
Cùng muôn tinh tú
Nở nụ
Và cuối cùng
Già khụ
Rồi toi
 
Thời gian là con thoi
Thời gian là con voi
Mà cánh đồng
Đã hết cỏ
 
Sau đây tôi sẽ than thở
Bằng lục bát
Vì nó là điệu nhạc
Của nước tôi
Nhưng thôi
Hôm nay tôi nói quá nhiều
Ngày mai tôi chết hỏa thiêu luôn lời.
(Vũ Gia Hà)

Đọc đến đây, chắc mọi người đã thấm mệt. Có người nhếch mép. Có người không thèm đọc nữa. Thế nhưng thơ Việt loanh quanh, luẩn quẩn lại chưa được giải thích. Nhà thơ Lê Trọng Phương cho rằng, các “đại thi hào” ở xứ ta quá nặng về cảm tính mà thiếu đi cái lý trí. Anh có thể ở lì một mình trong phòng, bắt tóm những con chữ đang bay bay mà dí thẳng xuống giấy, xuống bản Word nhưng lại không biết con chữ nào sẽ mang lại giá trị cho nghệ thuật, cũng như anh không đủ tỉnh táo để bắt giữ những con chữ là của riêng anh, “rất tôi”. Mà viết thơ, nếu thiếu đi cái tôi chủ thể thì ăn thua gì. Thà về mở tiệm bánh mì/ Mấy em xinh đẹp hì hì khen ngon. Còn sướng và hạnh phúc với cuộc đời này hơn. Chính vì thiếu đi cái lý trí (theo tôi là trí tuệ vượt thoát ra ngoài biên ải) nên thơ Việt không qua được những giọt nước mắt, cũng như không qua được mấy ngọn cỏ (trừ Nguyễn Du và dăm ba nhà thơ khác) để nhẹ bẫng và bay cao hơn.
 
Cứ lẩn thẩn làm mấy anh nhà thơ “Chiều nay hồ Tây có giông/Tôi ngồi trên sóng mà không thấy chìm” thì làm sao mà đủ tỉnh táo được. Thực ra hai câu thơ này của thi sĩ Đồng Đức Bốn là viết cho mấy bậc cao nhân đắc đạo, những người tầm thường sống cần gạo không nên thuộc làm gì. Có ngày chết chìm mà không biết. Cuối cùng, xin tạm chốt lại bài viết sơ sài bằng mấy câu thơ của “thi sĩ điên” Bùi Giáng.
 
Ngày mai ông sẽ lìa đời
Các con ở lại buồn vui thế nào
Ông về chín suối chiêm bao
Thần tiên mộng mị mừng chào các con...

 
Tuy nhiên, trước khi chấm hết, xin được dẫn lại lời của những vị khách tại buổi tọa đàm nói về nhà thơ Lê Trọng Phương. Nhà phê bình Lã Nguyên nhận định: “Qua cuộc nói chuyện, tôi hình dung cuộc đời sáng tạo của anh là cuộc đời liên tục đối thoại. Ở lâu năm bên Đức, chắc chắn sự sáng tạo của Lê Trọng Phương bằng tiếng mẹ đẻ sẽ như một sự phiên dịch lại văn hóa Việt”. Qua đó, nhà phê bình Lã Nguyên cũng có nêu quan điểm của mình về cái Khác: “Đại đa số người Việt không thích những cái khác mình. Bản thân tôi thì thích cái Khác. Khác theo tôi có thể hiểu là sự đối thoại. Tôi không tin nhà thơ có thể diễn tả hết được tư tưởng của nhà phê bình, và ngược lại. Cũng như nhà triết học không thể diễn tả hết được tư tưởng của nhà thơ”.
 
Nhà văn Đặng Thân: “Quan niệm của nhà thơ Lê Trọng Phương gần với quan niệm của các bậc thầy ngôn ngữ và triết học thường thấy”.
 
Nhà văn Ngô Tự Lập: “Tôi không hiểu anh Phương đang trình bày gì. Tôi thấy anh nói tiếng Việt rất tốt, nhưng khó hiểu. Tôi nghĩ mỗi lần anh viết thơ bằng tiếng mẹ đẻ, là mỗi lần anh như viết bằng một thứ ngoại ngữ, ở đây nghĩa là sự sáng tạo”.
 
Họa sĩ Phan Thiết: “Lê Trọng Phương là người Việt không thuần chất, nhưng thuần túy... Thuyết trình của anh cho ta hiểu thêm hiểu khoáng đạt hơn những quan niệm mới và thành tựu thơ hôm nay ở không gian toàn cầu...cho ta hiểu Nhà thơ đã cùng Ngôn Ngữ Mình xuất phát từ đâu và nhằm tới hay không màng tới điều gì ...???....và Thi Nhân đối diện Tha Nhân ra sao...đi vào Tha Nhân thế nào...???. Sau đó, họa sĩ Phan Thiết (tự nhận mình là người viết thơ chứ không phải là thi sĩ như nhà văn Đặng Thân gọi) đã ngẫu hứng đọc tặng nhà thơ Lê Trọng Phương bài thơ.
 



Nhà văn Ngô Tự Lập hát thơ tặng nhà thơ Lê Trọng Phương
THU CƯỜI

Mùa thu ơi em có biết không ?
Giữa sắc vàng say có điều anh sợ
Sợ khoảng lặng của lá rơi không tiếng
Em ở đâu em ở đâu rồi ?
Hãy ngân lên một tiếng lá bay

Mùa Thu Hà Nội ơi...có điều gì em hỡi ?
Anh có lỗi gì với heo may se lạnh
Làm em buồn...hãy tha thứ cho anh
Qúa xa xôi những nhịp lỡ chơi vơi
Có làm mùa thu thêm tím đầy vơi

Anh vô tâm chạm nỗi buồn em
Hãy thứ tha cho anh...thu nhé
Anh ngồi đây ngóng thu qua sớm tối
Mong em về mong tiếng...thu ơi
Mong thu cười một tiếng reo vui...!!!


Dưới đây là những bài thơ đặc trưng cho giọng thơ Lê Trọng Phương:
 
dấu
 
trên nóc đêm lỡ dở
chuỗi mông lung
trôi ngang dòng tầm tã
trớ trêu vào im ắng
dặt dìu
ngày xưa chưa hết
ngày mai đến
trong ký ức một người
dấu chấm hoa
 
  dạo
 
thả bước
dạo công viên
một
hai
ba
vòng công viên...
 
liên miên
tìm thư thả
bốn
năm
sáu
vòng công viên...
 
bảy
tám
...
dạo liên miên...
 
câu kinh bỏ ngỏ
 
năm nay đời chỉ bấy nhiêu
câu kinh bỏ ngỏ ráng chiều buông xuôi
nhẩn nha bãi cỏ tiếng cười
tan theo sợi nắng tỉa dần trầm luân
mấy ai
mấy phận
mấy thân
mấy tàu còn ghé mấy lần tuổi thơ.

Tác giả: Vũ Gia Hà

Nguồn tin: vanhien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất