14:29 ICT Chủ nhật, 13/10/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 656


Hôm nayHôm nay : 105997

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2195261

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 61953995

Trang nhất » Tin Tức » Bàn tròn

Quang cao giua trang
top

Mạn đàm chuyện phản biện xã hội

Tác giả: Tiểu Linh Bảo - Thứ sáu - 06/06/2014 11:35
Mạn đàm chuyện phản biện xã hội

Mạn đàm chuyện phản biện xã hội

Phản biện không phải chỉ là nói cho vui miệng, nói để giải tỏa cái bứt rứt trong tâm can. Phản biện là rút hết cái ruột con tằm để góp sợi tơ óng cho đời. Nếu mỗi người đều hướng tấm lòng vào những điều hay, điều tốt, vạch ra cái xấu cái dở, đều có tinh thần phản biện, ắt sẽ có vua sáng, nước thịnh, dân yên, phong hóa được chấn chỉnh, nhân tâm được trong lành
Nhập thế cuộc hay mũ ni che tai
         
Phản biện xưa nay chẳng có gì là mới. Thường thì thấy gì không hợp nhãn quan ai chẳng muốn nói vài câu, góp vào một vài ý tứ, người thường còn vậy nữa là các bậc thức giả “bác cổ thông kim”.
 
         Các cụ ta ngày trước còn đặt ra hẳn một chức quan chuyên để phản biện gọi là gián quan. Chức này nghe nói cũng khá oai phong, đòi hỏi phải tài đức vẹn toàn, giám ăn giám nói, dẫu có lúc cũng phải cái vạ miệng, gặp ông vua bạo ngược, hay câu nệ, chấp nhất có kẻ còn mất cả đầu. Những kẻ yếu bóng vía đôi khi chẳng giám nhận chức.
 
Nhưng không phải chỉ có gián quan thôi đâu, đã là quan trong triều thì ai cũng có bổn phận phải phản biện, phải can gián vua, các bậc trung lương, tôi hiền đều vậy cả, coi đó là trách nhiệm khi mình ăn bổng vua, lộc nước. Những kẻ tiểu nhân, nịnh thần thông thường thì lại mũ ni che tai, ngậm miệng ăn tiền, tránh voi chẳng xấu mặt nào. Với họ, điều nghịch nhĩ thường vẫn khó nghe, dễ bị ghét, bị oán...
 
            Ở bên Trung hoa xưa có ông Tiền Ngu Sơn nổi tiếng là người chính nhân quân tử, có khí phách hơn người. Ông khắc vào chiếc gậy của mình một bài minh có mấy câu khá hay nói về gậy nhưng kỳ thực là để vận vào mình :
           
            Dụng chi tắc hành
            Xả chi tắc tàng
            Duy ngã dữ nhĩ hữu thị phu ?
          (Dùng thì ra làm việc
            Bỏ thì về ở ẩn
          Hóa ra chỉ có mày mới làm được như vậy thôi sao ? )
 
Mấy câu trên tương truyền cũng được nhiều người khen là khẳng khái. Thế rôi loạn lạc, li tán, chiếc gậy cũng mất. Nhưng chẳng hiểu sao ít lâu sau nó lại được tìm thấy. Khi đó trên gậy đã thấy ai đó khắc tiếp vào một bài minh khác. Nội dung rằng :
 
Nguy nhi bất trì
Điên nhi bất phù
Tắc tương yên dụng bỉ tương hỷ
( Lúc khốn nguy thì chẳng giữ được
Lúc ngả nghiêng thì cũng chẳng đỡ được
Vậy thì dùng làm gì cái thứ vô dụng như mày).
 
Họ Tiền đọc bài minh bỗng thấy thẹn. Cứ ngỡ mình cao ngạo, khinh bạc, lánh đời, không màng công danh phú quý, mình về ẩn là cao quý, bỗng hóa lại bị xem là kẻ vô dụng, trốn tránh, hèn nhát.
 
Trí giả xưa, dùi mài kinh sử cũng là để góp cho đời, đáu đáu với đời, dù đôi khi đời không phải lúc nào cũng là công bằng, lúc nào cũng là nhân ái... Cụ Ức Trai Nguyễn Trãi bảo : “Cổ lai thức tự đa ưu hoạn” (xưa nay những người hiểu biết thường gặp nhiều ưu tư, hoạn nạn ) Câu thơ định mệnh ấy của kẻ học giả, sau này được vận vào phận đời của cụ với ba nghìn người trong tộc họ phải rơi đầu. Nó cũng như nói về cụ Chu Thần Cao Bá Quát phản biện không phải bằng lời nói mà còn cả bằng giáo gươm để rồi chịu chu di tam tộc, như diễn tả về cụ Hy Doãn Ngô thì Nhậm bị đánh đến chết ngay tại mảnh sân đầy chữ nghĩa Văn Miếu...
 
Ôi, nếu như các cụ ấy cứ ở ẩn, cứ suốt đời thơ phú bên hoa lá chim muông, khi sáng sương mờ, lúc tối trăng trong, các cụ chẳng ra với đời, nói thẳng, làm thẳng thì họa nào đến được. Nhưng nếu vắng bóng các cụ thì văn hiến nước Việt mình sẽ thế nào đây...
 
 

 
Ai giám nói ngược trong một triều đình uy nghi như thế này nhỉ
 
 
 
 
Người ta chê ta, mà chê phải tức là thầy ta, người ta khen ta, mà khen phải tức là bạn ta, còn người nịnh hót ta, lại là người cừu địch hại ta”.
 
 
Phản biện dễ và khó
 
Phản biện hóa ra không phải chỉ là nói cho vui miệng, nói để giải tỏa cái bứt rứt trong tâm can. Phản biện là rút hết cái ruột con tằm để góp sợi tơ óng cho đời. Nếu mỗi người đều hướng tấm lòng vào những điều hay, điều tốt, vạch ra cái xấu cái dở, đều có tinh thần phản biện, ắt sẽ có vua sáng, nước thịnh, dân yên, phong hóa được chấn chỉnh, nhân tâm được trong lành
 
Nhưng, phản biện nên được hiểu thế nào và thực hành ra sao. Khen cái đúng cái hay, phê cái dở cái xấu, gắng mà ngăn cái sai phạm, cái hư hỏng, điều này, nói thì dễ mà thực thi thì lại khó.
 
Người phản biện phải có cái tài, phải tinh thông, rành rẽ công việc để mà phản biện cho trúng. Vậy nên, ở đời, có người tài đức đủ cả, nhưng vẫn không muốn phản biện không phải bởi họ nhát gan, không giám nói điều nghịch ngược, mà bởi họ quá cẩn trọng với lời nói của mình. Có nhiều bậc trí giả tài giỏi, nhưng bể học vốn lại là không cùng. Nếu không đủ kiến thức chuyên sâu ai chẳng ngại phản biện. Họ sợ mình nói không trúng lại gây hại cho nhân tình thế thái. Điều này cũng đừng trách họ. Đừng quy kết họ thiếu tinh thần học giả.
 
Rồi thì cũng có người tài chưa cao, kiến thức đôi lúc còn hẹp mà tinh thần đóng góp cho đời thì lại cao, cứ ngùn ngụt như lửa ấy.  Dĩ nhiên, nếu cứ lấy cái tinh thần hăng hái ra để phản biện cũng là chưa đủ, đôi khi lại còn lợi bất cập hại. Nhưng nhiệt tình ấy, cái tâm trong sáng đôi lúc là can trường ấy, thật cũng đáng để nể trọng. Đời cũng nên thu nhận cái tinh thần hăng say của họ, ngâm ngợi kỹ cái hay cái dở của họ để thấu xét lại mình.
 
Có tài rồi, có ý đúng rồi mà nhiều khi lại vẫn là chưa đủ để phản biện, còn cần phải có cách nữa, phải biết nói thế nào để người ta nghe được, nghe mà không đỏ mặt lên, rồi còn thuận theo...Nói không khéo, thì đúng cũng bị hiểu thành sai, nhiều lúc còn vạ vào thân.
 
Ngày xưa Viên Thiệu mang đại quân đánh Tào Tháo, Điền Phong cố ngăn chẳng được lại còn bị nhốt vào ngục. Viên Thiệu thua trận trở về, mọi người bảo Điền Phong : “ Ông can ngăn đúng quá, kỳ này chắc thế nào cũng được cất nhắc” Điền Phong nói: “ Chết rồi, nếu chúa công thắng trận thì không sao, còn thua thì mạng ta khó giữ được ”. Quả vậy. Điền Phong phản biện đúng mà vẫn chết là thế.
 
Lại như Đông Phương Sóc, điều gì cũng muốn nhúng mũi vào, chuyện hệ trọng mà khi phản biện lời nói cử chỉ cứ như đùa cợt. Vua luôn phải bật cười mà nghe theo. Vua suốt đời lận đận tìm thuốc trường sinh, việc triều chính bỏ bễ, ai ngăn cũng chẳng được. Người ta biếu rượu trường sinh bất lão, Sóc ngang nhiên lấy uống, vua giận quá muốn giết, Sóc bảo “nếu bệ hạ giết thần thì hóa rượu bất tử này chỉ là rượu giết người thôi sao”. Vua ngộ ra mà tha. Phản biện mà như ông ấy thì thật cao tay.
 
            Văn hóa người nghe phản biện
 
            Nghe được lời phản biện cũng không phải là chuyện dễ. Xưa kia người chức trọng, quyền cao, được xã hội trọng vọng thì còn phải học cả cách nghe nữa. Vua sáng thì nghe được điều hay ý tốt. Vua tối thì chỉ chuyên nghe lời sàm nịnh, thấy người ta nói thẳng thì để bụng, không bằng lòng, xa cách người can ngăn, thấy người chính trực thì chê, người trung tín thì ghét.
 
Sử ta còn ghi lại những lời chê trách về các ông vua được gọi là vua lợn, vua quỷ...vì chẳng biết nghe lời can gián dẫn đến nước hỏng, dân khổ, phong hóa suy đồi.
 
            Cổ nhân dạy rằng, trí nhân thấy người hay thì phải cố mà bắt chước, thấy người dở thì phải tự xem lại mình có dở như thế không để mà sửa đổi. Thấy mình có điều hay thì phải cố mà giữ lấy, có điều dở thì phải cố mà trừ đi.
 
 Rồi lại cũng dạy rằng ; “người ta chê ta, mà chê phải tức là thầy ta, người ta khen ta, mà khen phải tức là bạn ta, còn người nịnh hót ta, lại là người cừu địch hại ta”. Cho nên người chính nhân quân tử, thay trời hành đạo xưa luôn phải tâm niệm câu trọng thầy, quý bạn và căm ghét cừu địch, thích điều phải, nghe mà không chán, trọng lời can gián, suy xét để mà sửa mình. Như vậy thì người can gián, người phản biện mới không ngại mà nói lời hay, ý đúng..
Ngày xưa Tề Uy Vương còn ban sắc lệnh khuyến khích và khen thưởng những người biết phản biện. Ông công bố: “ Bất kể đại thần hay dân thường, ai có thể vạch ra cái sai của ta ngay trước mặt ta thì được trọng thưởng vào mức thượng hạng, ai có thể viết thư chỉ ra cái sai của ta thì được thưởng vào mức trung hạng, còn ai bình luận được cái sai của ta nơi công cộng mà ta nghe được thì phần thưởng sẽ là hạng thường”. Ông nhờ đó mà chỉnh sửa lại các điều trị nước của mình. Vua sáng như Tề Uy Vương thật đáng là tấm gương cho đời sau.

Xử án ngày xưa

Tác giả: Tiểu Linh Bảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất