10:43 ICT Thứ tư, 09/10/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 656

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 655


Hôm nayHôm nay : 74939

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1504089

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 61262823

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển

Quang cao giua trang
top

Phố cổ Thành xưa

Tác giả: Nhà Hà nội học Nguyễn Vinh Phúc - Thứ sáu - 06/06/2014 11:24
Nhà Hà nội học Nguyễn Vinh Phúc

Nhà Hà nội học Nguyễn Vinh Phúc

LTS : Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc xa chúng ta đã hơn hai năm. Để tưởng nhớ ông, chúng tôi xin được chọn đăng một bài viết của ông về Thăng Long Hà Nội, vừa để tri ân vừa để nhớ mãi về ông.
Nội thành Hà Nội từ 1954 đến nay có nhiều khu phố mới được xây dựng gọi là khu tập thể giải quyết được  nhiều nhu cầu nhà ở của nhân dân: Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, Trung Tự, Kim Giang, Thanh Xuân, Nghĩa Đô, Ngọc Khánh, Giảng Võ, Thành Công, Yên Lãng, Bách Khoa, Trương Định, gần đây Định Công, là Bắc Linh Đàm… Đó chính là cố gắng lớn đồng thời là thành tích lớn của chính quyền trong thành phố trong việc giải quyết dân sinh.
Nhưng ở trung tâm nội thành có hai khu vực làm nên niềm tự hào của cả Hà Nội mà không phải bất cứ một thành phố nào ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác có nổi. Đó là “khu phố cổ” và “khu phố cũ”.
KHU PHỐ CỔ
Ở Việt Nam, có lẽ ngoài Hội An và Nam Định ra chỉ có Hà Nội là còn giữ được một khu phố cổ (thực ra chữ cổ và cũ là một cách gọi ước lệ). Đành rằng do khí hậu, thời tiết, nguyên vật liệu xây dựng và do cả các cuộc chiến tranh nên diện mạo khu vực này như hiện thấy cũng chỉ là có từ cuối thế kỷ XIX. Nhưng theo các nguồn sử liệu khác nhau thì khu vực này đích thực là nhân lõi của kinh đô Thăng Long từ khi mới thành lập, tức là cũng đã có tới ngàn năm tuổi.
Nói về địa giới không gian khu phố cổ thì có thể coi đó là một hình tam giác cân có đỉnh là phố Hàng Đậu, cạnh phía Đông là đê sông Hồng, cạnh phía Tây là các phố Hàng Cốt, Hàng Điều, Hàng Da, còn đáy là trục Hàng Bông- Hàng Gai- Cầu Gỗ. Tại khu phố này cho tới trước khi người Pháp tới đều chung một dáng dấp: các phố chi chit dọc ngang kiểu bàn cờ, phần lớn mang tên gọi của các mặt hàng sản xuất hay kinh doanh tại những nơi đó: Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Bồ… Tất cả các ngôi nhà ở hai bên đường đều theo kiểu “nhà ống”. Nhà như một cái ống, bề ngoài hẹp, chiều dài sâu có khi thông ra một ngõ khác, phố khác. Bố cục cũng tương tự như sau: gian ngoài là chỗ bán hàng hoặc làm hàng. Tiếp đó là một khoảng sân lộ thiên để lấy ánh sáng. Trên sân có bể cạn (trong có hòn non bộ, có cá vàng), quanh sân là các cây cảnh, là dàn hoa. Gian nhà trong mới là nơi ăn ở và nối vào đó là khu phụ. Đa số là nhà một tầng, lợp bằng những viên ngói nhỏ nhắn, với đặc trưng hai bức tường hồi vượt cao lên khỏi mái, xây giật cấp như những bực thang và đầu nóc là hai trụ đấu ngộ nghĩnh. Cũng có một số nhà xây thêm tầng gác nhưng thấp không mấy khi trổ cửa sổ, nếu có thì rất nhỏ. (Vì các triều đại cũ cầm dân không được nhìn mặt vua quan nhất là từ cao, khi vua quan đi trên đường).
Như vậy nhà ống ở khu phố cổ Hà Nội bé bỏng, bình dị, vừa là xưởng sản xuất thủ công, vừa là cửa hàng, vừa là nơi sinh hoạt của gia đình. Tại khu phố cổ, người mua bán vào mọi thời điểm, đem lại cảnh tượng tấp nập và nhà cạnh nhà, liền mái, liền tường, sum vầy nâng đỡ nhau. Cái hấp dẫn của khu phố cổ Hà Nội chính là ở chỗ này, ở cái tổng thể do người xưa đã sắp xếp thành một cơ thể đầy sống động, khăng khít, gắn bó, kề tựa nhau mà tồn tại, sinh sống. Bên cạnh các nhà ống còn phải kể tới những đình chùa, đền miếu rải rác trong nhiều đường phố. Những công trình này Trước hết là nơi thờ của các làng thôn phường cũ, như đình 38 Hàng Đường là của làng Đức Môn, một làng mà phố Hàng Đường chạy qua, hay là chùa Huyền Thiên 54 Hàng Khoai là chùa của làng cùng tên, nay là đất đai phố Hàng Khoai. Ngoài ra các công trình đó còn phản ánh gốc gác của cư dân kinh thành mà một bộ phận đáng kể là từ nhiều nơi khác, tỉnh khác di cư về đây làm ăn, như đình Hoa Lộc 90 Hàng Đào là của phường nhuộm ở Đan Loan ( Hải Dương) lập ra, đình Tú Đình Thị 2A ngõ Yên Thái là nơi thờ tổ nghề thêu do dân làng thêu Quất Động ( Hà Tây) dựng nên… Mặt khác sự tồn tại của các đình miếu này còn là bằng chứng của tâm linh người Hà Nội cũ: bên cạnh sự hòa đồng với tự nhiên và cộng đồng xã hội, người Hà Nội còn luôn tìm cách hòa đồng với một thế giới tâm linh, vì cùng với một không gian đô thị vật chất, vẫn tồn tại một không gian đô thị mang màu sắc huyền thoại, ẩn chìm và thiêng liêng, ở đó có thể giao hòa cùng quá khứ, chứa chất sức mạnh tiềm ẩn.
Ngày nay, đành rằng qua các biến động của lịch sử, qua sự thích ứng với đời sống xã hội, khu phố cổ có biến dạng nơi ít, nơi nhiều, song bóng dáng của thời xưa ( dù chỉ là của thế kỷ XIX song cũng đã là dư trăm tuổi) vẫn còn lưu lại ở dăm căn nhà này, ở vài đoạn phố kia và đặc biệt ở cái không gian văn hóa vẫn đậm đà hương vị cổ. Cho nên khu phố cổ Hà Nội với những căn nhà ống nhỏ nhắn, xinh xắn, những con đường ăm ắp người đi, những đền chùa mái cong mềm mại, lại còn cả những không gian, cây xanh mượt mà và ngọt ngào hương… tất cả đã làm nên một vẻ đẹp mà chỉ Thành phố Hà Nội mới có.
Vì vậy, dù có biến dạng do sự hiện diện của những ngôi nhà theo kiến trúc mới thì khu phố cổ Hà Nội vẫn là một “kỷ niệm” mà người xưa gửi cho người ngày nay để rồi truyền lại cho đời sau. Cần phải có những dự án thấu tình đạt lý để bảo vệ và tôn tạo quý đô thị quý hiếm này.

THÀNH CỔ HÀ NỘI
 
Năm 1804 nhà Nguyễn phá thành Thăng Long đời Lê, xây một tòa thành mới. Tòa thành mới này bị thực dân Pháp phá vào năm 1894. Hiện nay di tích do Bộ Quốc phòng quản lý tới hai phần ba diện tích, trong đó có cái lõi cơ bản là khu vực nằm giữa hai phố Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương. Trong khu vực này kể từ Bắc xuống Nam hiện còn những di tích đáng kể: cửa chính Bắc Môn, lầu Hậu Lâu ( mà hiện nay người ta gọi là Lầu Công Chúa), nền Điện Kính Thiên, cửa Đoan Môn và Cột Cờ.
Đây là cái lõi cơ bản của thành Hà Nội tức tòa thành xây dưới triều nhà Nguyễn.
Nay nhìn vào bản đồ Hà Nội ta thấy một hình vuông mà bốn cạnh là bốn phố Phan Đình Phùng, Phùng Hưng, Hùng Vương và Trần Phú. Đây chính là bốn mặt của tòa thành Hà Nội đó. Bốn mặt nhưng 5 cửa. Cửa Bắc ở phố Phan Đình Phùng, nay vẫn còn, Cửa Tây ở trên đường Hùng Vương, ở chỗ nay là Lăng Hồ Chủ Tịch, Cửa Đông ở chỗ phố Phùng Hưng gặp phố Cửa Đông. Phía Nam có hai cửa: cửa Đông Nam ở chỗ Trần Phú gặp phố Tôn Thất Thiệp, cửa Tây Nam cũng ở trên phố Trần Phú chỗ Sứ Quán Nga ngày nay. Mỗi cửa thành lại có xây một cái mang cá để bảo vệ. Muốn vào trong thành, phải qua cửa mang cá rồi mới qua được cửa chính.
Trong tòa thành có một cái lõi cơ bản là khu vực nằm giữa hai phố Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương vì là nơi tập trung những công trình quan trọng nhất của tòa thành.
Kể từ phía Nam lên- vì thành nhìn về phía Nam phải kể tới Cột cờ. Di tích này nhiều người đã biết, ấy vậy mà vẫn có một số sách báo cung cấp những thông tin thiếu chính xác. Kỳ thực Cột Cờ hình bát giác (tám cạnh) và từ mặt đất lên đỉnh cột cao có 33,4m. Nếu kể cả cái cột treo cờ thì cũng chỉ là 40m (Đời Lê chỗ Cột Cờ này là một cửa có tên là Tam Môn).
Lùi sau Cột Cờ chừng 200m là cửa Đoan Môn hay còn gọi là cửa Ngũ Môn (Lầu Năm Cửa). Đoan có nghĩa là chính. Đoan Môn là cửa chính đi vào Hoàng Thành. Do cửa này có 3 tầng, tầng 1 mở 5 cửa nên có tên là Ngũ Môn. Ngay trên đỉnh cửa chính giữa còn một tấm biển bằng đá có khắc hai chữ Đoan Môn. Nhiều sách cho rằng đó là di vật từ đời Lý. Ở tầng hai mở 3 cửa, trên cửa giữa có ba chữ Ngũ Môn Lâu. Tầng 3 là một vọng lâu. Cửa Đoan Môn hình chữ U, từ Đông sang Tây đo được 46,5m, từ Nam lên Bắc đoạn giữa 13m, hai cánh gà là 26,5m. Đằng sau Đoan Môn là sân Long Trì (thềm rồng) hoặc Đan Trì (thềm đỏ), thời nhà Lê là nơi các quan triều hội trong những ngày lễ tết.
Tiếp sân này là điện Kính Thiên, nơi các quan tâu bày công việc và Vua quyết định những việc chủ yếu của đất nước. Đây chính là trái tim của thành Hà Nội. Mà không chỉ thành này, mà ngay cả thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê cũng lấy điện Kính Thiên làm trung tâm điểm. Điện này sang đời Nguyễn trở thành Hành Cung, tức nơi ở của vua khi đi tuần thú ( vì vua đóng ở Huế). Nay điện không còn vì nhà binh Pháp đã phá hủy năm 1886. Tuy nhiên theo một bức ảnh trong sách “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” tác giả là bác sĩ quân y Hocquard trong đoàn quân đánh chiếm Hà Nội từ những năm 1883 thì điện này có hình dáng y như điện Thái Hòa hiện có ở cố cung Huế -  khác chăng là điện Kính Thiên có 5 gian 2 chái, còn điện Thái Hòa 7 gian 2 chái. Có thể hiểu rằng nhà Nguyễn đã lấy mẫu Kính Thiên để xây Thái Hòa.
 
Ảnh : điện Kính Thiên
 
Di vật quý giá nhất của điện Kính Thiên còn lại ngày nay là thềm rồng chín bệ ở mặt tiền. Mỗi bệ cao chừng 20cm, rộng 4cm, từ Đông sang Tây dài trên 13m. Khoảng cách từ đầu rồng đến chân nền điện chừng 5,5m. Thềm chia ra ba ngăn. Ngăn giữa ngăn cách với hai ngăn bên bằng hai rồng đá điêu khắc hiện thực khá sinh động, thân rồng dài trên 5m. Hai đầu thềm viền bằng hai phiến đá cũng dài như thân rồng ở ngăn giữa, chạm hình mây xoắn, cũng có thể coi đó là 2 con rồng cách điệu hóa.
Đằng sau điện Kính Thiên là Hậu Lâu, còn gọi là Tĩnh Bắc Lâu. Khi người Pháp mới chiếm thành Hà Nội, họ gọi đây là Pagode des dames tức “Chùa các bà”!. Năm 1876, một học giả Nam Bộ là Trương Vĩnh Ký ra thăm Hà Nội, có thấy lầu này nhưng ở tình trạng hư nát. Có lẽ vì vậy Pháp cho phá đi, xây vào đó một tòa nhà mới nhưng mô phỏng kiến trúc các điện miếu Việt Nam như ta thấy hiện nay. Tuy vậy, sàn lát gạch hoa và mỗi bậc thang lên lầu hai cao tới trên 30cm, rõ ràng là để cho nhà binh sử dụng. Vậy mà không biết từ đầu mà ngày nay lại nảy ra cái tên “ Lầu Công chúa”. Công chúa nào mà dám lên xuống các bậc thang quá cao như thế?
Đằng sau Hậu Lâu, cách tường vây khoảng 200m là cửa Chính Bắc, một trong năm cửa của tòa thành cổ may mắn thoát khỏi sự phá hủy toàn bộ thành này năm 1894. Mặt trước cửa này còn mang hai vết đạn đại bác mà quân Pháp đã bắn vào khi chúng đánh thành Hà Nội năm 1882. Cửa thành được giữ lại nhưng chúng cũng đã phá Vọng Lâu ở trên nền cổng thành, làm biến dạng phong cách kiến trúc. Nên năm 2000 thành phố đã cho làm lại Vọng Lâu để khôi phục vẻ đường bệ, chững chạc vốn có của nó.
Từ năm 2001, mọi người đã có thể vào thăm bốn khu vực là Cột Cờ, Đoan Môn, Hậu Lâu và Cửa Chính Bắc.

Tác giả: Nhà Hà nội học Nguyễn Vinh Phúc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất