09:39 ICT Thứ tư, 09/10/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 736

Máy chủ tìm kiếm : 119

Khách viếng thăm : 617


Hôm nayHôm nay : 66852

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1496002

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 61254736

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển

Quang cao giua trang
top

Hành trình 10 năm cho cuộc vận động ngày lễ kỷ niệm quốc gia chữ quốc ngữ

Tác giả: Th.s. Thân Trung Dũng - Thứ bảy - 06/09/2014 15:26
Hành trình 10 năm cho cuộc vận động ngày lễ kỷ niệm quốc gia chữ quốc ngữ

Hành trình 10 năm cho cuộc vận động ngày lễ kỷ niệm quốc gia chữ quốc ngữ

Thời kỳ sơ khai, chữ Quốc ngữ chỉ là sự La tinh hóa ngôn ngữ nói thông thường người Việt, theo sáng kiến của giáo sĩ Alexandre de Rhodes thế kỷ XVI, tuy nhiên để có những bước đi dài và vững chắc đến ngày nay, chữ Quốc ngữ đã trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, ghi nhận bao nhiêu tâm huyết, hi sinh và đóng góp của những tên tuổi và phong trào xã hội lớn như Đông Kinh Nghĩa Thục, phong trào Thơ Mới, Tự lực văn đoàn, của các tờ báo như Đăng Tùng cổ báo, Nam Phong tạp chí, Phụ nữ tân văn … Chữ Quốc ngữ là niềm tự hào của dân tộc, khẳng định tính phổ biến, phổ quát và duy nhất chứ

không phải chữ Hán hay chữ Nôm truyền thống.
Cần có một ngày Lễ kỷ niệm quốc gia hàng năm về chữ Quốc ngữ - ý tưởng độc đáo này đến từ nhà nghiên cứu Nguyễn Lân Bình, cháu nội nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh nổi tiếng trong việc phát triển chữ Quốc Ngữ đầu thế kỷ XX. Với 10 năm đề xuất ý tưởng và trực tiếp vận động, năm 2011, nhà nghiên cứu Nguyễn Lân Bình đã mạnh dạn gửi hàng loạt văn bản đến các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước thuyết minh cho sự cần thiết và ý nghĩa của Ngày kỷ niệm chữ Quốc ngữ dân tộc. Việc làm của ông Nguyễn Lân Bình thu hút sự quan tâm của dư luận và nhận được khá nhiều sự đồng thuận trong giới khoa học. Với tính thuyết phục cao trong các luận chứng, những kiến nghị của ông Nguyễn Lân Bình có thể sẽ được chính phủ và các cơ quan chức năng xem xét, chấp thuận. Nhân số đầu tiên của Truyền thống và Phát triển, Nhóm phóng viên chúng tôi đã có dịp trò chuyện với ông Nguyễn Lân Bình xung quanh cuộc vận động khá độc đáo và thú vị này. Dưới đây là nội dung đã trao đổi.
Đánh giá nền văn minh của một dân tộc, người ta có thể liệt kê hàng loạt thành tựu phát triển khoa học, kỹ thuật, văn hóa, xã hội và nghệ thuật. Tuy nhiên, trên nền tảng trình độ phát triển chung ấy, không thể không nhắc đến vai trò của chữ viết - thành tố cơ bản và quan trọng nhất trong quá trình kiến tạo bản sắc văn hóa.

 
 
                                                            
 
Thưa ông Nguyễn Lân Bình, theo ông vì sao lại cần thiết phải có Ngày lễ kỷ niệm Quốc gia về chữ Quốc Ngữ?

Tôi nhận thấy, việc người Việt Nam chấp nhận và quyết định sử dụng chữ Quốc ngữ là một dấu ấn lịch sử cực kỳ quan trọng trong quan hệ với những ảnh hưởng của Hán học trước đây. Việc làm này đã khẳng định tính độc lập dân tộc ngay từ trong ý thức của các cụ ta. Tôi đọc nhiều di cảo của cụ Phan Châu Trinh và rất tâm đắc khi cụ nhấn mạnh: “Chừng nào còn dùng thứ chữ vay mượn thì nước ta không thể có độc lập”. Học giả Nguyễn Văn Vĩnh cũng đã rất trăn trở với việc truyền bá chữ Quốc ngữ và không bỗng dưng ông khẳng định:“Nước Nam ta mai sau này, hay dở cũng ở như chữ Quốc ngữ”. Rõ ràng, các trí sĩ yêu nước trước đây đã nhận rõ vai trò quan trọng của Chữ quốc ngữ ở Việt Nam. Vì vậy, ngày nay chúng ta cần tiếp tục đề cao vai trò của chữ viết quốc gia. Việc biểu dương chữ Quốc ngữ và những người có công trong việc phát triển chữ viết mẹ đẻ cũng là lẽ thường tình. Là người dân Việt Nam, tôi rất mong sẽ có một ngày kỷ niệm chữ Quốc ngữ ở Việt Nam và đương nhiên sẽ là ngày tôn vinh tiếng mẹ đẻ. Ý nghĩa của ngày lễ kỷ niệm được lựa chọn hàng năm sẽ là cầu nối tạo sự đoàn kết giữa các dân tộc khác nhau sống cùng một Quốc gia dùng chung một loại chữ viết. Trong ngày lễ này, mọi tầng lớp nhân dân dù theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, của các dân tộc khác nhau, ở các vùng miền trên lãnh thổ Việt Nam hay ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng cùng hiểu một thứ chữ viết, sẽ cùng nắm tay đoàn kết, bảo vệ và xây dựng tổ quốc. Ngày lễ đó nên gọi là “Ngày kỷ niệm chữ viết Quốc gia - Chữ Quốc ngữ và đoàn kết dân tộc”

Ý tưởng Ngày Lễ kỷ niệm quốc gia về chữ Quốc ngữ đã đến với ông như thế nào và ông mong muốn điều gì khi thực hiện cuộc vận động độc đáo này?

Ý tưởng bắt đầu từ năm 2002, khi tôi và Nhà sử học Dương Trung Quốc đã tổ chức thành công buổi tọa đàm về “Nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Vĩnh” tại bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Cuộc tạo đàm này đã đánh giá khách quan và khoa học về Học giả Nguyễn Văn Vĩnh với sự phát triển chữ Quốc Ngữ đầu thế kỷ XX. Có thể coi đó là hoạt động đầu tiên cho quá trình thực hiện của cuộc vận động này. Sau đó, tôi cũng đã thực hiện dựng cuốn phim tài liệu ‘Mạn đàm về Người Man di hiện đại” nói về cuộc đời và sự nghiệp của cụ Vĩnh. Để “danh chính ngôn thuận”, năm 2011 tôi đã gửi văn bản đến cơ quan lãnh đạo của nhà nước Việt Nam đề nghị chọn một ngày trong năm để kỷ niệm chữ Quốc ngữ, đồng thời xem xét và đánh giá vai trò lịch sử và những đóng góp của nhà báo, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh trong việc xây dựng nền văn học chữ Quốc ngữ đầu thế kỷ XX ở Việt Nam. Tôi muốn ngày kỷ niệm chữ quốc ngữ sớm được xác định và trở thành ngày hội đích thực của các dân tộc Việt Nam ở khía cạnh chính trị xã hội và văn hóa.

Ông đã nhận được sự đồng thuận hay phản đối nào từ cuộc vận động này ?

Tôi đã viết một bản kiến nghị nêu khá đầy đủ về toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp văn hoá cùng những hệ lụy mà cụ Nguyễn Văn Vĩnh đã phải gánh chịu khi dấn thân vào sự nghiệp truyền bá, phát triển chữ Quốc Ngữ. Kết quả ban đầu là tôi đã nhận được văn bản của Uỷ Ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa 13 thông báo đã nhận được kiến nghị của tôi và đã chuyển đến Bộ Văn hoá -Thể thao và Du lịch là cơ quan chức năng xem xét và trả lời. Tiếp đến là công văn của Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch ghi nhận những kiến nghị của tôi về việc xem xét lựa chọn một ngày trong năm để kỷ niệm chữ Quốc ngữ và đánh giá vai trò của nhà báo, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng dưới Bộ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu những đề xuất của tôi. Đó là những diễn biến đáng mừng thể hiện tính tích cực của cuộc vận động. Trong quá trình làm việc, tôi cũng nhận được nhiều sự chia sẻ, ủng hộ từ các đồng nghiệp và các nhóm xã hội khác. Trong các buổi giao lưu học thuật, gặp mặt với các tầng lớp xã hội khác nhau, khi được giới thiệu là cháu nội cụ Vĩnh, tôi luôn nhận được thái độ trân trọng và sự động viên của mọi người. Tôi cũng là người được gia đình giao cho lưu giữ những kỷ vật, tư liệu quý giá về ông nội của mình. Đó cũng là sự thuận lợi cho tôi khi nghiên cứu về sự phát triển chữ Quốc Ngữ và tiến hành cuộc vận động này. Cho đến nay, tôi chưa nhận được một ý kiến phản đối nào với những kiến nghị của tôi.

Ông đã gặp những khó khăn nào trong quá trình vận động cho ý tưởng của mình và ông tin tưởng như thế nào vào sự thành công của nó?

Khó khăn lớn nhất tôi cảm nhận được là do một thời gian dài trôi qua, các sử liệu và những nhân chứng lịch sử liên quan đến sự hiểu biết quá khứ ngày càng mai một. Trong khi khối lượng các dữ kiện liên quan đến các nhà văn hóa có công phát triển chữ Quốc ngữ như Cụ Vĩnh chẳng hạn lại là quá lớn, sẽ là trở ngại cho việc minh định lại lịch sử. Để tìm được các dữ kiện giúp cho việc nghiên cứu có kết quả, cần có sự sắp đặt nghiêm túc, có sự đầu tư xứng đáng.
Về riêng cuộc vận động ngày Lễ Quốc gia kỷ niệm chữ Quốc ngữ, tôi tin sẽ thành công nhưng không thể nhanh, vì đây là vấn đề không chỉ liên quan đến quốc gia đại sự mà liên quan đến cả quan hệ quốc tế. Không vô cớ, tôi gửi kiến nghị cho cả Chính phủ Pháp, Tổ chức Unessco, Tổ chức Hiệp hội các quốc gia sử dụng Pháp ngữ (Francophonie). Tôi biết rằng, cuộc vận động sẽ là một quá trình dài đòi hỏi phải có sự đầu tư cả về nhân lực, trí lực, vật lực và tài lực của cả xã hội. Tuy nhiên, nếu xuất phát từ lòng kiêu hãnh chính đáng của một dân tộc, rằng để người Việt Nam có tiếng nói và chữ viết như chúng ta đang sử dụng hiện nay đã phải trải qua 4000 năm vật lộn, sinh tồn mới có được và trong dòng chảy đó có những người tài xuất chúng, dâng hiến toàn bộ trí lực cho dân tộc, thì người tài đó đáng được làm gương và vinh danh …Một dân tộc, một Quốc gia sẽ trở nên ngời sáng nếu biết nuôi dưỡng và phát triển niềm tự hào chính đáng của mỗi thần dân của mình. Tôi sẽ rất vui sướng nếu có Ngày Lễ kỷ niệm chữ Quốc ngữ, không chỉ là ngày hội tôn vinh chữ viết quốc gia – đoàn kết dân tộc mà đó sẽ là ngày không thế lực nào có thể lợi dụng để phục cho mục đích riêng, bởi đó là ngày hội tri ân với những người có công trong việc gìn giữ và phát triển chữ Quốc ngữ ở Việt Nam.

Ông nghĩ như thế nào về ông nội mình - nhà văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh?

Trước năm 2000, tôi chỉ biết rằng gia đình mình có nhiều chú, bác được xã hội biết đến với tình cảm trân trọng như: ông Nguyễn Phổ - Nhà tình báo quân đội, nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp - Tác giả bài thơ: “Đi chùa Hương”, rồi cha tôi - ông Nguyễn Dực - Người đầu tiên tham gia xây dựng Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam tháng 8/1945…Nhưng chỉ đến khi cha tôi mất (tháng 1/2000) và được chứng kiến rất nhiều gương mặt khả kính trong xã hội lúc đó đến viếng và bày tỏ sự trân trọng đặc biệt với gia đình tôi, đã gợi cho tôi nhiều suy nghĩ và tác động rất mạnh đến tình cảm, sự hiểu biết của tôi. Đó cũng chính là điều thôi thúc tôi dành thời gian, công sức tìm hiểu, nghiên cứu về ông nội. Khi để tâm nghiên cứu về Nguyễn Văn Vĩnh, sau này tôi nhận thấy có một điều cụ luôn trăn trở và tìm cách thực hiện là: Người Việt không thể nói một cách và viết một cách. Đây chính là nguyên nhân sâu xa đẩy Nguyễn Văn Vĩnh phát triển văn hoá và chữ Quốc ngữ. Cụ Vĩnh đã nghĩ đến việc dịch các sách hay để truyển tải đến người đọc và cho rằng để phổ biến chữ quốc ngữ rộng rãi cần phải có phương tiện truyển tải ngôn ngữ - đó là báo chí. Trở về Việt Nam từ Pháp, Nguyễn Văn Vĩnh mở nhà in đầu tiên ở Hà Nội và ông là chủ bút tờ Đăng Cổ Tùng Báo (1907) - Tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ ở Bắc Kỳ. Tiếp đó, năm 1913, ông làm chủ bút tờ Đông Dương Tạp chí - tờ báo đầu tiên hướng dẫn người Việt viết văn bằng chữ Quốc ngữ. Ông cũng là người đầu tiên dịch ra chữ Quốc ngữ các tác phẩm kinh điển của các đại văn hào Pháp như: Balzac, Victor Hugo, Alexandre Dumas, La Fontaine  và cũng là người đầu tiên cùng Phan Kế Bính dịch trọn bộ “Tam Quốc chí diễn nghĩa” từ Hán văn ra Quốc ngữ (1909) để hấp dẫn, lôi kéo người dân Việt Nam hướng đến việc đọc, sử dụng chữ Quốc ngữ. Ông còn chuyển ngữ “Truyện Kiều” từ chữ Nôm ra Quốc ngữ (1913). Có thể nói, tất cả việc làm của Nguyễn Văn Vĩnh là góp phần quan trọng trong việc truyền bá kiến thức, không chỉ là văn hoá phương Tây, mà mục đích chính là để người dân nhận thức và dần dần đi đến chấp nhận chữ Quốc ngữ. Vì vậy, có khẳng định Nguyễn Văn Vĩnh là một nhà “cách mạng” của chữ Quốc ngữ.

Được gia đình “chọn” làm người thừa kế toàn bộ “gia tài” của ông nội, Nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh, ông có những dự định gì trong tương lai?

“Gia tài” chữ nghĩa ông nội để lại cho tôi là quá lớn và tôi sẽ có nhiều việc để làm với nó. Tôi đã bắt đầu khởi động cho việc ra đời cuốn sách đầu tiên tập hợp các bài viết của cụ Vĩnh. Chỉ thông qua ngôn ngữ trong các bài viết đó mới thấy rõ được vai trò của của tư tưởng cụ Vĩnh đối với các lĩnh vực phát triển kinh tế- xã hội và văn hóa. Tôi cũng nhận lời với các bạn ở Hội tri thức trẻ Việt Nam và nhiều cơ quan khác để chiếu bộ phim “Mạn đàm về người man di hiện đại” cùng với chương trình giao lưu, trả lời những câu hỏi xung quanh cuộc đời nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh. Sắp tới tôi sẽ kết hợp cùng Nhà Xuất bản Trí thức để xây dựng trang thông tin chính thức (website) về con người, cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh.
Tôi hi vọng lịch sử sẽ phán xét một cách khách quan và công bằng về công lao của ông nội tôi đối với sự phát triển chữ Quốc ngữ nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.

Xin cảm ơn Nhà nghiên cứu Nguyễn Lân Bình đã dành thời gian cho cuộc trao đổi và xin chúc mối “lương duyên” của ông với chữ Quốc ngữ ngày càng phát triển và thành công !
 


Tác giả: Th.s. Thân Trung Dũng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất