15:26 ICT Chủ nhật, 10/11/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 714

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 712


Hôm nayHôm nay : 169752

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1810227

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 67132109

Trang nhất » Tin Tức » Văn uyển

Quang cao giua trang
top

CHÉN TRÀ TRONG SƯƠNG SỚM - NHỮNG ÁNG VĂN MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

Tác giả: NGUYỄN TUÂN - Thứ ba - 16/12/2014 08:43
Nguyễn Tuân (Nguồn ảnh wikipedia)

Nguyễn Tuân (Nguồn ảnh wikipedia)

Trời rét như cắt. Không kể tiểu hàn, không kể cả đến đại hàn, buổi sớm mùa đông nào, cụ Ấm cũng dậy từ lúc còn tối đất. Từ trên bàn thờ đức Thánh Quan, cụ nhấc cây đèn đế xuống. Được khêu hai tim bấc nữa , cây đèn dầu sở phô thêm màu xanh lá mạ phủ trên chất sứ Bát Tràng.

    La liệt trên chiếu cói cạp điều đã sờn cạnh, cụ Ấm đã bày ra đấy nào là khay trà, ống nhổ, ấm đồng và hoả lò đất. Cái điều vẽ hình Mai Hạc kêu vang lên một hồi rất dòn rất đều. Khói thuốc lào đặc sánh lại bao trùm lại ánh sáng yếu ớt của một ngọn đèn dầu. Rồi làn khói loãng dần biến ra màu nhờ nhờ như làn hơi nước sủi. Sau màn khói, ẩn hiện một ông già chống lạng bên gối xếp, cặp mắt lim dim  như một nhà sư nhập định. Vẻ nghiêm trang lặng thinh của ông già muốn làm ngừng cả áng khóỉ trắng hiếu động như đang trôi trong không khí gian nhà gạch. Ba gian nhà, chỉ có một người thức.
 
    Trong cảnh trời đất lờ mờ chưa đủ phân rõ phần đêm và phần ngày. ông cụ Ấm có cả phong thái một triết nhân ngồi rình bước đi của thời gian.
 
   Đêm đông dài không cùng. Nó mênh mông và tự hết rất chậm chạp.
 
   Gió bấc thổi qua những kẽ cánh cửa bước vào nơi yên lặng này mươi lăm  tiếng gà không nhẫn nhục được với tối tăm. Từ ngoài phía ngõ râm bụt lượn sát nhà gạch, dội vào những tiếng bước chân người nặng nề. Cuộc đời hồi tỉnh lại dần dần.
 
   Cụ Ấm phẩy quạt mo phành phạch theo nhịp nhanh chóng trước cửa hoả lò. Hòn than tàu lép bép nổ nghe vui tai. Và làm vui cho cả mắt nữa, những tàn lửa không còn trật tự, không bị bó buộc kia còn vẽ lên một khoảng không gian những nét lửa ngang dọc, cong queo ngoằn ngoèo. Những lúc có cháu nhỏ ngồi với mình, Cụ Ấm thường hỏi chúng xem pháo hoa cải như thế có thích không.
 
  Những hòn than Tàu cháy đều, màu đỏ ửng, có những tia lửa xanh lè vờn quanh. Không khí mỗi lúc dao động càng nâng cao thêm những ngọn lửa xanh nhấp nhô. Hòn lửa rất ngon lành, trở nên một khối đỏ tươi và trong suốt như thỏi vàng thổi chảy.
 
   Thỉnh thoảng, từ hòn than tự tiêu diệt buột ra một tiếng khô, rất khẽ và rất gọn. Thế rồi hòn than sống hết một đời kháng chất. Bây giờ hòn than chỉ còn là một điểm lửa ấm áp trong một cái vỏ tàn tro dầy và trắng xốp. Cụ Ấm vuốt lại hai mái tóc trắng, cầm thanh đóm dài đảo lộn tàn than trong hoả lò, thăm hỏi cái hấp hối của lũ vô tri vô giác. Cụ Ấm bỏ thêm vài hòn than hoa nữa vào hoả lò.Than hoa không nổ lép bép như than tàu, có tiếng thở dài của khối nước sắp biến thể. Nước đã lên tiếng để nhắc người ta nghĩ đến nó.
 
   Cụ Ấm  cũng thở đánh phù một cái, như khi người ta gặp lại bạn cố nhân sau nhiều giây phút mong chờ.
 
  Cụ khẽ nâng vuông vải tây điều phủ trên khay trà gỗ trắc có chân quỳ. Nhẹ nhàng, khoan thai, cụ Ấm nhắc cả dầm, chén tống, chén quân ra khỏi lòng khay. Đến lúc dờ tới cái ấm con chuyên trà thì cụ kềnh càng hơn. Cụ ngắm nghía mãi chiếc ấm màu đỏ da chu, bóng không nột chút gợn. Dáng ấm làm theo hình quả sung và khi luyện đất cho vào lò lửa, người Thợ tàu lấy dáng ấm kia đã là một người thợ có hoa tay. Cụ Ấm thử mãi ra lòng tay mình vào mình cái ấm độc ẩm, hình như cố tìm tòi một chút gợn trên đất nung để được sung sướng thêm hơn nữa sau khi nhận thấy cái ấm đọc ẩm kia nhẵn nhụi quá.
 
