07:10 ICT Thứ ba, 15/10/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 708

Máy chủ tìm kiếm : 263

Khách viếng thăm : 445


Hôm nayHôm nay : 50324

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2486957

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 62245691

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển » Di sản văn hóa

Quang cao giua trang
top

NHÀ SÀN MƯỜNG

Tác giả: Nguyễn Thị Hằng - Thứ sáu - 21/11/2014 09:17
NHÀ SÀN MƯỜNG

NHÀ SÀN MƯỜNG

Nhà sàn là loại hình phổ biến của nhiều dân tộc ở Đông Nam Á. Tại Việt Nam, cư trú trên nhà sàn là truyền thống của nhiều dân tộc như Giarai, Êđê, Tày, Thái, Mường,v.v. Mặc dầu vậy, nhà sàn của người Mường vẫn có nhiều điều đặc biệt khác với nhà sàn của các dân tộc khác

Người Mường cư trú trên những ngôi nhà sàn nằm dọc theo các thung lũng hẹp giữa núi và đồi. Việc c­ư trú của người Mường có nhiều điểm tư­ơng đồng với các dân tộc khác, đó là một quan niệm tâm linh của một dân tộc thuần nông, cuộc sống, sinh hoạt sản xuất chịu nhiều  ảnh hư­ởng từ thiên  nhiên. Đất ở và đất dựng nhà của dân tộc Mường được căn cứ vào nhiều quan niệm phong thuỷ. Người Mường thường chọn miếng đất cao ráo, thoáng mát, đằng sau mảnh đất đó phải là khu đất cao, thế đất đằng sau dựa vào núi đồi, phía trước là đồng bằng thoáng mát rộng rãi. Người Mường kiêng kị ở những miếng đất mà đằng sau có hố sâu, dốc,... Người Mường không coi trọng nhiều đến dựng nhà theo hướng nào mà chỉ cốt thuận lợi cho đi lại cho lao động sản xuất. Từ dụng ý này mà làng bản của người Mường đều giống nhau ở chỗ lộn xộn, chồng chéo, không có sự thống nhất hay quy định chung về hướng nhà.
Truyền thống ở nhà sàn của người Mường có những căn nguyên về tự nhiên và lịch sử. Trước kia, khi rừng rú còn âm u, ch­ưa bị con người tàn phá, các muôn thú chư­a bị săn bắn nhiều thì các Mường (nơi cư­ trú) của đồng bào xen kẽ với nơi sinh sống của muôn thú, vì vậy, việc ở nhà sàn là để bảo vệ người Mường khỏi sự đe dọa của các loài dã thú. Và khi sản xuất lúa nước ch­ưa đủ đáp ứng nhu cầu lương thực, đồng bào Mường phải săn bắn, hái lượm, lên nư­ơng làm rẫy trồng thêm khoai, sắn nên việc cư trú trên các sườn đồi và ven các thung lũng hẹp sẽ rất tiện lợi cho việc tiếp cận nguồn lương thực, thực phẩm tự nhiên cũng như việc trồng cấy của họ,...
Với người Mường nói chung, nhà là nơi diễn ra và chứng kiến những sự kiện như sinh, hôn, tử của một vòng đời. Từ đó, ngôi nhà không chỉ có ý nghĩa đối với gia đình mà còn mang ý nghĩa cộng đồng xã hội, không chỉ là nhu cầu về vật chất là để trú ngụ nắng mưa, ngủ nghỉ, mà còn đáp ứng nhu cầu tâm linh.
Nhà sàn của người Mường là kiểu kiến trúc cổ truyền, được làm theo truyền thuyết dân gian, gọi là nhà rùa: 4 mái, 3 tầng, mô phỏng theo quan niệm dân gian ba tầng, bốn thế giới của người Mường. Việc dựng nhà sàn là kết quả của một quá trình dài đúc rút kinh nghiệm cư trú. Điều đó thể hiện ở bản mo nổi tiếng họ là “Te tấc te đác” (Đẻ đất đẻ nước).
Trong bản mo đồ sộ này có đoạn nói về sự ra đời của nhà sàn người Mường. Mo rằng: Khi người Mường sinh ra nhà chưa có nên phải sống trong các hang núi, hốc cây, họ phải đối mặt với nhiều thiên tai hiểm hoạ. Một hôm, ông Đá Cần (còn gọi là lang Cun Cần) bắt được một con rùa đen trong rừng đang định đem ra làm thịt. Rùa van xin Đá Cần tha chết và hứa nếu được thả thì rùa sẽ dạy cho ông cách làm nhà để ở, làm kho để lúa, để thịt:
Bốn chân tôi làm nên cột cái
Nhìn sườn dài, sườn cụt mà xếp làm rui
Nhìn qua đuôi làm trái
Nhìn lại mặt mà làm cửa thang cửa sổ
Nhìn vào xương sống làm đòn nóc dài dài
Muốn làm mái thì trông vào mai
Vào rừng mà lấy tranh, lấy nứa làm vách
Lấy chạc vớt mà buộc kèo
Lần dựng thứ nhất, nhà đổ. Ông Đá Cần dọa làm thịt rùa. Rùa lại phải dặn lấy gỗ tốt mà làm cột làm kèo,… Từ đó, người Mường biết làm nhà để ở.
Kết cấu ngôi nhà sàn thường được dựng theo cơ sở " vì  kèo " đúng hơn là một mạng trung gian giữa "vì cột" và "vì kèo'' các cột gỗ được lắp ráp và nối lại với nhau thành bộ khung chắc chắn  mà không cần một dây buộc hay đinh sắt vít lại. Ngôi nhà sàn Mường, cũng như­ những ngôi nhà Rông của các dân tộc Tây Nguyên thật sự là những nét kiến trúc độc đáo, tinh vi của dân tộc Việt Nam. Nhà sàn Mường thường rất cao, từ mặt đất lên đến sàn nhà có thể đến 3 - 4m, dư­ới gầm nhà sàn là không gian được sử dụng để sinh  hoạt như­ : chỗ đặt cối xay thóc, gạo, để đồ dùng sản xuất nh­ư cày, cuốc, bừa, và đặc biệt là chỗ để giữ gia súc,  gia cầm về đêm (nguyên nhân để gia súc gia cầm trong gầm nhà vì do người Mường sinh sống trong  các thung lũng núi, x­ưa kia nhiều thú dữ, giữ gia súc d­ưới gầm nhà sẽ tránh bị thú dữ vào bắt). Ngôi nhà sàn của người Mường chủ yếu được làm bằng gỗ, tre nứa, mái làm bằng rạ hoặc cỏ. Trước kia nhà sàn to, rộng có thể chứa hàng trăm người, nhưng hiện nay những ngôi nhà sàn như­ vậy không còn, thay vào đó là những ngôi nhà sàn nhỏ, gọn hơn, phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại.
Việc dựng nhà của người Mường đòi hỏi nhiều công đoạn, nhiều sức lực nên họ có tục giúp đỡ nhau. Người giúp gỗ, người giúp lạt, người giúp công, giúp sức. Trước kia, để nhận được sự giúp đỡ của dân làng, gia đình làm nhà phải chuẩn bị một lễ nhỏ mang đến nhà Lang để nhờ Lang báo cho mọi người trong bản làng biết. Mỗi gia đình sẽ cử một người đến giúp. Người ta phân công những công việc cụ thể cho mỗi thành viên đảm nhận như xẻ gỗ, đan nứa, pha tre, đan gianh cọ, lợp mái… Gia chủ làm nhà tuỳ vào điều kiện kinh tế mà nhận sự giúp đỡ khác nhau. Nhà khá giả thì mọi người giúp ít và ngược lại. Khi một người làm nhà thì tuỳ vào khả năng mà giúp gỗ, lạt, nứa, lá, và mỗi nhà góp ba đến năm cân gạo nếp, hai chai rượu, một con gà,… Lệ này ở mỗi xóm làng lại có những quy định khác nhau. Gia chủ được giúp đỡ thường cảm ơn bằng bữa cơm, hoặc có thể chỉ là chén r­ượu được tr­ưng cất từ sắn, ngô, hay cùng chung nhau uống bình r­ượu cần ấm áp tình người.
Trong quá trình dựng nhà của người Mường, thầy mo có vai trò rất quan trọng. Gia chủ nhờ thầy mo khấn cúng xin làm nhà mới và khấn vía lúa cầu cho nhà no đủ. Công việc làm nhà tiến hành trong 4 - 5 ngày thì kết thúc. Ngày lợp mái, gia chủ tổ cúng tổ tiên, thổ công cai quản nơi mình ở. Lễ cúng gồm xôi nếp và thủ lợn bày ở khoảng đất trống chọn làm sàn. Nhà làm xong, gia đình lại tổ chức cúng tổ tiên, thổ công, ma rừng, ma cây, ma bến nước, ma đồi gò,… thông báo rằng gia đình đã có một ngôi nhà mới, mời tổ tiên về chung vui với con cháu phù hộ gia đình may mắn.
Cấu trúc nhà sàn truyền thống của người Mường là kiểu kiến trúc đa năng và tiện ích cho sinh hoạt. Không gian bố trí trong một ngôi nhà sàn dù chỉ mang tính ­ước lệ nhưng nó lại thể hiện được những quy định, những trật tự xã hội của dân tộc Mường. Nhà của người Mường được chia thành nhiều gian nhưng không có vách ngăn, thường có từ ba đến năm gian. Những gia đình đông con thì nhà có đến khoảng từ bảy đến mười hai gian. Một ngôi nhà sàn thường có hai cầu thang (tiếng Mường: màn) lên, cầu thang trước là dành cho khách, cho chủ nhà. Từ cầu thang này lên sẽ b­ước vào không gian trang trọng, linh thiêng nhất ngôi nhà sàn, đó là chỗ tiếp khách và không gian thờ cúng tổ tiên; còn cửa sau ( tiếng Mường: màn Khau) sẽ dẫn lên gian bếp và nơi sinh hoạt của những người đang sống trong ngôi nhà. Gian đầu tiên từ cầu thang trước lên gọi là “pen ngoài” (bên ngoài) hay gian gốc. Đây là gian quy tụ mọi tính linh thiêng của ngôi nhà, là nơi xuất phát những tục lệ đối xử hành vi của con người với ngôi nhà. Đó là nơi tiếp khách và cũng là nơi để bàn thờ tổ tiên. Gian tiếp theo gọi là “pen tlong”(bên trong) được coi là một gian buồng, có hướng nhìn ra sân. Đây mới được xem là gian nhà chính. Trong gian này có bếp và diễn ra mọi sinh hoạt trong đời sống hằng ngày của gia đình người Mường.
Ở gian gốc có một cây cột to hơn các cây cột khác trong nhà gọi là cột gốc (còn gọi là cây cột chồ) ở đầu góc nhà gần cầu thang. Cây cột gốc được đồng bào trân trọng đặt khám (bàn thờ) thờ tổ tiên. Mọi người kể cả chủ hay khách đến nhà chơi đều không được bôi nhọ, dựa lưng, gác chân, buộc đồ vật hay treo quần áo vào cột này. Phần cột dưới sàn cũng không được buộc trâu bò hay dựng, treo công cụ lao động. Người Mường quan niệm nếu phạm phải những điều cấm trên thì bị coi là xúc phạm đến gia đình, tổ tiên và thần linh.
Gian nhà gốc chỉ dành riêng cho nam giới. Phụ nữ trong nhà không được ngồi nghỉ hoặc làm việc ở đây. Trong các ngày trọng đại như hôn lễ, ma chay thì chỉ nam giới có vai vế trong dòng họ được ngồi ăn uống.
Tại gian nhà linh thiêng này có một cửa sổ làm sát đến sàn nhà gọi là cửa sổ “voóng” linh thiêng, không ai được đưa vật gì hay chui qua. Cửa sổ voóng chỉ dành để đưa quan tài ra ngoài khi gia chủ có tang ma. Đối diện với cột chỗ ở gian gốc có một cột nhà tương đối quan trọng. Ở chân cột này, người Mường để vào cum lúa đã tuốt hết hạt. Đầu cột đội một cái giỏ thủng biểu hiện cho âm tính (đồng bào gọi là nường). Bên cạnh đó, người Mường treo một đoạn tre tước xơ một đầu cho bông lên biểu hiện cho dương tính (gọi là nõ). Điều này thể hiện đời sống tâm linh, nói lên sự hỗn hợp, cân bằng âm dương, sự ổn định và thuận hoà của cả gia đình.
Gian thứ hai của ngôi nhà (gian kế theo gian gốc) dành cho nam giới ngủ nghỉ. Gian giữa thường là gian để thóc và làm bếp. Lúa gặt ở ruộng nương về phơi khô khi chuyển lên nhà được để ở đây. Họ xếp lúa vào một cái quây như cái bồ thủng đáy đan bằng nứa hoặc giang để gần bếp. Bếp của người Mường là rất công phu. Khuôn bếp được làm bằng loại gỗ đặc biệt cứng, có đường viền xung quanh, đáy lót bằng bẹ chuối rồi rải bùn lên trên. Khi chuyển bếp mới, người Mường tìm một số loại cỏ thơm như cỏ mật phơi khô để vào bếp đốt lấy tro rồi mới bắc kiềng
nấu nướng. Bếp thường đặt trên trục nhà nơi nóc dọi xuống. Có nhà bếp đặt gần cửa sổ để thông gió, tránh khói và hoả hoạn. Tuy vậy, việc đặt bếp ở cửa sổ ít được ưa chuộng hơn vì đồng bào quan niệm nếu đặt bếp gần cửa sổ thì hơi ấm từ bếp toả ra ngôi nhà không đều. Nhà người Mường thường có hai bếp chuyên dụng. Một bếp để nấu nướng thức ăn, và phụ nữ, trẻ em trong gia đình ngồi sưởi. Một bếp nhỏ hơn đặt ở gian gốc dùng để cho đàn ông trong gia đình ngồi sưởi vào mùa đông và đun nước uống hàng ngày hoặc tiếp khách. Bếp này người phụ nữ trong gia đình ít khi được ngồi hoặc sử dụng, trừ phụ nữ cao tuổi như bà, cụ hay con gái út được yêu quý nhất.
Gian cuối cùng là nơi dành cho phụ nữ sinh hoạt có chạn bát, để đồ dùng gia đình, nơi sửa soạn cơm nước. Gian này được ngăn với các gian khác trong nhà bởi một tấm liếp. Đây cũng là nơi người phụ nữ thay quần áo và ngủ nghỉ. Đầu hồi nhà, người Mường để một cái cối đuống và một cối tròn. Cối đuống không chỉ dùng để giã thóc gạo mà còn là phương tiện để gia đình báo nhà có việc lớn như đám cưới mà tang ma. Bên cạnh đó, cối đuống còn là một nhạc cụ sử dụng để gõ những bản nhạc vui trong ngày lễ tết, hội hè với những bản đuống rộn ràng âm vang, người Mường gọi là “đâm đuống” hay “châm đuống”. Dưới sàn nhà, người Mường nuôi gà, trâu hoặc để cất các công cụ sản xuất như cày, cuốc, liềm, nong, nia… Nhà của người Mường thường chỉ có một cầu thang. Song những ngôi nhà dài từ 7 - 12 gian thì phải làm hai cầu thang ở hai đầu nhà. Những nhà có hai cầu thang như vậy khá hiếm vì người Mường quan niệm đó là sự xui xẻo, kiêng kị, của nả sẽ không giữ được trong nhà “vào đầu này ra đầu kia”.
Trong những ngôi nhà sàn truyền thống rất ít đồ dùng trong nhà, người Mường tiếp khách, ăn và khi họ ngủ họ chải chiếu ngay trên nhà sàn nên không gian trong ngôi nhà sàn cổ rất thoáng và rộng rãi. Ngày nay, không gian sinh hoạt trong nhà sàn của người Mường đã được bổ sung thêm nhiều bàn ghế, tủ, giường,... Đây là nét cách tân trong ngôi nhà để phù hợp với cuộc sống mới. Ngôi nhà sàn hiện nay của các bản Mường cũng sử dụng nhiều vật liệu làm bằng gỗ để làm sàn nhà và tư­ờng nhà sàn, và sử dụng ngói để lợp mái nhà nên vẻ đẹp truyền thống của nhà sàn không còn là cái vẻ đẹp giản dị, nguyên sơ và gần gũi với thiên nhiên trước kia.
Cùng với lịch sử dân tộc, nhà sàn trở thành một biểu hiện văn hoá đặc sắc của người Mường.

Tác giả: Nguyễn Thị Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất