21:06 ICT Thứ năm, 28/03/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 180

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 178


Hôm nayHôm nay : 45218

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2826726

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 34163147

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển

Quang cao giua trang
top

Đình Đông Thành

Tác giả: Đông Tỉnh - Thứ ba - 18/11/2014 08:53
Đình Đông Thành

Đình Đông Thành

Đình Đông Thành là ngôi đình của làng Đông Thành trước kia thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, Phủ Phụng Thiên, kinh thành Thăng Long. Địa chỉ hiện nay: số 7 phố Hàng Vải, thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Tọa độ: 21.035299 N105.847865 E, cách Hồ Gươm chừng 600m về phía tây-bắc. Điểm dừng xe bus gần nhất: đoạn giữa phố Phùng Hưng (tuyến 01, 18, 23) và đoạn cuối phố Hàng Lược (tuyến 31).

Xưa kia ngôi đình vốn là chung của hai thôn Đông Thành và Đông Thành Thị. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử Quán triều Nguyễn khi chép về các chợ cổ của Hà Nội có nói đến chợ Đông Thành, do có chợ nên thôn đó gọi là thôn Đông Thành Thị. Về sau, chợ chuyển lên phường Đồng Xuân nên gọi là chợ Đồng Xuân. Đến thời Minh Mạng (1820-1840), hai thôn Đông Thành và Đông Thành Thị sáp nhập lại thành làng Đông Thành ở phía trước cửa Đông Môn của thành Hà Nội.
 
Theo bản hương ước được sửa lại năm Giáp Thân (1944) thì đình Đông Thành được xây dựng từ lâu đời, thờ Huyền Thiên Trấn Vũ. Tam quan đình lợp ngói ta cổ, hai bên trụ cao trên nóc có hai con nghê, trong sân có cây đa cổ, trước cửa đại đình có năm gian rộng. Hai bên tam quan có cặp bia với dòng chữ Đông Thành bi kí, niên hiệu Minh Mạng nói về những người cúng tiến xây dựng đình, như thế ngôi đình đã tồn tại gần 200 năm. Ngoài ra còn có 8 tấm bia, bao gồm Trùng tu Đình Vũ bi kí năm Canh Tuất (1850) và Đông Thành thị thôn bi lục năm Thành Thái 17 (1906) do người trong thôn cúng tiến.
 
Đợt trùng tu đình Đông Thành năm 2013. Photo ©NCCong
 
Bia Duy Tân 4 (1910) do ông Đỗ Ích tú tài làng Đông Ngạc soạn, cho biết: "Việc thờ tự miếu Tôn Thánh của thôn thị Đông Thành, truy nguyên ra kể từ khi bản thôn thờ miếu Tôn Thánh, được tắm gội ơn quang, đội ơn che chở, tính đến nay đã trăm năm. Trong thời gian ấy, miếu trùng tu nhiều lần, có ghi khắc bia đầy đủ. Đền miếu huy hoàng, lâu đài sừng sững thật trang nghiêm và linh thiêng".
 

Tượng Hộ pháp và Thổ thần trong đình Đông Thành. Photo ©NCCong 2013
 
Đình thờ Huyền Thiên Trấn Vũ ở hậu cung, tượng gỗ cao 1,5m, ngang 0,8m, ngồi oai nghiêm trên ngai rồng, mắt mở to, đầu trần, chân đất, tóc xoã sau lưng. Tay phải chống lên Tam thái thất tinh kiếm, rắn quấn quanh kiếm, mũi kiếm đặt trên lưng rùa. Tay trái giơ lên ngang ngực, ngón trỏ và ngón út chỉ thẳng lên trời làm phép kiểu “an uỷ ấn”. Ngón cái và ngón giữa tạo thành ấn quyết kiểu “vô thủy vô chung”. Kiểu ngồi niệm chú như thế Đạo giáo gọi là “giả toạ”, làm ta nhớ đến tượng Trấn Vũ ở đền Quán Thánh.
 
Ban thờ Tam Bảo và Thánh Tổ trong đình Đông Thành. Photo ©NCCong 2013
 
Đình lưu giữ được 9 đạo sắc Vua phong thần, từ thời Thiệu Trị nguyên niên (1841) đến Khải Định thứ 9 (1925). Đình có nhiều di vật như hoành phi, câu đối, ngai, bài vị, nhang án, cửa võng sơn son thiếp vàng lộng lẫy.
 
Một trong những câu đối ca ngợi công lao của thần Huyền Thiên tại nơi đây viết:

Nhất thốc Long Thành lưu miếu vũ
Thiên thu quy kiếm yểm gian tà
 
Nghĩa là:
Muôn thủa Long Thành ngôi miếu vững
Ngàn năm quy kiếm diệt gian tà
 
Chính điện đình Đông Thành nhìn từ hậu cung. Photo ©NCCong 2013
 
Ngoài ra, đình còn có nhiều đồ thờ cúng: mâm bồng, lọ hoa, cây nến, bình thiên hương, choé có nắp thời Nguyễn, bốn ngai thờ bằng gỗ sơn son thiếp vàng, một tượng Thích Ca và hai tượng nữ đứng chầu.
 
Mỗi năm, đình có hai kì lễ chính vào các ngày mồng 2, 3, 4 tháng Ba và mồng 8, 9, 10 tháng Chín âm lịch, gọi là tế Xuân Thu nhị kì.
 
Ngày 19-12-1946, khi cuộc chiến nổ ra ở Hà Nội, trung đội tự vệ chiến đấu khu Đông thành đã đóng ở ngôi đình này để chống quân Pháp từ trong Cửa Đông thành Hà Nội thường xuyên đánh ra. Trong tuần đầu tiên của cuộc kháng chiến, một số người dân, trong đó có cụ Nguyễn Văn Tố, Bộ trưởng trong Chính phủ Hồ Chí Minh, nhà ở số 32 phố Bát Sứ, bị kẹt lại trong vòng vây của địch. Các chiến sĩ bảo vệ khu Đông Thành đã đưa cụ Tố ra ngoài an toàn. Lúc ấy, nhà máy nước bị phá, không có nước dùng, các chiến sĩ đã đào một cái giếng cạnh hậu cung. Giếng đó nay trở thành một di tích kháng chiến ở Hà Nội.
 
Làng Đông Thành còn có một ngôi đền ở sát sau lưng đình Đông Thành, cổng quay ra phố Hàng Mụn (nay là phố Hàng Bút), mang biển số 6./.

Tác giả: Đông Tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất