09:31 ICT Thứ ba, 19/03/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 469


Hôm nayHôm nay : 50142

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1914588

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 33251009

Trang nhất » Tin Tức » Tri thức » Thông tin tư liệu

Quang cao giua trang
top

LÒNG HƯỚNG THIỆN TRONG TÂM THỨC CỦA CON NGƯỜI HIỆN NAY

Tác giả: Vũ Trường Giang - Thứ năm - 30/10/2014 10:14
*Ảnh minh hoạ (nguồn internet)

*Ảnh minh hoạ (nguồn internet)

Cái vô hạn của vũ trụ bao la, cái hữu hạn của thời gian trong vũ trụ và nguồn gốc của sự sống, khoa học chỉ mới sờ mó đến một phần bé nhỏ của đời sống tâm linh. Những “huyền bí” xung quanh thế giới con người là một nan giải không bao giờ chấm dứt. Trong đó, đời sống tâm linh luôn tồn tại và giúp con người hướng thiện.

Lòng hướng thiện là nét đặc trưng mang bản chất con người, tồn tại và phát triển liên tục trong bất cứ cộng đồng nào từ xưa tới thời điểm nay. Chính nghĩa có nhiều dạng khác nhau thì lòng hướng thiện của con người về một đức tin, niềm tin cũng không giống nhau. Cái đa dạng và phong phú về đời sống tâm linh lệ thuộc vào niềm tin vào hệ thống giáo lý nhằm răn dạy con người ăn ngay ở thật với đời để tâm hồn thanh toát và siêu thoát, khác hẳn với kiểu kinh doanh “ma quỷ thần thánh”. Song nếu không có nhận thức đúng đắn giữa mê tín và tín ngưỡng, sẽ vô tình phủ nhận đời sống tâm linh đã trở thành một thuần phong mĩ tục, một sức mạnh kết cấu cộng đồng trong tiến trình lịch sử. Tâm lý và phong tục của con người được sản sinh trong những giá trị văn hoá trở thành truyền thống.
Chính chúng ta đã đề cao truyền thống trong xây dựng nền văn hoá mới, nhưng vai trò tâm linh trong nghiên cứu khoa học nhân văn vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Đã đến lúc cần phải trở lại vấn đề một cách cơ bản hơn, theo tinh thần nhân văn của văn hoá, không gói nó vào công thức siêu nghiệm, vốn là của khoa học thực nghiệm. Biết đặt vai trò tâm linh đúng mức và đúng chỗ trong sự phát triển văn hoá cũng có nghĩa là nhận thức được cơ sở triết lí của một tinh thần nhân văn. Một đời sống tinh thần ổn định, một nền đạo đức không bị xói mòn, một  kỷ cương xã hội được tôn trọng…thì không bao giờ thiếu bóng dáng của đời sống tâm linh. Ngược lại, một nền văn hoá phát triển lành mạnh với những định hướng đúng đắn thì bản thân những giá trị văn hoá ấy sẽ chế ngự những đức tin trá hình, những kiểu tâm linh bệnh hoạn. Tưởng nhớ tổ tiên và những người khuất bóng, nhớ ơn những người có công với nước, sáng lập một ngành nghề, một địa danh đâu phải chỉ có trong một cộng đồng, một quốc gia mà nó mang tính phổ biến của nhân loại. Không chỉ những người ít học hoặc thất học mà trên thế giới có biết bao nhà chính khách, những bậc học giả, những nhà văn hoá lớn, đều tỏ lòng thành kính sâu xa về một đức tin tưởng chừng mơ hồ, vô vọng nhưng lại có tác động mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của nền văn hoá dân tộc.
Đức tin tuy không thể thiếu nó, thực nghiệm như bất cứ dạng vật chất cụ thể nào, những nó được kiểm chứng qua dòng suy tư trừu tượng và trực tiếp ảnh hưởng đến nhiều dạng vật chất bao quanh con người. Mái đình, ngôi chùa, thánh đường, tháp chuông, pho tượng, nghi thức, thờ phụng và những biểu hiện đức tin về một thế giới vô hình vô ảnh… được cấu tạo như thế nào đều được toát ra từ quan niệm nhân sinh về vũ trụ, về ngôn ngữ và lẽ sống của con người. Không một chút ngẫu nhiên khi chúng ta biết rằng 2/3 nhân loại đều là tín ngưỡng của tôn giáo - tôn giáo mang tính chất quốc tế. Thiên chúa giáo, tin lành giáo, chính thống giáo, phật giáo…) hay tôn giáo mang tính chất địa phương (thần đạo ở Nhật, Ấn độ giáo ở Ấn Độ…). Cũng không có gì lạ khi nhiều nguyên thủ quốc gia sau khi được trao quyền đã trịnh trọng tuyên thệ trước một nhân vật tối cao đại diện cho phần hồn của nhân dân.
Thời đại ngày nay khi dân số không ngững phát triển theo mọi sự hiện đại trên mọi lĩnh vực, thì chính thời đại ấy lại rất đề cao các giá trị truyền thống đã tạo lên nền văn hoá của mỗi quốc gia. Không một giá trị truyền thống của bất cứ dân tộc nào không bị chi phối bởi tín ngưỡng tâm linh. Nhật Bản hiện tại là một cường quốc khoa học kĩ thuật và cường quốc kinh tế giáo dục, nhưng Nhật Bản cũng là quốc gia tiêu biểu nhất trân trọng đời sống tín ngưỡng - tâm linh và áp dụng nó trong mọi nghi thức sinh hoạt mang đậm bản sắc dân tộc vùng Đông Bắc Á. Nhật hoàng đâu chỉ là ông vua cai trị mà còn là người tiếp lối dòng máu khai sinh ra đất nước “mặt trời mọc”, là một biểu tượng cho nếp sống tâm linh của một dân tộc uống nước nhớ nguồn.
Nhiều cường quốc công nghiệp trong khi người máy điều khiển cả một bộ phận sản xuất tự động, họ vẫn không quên phần sâu kín trong đức tin con người bằng da bằng thịt đang ngày đêm say sưa trong phòng thí nghiệm, trong khảo sát môi trường, hiện vật. “Tuần người âm phủ trở về dương thế xum vầy gia đình” được tổ chức hàng năm ở Mêhicô, thật sự là ngày hội lớn từ thành thị đến nông thôn, cả bộ máy hành chính cao nhất đến tầng lớp bình dân đều hoan hỉ, say sưa”; “Những ngày mặt nạ” của châu Phi, “ngày hiến tế” trên sông Nin, sông Hằng, trên Hắc Hải, Địa Trung Hải, “lễ cúng trăng” của dân tộc Campuchia, lễ dựng nhà của nhiều dân tộc trên miền múi trên bán đảo Đông Nam Á…đều là những sinh họat tâm linh mang tính trường cửu. Nền văn hoá - văn minh hiện đại của mỗi dân tộc là sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại, trong đó vai trò tâm linh rất quan trọng. Ai cũng hiểu rằng không khoa học nào khó bằng việc nhận thức và lý giải một cách hài hoà giữa lôgíc nội tại và lôgíc hình thức về đời sống bên trong của con người, nhất là chiều sâu tâm linh của một đối tượng. Nhưng khoa học càng phát triển, người ta đi dần vào mặt kinh tế và bước đầu khám phá  những tiềm ẩn trong thế giới trừu tượng, tìm ra quy luật vận động của nó là sự nhận dạng vấn đề con người với tất cả các phần hồn vô cùng phong phú, ở thực thể tồn tại của người với tư cách là một sinh vật xã hội có niềm tin và đức tin đã trở thành lối sống, thành lí tưởng thiêng liêng. Quá trình hình thành một cộng đồng, một lịch sử, cũng như quá trình tự tách ra rồi hòa nhập với thiên nhiên bằng niềm tin siêu thoát, là những yếu tố mang tính quyết định cho sự phát triển các dạng tín ngưỡng, tâm linh. Sự phân chia có phần rách ròi giữa tinh thần duy lý của phương tây và đời sống tâm linh của phương Đông, chỉ có giá trị khái quát về mặt lịch sử, nhất là khi con người bắt đầu bước vào thời kì công nghiệp. Chính phương Tây ngày nay sùng bái đời sống tâm linh hơn bao giờ hết, và phương Đông cũng không bao giờ hết duy trì triết lý nhân bản về đời sống tâm linh, vừa lí giải sâu sắc hơn theo tinh thần duy lý. Nhiều nhà tương lai học có tên tuổi trên thế giới đã nhận định rằng, thế kỉ XXI là thời kì phục sinh và phát triển tôn giáo, song song với nền văn minh thứ ba, tức nền văn minh hậu công nghiệp. Và hiện tượng đó đã bắt đầu ở Thái Lan và nhiều nước Đông Nam Á, là những quốc gia cùng khu vực với chúng ta.
Sẽ trở nên lạc điệu biết bao nếu ai đó phủ nhận thế giới vô thức của con người mà một thời gian dài trước đây ta xem đó như một thứ siêu hình. Cũng sẽ không còn thích hợp nếu ta vận dụng một cách méo mó câu nói của Mác cho rằng tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ con người. Ở những xã hội sơ khai, những vùng đất hoang vu, hoang dã, con người do chưa nhận thức được thế giới bao quanh nên cảm thấy mình nhỏ bé, bơ vơ và bị ám ảnh bởi một quyền uy tối thượng do cảm giác sợ hãi gây ra nên hướng về một về một vị thần linh tự tạo, từ đó hình thành một hình thức tôn giáo, điều đó là hoàn toàn có thật, có cơ sở trong khi nghiên cứu lịch sử hình thành các dân tộc, sắc tộc. Nhưng dù con  người nhận thức sâu sắc về nhiều mặt, nhiều hiện tượng của thế giới hiện thức đến đâu thì trong bộ óc của bất cứ người nào cũng tồn đọng một khoảng trống mà không phải bao giờ cũng lý giải được. Chính cái không lý giải nổi ấy lại dễ hòa nhập vào đời sống tâm linh. Hơn nữa đã có nhiều người (trừ những con người đồng nghĩa với ma quỷ) thì bao giờ cũng hướng về một cái “đạo để gửi gắm niềm tin”. Không chỉ đạo lý làm người mà hàm nghĩa của “đạo” còn bao hàm trong nó một sức mạnh thiên nhiên, một nghĩa vụ con người phải đưa vai gánh vác. Nhất là khi con người bị khủng hoảng niềm tin về đời sống hiện thực thì niềm tin cõi vô thức, tâm linh lại thúc đẩy con người tiến nhanh đến cái “đạo” của mình.
Trong nền văn hóa dân tộc đề cao các giá trị nhân văn, ý nghĩa tâm linh không bao giờ nguội lạnh trong một con người hướng thiện. Nó ra đời cùng lúc với thời sơ sử và đời sống tâm linh đã xuyên suốt chiều dài lịch sử và chiều rộng không gian.
Cái vô hạn của vũ trụ bao la, cái hữu hạn của thời gian trong vũ trụ và nguồn gốc của sự sống, khoa học chỉ mới sờ mó đến một phần bé nhỏ. Những “huyền bí” xung quanh thế giới con người là một nan giải không bao giờ chấm dứt. Đời sống tâm linh chính là nỗi khát vọng của con người muốn nhận dạng đức tin mà mỗi con người thấy bị hẫng hụt, trống vắng về một thế giới siêu nghiệm. Khoa học chưa lý giải được đầy đủ về hiện tượng thì cũng chớ quy kết về các hiện tượng tâm linh, thể hiện dưới nhiều hình thức thuộc phạm trù tín ngưỡng.
Hình thức tâm linh nào cũng hướng con người tới cái thiện, cao cả và hi vọng tốt lành. Chúng ta đang đứng trước một cuộc sống bị xuống cấp nghiêm trọng, các tệ nạn xã hội liên tục xảy ra, bao nhiêu mĩ tục thuần phong đã trở thành di sản vô giá của dân tộc đang bị băng hoại…Trong tình hình ấy đề cao cái thiện được nâng lên làm cơ sở lí luận cổ truyền, hoặc được đặc trưng bởi đời sống tâm linh của các cộng đồng cư dân là những việc làm hết sức ý nghĩa. Chủ nghĩa xã hội không phải là cái gì lý thuyết cao siêu, kinh viện mà cốt lõi là công bằng và nhân đạo. Tôn trọng lòng hướng thiện của con người về một đời sống tâm linh là tôn trọng cái đạo trong chủ nghĩa nhân đạo ấy. Một điều hiển nhiên cho tới ngày nay, tất cả những kẻ chân tu, những người có đời sống tâm linh cao cả, không một ai tham gia vào vòng tội lỗi phải sa lưới pháp luật. Đó chẳng phải là điều đáng để chúng ta trân trọng?

Tác giả: Vũ Trường Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất