Chuyện đúc chuông chùa Diên Phúc
Chùa Diên Phúc, một danh thắng lịch sử phật giáo thuộc thôn Mai Lâm, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội, nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 10km về phía Bắc. Sau buổi lễ đại hồng chung hơn một năm trước, hình ảnh lầu chuông hôm nay đang được hoàn thiện dần, gợi nên bao nhiêu cảm xúc.
Chùa Diên Phúc, một danh thắng lịch sử phật giáo thuộc thôn Mai Lâm, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội, nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 10km về phía Bắc. Sau buổi lễ đại hồng chung hơn một năm trước, hình ảnh lầu chuông hôm nay đang được hoàn thiện dần, gợi nên bao nhiêu cảm xúc.
Chuông chùa Diên Phúc nặng tới trên 2 tấn , cao 2m55, đường kính 1m43 – 1m45 với thời gian thực hiện từ khi thiết kế đến lúc hoàn thành là ba tháng dưới sự làm việc cần mẫn, miệt mài của 20 người thợ tài hoa được mời ra từ Huế.
Trong suốt quá trình làm chuông, những người thợ lành nghề đều ăn chay để thể hiện sự tinh khiết của tâm hồn. Lòng thành kính của những người thợ làm chuông cũng là một trong những yếu tố tạo nên một phần thành công của chuông. Theo sư thầy Thích Minh Thịnh, trụ trì chùa, ngoài thành công kĩ thuật, thẩm mĩ cao, kết cấu tốt thì tiếng chuông khi đánh lên đã hội đủ được cả 3 yếu tố: Tâm lực – Nguyện lực – Trí lực.
Chuông chùa Diên Phúc mang những họa tiết, hoa văn độc đáo riêng. Đó là những nét hoa văn, họa tiết mà vị sư trụ trì chùa đã dùng nhiều tâm sức đi khắp ba miền Bắc-Trung-Nam tìm hiểu, thu thập, chắt lọc từ những nét hoa văn đặc sắc từ những chiếc chông chùa khac để hội tụ lại trên chiếc chuông này. Điều đó đã khiến cho chuông trở thành một tác phẩm nghệ thuật có một không hai
Bố cục các hoa văn, họa tiết trên chuông thật hài hòa và mềm mại. Quai chuông được thiết kế thành hai phần, đầu quai chuông hướng ra hai hướng và đuôi quai chuông đối vào nhau tạo nên sự mềm mại, hài hòa thống nhất. Bốn trụ đỉnh được thiết kế hình đầu rồng. Hoa sen chạy quanh đầu chuông. Phần chính của chuông được chia làm hai phần: Bốn đầu trên của chuông là hình hoa mai – lan – cúc – trúc tượng trưng cho bốn mùa xuân - hạ - thu – đông. Ở giữa có khắc 63 chữ. Bốn đầu dưới là 2 đầu kệ đối nhau có hai bài:
Nguyện thử trung khanh siêu pháp giới Thiết vi u ám tất giao oan Văn trần thanh tịnh chứng viên thông Nhất thiết chúng sinh thành chính giác | Văn trung khanh phiền não khinh Trí tuệ trưởng Bồ đề sinh Ly địa ngục, xuất hỏa khanh Nguyện thành phật độ chúng sinh |
Vòng tròn dưới có dòng chữ: Nam mô địa tạng vương bồ tát.
Bên cạnh những sự khác biệt về hoa văn, kiến trúc, điều đặc biệt là chuông chùa Diên Phúc được treo tại lầu bát giác thể hiện bát chánh đạo trên hồ nước. Các cột lầu chuông đều được dựng bằng đá, mái chùa bằng gỗ được trạm khắc những nét hoa văn tinh túy. Kết cấu của lầu chuông hội đủ : Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. Chính vì vậy chiếc chuông càng trở nên có nghĩa hơn. Theo lời sư trụ trì, chuông là “ thẩm mỹ tâm linh, nhìn để thấy linh hồn trong đó, khi thỉnh tiếng chuông thẩm thấu xuống giới, cõi âm nghe được siêu thoát, cõi dương nghe được thảnh thơi, người đời nghe thấy tiếng chuông để thức tỉnh”
Có thể nói chuông chùa Diên Phúc đã được rất nhiều các tổ chức, cơ quan, các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, các thiện hữu tri thức, các nhà hảo tâm và đặc biệt là tấm lòng của người dân nơi đây, thành tâm cúng dường. Ngoài giá trị về vật chất, chuông chùa Diên Phúc như còn có linh hồn, mang giá trị tâm linh sâu đậm. Nó mang ý nghĩa của nghệ thuật, thẩm mĩ hài hòa giữa hai cõi âm dương và hơn nữa nó hoàn toàn phù hợp với cảnh quan chung tuyệt đẹp của chùa Diên Phúc.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tadri.org là vi phạm bản quyền