    Nước sôi già lắm rồi, như thói quen vẫn bắt cụ Ấm rót thử một chút xuống đất xem thực có sôi không. Mở đầu công việc vụn vặt trong mỗi ngày tàn còn lại, ông già sợ nhất cái ấm trà tàu pha hỏng lúc sớm mai.
 
 Từ trên bề cao gỗ sập, dòng nước sôi chút mạnh xuống nền đất trị, tiếng kêu lộp bộp.
 
   Trên chiếc hoả lò để không, cụ đã đặt thêm một ấm đồng cò bay khác. Những người uống trà đúng cách thức như cụ Ấm bao gìơ cũng có ít nhất là hai ấm đồng đun nước. Ấm nước sôi nhấc ra khỏi lò than là đã có  chiếc ấm thứ hai đặt trên đấy rồi. Và hai ấm đồng đó cứ mãi mãi được thay phiên nhau đặt lên lò than đỏ rực, vì bữa nước trà cứ kéo dài không hết hồi. Như thế lúc nào người ta cũng có một thứ nước sôi đủ nóng để pha một ấm trà ngon.
 
    Nhưng có khi mấy khi cụ Ấm uống trà tàu một cách tàn nhẫn như vậy. Riêng về phần cụ, chỉ hai chén con là đủ rồi. Nhưng hai chén đó đã được cụ săn sóc đến nhiều quá.
 
 Chưa bao giờ ông già này dám cẩu thả trong cái thú chơi thanh đạm. Pha cho mình cũng như pha trà mời khách, cụ Ấm đã để vào đấy nhiều công phu. Những công phu đó đã trở lên lễ nghi. Trong ấm trà pha ngon, người ta nhận thấy có một mùi thơ và một tị triết lý và tâm lý.
 
  Cụ Ấm sau mỗi lần gặp phải ông khách tạp, uống trà rất tục, cụ thường nói với bạn nhà nho.
 
- Có lẽ tôi phải mua ít chén có đĩa ở hiệu Tây, để mỗi khi có mấy thầy làm việc bên Bảo Hộ tới thì đem ra mà chế nước pha sẵn trong bình tích. Các cụ cứ suy cái lẽ một bộ đồ trà chỉ có đến bốn chén quân thì các cụ đủ biết các thú uống trà tàu không có thể ồn ào được. Lối giao du của cổ nhân đạm bạc chứ không huyên náo như bây giờ. Chỉ có người tao nhã, cùng một thanh khí, mới có thể cùng nhau ngồi bên một ấm trà. Những lúc ấy, chủ nhân phải tự tay mình chế nước nhất nhất cái gì cũng làm lấy cả, không dám nhờ đến người khác, sợ làm thế sẽ mất hết sự thành kính. Tôi còn nhớ hồi nhỏ, còn là học trò quan Đốc, tôi được cái vinh dự sớm dậy, sớm nào cũng như sớm nào, đứng hầu trà cụ Đốc, trước khi cụ giảng bài và chấm cho anh em tập quyển. Nhiều người đã ghen tị với tôi và kêu ca với cụ Đốc xin để cắt lượt hầu trà, cho anh em ai nấy đều được chút vinh dự gần gũi thầy và sớm chiều được gần cái đạo của thầy. Quan Đốc mỉn cười: “ Thầy giã ơn các anh. Thầy nói thì các anh đừng giận: các anh không pha trà cho hợp ý thầy được đâu. Để thời giờ ấy mà học. Anh Đam – ( trước kia tôi là Đởm sau sợ phạm húy nên cụ Đốc mới đổi tên đi cho) – anh Đam pha trà khéo thì thầy để cho giữ việc hầu thầy, chứ có phải thầy yêu anh Đam hơn hay là ghét các anh đâu”. Bây gìơ mỗi buổi trà sớm, ngồi uống một mình, tôi cứ nhớ cái tiếng ngâm của quan Đốc. Sớm nào dậy, cụ cũng ngâm một vài bài thơ. Giọng thật ấm, thật trong. Cụ hay ngâm mấy câu này:
 
Bán dạ tam bôi tửu
Bình minh số chản trà
Mỗi nhật ừ…ừ…đều được…y…như thử,
Lương y bất đáo gia.
 
  Một buổi sớm, thấy rõ lòng thầy là vui vẻ, tôi đã mạn phép đọc để cụ Đốc chữa cho bài diễn nôm:
 
Mai sớm một tuần trà.
Canh khuya dăm chén rượu
Mỗi ngày một được thế.
Thầy thuốc xa nhà ta.
 
           Cụ Đốc tạm cho là được.
 
     Sớm nay, cụ Ấm cũng ngâm thơ. Cụ tin rằng ngâm thơ lúc yên lặng, lúc mới tỉnh giấc là một cách vận động tinh khí kỳ diệu nhất của một người sống bằng cuộc đời tâm tưởng bên trong. Mỗi buổi sớm ngâm như thế là đủ tiết hết ra ngoài những cái nặng nề trong thân thể và để đón lấy khí lành đầu tiên của trời đất. Âu cũng là một quan niệm về vệ sinh của thời cũ. Và người xưa uống trà là để giữ mình cho lành mạnh.
 
   Thường hay vấn mình để sửa mình vào những giờ uống trà Tàu, cụ Ấm thường nghĩ đến cái câu nghìn xưa của thầy Tăng Tử: “ Ngô nhật tam tỉnh ngô thân”.
 
     Trong nhà cụ Ấm, người ta đã ồn ào thức dậy. Cụ Ấm cũng bắt đầu ho. Chừng như hồi nãy, cụ đã tự nén hơi thở không dám ho, sợ làm đục vẩn mất cái phút bình lặng huyền bí của lúc đêm và ngày giao nhau.
 
    Người con truởng rón rén lại thỉnh an cha già và lại mon men ngồi ghé vào thành chiếc sập cũ. Chàng đỡ lấy chiếc quạt, nhắc hoả lò ra một chỗ rộng, quạt mạnh cho hết tàn than.
 
- Thầy uống xong rồi. Con uống thì pha mà uống. Trà còn đậm hương lắm.
 
Câu nói này là thừa. Vì sớm nào hai cha con ông Ấm chẳng dậy sớm để pha trà, cha bao giờ cũng uống trước hai chén và người con cả uống sau nhiều lắm đến ba chén là cùng. Sớm nay, cũng như lúc thỉnh thoảng của mọi ngày, cụ Ấm lại bắt người trưởng nam giở tập Cổ Văn ra bình lại cả bài Trà Ca của Lư Đồng. Giọng bình văn tốt quá. Điệu cổ phong trúc trắc thế mà con cụ Ấm  lại còn ngâm gối hạc bắt đoạn cuối một câu thơ trên xuống luôn câu dưới, hơi ngâm trong và dài. Trông hai cha con uống nước mà y như hai đôi thầy trò vào một buổi giờ học ôn sớm mai. Chuyện vãn mãi mãi về trà Tàu, ông cụ Ấm lại mang luôn cả tập  Vũ Trung Tuỳ Bút giảng những đoạn công phu của tác giả - ông Quốc Tử Giám Tế tửu Phạm Đình Hổ – Chiêm nghiệm và xưng tục về trà tàu. Rồi cụ Ấm liền than tiếc đến cái mùa thu đã đi qua mất rồi, để sen hồ rách hết tàn rũ hết lá.
 
- Cả ạ, thầy cho nước pha trà không gì thơm lành bằng cái thứ nước đọng trên lá sen. Mỗi lá chỉ có ít thôi. Phải gạn vét ở nhiều lá mới đủ một ấm. Hồi thầy còn ít tuổi, mỗi lúc được quan Đốc truyền cho đi thuyền thúng vớt những giọt thuỷ ngân ấy ở lá sen mặt đầm, thầy cho là kỳ thú nhất trong đời một người học trò được thầy học yêu như con.
 
Trong gia đình cụ Ấm, hồi gần đây đã lập lại cái phong tục uống trà . Có một hồi bần bách quá, cụ Ấm đã cất hẳn bộ đồ trà vào tủ, tuởng không bao giờ được bày nó ra hằng ngày nữa.
 
   Nhưng trời kể cũng còn hậu đãi người hàn nho, thế nào năm nay nhà cụ Ấm lại được cả hai vụ.
 
- Này cả, con lên tỉnh mua trữ lấy ít trà Lý Tú Uyên. Năm nay ta ướp thêm vài chục chai để dành. Thuỷ tiên nhà, năm nay ngọt những một lắp đấy. Thầy mua chung với cụ Kép xóm dưới. Độ mai kia thì rò hoa kép thì đem ủ trà.
 
- Thưa thầy, con cứ tưởng trà cứ để nguyên hương của nó mà uống. Con thấy ông ngoại nhà không bao giờ cho ướp trà mới. Ông ngoại con bảo chỉ nên ướp, là lúc trà đã đi hương hoặc gần phát du.
 
Trời rạng dần. Một chút nắng đào lóng lánh trong cái đám cây đang rụng dần lá năm cũ, một chiếc lại một chiếc.
 
   Đạo mạo trong vành khăn nhiễu quấn dối, cụ Ấm đã chống gậy ra đi.
 
  Cụ quay lại dặn người con trưởng đang lúi húi lau lại bộ khay trà:
 
- Thầy vào trong cụ Điều để rồi cùng sang làng bên thăm con bệnh già. Con bệnh này, tốn nhiều sâm lắm. Đến tối thầy mới về, vì thầy phải sao tẩm thuốc sống ở bên ấy cho tiện.

Tác giả: NGUYỄN TUÂN

Tổng số điểm của bài viết là: 60 trong 17 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất