Về giá trị đương đại của Nho giáo ở Việt Nam
Sapo: Một số nước Ðông Á đã có sự phát triển nhanh chóng về các mặt kinh tế, xã hội và khoa học kỹ thuật. Nhiều học giả cho rằng chính Nho giáo là nhân tố cơ bản thúc đẩy cho sự phát triển ấy. Vậy, việc khai thác, sử dụng và cải biến các giá trị Nho giáo ở Việt Nam như thế nào để phục vụ tích cực cho sự phát triển đất nước là vấn đề cần được quan tâm hơn nữa cả về học thuật và thực tiễn.
Nho giáo ra đời tại Trung Quốc và từ hàng ngàn năm lịch sử đã có ảnh hưởng sâu sắc trên toàn bộ đời sống xã hội của nước này. Nhưng Khổng Tử lại được đánh giá khác nhau qua các thời đại và học thuyết của ông lại trải qua nhiều bước thăng trầm và chịu nhiều biến đổi, có lúc được ngợi ca hết lời, có lúc lại bị mạt sát thậm tệ.
Gần đây, trên cơ sở những thành tựu lớn về mọi mặt kinh tế xã hội, Trung Quốc đặt lại vấn đề Nho giáo và đánh giá lại Khổng Tử trên cơ sở khách quan và khoa học. Việc nghiên cứu về Khổng Tử được diễn ra liên tục và dồn dập qua các cuộc hội thảo, nghiên cứu và học tập tại các trường đại học, qua các sách báo về Nho giáo được xuất bản ngày một nhiều. Đặc biệt là từ khi Hội Nho học quốc tế được thành lập thì việc nghiên cứu Nho giáo không chỉ diễn ra ở Trung Quốc mà còn trở thành một vấn đề học thuật ở các nước Đông Á và trên toàn thế giới.
Ở Việt Nam, Nho giáo đã từng bao đời là hệ tư tưởng thống trị trong kiến trúc thượng tầng. Nho giáo đã từng giúp cho giới cầm quyền Việt Nam từ thế kỷ thứ X xây dựng một hệ thống hành chính và quản lý xã hội bao gồm những người trí thức được đào tạo công phu về kiến thức, về cách ứng xử xã hội, về phẩm chất kẻ làm quan. Sau cách mạng tháng Tám, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã sử dụng rất nhiều danh ngôn của Khổng Mạnh trong nhiều bài nói và bài viết của mình.
Trải qua hai cuộc kháng chiến gian khổ, Việt Nam đi vào thời kỳ xây dựng kinh tế, xã hội và văn hóa với muôn vàn khó khăn, trong một hoàn cảnh còn nhiều thiếu thốn, vất vả. Nền kinh tế thị trường và chính sách đổi mới đúng đắn của Đảng đã đem lại những kết quả đáng mừng. Nhưng nhiều hiện tượng tiêu cực lại đã nảy sinh trong đời sống xã hội, trong mọi quan hệ hàng ngày.
Nhiều tiêu chuẩn tối thiểu của đạo đức đã bị coi thường ở một số tầng lớp. Thái độ và hành vi đối xử với cha mẹ, cũng như quan hệ giữa vợ chồng, con cái, anh em đang diễn ra một cách tùy tiện và nhiều lúc rất đáng chê trách. Phải chăng đạo đức Nho giáo có những điều tốt đẹp mà xã hội ta đã không giữ lại?.
Việt Nam cũng như nhiều nước Đông Á đã từ lâu ngày chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Nếu những nước láng giềng ấy khai thác được những nhân tố tích cực của Nho giáo thì Việt Nam chẳng lẽ lại không làm được những điều mà các nước ấy đã làm hay sao?
Các nhà cầm quyền ở những nước bạn đã biết khai thác học thuyết Nho giáo nhằm củng cố trật tự gia đình và xã hội. Họ đã đạo đức hóa những quan hệ cố hữu giữa thống trị và bị trị, giữa chủ đất và nông dân, giữa xí nghiệp và công nhân. Quá trình nghiên cứu cho thấy rằng giai cấp tư sản ở những nước nói trên đã khai thác Nho giáo một cách thông minh, có bài bản.
Trách nhiệm đặt ra cho thời đại chúng ta là trên cơ sở khoa học, nhìn lại những mặt hạn chế của Khổng Tử và khẳng định những giá trị tinh thần mà ông và học thuyết của ông đã cống hiến cho dân tộc Việt Nam, cho các nước Đông Á và cũng có thể nói là cho cả nhân loại.
Sapo: Việt Nam cũng như các nước Ðông Á đều có những điểm tương đồng về các mặt kinh tế, chính trị và văn hóa. Nhưng ngay trên các lĩnh vực này cũng có nhiều điểm khác nhau và từ đó có những ứng xử khác nhau đối với Nho giáo. Học trò khóc bên mộ Khổng Tử
Mạnh Tử
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tadri.org là vi phạm bản quyền