16:51 ICT Chủ nhật, 10/11/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 877

Máy chủ tìm kiếm : 4

Khách viếng thăm : 873


Hôm nayHôm nay : 183539

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1824014

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 67145896

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển » Di sản văn hóa

Quang cao giua trang
top

ĐỀN THỜ CÔNG CHÚA NƯỚC LÀO Ở VIỆT NAM

Tác giả: Vân Nguyễn - Thứ hai - 30/06/2014 11:26
ĐỀN THỜ CÔNG CHÚA NƯỚC LÀO Ở VIỆT NAM

ĐỀN THỜ CÔNG CHÚA NƯỚC LÀO Ở VIỆT NAM

Đền Thượng Thái Sơn thờ công chúa nước Lào với danh xưng Nhồi Hoa công chúa. Đền nằm trên đỉnh đồi Đền, thuộc địa bàn thôn Thái sơn, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình .

Sơn Lai là vùng đất cổ: Thế kỷ X, nơi đây là của ngõ phía Tây của "Hoa Lư tư trấn", thời nhà Trần (năm 1226), vùng đất này thuộc trấn Thiên Quan. Thời Hậu Lê, Sơn Lai thuộc phủ Thiên Quan, xứ Thanh Hóa. Đặc biệt "Năm thứ hai niên hiệu Thuận Thành Hồ Hán Thương (năm Nhâm Ngọ, Tức 1402), tháng ba, con đường từ Tây Đô (tức Thanh Hóa) đến Hóa Châu được sửa sang xây đắp lại, dọc đường cho đến phố xá có thể truyền thư tín, nên gọi là đường Thiên Lý". Sơn Lai năm trên trục đường Thượng đạo này.

Trong thời kỳ chông giặc phương Bắc, người anh em Lào đã đoàn kết hết lòng giúp đỡ nước ta. Theo Đại Việt sử ký toàn thư: " năm Tân Mão năm thứ 2 (1471) (Minh Thành Hóa thứ 7)... Thổ quan phủ Trấn Ninh là Cầm Công sai đầu mục sang chầu và biếu sản vật. Thổ quan châu Thuận Bình là hội đạo nhị cùng đến. Bấy giờ vua về đến Thuận Hóa, tri châu là đạo Nhị và em là đạo Đồng cùng bộ lạc hơn 100 người đem voi đến biếu tặng…”

Theo truyền thuyết tại địa phương và tài liệu hiện còn tại di tích cho thấy đền Thượng thờ công chúa nước Lào là Nhồi Hoa. Dưới thời Vua Lê Thánh Tông (hiệu Hồng Đức (1460-1497)), Bà được vua cha giao trách nhiệm đưa sang và huấn luyện một đàn voi cho Đại Việt. Khi giao xong đàn voi, trên đường trở về không may công chúa bị lâm bệnh. Binh lính đi theo phải hạ trại, đóng hai đồn thành dinh lũy tại đồi Đền và đồi Đập lo thuốc thang cho bà. Sau một thời gian điều trị, công chúa được các thái y chăm sóc thuốc thang, hết lòng cứu chữa nhưng bệnh tình không thuyên giảm, công chúa qua đời tại trại đóng trên đồi Đền. Sứ giả báo về triều đình Đại Việt, vua Lê Thánh Tông cho quân thần về làm lễ, an táng tại khu vực đồi Đền, xây khu lăng mộ và cho lập đền thờ công chúa ngay tại đó. Sau đó, nhà vua cho người sang nước Lào báo tin. Triều đình Lào liền chạm ảnh công chúa trên gỗ và đưa sang nơi Bà mất làm lễ viếng đồng thời cũng là để lưu niệm tình đoàn kết giữa hai nước Việt – Lào. Truyền thuyết này rất hợp với lịch sử thời bấy giờ.
Đền Thượng Thái Sơn tọa lạc trên đỉnh đồi Đền giữa không gian làng quê yên bình với núi đồi hùng vĩ: Phía Tây là lăng mộ công chúa, phía Nam là núi Hóe Vụng, phía Đông là núi Mỏ Phượng, phía Bắc là núi Chon Gà. Đền quay hướng Nam, được xây dựng vào thời Hậu Lê và đã được trùng tu nhiều lần, hiện nay di tích gồm 3 tòa, tòa Trung Đường và Hậu cung còn giữ nguyên vẹn kiến trúc “Tiền đao Hậu đấu”, lợp ngói vẩy, cửa được làm theo lối chân quay, then cài, bậc cửa bằng gỗ cao 30cm. Đỡ mãi bằng hệ thống 4 cột cái và 12 cột quân đều bằng gỗ lim, các mảng chạm khắc mộc hóa long, hóa văn lá lật tại ván mê, câu đầu còn nguyên bản thời Nguyễn.
 Ngoài ra di tích còn lưu giữ được ban thờ có ảnh công chúa chạm trên gỗ cùng nhiều đồ thờ tự có giá trị, đặc biệt là 04 sắc phong triều Nguyễn, trong đó có sắc phong vào ngày 12 tháng 1 năm Tự Đức thứ 6 (1852) phong cho bà mỹ tự “Linh Quang Huyền Cảm Diễm Quyên Nhàn Uyển chi thần”. Sắc phong ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924) Bà được phong là Thượng đẳng thần.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đền Thượng trở thành nơi chế tác vũ khí cho chiến trường, nơi đóng quân của trường Quân chính quân khu 3, là địa điểm hoạt động của Ban Kinh tế, tỉnh đội Ninh Bình, là nơi tập trung đưa tiễn con em Thái Sơn vào chiến trường Miền Nam.[1]
Hàng năm, tại di tích diễn ra lễ hội truyền thống vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch, ngoài phần rước kiệu quanh làng, tổ chức tế còn nhiều trò chơi dân gian như: Chọi gà, đấu vật, kéo co, cờ người... Đặc biệt có múa hát theo điệu Chăm Pa (điệu múa hát cổ truyền của nước Lào) để tưởng nhớ về công lao của công chúa Nhồi Hoa và bảo tồn và tôn vinh truyền thống tốt đẹp hai dân tộc Việt - Lào. Các ngày rằm, mùng một nhân dân trong vùng đều dọn dẹp khuôn viên đền và thắp hương lễ bái.
Với những ý nghĩa tốt đẹp đó di tích đền Thượng Thái Sơn cùng với đền Chàng, thôn Chàng, xã Sơn Lai cũng thờ Nhồi Hoa Công Chúa được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận là di tích cấp tỉnh năm 2007. Di tích luôn được chính quyền, nhân dân trong vùng bảo vệ, trùng tu tôn tạo, hơn nữa hiện nay đền Thượng Thái Sơn nằm trong khu vực Quần thể danh thắng Tràng An là di sản đang được đề cử để trở thành di sản thế giới với giá trị tiêu biểu về thiên nhiên và văn hóa đặc sắc, vì vậy trong tương lai di tích sẽ phát huy tốt hơn nữa những giá trị vốn có và là điểm đến cho du khách thập phương cũng như trong danh sách các tour du lịch Ninh Bình.

 
Anh cong chua Lao

 


[1]Nho Quan miền đất cổ”. NXB Văn hóa – Thông tin. Lã Đăng Bật.Tr 131.

Tác giả: Vân Nguyễn

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất