06:49 ICT Thứ sáu, 04/10/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 552


Hôm nayHôm nay : 38216

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 502088

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 60260822

Trang nhất » Tin Tức » Xã hội học » Phát triển xã hội

Quang cao giua trang
top

CÓ PHẢI CỨ “TRÔNG MẶT MÀ BẮT HÌNH DONG” ?

Tác giả: Lê Thị Mai - Thứ hai - 03/11/2014 08:30
*Ảnh minh hoạ (nguồn internet)

*Ảnh minh hoạ (nguồn internet)

Một đứa con sẵn sàng cầm dao đâm chết cha mẹ ruột chỉ vì không xin được tiền trả nợ thua độ bóng đá; một đứa cháu sẵn sàng giết chết bà nội của mình chỉ để lấy tiền mua quà tặng bạn gái; vụ án đẫm máu trên xe Lexus vẫn còn để lại nhiều ám ảnh; vụ thảm sát tại tiệm vàng ở Bắc Giang khiến cho dư luận chưa hết bàng hoàng, căm phẫn khi hung thủ của vụ án khủng khiếp này là một đối tượng chưa đủ 18 tuổi; hay mới gần đây một kẻ sát nhân cuồng dâm hãm hiếp một bé gái 8 tuổi và giết chết bé 4 tuổi ở Sơn Tây, Hà Nội.... Đâu đó trên đất ta luôn xảy ra những vụ hiếp dâm, giết người, cướp của một cách dã man và tàn bạo như vậy.

