GS Vũ Khiêu cùng các con, GS, TS Đặng Cảnh Khanh; GS, TS Lê Thị Quý; cháu nội, Th.s Đặng Vũ Cảnh Linh thắp hương bàn thờ tổ tiên trong ngày 28 Tết.
Ngày tết tại gia đình Giáo sư Vũ Khiêu vẫn giữ phong tục tập quán và món ăn truyền thống như có bánh chưng, mâm ngũ quả, kiêng quét nhà...
Giáo sư, tiến sỹ Đặng Vũ Cảnh Khanh, con trai trưởng của Giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu cho biết, năm nào cũng vậy, dịp Tết đến xuân về, các con cháu lại về tụ họp đông đủ thăm Giáo sư Vũ Khiêu và dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đón tết. Người thì sắp đặt, trang trí bàn thờ, người quét dọn, người nấu ăn, người tiếp khách...
Tết Ất Mùi 2015 càng đặc biệt bởi Giáo sư Vũ Khiêu sinh ngày 19.9.1916, năm nay 100 tuổi, mặc dù vậy, ông vẫn miệt mài lao động sáng tạo không ngừng nghỉ.
Ông Đặng Vũ Cảnh Khanh cho biết, ngày tết tại gia đình Giáo sư Vũ Khiêu vẫn giữ phong tục tập quán và món ăn truyền thống như có bánh chưng, mâm ngũ quả, các tục kiêng quét nhà, kiêng vỡ bát đĩa...
Quan trọng nhất, sáng mùng 1 tết, tất cả con cháu lại đến chúc tết ông, nghe ông dặn dò, dạy dỗ để chuẩn bị cho một năm mới.
Năm nào cũng vậy, vào sáng mùng 1 Tết, Giáo sư Vũ Khiêu bắt đầu khai bút lấy may để tạo ra thói quen nghiên cứu trong suốt năm.
Giáo sư Vũ Khiêu có 4 người con và nhiều cháu, chắt trong đó có nhiều người đi vào các ngành nghề khác nhau.
Vợ chồng người con trai trưởng, GS,TS Đặng Vũ Cảnh Khanh - Viện trưởng Viện Truyền thống và Phát triển; GS,TS Lê Thị Quý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển là những nhà Xã hội học đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực Lý thuyết Xã hội học, Thanh niên, Gia đình, Giới, Tội phạm học và Công tác xã hội.
Cháu nội đích tôn của ông là Th.s Đặng Vũ Cảnh Linh cũng tiếp nối nghề Xã hội học. Anh còn được biết đến là nhà báo và nhạc sỹ với nghệ danh Hàn Vũ Linh.
Một cháu gái của giáo sư, Đặng Vũ Hoa Lê là họa sỹ đang làm việc tại Pháp. Các cháu gái khác cũng từng tốt nghiệp thạc sỹ ngoại thương ở Anh hoặc có người đang làm việc ở Mỹ.
Ngày Tết, con cháu Giáo sư chúc Tết cha, ông, cụ của mình với lòng biết ơn sâu sắc về tài sản vô giá mà dòng họ và Giáo sư đã truyền lại cho con cháu là học tập và đem kiến thức ra phục vụ xã hội.
Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu sinh ra trong một gia đình Nho học tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Dòng họ ông có rất nhiều người đỗ đạt và làm quan.
Ông lớn lên khi đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, Nho giáo suy tàn nên gia đình ông rất nghèo túng. Ông một mình lên Hà Nội kiếm sống, không một sự nâng đỡ, chở che. Cái duy nhất mà ông được thừa hưởng của gia đình là truyền thống ham chữ nghĩa.
Ông nội ông truyền cho ông một vật gia bảo, một bức đại tự cổ có ghi bốn chữ đã trở thành định hướng của cuộc đời ông: Học giả chỉ nam có nghĩa là kim chỉ nam cho các học giả (Hiện nay, bức đại tự này đang được gia đình GS Khanh gìn giữ).
Thế hệ mới của GS Vũ Khiêu, chắt nội Đặng Vũ Bảo Linh tiếp nối truyền thống gia đình
Cuộc gặp mặt 4 thế hệ với những câu chuyện vui, chuyện đời, chuyện nghề ngày xuân.
Cụ và chắt nội với tư tưởng “ Nhân trí truyền gia”
GS Vũ Khiêu với gia đình người con trai thứ 3 Đặng Vũ Hạ.
Gia đình GS Vũ Khiêu cùng các con đẻ và con nuôi.
Trò chuyện vui vẻ trong ngày xuân
GS Vũ Khiêu tặng câu đối cho người dân tỉnh Bắc Ninh
Giáo sư Vũ Khiêu từng là Phó chủ nhiệm Ủy ban KHXH (nay là Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam), Viện phó Viện Triết học, Viện phó thứ nhất Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh, Viện trưởng đầu tiên của Viện xã hội học. Ông là một trong những người đặt nền móng cho sự phát triển của ngành Triết học, Xã hội học, Văn hóa học Việt Nam. Mặc dù rất bận rộn trong việc quản lý nhưng ông vẫn không ngừng nghiên cứu, đọc và viết. Vinh danh những đóng góp của Giáo sư đối với đất nước, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Giáo sư Vũ Khiêu nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu (năm 1996), Anh hùng Lao động (năm 2000). |
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tadri.org là vi phạm bản quyền