17:55 ICT Thứ sáu, 08/11/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 1130

Máy chủ tìm kiếm : 16

Khách viếng thăm : 1114


Hôm nayHôm nay : 177616

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1345381

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 66667263

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển » Di sản văn hóa

Quang cao giua trang
top

Từ tâm linh đến giá trị văn hóa cổ vật

Tác giả: Hồ Sĩ Vịnh - Thứ ba - 28/07/2015 09:54
Từ tâm linh đến giá trị văn hóa cổ vật

Từ tâm linh đến giá trị văn hóa cổ vật

Bài viết này coi như một tiếng lòng tri âm, tri kỷ, vừa là lời tri ân của chúng tôi đối với một bậc văn gia đại bút, giáo sư mỹ học, nhà văn, anh hùng lao động vào tuổi khánh thọ.

1. Câu đối, thể loại văn chương, có từ bao giờ?
 
Nói thể loại văn chương là đúng, nhưng chính xác hơn là thể loại thơ biệt tính thường có hai vế đối xứng: đối từ, đối ngữ, đối câu, đối ý được dùng để phản ánh tình cảm, tư tưởng, thái độ sống, cách ứng xử giữa người với người, thường biểu lộ trong thời khắc đặc biệt: lễ, tết, hội hè, cưới xin, ma chay, chúc tụng thượng thọ, mừng thành đạt trong học tập, sáng tạo,... Về ý, hai vế liên quan với nhau để diễn tả một nội dung trọn vẹn (đối xuôi), cũng có thể tương phản nhau (đối ngược). Câu đối, được viết bằng ngôn ngữ đơn âm, đơn tiết, có thanh điệu như Hán, Việt, Thái kết hợp với biện pháp tu từ và lặp kết cấu cú pháp để diễn tả bằng lời hay, ý đẹp, thường được khắc trên gỗ, trên các cột đình, chùa, được viết trên giấy, bằng chữ Hán, Nôm, quốc ngữ cách điệu, treo ở chốn trang nghiêm, nơi thờ tự. Câu đối nếu được viết bằng thư pháp đẹp có thể coi là tác phẩm mỹ thuật. Ngày nay, mỗi khi xuân về, tết đến, người ta đến những nhà thư pháp học tài hoa để xin đôi câu đối phù hợp với tâm nguyện, lòng thành, đức khiêm của mình đối với đối tượng mà mình tôn vinh, sùng ái.
Câu đối được viết bằng thể văn biền ngẫu, trong đó các câu đối xứng từng đôi một. Trong chữ Hán, biền là hai con ngựa đi song song, ngẫu là chẵn đôi. Trong quá trình phát triển trở thành tứ - lục dùng trong các thể phú, chiếu, biểu bằng những cặp đối nhau: trên bốn, dưới sáu chữ. Ví dụ: Gió động, mành tường/ Vằng vặc cung đàn dưới nguyệt. Về sau, câu đối còn phát triển thành bát tự (2 vế mỗi vế bốn chữ đối nhau) song quan (2 vế, mỗi vế 5 chữ đối nhau)... Ngày nay, câu đối được coi như một thể loại mở về số chữ, miễn là giữ được quy chế nghiêm ngặt của thể loại nhằm chứa đựng nội dung phong phú, cảm xúc dồi dào của người viết và đối tượng được viết.
 
Câu đối có từ bao giờ? Nhiều nguồn sử liệu cho biết: câu đối là thể loại văn chương chỉ có ở các nước Hán hóa: Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, mà trong Hán ngữ cổ đọc theo âm Hán Việt là doanh liên hoặc đối liên, doanh thiếp. Theo Tạ Ngọc Liễn, nhà nghiên cứu Hán - Nôm tài năng, “đối liên xuất hiện từ thời Ngũ Đại - Thập Quốc (năm 902 - 979), đến đời Tống loại hình văn chương này hết sức phổ biến. Ở Trung Quốc ngày nay, người ta vẫn làm doanh liên, nhưng tân doanh liên không hoàn toàn phải tuân thủ những phép tắc gò bó của đối ngẫu bằng - trắc”(2). Cũng theo ông, vào thời Trần, phép đối ngẫu được dùng trong thơ, phú, nhiều nhà viết câu đối tài hoa như Mạc Đĩnh Chi. Có thể nói, từ thời Trần cho đến thời Nguyễn không có văn nhân nào mà không viết câu đối… Tác giả Phan Ngọc cũng cho câu đối đã có từ thời Tống, chưa tìm thấy ở đời Đường. Chúng tôi nghĩ rằng, cặp hoành phi - câu đối là bộ đôi trang trí nội thất nơi nghiêm cẩn, dù là từ đường hay gia thất. Có hoành phi là có câu đối, mà hoành phi là loại thơ ba chữ, chở giá trị đạo đức, triết lý, nên các văn nhân thời thịnh cũng như lúc suy của vận nước thường mượn câu đối, hoành phi để nói lòng hoài vọng, nỗi bất bình của mình đối với thế sự.
 
Nhiều thể loại văn chương cổ điển như văn tế, phú, chiếu, biểu ở những mức độ khác nhau cũng ảnh hưởng và liên thông đến nội dung và hình thức câu đối. Ví dụ bài văn tế: Phụng soạn tôn tế Bắc lai trận vong chu tướng văn của Vũ Huy Tấn có câu: Lòng rộng thương người cõi Bắc, xuất của kho mà đắp mảnh xương tàn/ Hồn đứng vơ vẩn trời Nam, rời đất khách mau về nơi quê cũ, nói lên lòng nhân đạo đối với kẻ thua trận trong đại thắng của Quang Trung. Bài phú Tụng Tây Hồ của Nguyễn Huy Lượng: Vừng trăng nọ buổi tròn, buổi khuyết/ Ngọn núi kia nơi hoắm, nơi nhô là câu đối cảnh; Tới Mậu Thân từ rỡ vẻ tường vân, sông núi khắp nhờ công đảng định/ Qua Canh Tuất lại trước cơn thời vũ, cỏ cây đều gợi đức triêm nhu là câu đối thời gian. Chiếu lên ngôi ca ngợi công đức, tài thao lược của Quang Trung được viết bằng văn xuôi biền ngẫu giàu chất thơ: Trẫm nay có cả thiên hạ, sẽ dìu dắt dân vào đạo lớn/ đem dân lên cõi đài xuân;
 
Người làm quan giữ đạo công liêm, người làm dân vui theo tục tốt, giáo hóa thấm nhuần, đi đến con đường chí thuận (3).
 
2. Một thi pháp tài hoa trong câu đối
 
Tất cả những tri thức văn hóa dân tộc nói trên đã ảnh hưởng đến thi pháp câu đối của Vũ Khiêu. Ông làm thơ, viết câu đối rất nhiều, đa dạng, đa sắc về nhiều đối tượng, chỉ tiếc trong tập Vũ Khiêu và bè bạn còn lại vài trăm câu, có lẽ, khi tặng câu đối cho bạn bè, tác giả quên không lưu lại bản gốc. Nhưng, chừng ấy trang viết về câu đối, phú, văn tế cũng đủ để khái quát những nét tài hoa của thi pháp Vũ Khiêu. Nói một cách thành thật và thận trọng trong đánh giá: chúng tôi coi ông là nhà thơ - câu đối số một của nước ta hiện nay. Ngay từ những năm 90 TK XX Tạ Ngọc Liễn và Đỗ Xuân Định đã có những lời hay, ý đẹp về con người bình dị, nhân cách văn hóa, trí tuệ uyên thâm của Vũ Khiêu. Có hàng trăm câu đối gồm ba cụm đề tài: viết về lịch sử, tổ quốc, danh nhân, bi kịch lịch sử; mừng bạn bè và chia buồn cùng thân hữu; mừng người thân trong gia tộc và quê hương. Để có những hạt vàng lấp lánh qua từng con chữ, dù được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm hay Hán Việt… Vũ Khiêu đã có những phẩm chất của nhà thơ lớn, nhà triết học sâu sắc: hai phẩm chất kỳ diệu của một đại bút được kết tinh từ mấy tiền đề sau:
 
Phông văn hóa rộng: Trước hết là kiến thức về Nho giáo và sự vận dụng vào cuộc sống đương đại, phép biện chứng của triết học duy vật, phương thức mở tiếp cận văn hóa dân tộc gắn liền với tính hướng nội của văn nghệ dân gian trong mọi điều kiện lịch sử. Chừng ấy vẫn chưa nói hết trình độ hiểu biết của ông, nếu như không kể tới lĩnh vực mỹ học của phương Đông và phương Tây, mỹ học trong nghệ thuật, đạo đức học trong lối sống... Phông văn hóa rộng thì không chỉ có ở Vũ Khiêu. Cái khác biệt ở ông là ở chỗ: khi sáng tạo thơ - câu đối ông đã sẵn vốn từ vựng điển tích, điển cố dồi dào, trí nhớ minh mẫn, ứng dụng linh hoạt và chuẩn xác, chỉ cần xuất khẩu là thành… Ta hãy đọc vài ví dụ: Nói về đề tài quốc sự ông có: bão đạn, rừng gươm; giống nòi xưa, cơ nghiệp cũ; dòng Thiên Đức, đỉnh Sóc Sơn; cửa cung đình, vườn thượng uyển; Đảng tin dân sức mạnh đẩy thuyền/ Dân tin Đảng ngọn cờ chỉ hướng... rất ít điển cố, tránh dùng điển tích Bắc sử. Viết về đề tài quan hệ xã hội: tình yêu, tình bạn, tình đồng nghiệp, đồng sự, ông dự trữ một kho từ vựng súc tích: mẫu tử, tình thâm; phu thê nghĩa nặng; mảnh trăng tà, nhành mai nhỏ; nhân kiệt địa linh, long phi phượng vũ; giang hải an bình, gia hương khánh hội; sen ngó đào tơ, mây hồng hóa tía; nửa gánh gươm đàn, trăm năm vàng đá,... Vài ví dụ:
 
Câu đối đề tại đền Hùng:
Đất nước bốn ngàn năm/ nhân ái còn tuôn dòng sữa mẹ;
Đàn con bảy chục triệu/ anh hùng chẳng thẹn tấm lòng cha.
Câu đối mừng bè bạn: Tặng giáo sư Trần Văn Giàu nhân tuổi bát tuần.
Tử đệ ba ngàn/ cửa tướng tưng bừng Kiếm Bút
Xuân Thu tám chục/ vườn đào rạng rỡ Khuê Ngưu.

(Trước cửa tướng của giáo sư Giàu có nhiều học trò cầm kiếm và cầm bút, chợt liên tưởng tới thày Lưu Bang và thày Khổng Tử đều có 3000 đệ tử võ và văn).

Câu đối viếng đồng nghiệp: Vĩnh biệt giáo sư mỹ học Hoài Lam, từ trần đột ngột, khi tài năng đang độ chín:

Những tưởng, trăng thanh, gió mát, hoa nở, tuyết bay/ bạn quý, đời yêu, sao đẹp thế!
Nào ngờ, phím gãy, cờ tan, thơ tàn, rượu đổ/ con buồn, vợ khóc, những thương thêm.

Một tâm hồn thi nhân: Có người nói, sáng tác câu đối khó hơn làm thơ. Có thể đồng thuận với lời nhận xét này. Nhưng cũng nói rõ hơn. Mỗi thể loại đều có cái thuận và cái nghịch, cái khó và cái dễ, hữu duyên và chưa gặp duyên. Chỉ có điều này là chắc chắn. Đó là trí tuệ trác việt và cảm hứng mãnh liệt của người sáng tạo. Các đại văn hào thường nuôi dưỡng trí tuệ và trái tim, tư duy và khát vọng, cuộc sống và ý nghĩa cuộc sống. Ở câu đối của Vũ Khiêu: niêm, luật, quy tắc của tư duy câu đối, phú, văn tế, chiếu thường được sự chọn lọc nghiêm ngặt, sự khái quát câu, chữ, cụm từ thích đáng, dễ hiểu, tránh lạm dụng điển tích. Nếu có dẫn dụ trong kiến thức văn hóa Trung Hoa hay Nho học, người viết có ý thức phổ cập hóa, bởi câu đối đọc lên là cử tọa hưởng ứng ngay. Câu đối hay, chuẩn thường thế. Đằng sau những vế đối, những kiến thức đối ý là cả một tấm lòng dễ xao động, một sự chia sẻ sâu sắc, nhất là sự mất mát.

Một vài kỹ xảo: Sáng tác câu đối, Vũ Khiêu đã kế thừa những tinh hoa câu đối dân tộc. Ông có con mắt tinh đời, tấm lòng son để hiểu người và biết đời, trước hết là nhìn nhận, học hỏi phương pháp sáng tác câu đối - thơ của các danh nhân văn hóa: Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, Cao Bá Quát, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Quang Bích,... (4) Trong văn chương, khi đi tìm cái mới, một số bạn trẻ thường nghĩ: kỹ xảo là tiểu xảo, là sự mô phỏng vồ vập, câu chữ hỗn độn, tư duy rắc rối... dẫn đến lối bắt chước vụng về, ngôn từ bệnh hoạn, đánh đồng cái mới với cái lạ... chẳng ai hiểu cả. Cảm hứng sáng tác câu đối của Vũ Khiêu thường dồi dào, ứng khẩu nhanh và chuẩn nhờ lối chơi chữ (jeu de mots). Đồn rằng, có một câu đối người xưa để lại, chưa ai đối được. Đó là câu: Vợ cả, vợ hai, cả hai vợ đều là vợ cả. Thế mà ông đối đáp được:

Chồng sau, chồng trước, trước sau chồng vẫn cứ chồng sau

Câu chuyện quan hệ giữa nhà trí thức Vũ Khiêu với bác thợ mộc tên là Khen thật giản dị, hai người thường cùng nhau đọc thơ, uống rượu. Bác Khen tới nhà chúc tết thi nhân, hỏi đứa cháu nội của bác Khiêu: “Bà Quý có nhà không? Cháu trả lời: “Ông hỏi bà cháu hay mẹ cháu?”. Vì cả vợ và con dâu bác Khiêu đều tên Quý. Tình huống đó mở toang cánh cửa câu đối theo lối chơi chữ:

Mẹ Quý của bố, mẹ Quý của con
Hai mẹ Quý, bố con đều quý

Để kết thúc bài viết, tôi xin được phép độc giả, đọc lại hai câu đối tuyệt vời của bác Khiêu tặng vợ chồng tôi, và vợ chồng con gái rượu của tôi. Số là, vào đầu năm 1972, chúng tôi làm lễ thành hôn tại nhà khách phố Lương Ngọc Quyến - Hà Nội vinh dự được bác Khiêu đến dự, đóng vai chủ hôn. Năm 1973, chúng tôi sinh con gái đầu lòng. Sau 34 năm, năm 2007, con gái tôi lấy chồng người xứ Scoland (Vương quốc Anh). Cả hai đều là chuyên gia dầu khí và luật kinh tế hiện công tác tại nhiều nước Đông Nam Á. Thật là hạnh phúc được nhân đôi, khi lễ thành hôn của hai cháu lại được bác Khiêu làm chủ hôn, hơn thế, còn tặng gia đình chúng tôi câu đối thật thấm sâu xúc động và đầy kịch tính:

Vừa mới hôm nào xe chỉ mẹ
Thế mà nay đã kết tơ con (5)
Rượu rót Đông - Tây tình vạn dặm
Trà nâng hương sắc nghĩa trăm năm (Trà là tên con gái).

Bài viết này coi như một tiếng lòng tri âm, tri kỷ, vừa là lời tri ân của chúng tôi đối với một bậc văn gia đại bút, giáo sư mỹ học, nhà văn, anh hùng lao động vào tuổi khánh thọ.
_______________
1. Xem thêm: Từ điển bách khoa Việt Nam, tập I, Hà Nội, 1995, tr.383, 217.
2. Vũ Khiêu và bè bạn, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1996, tr.391.
3. Nguyễn Lộc tuyển chọn, giới thiệu, Văn học Tây Sơn, Nghĩa Bình, 1986.
4. Bàn về Văn hiến Việt Nam, Nxb TP.HCM, 2002.
5. Xe chỉ hay xe tơ. Trong truyện Nhị Độ Mai có câu: Từ khi gặp gỡ họ Mai/ Khi toan xe chỉ, khi đòi xuất quan.
Kết tơ: Nói việc kết duyên vợ chồng từ thuở bé. Nguyệt lão xe tơ. Quê Mai ba bảng đương vừa/ Đào trong sớm liệu xe tơ kịp thì (Truyện Kiều).

Tác giả: Hồ Sĩ Vịnh

Nguồn tin: Tạp chí VHNT số 355

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất