15:18 ICT Thứ sáu, 13/09/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 474

Máy chủ tìm kiếm : 22

Khách viếng thăm : 452


Hôm nayHôm nay : 82796

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1789430

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 57208471

Trang nhất » Tin Tức » Tri thức

Quang cao giua trang
top

Tạp chí văn nghệ địa phương với công cuộc xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước

Tác giả: Hoàng Trọng Cường (Tổng Biên tập Tạp chí Xứ Thanh) - Thứ hai - 24/08/2015 10:04
Tạp chí văn nghệ địa phương với công cuộc xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước

Tạp chí văn nghệ địa phương với công cuộc xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước

Mác đã nói: Con người là “tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Có thể hiểu Con người là trọng tâm của quá trình phát triển trong tương quan với các quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa, con người với con người. Mỗi một giai đoạn phát triển của lịch sử đều nảy sinh những tiêu chí để đánh giá và tiết chế các hoạt động của con người trong cộng đồng, trong giai đoạn đó.

Con người Việt Nam hôm nay mà chúng ta xây dựng, như mục tiêu của Nghị quyết 33 - NQ/TW, hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” là: “Con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”. Với những chuẩn mực cụ thể là: “Con người Việt Nam phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước”.

Hướng tới thực hiện mục tiêu đó, vấn đề đặt ra trong cuộc hội thảo này là nhận chân con người Việt Nam, mà cốt lõi là đạo đức, lối sống sau hơn một phần tư thế kỷ đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, trách nhiệm của văn học nghệ thuật và của các tạp chí văn nghệ địa phương trong công cuộc xây dựng con người Việt Nam hôm nay.

1. Xã hội và con người Việt Nam qua gần 30 năm đổi mới.

Công cuộc đổi mới đất nước được Đảng ta phát động ở tầm vĩ mô đã tạo ra bước ngoặt lớn cho sự phát triển của đất nước trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế có những bước phát triển vượt bậc. Các mối quan hệ kinh tế, xã hội được “cởi trói”. Đời sống nhân dân được nâng cao. Mười lăm năm đầu thế kỷ XXI là mười lăm năm đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã đưa Việt Nam từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh vượt lên trở thành một đất nước có vị thế trên trường quốc tế. Nhưng cũng chính sự quan tâm mất cân đối suốt gần 30 năm giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và quan tâm tới con người chưa đúng mức cả một thời gian dài đã kéo theo những hệ lụy có tác hại khôn lường về văn hóa, về đạo đức, xã hội, lối sống. Sự phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng, dẫn tới những bức xúc trong xã hội.

Chủ nghĩa yêu nước đã từng là đỉnh cao của nhân cách con người Việt Nam trong suốt trường kỳ đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc có lúc bị mai một, bị đặt không đúng chỗ, thể hiện không đúng cách, thậm trí bị đảo lộn. Lối sống chụp giật, cạnh tranh không lành mạnh, sự sa sút về đạo đức, lối sống; tệ tham nhũng ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền không còn là chuyện báo động trong những câu chuyện văn chương nữa. Cuộc đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội ngày càng trở nên quyết liệt.

Những nét đẹp của văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc bị biến tướng, bị phơi áo trước sự xâm lăng của văn hóa ngoại lai. Bộ phận lớn lớp người trẻ tuổi bàng quang, thờ ơ với lịch sử, văn hóa dân tộc. Các bộ môn khoa học xã hội, nhân văn trong nhà trường có một thời bị xem nhẹ. Đối tượng phạm pháp là thanh thiếu niên gia tăng đến bất ngờ. Lý tưởng sống, khát vọng sống với những giá trị tốt đẹp trong những năm chiến tranh, gian khổ thì giờ đây, trước những tác động nhiều chiều của xã hội, bị nhạt nhòa, bị che lấp bởi những vấn đề thiết thực hơn của đời sống. Những hiện tượng xấu trong xã hội như những đám mây đen che phủ những tấm gương đạo đức sáng trong. Cái xấu, cái ác làm cho không ít người tốt phải e ngại, kinh sợ… Đó cũng chính là những nguyên nhân làm giảm sút ý chí chiến đấu, tinh thần đấu tranh để khẳng định giá trị truyền thống tốt đẹp làm nên cốt cách con người Việt Nam suốt bao thế hệ.

Những mảng tối trong hiện thực đời sống xã hội và con người của một thời ấy tác động không nhỏ tới tâm lý, tình cảm của người dân và của văn nghệ sỹ.

2. Trách nhiệm của văn học nghệ thuật

Từ khi cộng đồng người văn minh phát triển cao, hình thành văn hóa mà trong đó VHNT là bộ phận tinh tế nhất. Có người đã ví văn học nghệ thuật như chiếc phong vũ biểu phản chiếu thực trạng xã hội, trong đó,  đạo đức, lối sống vốn là gốc rễ của văn hóa, xã hội đã khẳng định rằng: Chân - Thiện - Mỹ là mục đích tối thượng mà loài người hướng tới và cũng là thiên chức cao quý, một thẩm quyền đặc biệt của VHNT. Bởi không ở đâu, không một lĩnh vực nào có thể nói hết những tâm tư, tình cảm, khát vọng, những góc khuất của con người, đưa thẳng những điều ấy của con người đến con người, với cộng đồng nhanh và hiệu quả bằng VHNT; Vì đó là con đường đi từ trái tim đến trái tim và mọi trái tim.

Trong phạm vi một cuộc hội thảo tạp chí văn nghệ khu vực, tôi chỉ xin  chỉ điểm sơ qua vài điều về VHNT thời kỳ đổi mới. Trước hết phải khẳng định VHNT thời kỳ đổi mới thực sự có một sinh khí mới mà đã được dư luận công nhận, đó là:  Đời sống tư tưởng được “cởi trói”. Đề tài sáng tạo được mở ra, các khía cạnh của nội tâm con người được khai thác, tự do sáng tạo của tác giả được phát huy. VHNT của đất nước bừng nở với muôn vàn giọng điệu. Nhiều tác phẩm có đóng góp quan trọng trong phản ánh xã hội truyền thống lịch sử, xây dựng đạo đức, nhân cách con người đã để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc.

Mặt khác, thời mở cửa đã tác động mạnh mẽ vào đời sống VHNT gây ra nhiều điều đáng lo ngại ở chỗ loạn về tác phẩm ra mắt công chúng, nhiều tác phẩm, nhiều hoạt động văn hóa phản cảm, non nớt về nghệ thuật, làm lệch chuẩn đạo đức, gây tác hại đến xã hội, nhất là thế hệ trẻ. Văn hóa đọc mai một, báo và tạp chí VHNT tụt giảm về ti ra. Ngày nay khi đất nước ta đang phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt mục tiêu là xây dựng xong nền tảng cần và đủ cho một đất nước công nghiệp hóa hiện đại hóa có mức thu nhập bình quân trên trung bình so với khu vực và thế giới, bước đầu có nền kinh tế tri thức sau khi đã đạt trình độ khá cao về cơ khí hóa và tự động hóa cũng như phổ cập tin học và công nghệ thông tin đến được đa số nhân dân.

Trước thực trạng mất cân đối trầm trọng giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, xây dựng con người. Năm 2013, nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cảnh báo: “Không lẽ có kinh tế trí thức mà lại không có con người tri thức? Không lẽ có mức sống vật chất khá cao trên mức thu nhập bình quân trên trung bình của thế giới mà vẫn duy trì mức đọc một năm, một đầu người dưới một đầu sách? (Theo thống kê của Bộ VH-TT-DL năm 2013, tỉ lệ người Việt đọc sách là: 0,8 đầu sách một đầu người/ năm). Hoặc biết sử dụng máy tính và điện thoại thông minh đời mới nhất mà vẫn không thể xem và hiểu được một bức tranh của hội họa hiện đại, một bản nhạc không lời của các tác gia cổ điển?... Sự so le kệch cỡm ấy giữa đời sống vật chất và tinh thần của con người Việt Nam này, mai đây là có thật, mà nếu không mau chóng san lấp đi, thì chắc chắn sẽ còn để lại những hậu quả sâu xa và bi hài khôn lường cho cả một xã hội đang phát triển một cách chật vật, thiếu cân đối và thiếu sự cân bằng trên tổng thể, nhất là lại ở yếu tố con người”. Đây là điều mà tất cả chúng ta đều đang trăn trở.

3. Hành trình của các tạp chí Văn nghệ địa phương

Các cơ quan báo chí Văn nghệ địa phương ra đời và phát triển cùng với sự hình thành và phát triển của lực lượng sáng tạo văn học, nghệ thuật địa phương. Là diễn đàn và cũng là phương tiện quảng bá sớm nhất, hữu hiệu nhất cho các sáng tác của văn nghệ sỹ. Là nơi tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của địa phương và đất nước bằng hình thức VHNT. Nó vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, sắc thái văn hóa vùng miền, vừa chuyển tải thẳng đến công chúng lối sống cao thượng, nhân ái, nhân văn; đồng thời phê phán quyết liệt, đấu tranh không khoan nhượng chống lại cái xấu, cái ác, cái thấp hèn trong mỗi con người, trong xã hội. Là phương tiện thông tin  nhanh  nhạy, năng động trong xây dựng đạo đức xã hội, với mục tiêu cao đẹp là chân - thiện - mỹ.

Thế nhưng, những năm gần đây, báo chí VHNT nói chung, báo chí Văn nghệ địa phương nói riêng đang phải chịu áp lực nặng nề, nói thẳng ra là những cơ quan báo chí văn nghệ đang sống ngắc ngoải, do kinh phí quá hạn hẹp, giá cả tăng cao, sự bùng nổ của thông tin kỹ thuật số đang đẩy báo chí văn nghệ (một loại hình văn hóa đọc), nhất là báo chí địa phương vốn đã khó khăn lại càng khó khăn gấp bội trên tất cả các mặt: Đội ngũ cộng tác viên, chất lượng bài vở, công tác phát hành…

Dù vậy, các cơ quan báo chí văn nghệ vẫn phải thường xuyên thực hiện việc nâng cao chất lượng để có thể đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng trong việc góp phần thực thi nhiệm vụ nặng nề của VHNT là xây dựng con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Hành trình cùng giới VHNT của cả nước trong công cuộc xây dựng con người Việt Nam hôm nay, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước; con người phát triển toàn diện Trí - Đức - Thể - Mỹ con người văn minh; phát triển cao cùng cộng đồng nhân loại của báo chí văn nghệ; là một hành trình khó khăn nhưng rất hệ trọng; đòi hỏi phải nỗ lực phấn đấu trên mọi phương diện.

Thiết nghĩ để báo chí Văn nghệ địa phương phát huy cao độ chức năng và nhiệm vụ của mình, chúng ta cần thực hiện một cách ráo riết hơn một số vấn đề trọng tâm ví như:

Trước hết bản thân cơ quan tạp chí văn nghệ phải nâng cao chất lượng đội ngũ Ban Biên tập, từ cán bộ quản lý đến biên tập viên cần  thực sự nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Thực sự là những người có tâm, có tầm, có tài. Mở rộng tầm nhìn tinh nhạy và cởi mở hơn khi tiếp cận các sáng tác. Nghiên cứu sâu hơn những thành tựu của văn hóa dân tộc, sắc thái địa phương, đồng thời tiếp cận hệ thống lý luận mỹ học và VHNT mới mẻ, tiên tiến.

Mặt khác, cũng rất cần vận động để Nhà nước có cái nhìn chiến lược hơn, thống nhất, ổn định trên bình diện cả nước về định biên, về kinh phí, đầu tư mạnh tay hơn đối với sự nghiệp VHNT nói chung, với tạp chí văn nghệ nói riêng. Từ đó, mới tạo đà cho sự phát triển một cách vững chắc cho một loại hình báo chí đặc thù, người lính xung kích trên một mặt trận hết sức tinh tế, nhạy cảm. Có như vậy chúng ta mới có đủ bản lĩnh và sức mạnh để đi tới cái đích cuối cùng trong việc xây dựng con người và đất nước thời đổi mới và hội nhập./.                                                              

Tác giả: Hoàng Trọng Cường (Tổng Biên tập Tạp chí Xứ Thanh)

Nguồn tin: vanhien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất