Tính phản kháng Không phải chờ đến khi phong trào nữ quyền và môn nữ quyền luận (feminism) ra đời người ta mới nói đến nghệ thuật nữ quyền.
Ngay từ thế kỷ thứ 17, nữ họa sĩ nổi tiếng người Ý là Artemisia Gentileschi (1593-1653) đã được coi là nhà nghệ thuật nữ quyền đầu tiên của thế giới, người đã đưa ra những tuyên ngôn hào hùng bằng màu sắc và ánh sáng để khẳng định sức mạnh của phụ nữ.
Bị hãm hiếp bởi chính thầy giáo của mình, thanh danh bị ô uế, bị lăng nhục ngay trước tòa, trong khi kẻ phạm tội lại được tuyên bố là vô can, Artemisia Gentileschi hiểu được sâu sắc sự thiệt thòi của phụ nữ trong xã hội. Bà đã trút mọi nỗi căm giận của mình đối với sự bất công với phụ nữ lên màu vải. Hình ảnh những người phụ nữ trong tranh của bà luôn cuồn cuôn những cơ bắp rắn chắc, nét mặt cương nghị và không khoan nhượng. Chúng ta hãy xem bà miêu tả nàng Judith đang chặt đầu Holofernes một viên tướng xấu xa như thế nào. Trái hẳn với hình ảnh của những phụ nữ dịu hiền được miêu tả trong tranh của các họa sĩ nam giới cùng thời, Judith của bà không ngây thơ, yếu đuối mà lạnh lùng, dứt khoát, kề gươm vào cổ một hung thần ngã gục với máu me tuôn trào...
Tên tuổi của Artemisia Gentileschi cùng với nữ họa sĩ người Hà Lan Rachel Ruysh (1664-1750) nổi tiếng với những bức tranh vẽ hoa, nữ họa sĩ người Pháp Rosa Bonheur (1822-1899), nổi tiếng với những bức tranh vẽ ngựa, hươu nai và sư tử... và nhiều những nữ nghệ sĩ khác đã làm rạng danh không chỉ cho nghệ thuật mà còn cho cả giới phụ nữ.
Tuy nhiên những sáng tác của họ chưa đủ sức để làm nên một xu hướng nghệ thuật.- nghệ thuật nữ quyền. Họ xuất hiện chỉ như một sự khởi đầu, một sự nhắc nhở.
Judith chặt đầu Holofernes (
1612-1613) .
Sự vắng bóng đáng tiếc trong lịch sử nghệ thuât. Thực tế cho thấy tài năng của Artemisia Gentileschi và nhiều nữ họa sĩ khác không hề thua kém những tên tuổi lớn của hội họa thế giới. Bà có thể không hổ thẹn mà đứng ngang với Michaelangelo về kỹ thuật vẽ hình họa, với Caravaggio, Botticelli, Rubens về sử dụng màu sắc và ánh sáng, với F. Goya về sự dữ dội...Nhưng bà lại vắng trong rất nhiều sách lịch sử nghệ thuật.. Tại sao lại như vậy, chỉ vì bà là phụ nữ chăng ? Rất tiếc, câu trả lời lại đúng là như vậy.
Sự tổng kết lại những bất bình đẳng giới trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật đã cho thấy chỉ có chưa đến 3% các tác giả nữ xuất hiện trong các bảo tàng tranh danh tiếng, trong khi có tới 83% các bức tranh khỏa thân được dành để vẽ phụ nữ.
Một tấm bích trương của nhóm phụ nữ “Guerrilla Girls” Ở lĩnh vực âm nhạc sự việc cũng diễn ra tương tự như vậy. Rất nhiều nhà soạn nhạc nữ tài hoa đã bị lãng quên chỉ vì họ cần phải tập trung cho “công việc quan trọng hơn”, công việc gắn liền với chức phận của một người mẹ, một người vợ và tóm lại là chỉ vì họ là phụ nữ. Các sách viết về lịch sử âm nhạc dường như cũng quên lãng họ.
Tên tuổi lớn của các nhà soạn nhạc nữ đầy tài năng như Clara Schumann thì đã bị bị chìm lấp phía sau lưng của người chồng nổi tiếng - nhạc sĩ thiên tài Robert Schumann, mặc dù bên cạnh các bản nhạc lãng mạn sâu sắc và thanh cao không thua kém chồng, bà còn hơn hẳn chồng về khả năng biểu diễn. Với thiên tài âm nhạc bẩm sinh, sự nhạy cảm âm nhạc tuyệt vời, cộng với đôi bàn tay khéo léo của thiên thần, bà trở thành một trong những người chơi đàn dương cầm hay nhất của thế kỷ 19, từng làm khuynh đảo các phòng hòa nhạc khắp Châu Âu.
Trường hợp của nhà soạn nhạc, nữ nghệ sĩ dương cầm người Đức Fanny Hensel cũng tương tự như vậy. Tên bà bị chìm đi nhanh chóng trong các sách lịch sử âm nhạc chỉ vì một lý do thật đơn giản người em ruột nổi tiếng của bà, nhạc sĩ lãng mạn Felix Mendelssohn muốn bà phải khẳng định vị thế của mình trong gia đình thay vì cứ nổi danh ngoài xã hội. “Chị ấy có quá nhiều tính nữ, chẳng phù hợp với công việc liên quan đến nghệ thuật”.
Những sự việc trên cũng thật dễ hiểu trong bối cảnh của những xã hội bất bình đẳng giới, cái xã hội mà ngay cả những bộ óc uyên bác nhất trong cánh đàn ông như J.J. Rousseau, hay E.Kant cũng còn khẳng định rằng phụ nữ không có những năng lực thiên phú, những cảm xúc thăng hoa để làm được nghệ thuật.
Bởi vậy, trong bối cảnh xã hội như thế, những nhà sáng tạo nghệ thuật thuộc phái nữ đã xuất hiện không nhiều, bên cạnh đó trong các công trình nghiên cứu lịch sử nghệ thuật sự suy tôn họ cũng lại thật thiếu công bằng. Điều đó đã đòi hỏi sự cần thiết phải nhìn nhận và xếp đặt lại các quy chuẩn về giới trong lĩnh vực nghệ thuật để có được một sự đánh giá trung thực và khách quan hơn. Các nhà nữ quyền còn đỏi hỏi hơn thế nữa, đòi hỏi phải viết lại lịch sử nghệ thuật trên quan điểm bình đẳng giới.
Từ những bông hoa trừu tượng đến bữa tiệc tối Những bất bình đẳng về giới trong nghệ thuật đã góp phần làm hình thành một trào lưu nghệ thuật gắn liền với phong trào nghệ thuật được gọi là nghệ nghệ thuật nữ quyền, từ âm nhạc, thơ ca đến hội họa, kiến trúc...
Không có một nội dung và phương thức biểu hiện thống nhất nào, nhưng quy chuẩn đầu tiên của nghệ thuật nữ quyền là phải hướng vào việc khẳng định vị thế và vai trò của phụ nữ, nêu bật được tính nữ trong nghệ thuật.
Hãy xem những bức tranh tuyệt vời của nữ họa sĩ người Mỹ là Georgia O`Keeffe về những bông hoa trừu tượng với những màu sắc khi dịu dàng khi dữ dội. Những bức tranh này luôn có thể làm say đắm người xem bởi một kỹ thuật hội họa tinh sảo, sự mềm mại của màu sắc và đường nét, nhưng đi kèm với nó người xem cũng không khỏi nhận ra những dáng dấp huyền ảo của bộ phận sinh dục nữ...
Tranh của Georgia O`Keeffe luôn có thể làm ta nhớ lại những câu thơ tuyệt vời của của nữ sĩ Việt Nam Hồ Xuân Hương thuở nào, với hình ảnh của cái quạt :
“chành ra ba góc da còn thiếu,
khép lại đôi bên thịt vẫn thừa,
Mát mặt anh hùng khi tắt gió
Che đầu quân tử lúc sa mưa..”
Và của cái bánh trôi nước :
“ Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Lòng em vẫn giữ tấm lòng son
Và rồi nó cũng muốn khẳng định với giới đàn ông rằng nữ giới có thể làm được tất cả. Và : “ví đây đổi phận làm trai được, thì sự anh hùng há bấy nhiêu”.
Những bông hoa huyền ảo của
Xu hướng nghệ thuật nữ quyền cũng được đẩy cao với sự xuất hiện của nhóm những nhà hoạt động nghệ thuật phụ nữ mang biệt danh chung là “Guerrilla Girls”. “Guerrilla Girls” xuất hiện trong các bích trương với thân hình quyến rũ của người phụ nữ và khuôn mặt dữ tợn của loài đười ươi theo kiểu nhân vật Kingkong dữ tợn mà nhân ái của Holywood .
“Guerrilla Girls” cuốn hút được đông đảo những nhà hoạt động nghệ thuật nữ tham gia đến mức hình ảnh của các “Guerrilla Girls” có lúc đã được coi như là biểu trưng cho nghệ thuật nữ quyền.
Cũng giống như thuyết nữ quyền, xu hướng nghệ thuật nữ quyền cũng dẫn đến, một vài thái độ cực đoan như đề cao quá mức tính nữ trong quan hệ giới, thái độ thù hận đàn ông trong các biểu hiện nghệ thuật
Nữ họa sĩ nổi tiếng người Mỹ là Judy Chicago vào năm 1979 đã cho trưng bày tác phẩm nổi tiếng và gây nhiều tranh luận là “bữa tiệc tối” (The Dinner Party) nhằm tôn vinh những người phụ nữ nổi tiếng. Bên cạnh việc cuốn hút đông đảo giới hoạt động nghệ thuật phụ nữ tham gia vào phong trào nghệ thuật nữ quyền, tác phẩm cũng để lại nhiều dư âm khiến tác giả của nó bị xem là người còn “máu lửa” hơn cả nam giới. (Về điểm này chúng ta cũng không nên trách bà vì mọi người làm nghệ thuật đều cần tới chất lửa này cả cứ gì phải nam hay nữ).
Chúng ta hãy xem tác phẩm “bữa tiệc tối” của Judy Chicago, với bàn tiệc được xếp hình tam giác, trên bàn là các món ăn phong phú, lịch sự, chỉ có điều là mọi món ăn đều là những thứ bánh trái, hoa quả được xếp lại theo hình thù các bộ phận sinh dục nữ, hoặc là những khuôn mặt, ánh mắt đau khổ của họ...Đây là một tiếng nói thách thức ư ? Chỉ có điều là đã có rất nhiều ý kiến khen chê khác nhau.
Một món ăn trên bàn tiệc tối của Judy Chicago
Bản thân rất nhiều nhà nữ quyền cũng cho rằng sự thách thức này là khá thô thiển. Và rằng nữ quyền và xu hướng tính dục không đơn giản chỉ là phô trương cái kín đáo của mình ra trước mặt bàn dân thiên hạ.
Dẫu vậy, thì tài năng của Judy Chicago, đặc biệt là chất nghệ thuật đầy tính nữ của bà, tinh thần đấu tranh cho bình đẳng giới ở bà, vẫn là tuyệt vời. Nhân đây chúng ta có thể xem một vài tác phẩm nổi tiếng của bà bên cạnh tác phẩm “bữa tiệc tối”
|
Judy Chicago |
Chicago is also known for her "central core"
Rainbow Shabbat (detail, center panel) Judy Chicago. Rainbow Shabbat (detail, center panel), 1992.
Nghệ thuật nữ quyền sẽ đi về đâu và phát triển như thế nào ? Câu hỏi này là để dành cho tương lai. Chỉ biết rằng nó đang cuốn hút được sự ủng hộ khá rộng rãi của các nhà hoạt động nghệ thuật là phụ nữ và không ít các bậc nam giới “chính nhân quân tử” và sẽ đóng góp đáng kể vào sự đa dạng và phong phú của thế giới nghệ thuật hiện đại.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tadri.org là vi phạm bản quyền