Thời gian qua, tình hình tội phạm hình sự ở nước ta gia tăng nghiêm trọng cả về số lượng và tính chất. Người phạm tội ở mọi lứa tuổi và đặc biệt là xu hướng phạm tội ngày càng trẻ hoá với các vi phạm pháp luật mang tính tập thể, quy mô ngày càng lớn; tội phạm vị thành niên ngày càng gia tăng và nghiêm trọng hơn (chiếm 15-18%)[1]. Hành vi phạm tội cũng như tính chất mức độ phạm tội gia tăng, kể cả các tội phạm giết người, hiếp dâm, buôn bán ma tuý, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản…Theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an, trong vòng 05 năm trở lại đây đã có tới 49.235 vụ việc với 75.594 đối tượng là thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, số vụ án do người chưa thành niên gây ra chiếm 20% so tổng số các vụ phạm pháp hình sự trên phạm vi toàn quốc. Trước kia tội phạm diễn ra với qui mô nhỏ nhưng giờ đây nó đã lan truyền từ thành thị cho tới nông thôn, miền núi. Mức độ nguy hiểm tăng cao, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, phức tạp.
Hàng loạt vụ phạm tội của một bộ phận người trẻ, cùng những hành vi gây án ngông cuồng, manh động đang dấy lên sự lo ngại về tình trạng gia tăng bạo lực trong giới trẻ. Chúng ta đang phải đối diện với một cuộc sống đầy sự sai lệch và phạm tội, xã hội đang ngày một đối diện với nhiều sự lệch lạc trong hành vi của con người. Đó là những hình ảnh hoàn toàn xa lạ đối với truyền thống văn hóa và đạo đức của người Việt Nam, làm thay đổi mạnh mẽ hệ giá trị, chuẩn mực, đạo đức truyền thống, làm biến đổi nhân cách của một bộ phận người trong xã hội.
Hãy trở lại với quan điểm của Lombroso
Có lẽ rằng, mỗi chúng ta khi xem xét nguyên nhân của những vụ án “động trời” như thế thì hầu hết ai cũng nghĩ đến những yếu tố gia đình, kinh tế, văn hóa, xã hội tác động đến. Nhưng có ít ai biết rằng hành vi phạm tội có liên quan tới yếu tố bẩm sinh (sinh học). Dưới góc độ tội phạm học, nhiều nhà tội phạm học đã nhìn nhận và phân tích yếu tố sinh học (cấu trúc, thể trạng cơ thể) để đi tìm nguồn gốc và nguyên nhân sâu xa của hành vi lệch lạc (phạm tội) này.
Liệu cấu trúc cơ thể có liên quan đến hành vi phạm tội? Cesare Lombroso một nhà xã hội học, tội phạm học, bác sỹ người Ý nổi tiếng đã có nhiều công trình nghiên cứu về tội phạm học, là người đặt nền móng cho lý thuyết “sai lệch sinh học”. Trong tác phẩm “L’uomo delinquente” (Người phạm tội) được viết năm 1876[2], ông đã nghiên cứu và đưa ra những luận điểm phân tích, chứng minh hành vi phạm tội có liên quan tới cấu trúc cơ thể (yếu tố sinh học của con người). Ông đã áp dụng nhiều phương pháp hiện đại như đo họp sọ, thống kê … để nghiên cứu nguyên nhân phạm tội. Từ lý thuyết của ông nhìn nhận vào thực tiễn hiện nay khi tình hình tội phạm gia tăng nhanh chóng, chúng ta có thể giải thích dưới góc độ phân tích khoa học theo trường phái sinh vật học của Cesare Lombroso.
Học thuyết người phạm tội bẩm sinh của ông chỉ rõ: Tội phạm là dạng thấp của hành vi và người phạm tội gần giống với tổ tiên loài người hơn là những người khác (Cằm bạch, răng nanh khoẻ...). Mọi sự sai lệch và tội phạm có liên quan tới hình dáng và đặc biệt là thể chất con người. Lý thuyết đã mô tả các đặc điểm về thể chất của tội phạm như: trán thấp, cằm, gò má nhô, tai vểnh, nhiều râu tóc và cánh tay dài bất thường trông giống như tổ tiên giống vượn của con người. Theo lý thuyết này, do những khiếm khuyết về sinh học nên những cá nhân như thế sẽ tư duy và hành động theo cách nguyên thủy và dẫn đến phạm tội, hay nói cách khác, có những người sinh ra đã là tội phạm tiềm năng. Việc phạm tội cũng là một dạng lệch lạc, lệch chuẩn trong xã hội. Bản chất con người khi sinh ra đều có những yếu tố bẩm sinh phạm tội, tuy nhiên những người thuộc kiểu người như trên sẽ có khả năng gây ra tội lỗi nhiều nhất. Bản thân kẻ phạm tội khi gây ra tội ác thì phần “con” đã lấn át đi phần “người”, lý chí trong họ hầu như không còn, sẵn sàng gây ra tội ác mà không biết đến hậu quả.
Có chăng việc giải thích nguồn gốc phạm tội dựa trên yếu tố sinh học không chỉ được các nhà khoa học trên thế giới tìm hiểu mà đối với Việt Nam quan điểm sinh học về sự sai lệch và tội phạm cũng tồn tại lâu đời trong nền văn hóa Việt. Từ những câu ca dao, tục ngữ khi miêu tả ngoại hình tính cách của một ai đó thông qua diện mạo đã được dân gian khắc họa một cách sinh động:
“Quân tử lông chân, tiểu nhân lông bụng”.
 
Những người ti hí mắt lươn
Trai thì trộm cướp, gái buôn chồng người
 
“Mắt tròn dưới mí láng sưng
Là tên tửu bác, không ngừng chơi đêm”
 
“Những người tai mỏng mà mềm
Là phường xấc láo, lại thêm gian tà”.
Chúng ta còn nhớ tới lối văn miêu tả dung mạo của các nhân vật trong Truyện Kiều - một tuyệt phẩm của đại thi hào Nguyễn Du ở đầu thế kỷ XVIII. Ông đã phác họa thành công tính cách các nhân vật thông qua miêu tả diện mạo. Từ những miêu tả chân dung người anh hùng lương thiện như Từ Hải “Râu hùm, hàm én, mày ngài; Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”.  Một Kim Trọng “Nền phú hậu, bậc tài danh...Phong tư tài mạo tuyệt vời; Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa”. Đến cả khi miêu tả các nhân vật phản diện, ông còn miêu tả sắc nét hơn thế nữa để bộc lộ rõ ràng tính cách của họ. Khuôn mẫu tội phạm gắn liền với Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Tú Bà…Chúng ta có thể hình dung ra kẻ lưu manh Mã Giám Sinh “Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” là một người như thế nào; hay một một gã ăn chơi dâm loạn Sở Khanh qua dung mạo “Hình dong chải chuốt, áo khăn dịu dàng”.
Cùng với những nghiên cứu về di truyền học cũng đã chứng minh sự sai lệch xã hội, tội phạm mang nhiều yếu tố di truyền, quan điểm di truyền học cho rằng: nam giới bình thường nhiễm sắc thể là XY, nhưng những người phạm tội thường là nhiễm sắc thể XYY, hoặc hệ thần kinh không bình thường tác động và gây phạm tội[3].
Chỉ Cesare Lombroso là chưa đủ
Có thể nói rằng, việc lý giải nguyên nhân của phạm tội qua phân tích yếu tố sinh học cũng có những điểm đúng đắn. Tuy nhiên, không hẳn việc phạm tội, lệch lạc nhân cách đều do yếu tố “con ” tạo ra mà còn nhiều yếu tố khác cộng hưởng để cấu thành sự phạm tội. Quan điểm về tội phạm của Cesare Lombroso còn có nhiều mặt hạn chế. Ông chỉ nhìn nhận một cách phiến diện về hành vi lệch lạc và phạm tội khi đánh giá nó có nguồn gốc từ yếu tố sinh học, yếu tố bẩm sinh mà quên đi rằng yếu tố  kinh tế, văn hóa, xã hội, ảnh hưởng của quá trình xã hội hóa cũng đóng góp một phần vai trò quan trọng trong hành vi phạm tội.
Một trường phái mà đại diện là Herbert Blumer, George H. Mead…trong lý thuyết tương tác biểu trưng (symbolic interaction theory) đại diện cho sự hiện hữu của các yếu tố xã hội khi nói về mối liên hệ, sự tương tác trong hành vi, hành động của con người với xã hội, cho rằng: Xã hội được tạo thành từ sự tương tác giữa vô số các cá nhân, sự tương tác giữa cá nhân với cá nhân và cá nhân với xã hội. Cần phải nghiên cứu tương tác xã hội và phải lý giải được ý nghĩa các biểu hiện của mối tương tác đó[4]. Theo quan điểm của Herbert Blumer: con người hành động dựa trên cơ sở các ý nghĩa mà họ gán cho các đối tượng và sự kiện hơn là hành động nhằm phản ứng lại với những kích thích bên ngoài như các động lực xã hội hay với những kích thích bên trong như các bản năng. Hành vi phạm tội trong xã hội còn do yếu tố xã hội, sự tương tác giữa cá nhân người phạm tội với cá nhân khác trong môi trường xã hội.
 Nhìn nhận vấn đề này trong xã hội hiện nay, chúng ta phải đánh giá cụ trên nhiều phương diện của một vấn đề để có thể tìm ra những nguyên nhân sâu xa nhất. Các sai lệch xã hội luôn được nhìn nhận trong các mối tương quan cả về phạm vi vấn đề tệ nạn xã hội cũng như với tổng thể xã hội. Sự tương tác giữa các cá nhân trong xã hội, sự nãy sinh những mâu thuẫn, những xung đột, những lợi ích... có thể gây ra những hành vi lệch lạc. Cần phân tích, đánh giá cả yếu tố chủ quan (cá nhân) và khách quan (xã hội) để tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn tới phạm tội trong một nhóm người. Vậy biện pháp nào cho những “kẻ máu lạnh”? Có lẽ rằng, phạm tội bẩm sinh cần phải có những liều thuốc tinh thần để nuôi dưỡng bản tính tốt đẹp trong họ, cần có một môi trường tốt để giáo dục cho họ, bởi lẽ bản tính con người sinh ra “ Hiền, dữ đâu phải là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”.


[1] http://www.canhsat.vn/tabid/39/Default.aspx, tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm.
[2] ^ Caesare Lombroso (1835-1909): một thầy thuốc người Ý làm việc trong trại giam.
 
[3] Đặng Cảnh Khanh, “Tội phạm học và công tác xã hội đối với nhóm tội phạm”
[4] Lê Ngọc Hùng, Lịch sử và lý thuyết xã hội học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2009.

 

Tác giả: Lê Thị Mai

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất