1. Con người - động lực và mục tiêu của quá trình phát triển Bước sang thế kỷ XXI, giới khoa học cũng như giới chính trị, giới quan lý kinh tế - xã hội chú trọng hơn nhiều đến vấn đề văn hoá, con người, các vấn đề kinh tế - xã hội, và các vấn đề mang tính toàn cấu khác. Tất cả đều tập trung vào mục tiêu phát triển con người bền vững. Theo đó, con người được xác định là trung tâm của sự phát triển. Con người có vai trò quyết định sự phát triển của xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của chính họ. Tuy nhiên, con người không thể làm tốt được vai trò đó nếu không được dậy dỗ, giáo dục để có sự hiểu biết, kiến thức cuộc sống. Khi đó, những thành viên thiếu kiến thức, kỹ năng sống đó sẽ trở thành lực lượng cản trở bước tiến của xã hội văn minh thậm chí phá hoại những thành tựu do đồng loại tạo lên. Và như vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo những con người cho xã hội tương lai ngày càng trở lên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Mỗi quốc gia có trình độ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau song các nước đều có mục tiêu là phát triển kinh tế và xây dựng đất nước ngày một văn minh và công bằng hơn. Việt Nam đang thực hiện quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước để hoà nhập vào trào lưu tiến bộ trên thế giới. Mục tiêu đó chỉ có thể đạt được trên cơ sở đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng cao, kết hợp và sử dụng hài hoà các nguồn lực (tài lực và vật lực) của đất nước. Xuất phát từ nhận thức đó, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta, con người luôn được đặt ở vị trí trung tâm – vừa là mục tiêu vừa là động lực của quá trình xây dựng và phát triển một xã hội tương lai. Trong khi chúng ta coi con người là động lực và mục tiêu phát triển xã hội, thì thế giới cũng thừa nhận con người là vốn quý nhất, là mục tiêu phải hướng tới của mọi hoạt động kinh tế - xã hội và chương trình phát triển của mỗi nước cũng như toàn thế giới. Đầu những năm 50 của thế kỷ trước, phần lớn các nước theo mô hình tăng trưởng, nghĩa là chỉ lo tăng thu nhập, coi đó là cái tập trung nhất của phát triển kinh tế và cho rằng tăng trưởng kinh tế đã có thể đem lại sự phồn vinh, hạnh phúc cho loài người, cho các dân tộc và cho từng con người. Nhưng đến những năm 70, mô hình tăng trưởng đã được chuyển sang mô hình phát triển, nghĩa là phải lo đến công việc phát triển xã hội, làm sao cho xã hội được phồn vinh, làm sao cho con người được hưởng hạnh phúc, tức là từ chỗ tăng trưởng thu nhập kinh tế làm biến đổi tất cả các quan hệ xã hội, biến đổi cấu trúc xã hội cùng với việc biến đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế nhằm phục vụ đời sống con người, không những nâng cao đời sống vật chất mà nâng cao đời sống con người, tức là nhằm vào mục tiêu nâng cao chất lượng sống. Hơn thế nữa, nhằm vào mục tiêu thúc đẩy văn hoá, văn minh lên các đỉnh cao mới. Vấn đề kinh tế gắn liền với các vấn đề phát triển xã hội, phát triển văn hoá và phát triển con người. Phát triển con người bền vững dần dần trở thành tư tưởng trung tâm trong toàn bộ tư tưởng phát triển kinh tế xã hội. Từ đấy đi đến khái niệm "vốn người", nguồn nhân lực là yếu tố phát triển nhất đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Đến cuối những năm 1980, Ngân hàng Thế giới mới đi đến kết luận là nhất thiết phải chuyển sang mô hình phát triển và từ đó, Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đã đưa ra "Chỉ số phát triển người" (tiếng Anh viết tắt là HDI) và coi đây là chỉ số tổng hợp nói lên thang bậc phát triển của một nước. Từ đầu những năm 1990 của thế kỷ XX đến nay, UNDP đã công bố Báo cáo phát triển con người hàng năm dựa trên 3 tiêu chí: Thu nhập quốc dân đầu người, giáo dục và tuổi thọ. Đây là các tiêu chí có thể đo đạc được. Tuổi thọ, giáo dục và thu nhập bình quân đầu người phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Như việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu, tình trạng đầy đủ về chất dinh dưỡng, sự thoả mái về vật chất, tinh thần do gia đình và xã hội quyết định, trong đó gia đình đóng vai trò quan trọng chính yếu.
2. Vai trò của gia đình trong việc hình thành con người của xã hội tương lai Gia đình có vai trò quan trọng trong việc hình thành con người của xã hội tương lai. Vai trò đó được thể hiện rõ trong các chức năng của gia đình đặc biệt là chức năng giáo dục, chức năng tâm lý tình cảm và chức năng tái sản xuất.
- Chức năng giáo dục (Xã hội hoá)
Thông qua chức năng này, gia đình biến con người từ con người sinh vật thành con người xã hội. Qua quá trình tương tác giữa cá nhân và xã hội, con người tiếp thu những kinh nghiệm, chuẩn mực giá trị, tri thức xã hội để trở thành con người xã hội.
Con người sống gắn bó với gia đình vì thế phẩn chất và giá trị của mỗi thành viên phụ thuộc rất nhiều vào cuộc sống gia đình đặc biệt là phụ thuộc vào giáo dục gia đình. Chức năng xã hội hoá là chức năng cơ bản để hình thành nhân cách trẻ em, cơ sở của xã hội hoá trẻ em trong gia đình là văn hoá gia đình và quá trình được thực hiện thông qua điều kiện lao động và sinh hoạt vật chất, tinh thần của gia đình. Các yếu tố văn hoá của gia đình như hệ thống giá trị đạo đức, môi trường tâm lý tình cảm, nếp sống, tín ngưỡng tôn giáo của gia đình tác động đến sự xã hội hoá cá nhân. Chức năng này của gia đình cũng có vai trò quan trọng trong việc lưu truyền các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác nhằm bảo lưu các giá trị truyền thống của dân tộc. Như những kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, những giá trị văn hoá truyền thống, tri thức được đúc kết, trải nghiệm trở thành những di sản quý báu của gia đình, cộng đồng và dân tộc.
Trong công cuộc đổi mới hiện nay, do sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng hiện đại và sự giao thoa văn hoá giữa các nước trên thế giới, quá trình xã hội hoá con người ngày càng được nâng cao cùng với quá trình xã hội hoá các thành viên trong gia đình. Sự ra đời của hệ thống giáo dục và các cơ quan chức năng trong ngành này là bước tiến về các hình thức xã hội hoá đáp ứng yêu cầu của sự phát triển. Điều này càng làm cho vị trí, vai trò quan trọng của chức năng xã hội hoá trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển đất nước được nâng cao. Nếu gia đình và xã hội thực hiện tốt chức năng xã hội hoá con người nghĩa là xây dựng được nguồn nhân lực có trình độ cao, tham gia vào quá trình phát triển của xã hội, thì nền kinh tế tất yếu phát triển mạnh... Ngược lại, khi nền kinh tế phát triển mạnh sẽ là cơ sở để tạo môi trường giáo dục (cơ sở vật chất trường lớp, phương tiện học tập hiện đại…) cho quá trình xã hội hoá. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho các cá nhân học tập, rèn luyện và phát triển. Tuy nhiên, việc phát triển nguồn nhân lực không thể chỉ dựa vào gia đình. Nếu thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng thì gia đình không thể thành công được. Vì vậy, Nhà nước cần có những chính sách đối với gia đình: tăng tỷ lệ ngân sách cho giáo dục, y tế. Cộng đồng cũng cần có một phần trách nhiệm đối vơi vấn đề này.
Trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội hiện nay, giáo dục gia đình có vai trò rất quan trọng. Giáo dục gia đình cần tập trung vào việc đào tạo cho cá nhân những phẩn chất đạo đức, năng lực cơ bản sau:
Gia đình giáo dục những phẩm chất quan trọng của một con người chân chính: tình thương yêu, kính trọng đối với cha mẹ, người trên hay giáo dục cho trẻ về "nhân", "nghĩa", "lễ", "trí", "tín", dạy cho trẻ học thuộc và làm theo 5 điều Bác Hồ dạy… Đây là những đức tính cơ bản để hình thành nên nhân cách một con người chân chính. Tuy nhiên, muốn lớp trẻ thực sự trở thành nguồn nhân lực, "nguồn vốn" cho xã hội tương lai thì cần trú trọng hơn nữa tới việc giáo dục cho trẻ em tình yêu lao động. Bởi lẽ, từ tình yêu lao động, con người sẽ tích cực tìm tòi, khám phá ra những tri thức mới, hình thành những ý tưởng mới, những sáng tạo mới, tiếp cận, cập nhật những công nghệ khoa học mới nhất áp dụng vào lao động sản xuất… Chỉ có tình yêu lao động, con người mới có sự đam mê, chăm chỉ từ đó họ sẽ học hỏi, làm được nhiều điều có ích cho bản thân, cộng đồng và xã hội.
Bên cạnh việc giáo dục cho trẻ em tình yêu lao động, rèn luyện ý thức độc lập cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực tương lai có chất lượng cho đất nước. Trong thời đại ngay nay, ý thức độc lập đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển hoàn thiện con người. Con người nhất thiết phải có ý thức độc lập mới có thể phát triển và bắt nhịp với tiến độ phát triển của xã hội. Nếu không chủ động con người sẽ không thể tiếp nhận được những thông tin, những kiến thức khoa học công nghệ đang thay đổi từng ngày, từng giờ và con người sẽ trở lên lạc hậu so với thời đại. Vì lẽ đó, để cá nhân có đủ bản lĩnh, vững vàng trước những sóng gió cuộc đời, nhất thiết cá nhân phải được rèn luyện ý thức độc lập. Tính độc lập thể hiện ở khả năng độc lập giải quyết công việc, ở việc giám đối mặt với những thách thức, sóng gió trong cuộc sống.
Gia đình cũng cần giáo dục, trang bị cho các thành viên của mình những kỹ năng sống như các giao tiếp, ứng xử với những người xung quanh, sự hiểu biết về truyền thống văn hoá dân tộc cũng như luật pháp. Bởi đây cũng là những yếu tố giúp cho cá nhân thích ứng, hoà mình vào sự vận động, phát triển xã hội.
Một nguồn lao động có tri thức mà không có đủ sức khoẻ thì xã hội cũng không thể phát triển được. Nguồn nhân lực mạnh phải mạnh cả về tri thức, tinh thần cả về sức khoẻ thể chất. Để đào tạo được nguồn nhân lực như vậy thì không thể không nhắc đến vai trò chức năng giáo dục của gia đình. Vai trò đó được thể hiện rõ nhất ở việc, gia đình giáo dục, nâng cao kiến thức về dinh dưỡng, chăm sóc sức khoẻ cho các thành viên trong gia đình. Chăm lo đẩy đủ về vật chất và tinh thần cho các thành viên. Hướng cho các thành viên của mình cách thức nghỉ ngơi, vui chơi giải trí trong những môi trường sống lành mạnh, bổ ích. Khi bàn về vấn đề chăm sóc sức khoẻ cho các thành viên trong gia đình nói riêng và phát triển nguồn nhân lực nói chung thì chức năng sinh sản và tái sản xuất xã hội cũng đóng một vai trò quan trọng.
- Chức năng sinh sản và tái sản xuất xã hội.
Chức năng sinh sản và tái sản xuất xã hội của gia đình là chức năng đặc biệt để phân biệt gia đình với các thiết chế xã hội khác. Gia đình với chức năng sinh sản đã tạo nên tính liên tục của việc sản xuất con người (duy trì và phát triển dân số), điều mà không một thiết chế xã hội nào có thể thay thế được. Việc thực hiện chức năng sinh sản, tái sản xuất sức lao động và nuôi dưỡng con người, tạo ra con người có thể chất tốt nhằm duy trì và phát triển nòi giống được coi là mục đích xây dựng gia đình và cũng là nhu cầu cần được thoả mãn của các cặp vợ chồng đối với việc làm cha mẹ. Chức năng này rất quan trọng đối với xã hội, vì nếu không có chức năng sinh sản và tái xản xuất, thì không có các thành viên của xã hội, không có những công dân, nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học, quân đội, quan chức (nguồn nhân lực) để xây dựng và tổ chức vận động xã hội.
Ngày nay, mặc dù xã hội có những biến đổi lớn làm cho một số chức năng của gia đình biến đổi song chức năng sinh sản và tái sản xuất vẫn tồn tại và khó có thể thay đổi. Mặc dù, có sự trợ giúp của khoa học sinh sản vô tính vẫn không thể thay thế tính ưu trội cả về mặt sinh học lẫn tâm lý xã hội và đang gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận của tất cả các nước trên thế giới.
3. Một vài kết luận - Gia đình có vài trò quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực nhưng không phải chỉ dựa vào gia đình. Để phát triển nguồn nhân lực cần có sự hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng. Nhà nước cần có những chính sách đối với gia đình như: Tăng tỷ lệ ngân sách cho giáo dục và y tế, quan tâm đến việc truyền thông nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ, có những chính sách đặc biệt đối với các hộ phụ nữ nuôi con một mình hay gặp rui ro.
- Cần xây dựng một kế hoạch dài hơi về đào tạo nguồn nhân lực, kế hoạch đó phải được thực hiện một cách triệt để. Cần có sự thay đổi trong hệ thống giáo dục, chuyển từ những bài giảng mang tính lý thuyết sang những bày giảng mang tính thực tiễn cao. Chuyển từ cách giảng dạy theo kiểu truyền thụ kiến thức (học sinh "thụ động" lĩnh hội kiến thức từ thầy cô giáo sang phương pháp giảng dạy mới "trao đổi" "thảo luận", nhằm phát huy tính năng động sáng tạo và chủ động của học sinh, sinh viên.
- Song song với việc đổi mới hệ thống giáo dục đào tạo cần cải thiện hệ hống dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cộng đồng từ trung ương đến địa phương nhằm đảm bảo nhu cầu khám - chữa bệnh của nhân dân.
- Cần mở ra các đợt tuyên truyền nâng cao những kiến thức về chăm sóc sức khoẻ cho người dân đặc biệt là tuyên truyền cho đối tượng phụ nữ vì họ chónh là người có vai trò quan trọng nhất trong việc chăm sóc sức khoẻ cho các thành viên trong gia đình.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tadri.org là vi phạm bản quyền